Khu đại học Phố Hiến – Hưng Yên: “miền đất ngọt ngào” chào đón các nhà đầu tư

Tôi không muốn nói đến Hưng Yên theo cách thông thường – như một “cánh cửa rộng mở” hay “điểm đến” dành cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tôi dùng khái niệm “miền đất ngọt ngào” – Sweetland – không chỉ bởi hình dung về vị ngọt của vùng đất nhãn, mà còn vì những điều kiện đảm bảo cho các doanh nghiệp khai thác hiệu quả nguồn vốn đầu tư của mình. Về điều này, trên thực tế – Khu ĐH Phố Hiến thực sự là một Sweetland.

Theo dòng Sự kiện:
Cuộc thi quốc tế ý tưởng Quy hoạch kiến trúc Khu Đại học Phố Hiến – Hưng Yên

(ThS Doãn Anh Quân trao giải Khuyến khích cho Viện Kiến trúc Quy hoạch đô thị và Nông thôn – Bộ Xây dựng)

Hưng Yên nằm ở trung tâm đồng bằng sông Hồng, thuộc Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và Vùng Thủ đô Hà Nội, được xác định là vùng động lực phát triển kinh tế và thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá của đất nước. Đây là vùng có ưu thế trong việc hội nhập với nền kinh tế khu vực Châu Á và thế giới thông qua mở rộng các hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu và tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước.

(Trung tâm thành phố Hưng Yên về đêm)

Đến năm 2007, sau 10 năm tái lập, Hưng Yên không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư vào địa bàn tỉnh. Với sự nỗ lực cao độ của lãnh đạo và nhân dân tỉnh Hưng Yên, với những giải pháp sáng tạo và định hướng phát triển kinh tế – xã hội đúng đắn, Hưng Yên đã trở thành một trong những điểm sáng về thu hút đầu tư, kinh tế tăng trưởng nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giá trị sản xuất công nghiệp tăng trên 10 lần và từ tỉnh đứng thứ 43 về giá trị sản xuất công nghiệp. Hưng Yên đã vươn lên thuộc nhóm 15 tỉnh có giá trị sản xuất công nghiệp cao nhất của cả nước.

Khi xây dựng chiến lược phát triển kinh tế – xã hội và văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Hưng Yên xác định tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, dựa trên nền tảng truyền thống văn hiến và cũng là một trong những tỉnh đi đầu trong giáo dục phổ thông. Khi làm việc với đoàn công tác của Chính phủ nghiên cứu xây dựng chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của Vùng đồng bằng sông Hồng và Vùng Thủ đô Hà nội, tỉnh đã đề xuất nhận trách nhiệm tham gia đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng. Đề xuất này đã được Trung ương xem xét, trong Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 14-9-2005 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh Đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 định hướng đến năm 2020 – xác định Hưng Yên là một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực của vùng.

(Hình bên: Hình ảnh một trung tâm Khu Đại học Phố hiến theo ý tưởng của đơn vị Viện Kiến trúc Quy hoạch đô thị và Nông thôn – Bộ Xây dựng)

Với tinh thần trên, sau khi nghiên cứu về định hướng phát triển các trường đại học trong cả nước, tỉnh đã đề xuất cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng “Đề án xây dựng Khu Đại học Phố Hiến”, với mục tiêu là xác lập mô hình mới về tổ chức xây dựng, đầu tư các Cơ sở giáo dục, Cơ sở nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ theo hướng tập trung, gắn với hiện đại hoá các cơ sở giáo dục theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế; góp phần phân bổ mạng lưới cơ sở giáo dục Vùng Thủ đô Hà Nội, Vùng đồng bằng sông Hồng; giãn bớt một số cơ sở giáo dục từ nội thành Hà Nội, tạo điều kiện mở rộng, cải tạo, đầu tư xây dựng mới Cơ sở giáo dục theo hướng chuẩn hoá. Đây cũng là xu hướng tiên tiến được áp dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới: xây dựng các khu Đại học tập trung đa ngành, nhằm tận dụng tối đa các yêu cầu sử dụng chung về hạ tầng kỹ thuật và những công trình hỗ trợ học tập trong khuôn viên xây dựng Khu đại học, đồng thời mô hình này cũng cho phép giảm kinh phí đầu tư và tiết kiệm quỹ đất xây dựng, về lý thuyết có thể tiết kiệm tới 30% quỹ đất – một vấn đề mấu chốt trong phát triển các trường hiện nay. Đề án này là một hoạt động trọng tâm nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ của tỉnh trong việc thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 14-9-2005 của Bộ Chính trị. Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ đã ra  Quyết định 999/QĐ-TTg  phê duyệt ngày 10 -7- 2009.

