Workshop Ý tưởng bảo tồn dinh Thượng Thơ – Một góc nhìn từ UAH

Thời gian vừa qua đã có rất nhiều chuyên gia cũng như người dân lên tiếng về việc lưu giữ, bảo tồn Dinh Thượng Thơ bởi các giá trị mà Dinh cũng như không gian lịch sử xung quanh. Mới đây nhất, workshop “Ý tưởng bảo tồn dinh Thượng Thơ” do Khoa Kiến trúc, Đại học Kiến trúc TP HCM thực hiện trong 2 tuần đã đề xuất một góc nhìn khác về vấn đề Bảo tồn và Phát triển khu vực trung tâm lõi lịch sử của đô thị TP HCM, cũng chính là vấn đề bảo tồn Dinh Thượng Thơ và xây dựng công trình mới nhằm phục vụ nhu cầu cải tạo mở rộng trụ sở làm việc của UBND TP HCM.

1. Hiện trạng khu vực

Nằm tại trung tâm đô thị lõi lịch sử TP HCM, gồm nhiều công trình có ý nghĩa lịch sử, giá trị về kiến trúc, nghệ thuật, khu đất dự kiến xây dựng công trình mở rộng trung tâm hành chính có vị trí quan trọng và là trọng điểm trong việc kết nối, điều hành và kiểm soát các hoạt động liên quan tới các vấn đề hành chính giữa các Sở ban ngành hiện nằm rải rác trong và ngoài khu trung tâm. Mối liên hệ này phản ánh lịch sử của đô thị Sài Gòn buổi đầu và là một trong những nhân tố làm nên đặc trưng tại trung tâm thành phố hiện nay.

Xuất phát từ yêu cầu mở rộng khu trung tâm hành chính của TP tại khu đất được giới hạn bởi 4 con đường Lý Tự Trọng, Đồng Khởi, Lê Thánh Tôn, Pasteur, nhóm nghiên cứu đã đề xuất giải pháp nghiên cứu khảo sát hiện trạng khu vực xung quanh khu đất, bán kính đi bộ tính từ khu đất là 500m, làm rõ các mối liên hệ giữa các công trình lịch sử, không gian lịch sử, các không gian công viên, cây xanh, mảng xanh và tiện ích cũng như hạ tầng đô thị tại khu vực. Từ đó, nhóm nghiên cứu đề xuất các giải pháp thiết kế phù hợp hoạt động của Trung tâm hành chính, đồng thời đảm bảo cho trung tâm lịch sử của thành phố phát triển bền vững, phát huy tốt các giá trị về lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật của các di tích.

Hinh 1: Khu vực với nhiều công trinh có giá trị (tô màu cam & nâu) (Nguồn: Nhóm nghiên cứu)

Các nội dung khảo sát phân tích, bao gồm:

+ Các công trình hiện hữu: Ghi nhận các công trình chínhvới lớp thời gian xây dựng theo từng thời kỳ (thời kỳ Pháp thuộc, thời kỳ Việt Nam cộng hòa và các công trình đương đại). (Hình 2)

+ Giao thông kết nối khu đất xây dựng với khu vực: Các trục đường như Đồng Khởi, Lê Duẩn, Nguyễn Huệ là những trục chính có giá trị lịch sử. Các tuyến đường Pasteur, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Lý Tự Trọng và Lê Thánh Tôn tuy một chiều nhưng là những tuyến đường kết nối xuyên trung tâm để đi đến các quận khác về các hướng nên mật độ các phương tiện giao thông luôn cao.

+ Khảo sát vị trí các công viên và mảng xanh. Làm rõ vị trí các công trình điểm mốc của đô thị, các công trình có giá trị lịch sử, kiến trúc, di tích lịch sử, di tích kiến trúc; làm rõ vị trí, chức năng và tính chất chủ yếu của các trục đường kết nối với khu đất: Trục cảnh quan lịch sử, trục văn hóa, trục hành chính, trục thương mại lịch sử, trục đa chức năng… Trên cơ sở đó, ghi nhận được sự thuận lợi và bất lợi của các trục đường tiếp cận khu đất để làm cơ sở cho các đề xuất tiếp theo. 

