Giới thiệt đồ án đoạt giải nhất Cuộc thi ý tưởng Quy hoạch chung Côn Đảo

Năm 2007, Cuộc thi ý tưởng Điều chỉnh quy hoạch xây dựng Côn Đảo đến năm 2020 do UBND tỉnh (BR – VT) tổ chức đã thu hút nhiều đơn vị tư vấn danh tiếng trong và ngoài nước với nhiều ý tưởng độc đáo, có tính khả thi, nhằm xây dựng Côn Đảo trở thành khu kinh tế – du lịch và dịch vụ cao, đảm bảo mối quan hệ hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo tồn di tích lịch sử.

Thông qua bài giới thiệu đồ án đoạt giải của Công ty MHGolden Sand, chúng tôi muốn truyền đạt tới độc giả và đồng nghiệp mấy nội dung chính:
Hiện trạng và bối cảnh Côn Đảo, những vấn đề, thách thức, tiềm năng, những câu hỏi chính được đặt ra cho quy hoạch Côn Đảo.
Những giải pháp cơ bản mà đồ án đoạt giải nhất đã đề xuất cho Côn Đảo
Thông qua đó, giới thiệu một cách tổng quan phương pháp nghiên cứu, thể hiện bản vẽ của một đồ án theo phương pháp quy hoạch cấu trúc chiến lược.  

Côn Đảo nhìn từ trên cao

Phân tích hiện trạng:
Một trong những điểm mạnh của đồ án là phương pháp nghiên cứu và triển khai quy hoạch rất bài bản, chặt chẽ. Đồ án xuất phát từ việc nghiên cứu kỹ những đặc điểm, tiềm năng và bất cập hiện trạng của Côn Đảo, từ đó đề xuất giải pháp quy hoạch, cụ thể, phù hợp cho khu vực nghiên cứu, chứ không áp đặt một mô hình có sẵn, được coi là tốt ở nơi khác vào Côn Đảo. Việc phân tích hiện trạng trong đồ án Quy hoạch Côn Đảo có một số điểm khác biệt với phần lớn các đồ án khác, vì thế chúng tôi đặc biệt muốn giới thiệu ở đây để các đồng nghiệp tham khảo.
Lựa chọn tiêu chí phân tích:
Quan điểm của nhóm tác giả là: Chỉ chọn ra một số ít tiêu chí đánh giá có tính quyết định đến sự thành bại của quy hoạch và do đó liên quan trực tiếp đến giải pháp. Việc lựa chọn những tiêu chí này dựa theo kinh nghiệm của những đơn vị nghiên cứu hàng đầu trên thế giới, được đúc rút từ kinh nghiệm của rất nhiều vùng khác có điều kiện và đề bài tương tự. Theo chúng tôi, mỗi đồ án quy hoạch quan trọng đều cần có những tiêu chí khác nhau.
Cụ thể, trong đồ án dự thi, chúng tôi đã đánh giá tiềm năng Côn Đảo dựa trên 5 yếu tố chính được tạp chí Travel and Leisure cho là quyết định sự thành công của các hòn đảo du lịch nổi tiếng trên thế giới: Cảnh quan, Văn hóa – Nghệ thuật, Dịch vụ Du lịch, Cư dân bản địa, điều kiện kinh tế. (Mỗi hòn đảo có thể nổi bật về một, hai tiêu chí, tuy nhiên tại những hòn đảo du lịch nổi tiếng, cả 5 tiêu chí này đều phải đạt tới một mức độ nhất định).
Kỹ thuật thể hiện bản đồ phân tích hiện trạng
Thông thường, phần phân tích hiện trạng ở nhiều đồ án quy hoạch trong nước chỉ dừng lại ở mô tả, bảng biểu, cuối cùng chỉ có một bản đồ hiện trạng sử dụng đất tổng hợp, gần như khâu phân tích hiện trạng sẽ rất ít có tác dụng đến giải pháp quy hoạch không gian, trừ những chỉ tiêu mang tính định hướng. Trong đồ án của chúng tôi, gần như tất cả các yếu tố phân tích hiện trạng đều được thể hiện trên bản đồ, theo phương pháp phân tích cảnh quan của I. McHarg.

