Cuộc thi “Tuyển chọn phương án Quy hoạch và Kiến trúc Tổ hợp căn hộ, khách sạn và dịch vụ cao cấp Tây Hồ View” do Công ty TNHH Khách sạn và du lịch Tây Hồ View phối hợp với Viện Kiến trúc – Hội KTS VN tổ chức được phát động từ ngày 15/10 đến ngày 30/11/2011. Cuộc thi đã nhận được 05 phương án dự thi của 5 đơn vị tư vấn thiết kế quốc tế có uy tín trên thế giới.
Hội đồng tuyển chọn đã được thành lập gồm những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực quy hoạch kiến trúc trong nước và quốc tế, đại diện Chủ đầu tư và các cơ quan quản lý Kiến trúc – Xây dựng Nhà nước, Tp Hà Nội

Phát biểu tại Lễ Công bố cuộc thi, KTS Nguyễn Tấn Vạn – Chủ tịch Hội KTS Việt Nam khẳng định “Hội KTS rất hoan nghênh các nhà đầu tư tổ chức các cuộc thi tuyển kiến trúc để có dịp tìm hiểu nhiều nhà tư vấn, tham khảo nhiều ý tưởng kiến trúc độc đáo trước khi có quyết định cuối cùng. Điềunày cũng chính là nguyện vọng của các nhà tư vấn – mong muốn tìm được người đồng hành tin cậy để tạo nên được những tác phẩm vừa đóng góp cho xã hội vừa mang lại lợi ích của chủ đầu tư”.
Để có thể phân tích, đánh giá các phương án dự thi và đề xuất tuyển chọn phương án tốt nhất một cách khoa học, công bằng và khách quan. Hội đồng giám khảo đã cùng bàn bạc, thảo luận và thống nhất các tiêu chí chấm chọn như sau:
1. Yêu cầu về quy hoạch: tỉ trọng 20%
– Đảm bảo các tiêu chí và chỉ tiêu khống chế qui hoạch.
– Khai thác các đặc thù vị trí địa điểm khu đất xây dựng
– Bố trí tổng mặt bằng hợp lý, tổ chức tốt giao thông đối nội, đối ngoại, phân khu chức năng, bố cục không gian phù hợp khu đất, hài hòa kiến trúc xung quanh, tạo môi trường cảnh quan đẹp
2.Yêu cầu về Kiến trúc : tỉ trọng 60%
– Bám sát nhiệm vụ thiết kế
– Giải quyết tốt sơ đồ dây chuyền công năng, mối quan hệ giữa các bộ phận, đảm bảo yêu cầu các dây truyền hoạt động thuận tiện
– Mặt bằng, không gian kiến trúc phù hợp hoạt động và bố trí trang thiết bị
– Hình thức kiến trúc hiện đại, đẹp, phù hợp tính chất công trình, khuyến khích sáng tạo tính đặc trưng độc đáo của công trình.
3. Giải pháp kỹ thuật: tỉ trọng 20%
– Giải pháp kỹ thuật đồng bộ, tiên tiến, thích ứng, an toàn, tiết kiệm năng lượng, đảm bảo khả năng phát triển và hiện đại hóa
– Phương án có tính khả thi, kinh tế trong xây dựng và vận hành sử dụng.
Nhìn chung, cả 05 phương án dự thi đều đạt chất lượng tốt, thể hiện những ý tưởng phong phú, giải pháp sáng tạo và khả thi. Sau nhiều vòng trao đổi, thảo luận thậm chí cả tranh luận và cuối cùng bỏ phiếu, Hội đồng đã thống nhất trao giải Nhất cho Công ty TNHH Thiết kế châu Á Kume (Nhật Bản), và phương án đạt giải Nhì cho Công ty TNHH Thiết kế Hyder (Anh). Cuộc thi không có phương án đạt giải Ba và khuyến khích.