Hình 4: Nội dung phân tích hiện trạng (Nguồn: Nhóm nghiên cứu)

+ Các tiện ích đô thị như các bãi đỗ xe, tuyến lưu thông của giao thông công cộng (xe Bus), vị trí các trung tâm thương mại, khu vực mua sắm… 

Hình 5: Nội dung phân tích hiện trạng (Nguồn: Nhóm nghiên cứu)

+ Làm rõ vị trí hiện hữu của các Sở ban ngành hiện hữu trong thành phố và trong khu vực khảo sát. Đặc biệt lưu ý đến các Sở ban ngành trong danh mục dự kiến sẽ tập trung về khu vực ô trung tâm khi xây dựng công trình cải tạo mở rộng khu hành chính. 

Hình 6: Nội dung phân tích hiện trạng (Nguồn: Nhóm nghiên cứu)

+ Liên hệ với định hướng phát triển của thành phố từ đó lập ra các bản đồ thể hiện:

  • Các tuyến và nhà ga Metro đi qua khu vực khảo sát
  • Các bãi đỗ xe được hoạch định trong khu vực khảo sát 
Hình 7: Nội dung phân tích hiện trạng (Nguồn: Nhóm nghiên cứu)

2. Các phương án đề xuất

a. Đề xuất quy mô cho công trình cải tạo và mở rộng khu hành chính của UBNDTP

Theo nhiệm vụ thiết kế mới nhất từ sở Quy Hoạch Kiến trúc, lô đất nằm trong ranh giới bốn trục đường Đồng Khởi, Lê Thánh Tôn, Pasteur, Lý Tự Trọng có nhiệm vụ thiết kế được xây dựng để trở thành khu Hành chính với quy mô gồm 1.830 cán bộ nhân viên, diện tích sàn sử dụng 54200 m², mật độ xây dựng 60%, tầng cao được phép tối đa là 14,  phục vụ cho 8 sở ban ngành, bao gồm: Sở Nội vụ, Sở Công thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông vận tải, Ban chỉ huy phòng chống tham nhũng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Quy hoạch, Sở Xây dựng.

Như kết quả của quá trình khảo sát cho thấy, thực trạng khu trung tâm thành phố với sự đa dạng các thể loại công trình trên nhiều trục đường có các tính chất chức năng khác nhau, vừa đan xen chức năng hành chính, thương mại, lịch sử…, vừa là sự đan xen các công trình di tích qua nhiều thời kỳ, việc cần gìn giữ và bảo tồn các di sản kiến trúc cũng như không gian lịch sử là rất cần thiết. Vì thế, gia tăng thêm chức năng nếu ảnh hưởng hoặc phá vỡ cấu trúc này đều là điều cần hết sức thận trọng.

Khi cải tạo mở rộng khu hành chính với quy mô quá lớn như nhiệm vụ thiết kế đã đề ra sẽ dẫn đến những bất cập sau:

  • Không tận dụng hết khả năng sử dụng cơ sở vật chất của các sở ban ngành đã có;
  • Tăng thêm lượng người dồn về khu vực trung tâm;
  • Tăng thêm lượng xe cơ giới dồn về khu vực trung tâm;
  • Tạo thêm quá nhiều áp lực cho khu vực di sản ở khu trung tâm thành phố;
  • Xây mới công trình quá cao tầng, không tương thích, sẽ ảnh hưởng đến cấu trúc khu vực và các di sản hiện hữu.

Theo đó, nhiệm vụ thiết kế khu Hành chính tập trung với quy mô 8 sở ban ngành, 1830 nhân viên và 54200m² là chưa phù hợp.

Đề xuất quy mô mới cho đề án cải tại và mở rộng quy mô khu hành chính của TPHCM

Các Sở ban ngành với cơ sở vật chất có sẵn và đang hoạt động tốt, đề xuất giữ nguyên vị trí và cải tạo mở rộng cho phù hợp, đáp ứng nhu cầu hoạt động phát triển chung của thành phố.

