12 điều cần biết về chủ nhân giải thưởng Pritzker 2018: Balkrisna (B.V) Doshi

Kiến trúc sư Balkrisna (B.V) Doshi sinh năm 1927, tại Pune, Ấn Độ –  Một trong những KTS hiện đại được kính trọng tại đất nước ông sinh ra. Ở độ tuổi ngoài 90, Doshi đã được hội đồng giám khảo lựa chọn là chủ nhân giải thưởng Pritzker 2018. Để hiểu hơn về tân chủ nhân giải thưởng Pritzker này, cùng Tạp chí Kiến trúc điểm qua những điều thú vị về ông –  trong đó có mối quan hệ gần gũi giữa ông với Kiến trúc sư huyền thoại Le Corbusier.

1.

Văn phòng thiết kế Vastu Shilpa của Doshi, đã tạo nên một danh sách các công trình kiến ​​trúc “không thể bỏ qua” ở thành phố Ahmedabad, qua đó du khách có thể thấy thành phố và hiểu hơn bối cảnh mà Doshi thiết kế nên những công trình khi tới tham quan văn phòng của ông.

2. Từ năm 1951 đến năm 1955, BV Doshi thực tập tại Văn phòng kiến trúc ở Paris của Le Corbusier. Cho đến ngày nay, lối vào chính văn phòng Doshi vẫn giữ bức chân dung kiến ​​trúc sư người Thụy Sĩ này bên cạnh các biểu tượng của Nữ thần Durga và Chúa Ganesha.

3. Le Corbusier trao đổi với Doshi bập bõm bằng tiếng Anh. Nhưng sau này khi kiến ​​trúc sư Ấn Độ nhớ lại, ông đã đúc rút: “Khi bạn không biết ngôn ngữ, cuộc trò chuyện sẽ trở nên trực quan hơn.

4. Khi còn thực tập, ông không nhận được một khoản thù lao nào từ Le Corbusier. Năm 2017, Doshi nói với tờ Thời báo Ấn độ rằng ông không được hỏi đến hồ sơ năng lực, nhưng “đơn ứng tuyển nằm trong những bản phác thảo bằng tay của tôi.

5. Ông đến Mỹ lần đầu tiên vào 1959 để tham dự Quỹ học bổng Graham.

6. Doshi đã tham gia thiết kế Chandigarh, thủ phủ bang mới của Punjab (Chandigarh hiện như một thủ đô chung của bang Punjab và Haryana). Ông đã thiết kế khu vực không gian sống cho hàng ngàn công chức của chính phủ. Điều này giúp ông tiếp tục chú trọng đến việc tạo ra những không gian cộng đồng tốt nhất, đảm bảo các nhu cầu cơ bản và tiết kiệm chi phí.

7. Trong những năm 1960, Doshi mở Trường Kiến trúc ở Ahmedabad và sau năm 1972 được biết đến với tên gọi Trung tâm Quy hoạch và Công nghệ Môi trường (CEPT). KTS.Louis Kahn từng là một trợ giảng đầu tiên tại đây!

8. Một cái nhìn sâu hơn về khía cạnh kết cấu trong một số công trình của Doshi  là việc ứng dụng thực tế và sử dụng rộng rãi hệ tường chịu lực – những bức tường dày này hoạt động như những khối hút nhiệt rất hiệu quả trong khí hậu nóng ẩm ở Ấn độ

9. Từ năm 1967 đến năm 1971, ông là thành viên của Team 10( Nhóm KTS được thành lập vào 1953 tại Đại hội Quốc tế về Kiến trúc hiện đại (CIAM)) .

10. Doshi hợp tác với Moshe Safdie, KTS. Nader Ardalan (người Iran) và giáo sư Harvep Josep Lluis Sert để viết Tuyên ngôn nhân quyền được Chính phủ Iran đưa ra tại Hội nghị Nhân cư Liên hợp quốc ở Vancouver năm 1976.

11. Văn phòng thiết kế của ông được xây dựng trong khoảng 1979 – 1981 thể hiện rõ nét những nỗ lực của Doshi để gắn kết xu hướng hiện đại với các phương thức truyền thống của Ấn Độ.

12. Doshi tham gia hội đồng giám khảo của Pritzker từ 2005 đến 2009.

Anh Vũ – TCKT.VN
(Biên dịch từ Archdaily)
© Tạp chí kiến trúc