Phương án đạt giải Nhất của công ty Kume nhận được sự đồng tình tuyệt đối của Hội đồng giám khảo với hình tượng Rồng bay lên từ truyền thuyết Hồ Tây độc đáo. Lấy ý tưởng từ các di tích kết hợp với hình tượng hoa sen đặc trưng của cảnh sắc và thiên nhiên Tây Hồ, phương án đã đề xuất ý tưởng một vòng xoáy thời gian – xuất phát từ mặt hồ, chuyển qua khối nhà thấp tầng và xoáy dần lên tạo cảm giác vươn lên mạnh mẽ, nhưng uyển chuyển như con rồng vươn lên bầu trời sau một thời gian ngủ yên dưới đáy hồ Tây. Nhìn nhận về phương án đạt giải Nhất, Ông Laurie Wilson – Thành viên Hội đồng giám khảo đã không tiếc lời tán thưởng:“Đây là một phương án đẹp về kiến trúc, các tòa nhà uốn lượn rất giống hình ảnh Rồng, rất nên thơ và nhân văn đã tạo cảm hứng cho người chiêm ngưỡng. Hình khối tháp 70 tầng được xử lý tốt không tạo cảm giác quá to cho người nhìn. Phần khối đế có hành lang chung, tạo nên hướng nhìn thoáng rộng ra hồ”. Ông Salvador Perez Arroy cũng bày tỏ sự hài lòng về hình khối công trình tuy đơn giản nhưng rất đẹp mắt. Tuy nhiên, ông hơi lo ngại về mảng tường dài ở khu thấp tầng cộng với với việc chi phí cho các căn hộ có 4 mặt tiền sẽ rất tốn kém chi phí xây dựng. Dưới góc độ của các chuyên gia Việt Nam, hình tượng Rồng bay lên là một hình ảnh đẹp, độc đáo, những khối nhà được bố trí từ thấp đến cao được bố trí hợp lý, không làm ảnh hưởng cảnh quan ven hồ, đảm bảo tầm nhìn tối đa cho các căn hộ cũng như thông gió, chiếu sáng tự nhiên, môi trường sống tiện nghi. Song, điều các chuyên gia lo lắng là sự chất tải của công trình lên hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội xung quanh khi công trình cao đến 70 tầng đi vào vận hành sử dụng? Tuy nhiên, phần trả lời của đơn vị tư vấn khiến các Hội đồng hải lòng vì sự tính toán cẩn trọng của đơn vị tư vấn. Trả lời câu hỏi của GS. Nguyễn Việt Châu về khả năng phải giảm bớt qui mô tức phải hạ thấp độ cao công trình thì tác giả sẽ hạ thấp phần nào (phần đầu rồng hay thân rồng). Đại diện Công ty Kume cho biết:“ Mặt khác, tuy hình khối đơn giản bên ngoài, song bên trong công trình có rất nhiều điểm nhấn – với việc tạo ra các kênh đào, cụm công trình như một thành phố nhỏ được bao quanh bằng nước khiến toàn bộ công trình có cấu trúc rất bền vững và sống động. Nếu cần giảm bớt qui mô, chúng tôi sẽ giảm hạ thấp độ cao toàn bộ các phần để đảm bảo tỷ lệ cân đối, hài hòa và điều đó sẽ không ảnh hưởng gì đến bố cục, hình khối cũng như ý tưởng, hình tượng rồng của dự án”.
Đối lập với cách đặt vấn đề có phần uyển chuyển của Phương án đạt giải Nhất, Phương án đạt giải Nhì của Công ty TNHH Hyder Việt Nam khẳng định ngay tầm quan trọng của Dự án Tây Hồ view – như là biểu tượng mới của Thủ đô Hà Nội mở rộng. Vì vậy, phương án đề xuất công trình có chiều cao tuyệt đối nhằm tạo nên tác động thị giác đáng kể trong diện mạo của Hà Nội nhiều năm tới. Khu A: Căn hộ cao cấp cho thuê, khách sạn 5 sao và các Dịch vụ hỗ trợ – Chiều cao công trình tối đa 70 tầng; Khu B: Căn hộ cao cấp để bán, chiều cao công trình tối đa 15 tầng. Công trình giảm dần chiều cao về phía Tây theo kiểu giật cấp để khai thác vị trí đắc địa của khu đất , và tạo cơ hội để các khu căn hộ và khách sạn tiếp xúc tối đa với mặt nước và khung cảnh thiên nhiên quanh hồ. Đồng thời, cho phép tiếp xúc rộng hơn với không gian đô thị: các tầm nhìn bao quát ra Hồ Tây, Sông Hồng và trung tâm Hà Nội. Công trình dễ dàng được nhận dạng từ khoảng cách xa, như một hình ảnh biểu tượng của Hà Nội đơn giản nhưng mạnh mẽ. HÌnh ảnh hai ngọn tháp được ví như hình ảnh của đôi rồng vươn lên mạnh mẽ trên bầu trời Hà Nội.