Bản đồ định hướng phát triển không gian kiến trúc cảnh quan khu trung tâm

Giải pháp quy hoạch
Phương pháp quy hoạch của chúng tôi là quy hoạch cấu trúc chiến lược, bao gồm 2 yếu tố chính:
– Tầm nhìn tổng quan (vision)
– Các dự án chiến lược, có tác dụng quyết định tới việc hiện thực hóa tầm nhìn
Phương pháp này dựa trên quan điểm không áp đặt dàn trải, chỉ quy hoạch những gì có thể quy hoạch và mang tính quyết định, chứ không cần đưa ra giải pháp cho mọi diện tích đất trong khu vực nghiên cứu. Tất nhiên, chúng tôi cũng đưa ra bản đồ quy hoạch sử dụng đất và thiết kế không gian kiến trúc cảnh quan cho phù hợp với thông lệ Việt Nam, nhưng những bản đồ này chỉ có giá trị minh họa, tham khảo, không khống chế cứng nhắc nội dung quy hoạch cho tất cả diện tích đất trên đó.
Tầm nhìn (vision): Côn Đảo – Hòn đảo tự do
Sau khi phân tích 5 yếu tố cơ bản quyết định đến sự thành bại của một hòn đảo du lịch. Chúng tôi thấy Côn Đảo  hiện không có một yếu tố nào đạt mức tầm cỡ thế giới, đủ để gây dựng nên thương hiệu. Mặt khác, với hiện trạng như ngày nay thì trong tương lai gần, cũng chỉ có thể phát huy, củng cố, nâng cấp những thứ đã có và vẫn rất khó có thể nâng một yếu tố nào lên được hàng đầu. Sau khi suy nghĩ, phân tích kỹ đề bài của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt “Cần phải biến Côn Đảo từ địa ngục trần gian thành thiên đường dưới hạ giới”, chúng tôi nhận thấy bản chất sâu xa nhất của việc biến đổi này chính là từ một biểu tượng của tù ngục thành một thiên đường của tự do. Côn Đảo tương lai sẽ khác hẳn quá khứ, không phải vì cảnh quan khác đi, không phải vì nhà cửa mới, dịch vụ nhiều, mà chính là vì nó sẽ là biểu tượng của Tự Do, chính những nhà cách mạng xưa kia đã ươm mầm tự do ngay trong xiềng xích của tù ngục và từ đó đã giải phóng được đất nước. Nhưng việc giải phóng đất nước mới là bước đầu, hạt giống tự do mới mọc thành cây non, để dẫn tới một xã hội tự do, dân chủ về mọi mặt còn một chặng đường trưởng thành rất dài, mà chúng tôi hy vọng Côn Đảo sẽ vẫn giữ vai trò tiên phong trong tương lai.
Các dự án chiến lược
Trọng tâm của giải pháp quy hoạch nằm ở 5 nhóm dự án chiến lược, nhằm tập trung nâng cấp 5 yếu tố quyết định đã được phân tích ở trên. Ngoài việc nâng cấp các tiêu chí này, tất cả các dự án chiến lược đều hướng tới việc xây dựng một không khí, môi trường hay là đặc trưng về tự do.