Từ các số liệu cụ thể của nhiệm vụ thiết kế về số lượng cán bộ nhân viên của từng ban ngành, kèm theo các chỉ tiêu về diện tích sử dụng, sau khi tính toán, nhiệm vụ thiết kế mới được đề xuất cụ thể trong bảng sau:

b. Đề xuất định hướng thiết kế cho khu vực cải tạo mở rộng khu hành chính của TP

Các nguyên tắc thiết kế cho khu đất của tòa nhà

  • Bảo tồn, gìn giữ các di tích có giá trị và các di tích khảo cổ học nếu phát lộ được trong quá trình thi công;
  • Đảm bảo giữ được khoảng lùi hiện hữu của các di tích và khoảng lùi chung của trục phố;
  • Tháo dỡ các công trình cơi nới trong khu vực, nhường chỗ cho mảng xanh kết nối;
  • Xây dựng mối liên hệ xác định chiều cao tối đa cho phần công trình cải tạo hoặc xây mới xuất hiện trong khu đất của tòa nhà. Mối liên hệ này được xác định trên cơ sở tầm nhìn tính từ điểm giao hai trục chính Nguyễn Huệ và Lê Lợi, đồng thời đây cũng là khu vực là đầu mối giao thông công cộng, là các điểm của nhà ga Metro trong tương lai.
  • Kiến trúc cải tạo hoặc xây mới không được phá vỡ cấu trúc của khu đất và có sự ứng xử tôn trọng các công trình có giá trị của khu vực.
Hình 8: Phân tích hiện trạng để xác định chiều cao dự kiến

Dựa trên quy mô đề xuất và những nguyên tắc được xây dựng, các phương án sẽ tuân thủ việc gìn giữ các công trình là Trụ sở UBND TP hiện hữu (Dinh Xã Tây) và Sở Thông tin truyền thông (Dinh Thượng Thơ). Cụ thể là:

  • Công trình Dinh Thượng Thơ cần gấp rút được thiết lập hồ sơ và công nhận di tích để đưa vào danh sách di sản cần bảo tồn;
  • Đề xuất “tuyến di sản” liên kết cụm các công trình: Từ Dinh Độc Lập – Tòa án nhân dân TP, Thư viện Khoa học tổng hợp, Bảo tàng TP (Dinh gia Long) – Dinh Thượng Thơ – trục đường Đồng Khởi – Bưu điện TP – Nhà thờ Đức bà – Công viên 30/4. Đây cũng là đề xuất thuyết phục về việc gìn giữ lại kiến trúc Dinh thượng Thơ để tuyến di sản không bị đứt gãy.
  • Đề xuất giải pháp kết nối, khai thác các công trình trong tuyến di sản: Có biện pháp quản lý về thời gian người dân và du khách có thể tham quan các công trình trong tuyến di sản; hoặc khi tổ chức lại công năng trong công trình có phần không gian giới hạn nhất định để du khách có thể tham quan tất cả công trình trong các ngày. Điều này sẽ giúp gia tăng lượng khách du lịch, tạo nên sự hấp dẫn và là yếu tố giúp di sản khai thác thêm giá trị kinh tế của chính nó.
Hình 9: Tuyến di sản đề xuất

Phương án 1: Ngầm

  • Giữ nguyên trạng công trình UBNDTP và Dinh Thượng Thơ;
  • Đề xuất xây dựng mới tại phần đất còn lại;
  • Quy mô: 4 tầng hầm gồm 01 tầng hầm để xe và 03 tầng hầm văn phòng, kỹ thuật và phụ trợ;
  • Phần công trình nổi trên mặt đất sẽ được tổ chức quảng trường, sảnh đón, lối tiếp cận có mái che để xuống các tầng hầm, tạo hai trục cây xanh kết nối. Đặc biệt chú ý đến giải pháp để tạo “không gian ngầm” sinh động;
  • Kết nối tầng ngầm của khu hành chính với không gian ngầm dưới công viên Bách Tùng Diệp;
  • Giả thiết trong quá trình xây dựng, nếu phát lộ được các di tích khảo cổ học (như vị trí tường thành…), các di tích đó sẽ được tôn trọng để phục vụ công tác nghiên cứu cũng như tham quan. Cần thiết điều chỉnh thiết kế, không sử dụng hết toàn bộ diện tích tầng hầm, để lộ các mảng tường thành, có các biện pháp quản lý khai thác để nhà khoa học nghiên cứu và người dân có thể tham quan.