KTS Nguyễn Tấn Vạn cho rằng phương án như kéo hồ vào trong cộng đồng, tạo được cảnh quan nối kết, tạo sức sống cho khu vực, tuy nhiên, hình dáng hai ngọn tháp gần giống Tháp đôi của Malaysia cũng khiến không ít ủy viên Hội đồng băn khoăn. Còn theo Ông Salvador Perez Arroyo, công trình có kiến trúc hiện đại, hai tòa tháp tách nhau có đường kết nối ở giữa là một ý tưởng tốt. Song Ông Lawrie Wilson thì cho rằng khối cao tầng quá cao và rộng. Mặc dù phần kỹ thuật rất tốt, nhưng bị ảnh hưởng quá nhiều bởi kết cấu nên phần nào làm mất đi vai trò của KTS trong dự án. Tuy nhiên, các nhà tư vấn Hyder khẳng định, không thể gọi đây là Petronax thứ hai được vì hình khối công trình không bằng nhau, mà là công trình giành riêng cho Hà Nội với hình khối đặc trưng. Tư vấn cũng khẳng định đồ án được thiết kế linh động đảm bảo các yếu tố dài hạn và ngắn hạn, đặc biệt là xu thế tổng hợp các dịch vụ trong một tổ hợp. Bên cạnh đó, các vấn đề về bảo dưỡng, năng lượng sử dụng vật liệu cũng đã được tính toán cẩn trọng để đảm bảo công trình tồn tại bền vững với thời gian.
Với hai hình tượng Rồng bay lên tại Tòa Tháp Vặn và hình tượng đôi rồng trên bầu trời tại tháp Đôi, phương án của Kume Sekkei và Hyder đã giành được phiếu bình chọn nhiều nhất của Các chuyên gia và đại diện Nhà đầu tư . Điều này cho thấy, Hà nội thật sự cần một công trình có ý nghĩa biểu tượng của Thăng Long – Hà Nội, thể hiện được niềm tự hào về bề dày văn hóa lịch sử của dân tộc và xu thế phát triển của Hà Nội trong tương lai. Chúng ta tin tưởng rằng, 2 đồ án đạt giải trong Cuộc thi quan trọng này sẽ là tiền đề để Chủ đầu tư hoàn thành trọng trách của mình trong việc tạo dựng một công trình đẹp, có ý nghĩa cho Thủ đô.
Hội đồng giám khảo gồm:
Ông Nguyễn Tấn Vạn – Chủ tịch Hội KTS VN – Chủ tịch Hội đồng
Ông Nguyễn Văn Hải – Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội – Phó Chủ tịch Hội đồng
Ông Bùi Xuân Hồi – Đại diện Chủ đầu tư
Ông Đinh Hồng Thái – Vụ trưởng Vụ quản lý Xây dựng – Văn phòng Trung ương Đảng
Ông Nguyễn Thúc Hoàng – Nguyên Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam
Ông Doãn Minh Khôi – Viện trưởng Viện Quy hoạch và Kiến trúc đô thị – Đại học Xây dựng Hà Nội
Ông Nguyễn Việt Châu – Tổng biên tập Tạp chí Kiến trúc
Ông Nguyễn Tiến Thuận – Công ty HAAI – Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội
Ông Vương Anh Dũng – Vụ trưởng Vụ Quy hoạch – Kiến trúc (Bộ Xây dựng)
Ông Salvadoz Perez Arroyo – Thành viên Piter Cook ở Luân Đôn – Quốc tịch Tây Ban Nha
Ông Lawrie Wilson – Nhà đô thị học Australia