Bản đồ cảnh quan khu công viên sinh thái

1. Nhóm giải pháp cảnh quan:
Trong phạm vi quy hoạch chung, điều quan trọng nhất là chốt lại những khu vực bảo tồn nghiêm ngặt, vùng phụ cận và những vùng được phép phát triển, làm cơ sở khung pháp lý cho quy hoạch Vườn Quốc gia Côn Đảo. Ngoài ra, quy hoạch chung cũng đề xuất một số logic phân tích cảnh quan thiên nhiên Côn Đảo thành những tiểu vùng sinh thái đặc trưng, nhằm định hướng cho việc phục hồi, phát huy và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên. Điều cần nhấn mạnh ở đây là không chỉ chương trình sử dụng tài nguyên sinh thái, mà là việc cải tạo, phát triển tài nguyên này mới là quan trọng. Đây là điểm tương đối khác biệt đối với nhiều quy hoạch sử dụng danh thắng hiện nay ở Việt Nam. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào cảnh quan thiên nhiên thì sẽ không đủ, cần có thêm những giải pháp cải thiện cảnh quan nhân tạo.
Về cảnh quan nhân tạo, chúng tôi muốn đưa ra hai giải pháp rất cực đoan, nhằm tạo ra một “tiếng vang” lớn, một sức hấp dẫn đặc biệt mới cho Côn Đảo. Nguyên lý là “Biến thiếu thành thừa”. Côn Đảo có hai thứ thiếu nhất: diện tích đất bằng và nước ngọt,. Chúng tôi quyết định dành phần diện tích bằng phẳng lớn nhất trong khu trung tâm để làm cánh đồng hoa. Khi đó, sự xa xỉ sẽ được thể hiện một cách rõ nét, đồng thời cũng là thể hiện xứng đáng đối với “Bàn thờ Tổ quốc”, khi mà cánh đồng hoa mênh mông đó nằm ngay sát khu nhà tù và nghĩa trang Hàng Dương. Chúng tôi đề xuất việc làm một hệ thống hồ thu nước ở chân tất cả các mạch nước suối rồi bơm ngược lên trên một hệ thống bể, hồ trên núi, ở những vùng không có rừng nguyên sinh. Như vậy, chúng ta sẽ tạo ra những cảnh quan nhân tạo lớn kiểu như ruộng bậc thang hay hệ thống dẫn nước của La Mã… Gắn với hệ thống hồ, bể nước này sẽ là tiền đề để những khu du lịch, nghỉ dưỡng trên núi (lưu ý: chúng tôi chỉ đề xuất phát triển hồ nước và du lịch ở những vùng núi có hiện trạng rừng đã cạn kiệt, gần như không còn cây gỗ, chứ không động đến vùng lõi bảo tồn của Vườn Quốc gia). Hai giải pháp cảnh quan nhân tạo mang tính cực đoan này cũng có thể coi như đóng góp của cảnh quan vào yếu tố tự do – tự do trong kiến tạo, ở mức độ cho phép, đối với không gian cảnh quan.

2. Nhóm giải pháp Văn hóa – nghệ thuật:
Việc đầu tiên là cần phải có biện pháp thích hợp đối với toàn bộ khu di tích trong khu trung tâm, vốn quy mô kiến trúc rất tế nhị, nhỏ bé và rải khắp vùng, bị hư hỏng, tàn phá nhiều. Điều đầu tiên là không thể xây dựng trong và gần khu vực di tích, vì mọi công trình mới sẽ có nguy cơ lấn át di tích. Việc thứ hai là phải có giải pháp đồng bộ, nhằm kết nối các mảnh di tích khắp nơi thành một bảo tàng ngoài trời, nhằm tái hiện toàn bộ khung cảnh Côn Đảo và đời sống của người tù ngày xưa, từ chỗ giam, chỗ lao động, làm việc, hoạt động, vượt ngục… Ngoài ra, chúng tôi đặc biệt quan tâm tới một giải pháp xứng tầm cho nghĩa trang Hàng Dương, nơi có vai trò đặc biệt, xứng tầm với bàn thờ Tổ Quốc.
Chúng tôi đề xuất một nhóm giải pháp nhằm biến Côn Đảo thành trung tâm của tự do trong văn hóa nghệ thuật, những làng nghệ sỹ, những nhà tổ chức triển lãm, liên hoan phim, liên hoan âm nhạc… Với mong rằng, Côn Đảo có thể trở thành một mảnh đất thiêng của hoạt động tự do trong sáng tạo nghệ thuật, nơi ai cũng có thể, có quyền thể hiện những mơ ước, khát vọng thông qua các sáng tạo nghệ thuật của mìnhthường thấy.