Hình 10: Phương án ngầm

Hình 11: Các mặt cắt cho không gian đề xuất của phương án ngầm

Hình 12: Giả thiết khi phát lộ gặp các di tích khảo cổ học của tường thành

Phương án 2: Tương phản

  • Giữ nguyên trạng UBNDTP và Dinh Thượng Thơ;
  • Xây dựng mới tại phần đất còn lại;
  • Quy mô: 5 tầng trên mặt dất dùng cho chức năng văn phòng, 2 tầng hầm để xe;
  • Thay đổi toàn bộ hình thức sở Giao thông vận tải hiện hữu, theo hướng hiện đại, hình khối đơn giản, tối giản chi tiết, diện tích thu nhỏ theo tầng cao, thấp dần về phía Dinh Thượng Thơ để tạo sự kết nối mềm mại;
  • Hoặc có thể sử dụng thủ pháp tương phản hoàn toàn với khối hộp đơn giản vuông vức,  không chi tiết, kính phản quang, có thể in bóng hai di tích lân cận

Hình 13: Giải pháp tương phản

Hình 14: Giải pháp tương phản

Phương án 3: Gìn giữ tối đa hiện trạng

  • Giữ nguyên trạng UBND TP, Dinh Thượng Thơ
  • Cải tạo lại công trình Sở Giao thông vận tải hiện hữu, lưu giữ giá trị kiến trúc đặc trưng của công trình này, trên cơ sở đánh giá Công trình sở Giao thông vận tải (GTVT) được xây dựng từ thời Việt Nam Cộng hòa, đại diện cho một lớp thời gian trong lịch sử của khu đất. Hình thức kiến trúc công trình từ những năm 1960-1970 với phong cách kiến trúc hiện đại nhiệt đới, sử dụng đường nét kỷ hà có tính toán phù hợp với khí hậu Việt Nam.
Hình 17: Tính toán chiều cao khi cải tạo sở Giao thông vận tải
Hình 20: các khu vực được tác động và không được tác động khi cải tạo công trình sở GTVT

Thay lời kết

Dinh Thượng Thơ là một công trình có giá trị và hiếm trong lịch sử, TP HCM cần được bảo tồn. Mọi tác động vào không gian xung quanh nó, cùng với các công trình “di sản lân cận” cần được xem xét kỹ lưỡng, và dưới góc độ “Bảo tồn”;

Khoa Kiến trúc Đại học Kiến trúc TP HCM, với vai trò là đơn vị tham gia Đề án Kiểm kê di sản của Sở Quy hoạch Kiến trúc, đồng thời là đơn vị đào tạo chuyên ngành Quy hoạch, Thiết kế đô thị, Kiến trúc ở TP HCM, cũng mong muốn đóng góp một góc nhìn mang tính học thuật cho vấn đề này. Các đề xuất do vậy, chưa thật sự xem xét nhiều khía cạnh chính trị, kinh tế và quản lý nhà nước,… Tuy nhiên, rõ ràng, qua kết quả workshop, việc nghiên cứu đề xuất nhiệm vụ mới cho công trình cải tạo mở rộng khu hành chính của TP là cần thiết, và cần quan tâm đến các vần đề sau:

  • Bảo tồn Dinh Thượng Thơ;
  • Giảm diện tích sàn sử dụng cho công trình xây dựng tại địa điểm này, đồng thời xây dựng mô hình quản lý ‘bán tập trung’, rà soát lại quỹ đất, tìm kiếm, bố trí khu đất mới bổ sung phần diện tích còn thiếu;
  • Xem xét lồng ghép các hoạt động công cộng, thương mại du lịch vào trong khu vực này, kết nối với tổng thể Quy hoạch mạng lưới khu vực lân cận.

Tài liệu tham khảo

-Bentley, I, 2012,Responsive Urban design, Bài giảng khóa học ngắn hạn, ĐH Kiến trúc tp HCM
-Relp,E, 1976, Place and Placeless, London: Pion
-Rudolf Ahnert, Karl Heiz Krause, 2000 Đặc trưng các thành phần kết cấu xây dựng từ 1860 tới 1960
-Nguyễn Nghị, 2006, Lịch sử Gia Định – Sài Gòn 1862 – 1945
-Trần Hữu Quang, 2012, Hạ tầng đô thị Sài Gòn buổi đầu
-Vu, Thi Hong Hanh, 2010,Kênh rạch và Bản sắc Đô thị Sài Gòn- HCM, Luận án Tiến sĩ, ĐH Oxford Brookes

TS KTS. Vũ Thị Hồng Hạnh,
ThS.KTS. Nguyễn Bích Hoàn,
ThS.KTS. Ninh Việt Anh

© Tạp chí kiến trúc