Bản đồ định hướng phát triển không gian kiến trúc cảnh quan

3. Nhóm giải pháp dịch vụ du lịch:
Về các tiện ích dịch vụ du lịch, 3 vấn đề cơ bản được đặt ra là: Làm sao để người nghèo và người giàu đều có thể tới Côn Đảo? Làm sao để thu được tiền một cách đáng kể? Làm sao để ít ảnh hưởng đến không khí linh thiêng của khu di tích và hệ sinh thái vườn quốc gia?
Chúng tôi đặt trọng tâm vào du lịch nghỉ dưỡng, chú ý đến sự yên tĩnh, chăm sóc sức khỏe, môi trường sinh thái… Gắn liền với ý tưởng này là một loạt giải pháp đi kèm như hệ thống giao thông không khói, không tiếng ồn, nhà ở và hạ tầng sinh thái, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, vật lý trị liệu, spa, thiền, yoga… Những hoạt động này có thể dung hòa cả người giàu lẫn người nghèo, và do nhu cầu nghỉ thường là dài ngày nên sẽ là nguồn thu đáng kể và ổn định hơn là nguồn khách vãng lai.

4. Nhóm giải pháp dân cư:
Dựa trên dân số hiện hữu của Côn Đảo, đa phần là bộ đội và gia đình, một ít công chức cấp huyện xã, và một ít nông ngư dân xuất thân tứ xứ thì khó có thể tạo ra một bản sắc và cung cấp được dịch vụ du lịch cao cấp. Cần có giải pháp để thu hút một số người, chuyên làm dịch vụ, những người khách hàng thường xuyên, có tầm ảnh hưởng lớn,  ví dụ như bình chọn công dân danh dự, hộ chiếu danh dự, những biệt thự, phòng khách sạn khuyến mãi dài hạn… Côn Đảo có thể thu hút du khách người Việt Nam và nước ngoài. Bên cạnh đó, có thể nâng cấp dân cư hiện hữu, bằng cách đào tạo cho họ một vài nghề gì đó thật đặc biệt, để họ có thể tham gia vào quá trình phát triển của địa phương. Chỉ có như vậy thì người dân mới thực sự có trách nhiệm và nhiệt tình, và điều này sẽ quyết định thành công của dự án.
5. Nhóm giải pháp kinh tế, tiền tệ:
Điều quan trọng nhất là phải tạo ra một môi trường đầu tư và kinh doanh thật thuận lợi, với những chính sách nhanh gọn về thủ tục, hỗ trợ thông tin, giảm miễn thuế má. Có thể coi Côn Đảo như một đặc khu kinh tế, hay một ốc đảo tự do kinh tế.
Phải chủ động định hướng một số ngành kinh tế mũi nhọn, có tiềm lực phát triển lớn mà không ảnh hưởng đến di tích và môi trường, tìm cách thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư riêng về lĩnh vực này, ,đồng thời hạn chế những ngành nghề có khả năng gây bất lợi.  Những lĩnh vực đặc biệt quan trọng là dịch vụ, nghệ thuật, sáng tạo… ít gắn với việc khai thác nguyên liệu từ thiên nhiên, mặt khác lại có tỷ lệ lợi nhuận và khả năng tăng trưởng rất nhanh.

Thay lời kết:
Trong tiêu đề “Tự Do”, chúng tôi đã tìm thấy một mẫu số chung cho cả những nỗ lực tương lai và bản chất oanh liệt của quá khứ Côn Đảo. Vì thế, mọi giải pháp, nỗ lực của chúng tôi đều xoay quanh khái niệm này. Những giải pháp chúng tôi đưa ra có thể chưa hay, chưa thực tế, cần được điều chỉnh; tuy nhiên, chúng tôi luôn hy vọng rằng Tự Do sẽ có thể trở thành khẩu hiệu cho phát triển Côn Đảo lâu dài, và sẽ ngày một trở nên hiện thực hơn.

TS. KTS.Phó Đức Tùng Công ty MHGolden Sand