 Khu đại học Phố Hiến khi được triển khai đưa vào hoạt động sẽ là một trong những Khu đại học đầu tiên trong quy hoạch các Khu, cụm Đại học của Việt Nam; góp phần quan trọng trong việc triển khai thực hiện chiến lược đào tạo nguồn nhân lực, quy hoạch mạng trường đại học, cao đẳng; đánh dấu một bước chuyển về chất trong phát triển và phân bố mạng lưới trường trên phương diện quy hoạch vùng và quy hoạch xây dựng đô thị, phù hợp với xu hướng tiên tiến của thế giới…

Với những ưu điểm  vượt trội của một Khu đại học tập trung như cơ sở  vật chất chất lượng cao, các dịch vụ phục vụ đào tạo nghiên cứu và môi trường sống (như giảng đường, ký túc xá, cơ sở thí nghiệm, cơ sở giáo dục thể chất…) hiện đại, thuận lợi, chi phí sinh hoạt hợp lý hơn ở các đô thị lớn… Khu đại học Phố Hiến với quy mô đào tạo từ 80 ngàn đến 100 ngàn sinh viên, mỗi năm đào tạo từ 20 đến 25 ngàn sinh viên sẽ là một nhân tố quan trọng để phát triển nguồn nhân lực, góp phần tháo gỡ “điểm nghẽn” về thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao cho các nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của vùng và địa phương. Là nơi tập trung các giảng viên, các nhà khoa học trong và ngoài nước, cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại.., Khu đại học Phố Hiến sẽ trở thành một trung tâm nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ cao, công nghệ mới. Các khu, cụm công nghiệp trong bán kính 10 – 15 km xung quanh Khu đại học như  KCN Kim động, Quán đỏ (Hưng Yên), Hoà Mạc, Đồng Văn (Hà Nam), Hưng Nhân (Thái Bình) sẽ có sự chuyển dịch quan trọng về chất, trở thành các khu công nghiệp thực nghiệm, ứng dụng công nghệ cao của các cơ sở nghiên cứu, phát triển trong Khu đại học Phố Hiến.

Một hệ quả tích cực khi giáo dục đại học của vùng phát triển, với sản phẩm là nguồn nhân lực chất lượng cao được xã hội chào đón, tiếp nhận, các bậc học phổ thông trong vùng sẽ được tạo thêm động lực phát triển, đẩy mạnh phong trào học tập, nâng cao chất lượng giáo dục và nâng cao dân trí trên địa bàn tỉnh nói riêng và khu vực lân cận nói chung.

(Một góc khu đô thị phố hiến theo ý tưởng của đơn vị: Công ty KSP Jurgen Engel Architekten)

Bên cạnh tác động to lớn đối với ngành giáo dục, đặc biệt là đào tạo đại học, Khu đại học Phố Hiến sẽ góp phần điều hoà sự phát triển của hệ thống đô thị trong vùng, giải quyết sự quá tải về dân số, giảm tải cho hệ thống giao thông đô thị, tạo điều kiện cho việc giải các bài toán về giao thông đô thị, nhà ở và các dịch vụ công cộng khác của Thủ đô Hà Nội. Đồng thời,  Khu Đại học Phố Hiến sẽ là một động lực lớn, đẩy nhanh tiến trình đô thị hoá khu vực Thành phố Hưng Yên và vùng phụ cận (các huyện Nam Hưng Yên, Bắc Thái Bình, Đông Bắc Hà Nam, Tây Hải Dương…) – khu vực có tỷ lệ dân số sống trong đô thị thấp so với bình quân chung của cả nước (dưới 20%) một cách có quy hoạch, có lộ trình cụ thể.

Trong giai đoạn đầu, khi những cơ sở đào tạo đầu tiên mới hoạt động ở đại học, Thành phố Hưng Yên sẽ là nơi cung cấp các dịch vụ dân sinh thiết yếu cho cán bộ và sinh viên của những cơ sở này. Khi Khu đại học phát triển đến quy mô nhất định, với những cơ sở dịch vụ tiên tiến, đa dụng vừa phục vụ khu đại học và dân sinh của thành phố thì Khu đại học Phố Hiến sẽ có vai trò đặc biệt. Trước hết, đối với Thành phố Hưng Yên, việc tăng dân số cơ học cả chục vạn người (tương đương với dân số của một đô thị loại ba) với chất lượng dân số đặc thù, phần lớn là trí thức, sẽ làm thay đổi về chất của đô thị Thành phố Hưng Yên – đủ điều kiện để phát triển các dịch vụ dân sinh chất lượng cao, thúc đẩy các ngành sản xuất phát triển, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. Nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc bộ, việc đô  thị hoá của thành phố Hưng yên sẽ đẩy mạnh sản xuất lương thực – thực phẩm theo hướng sản xuất hàng hoá chất lượng cao, cung cấp cho Khu đại học và cho các đô thị lớn trong vùng; đồng thời tác động lan toả của các cơ sở nghiên cứu khoa học, và nguồn nhân lực chất lượng cao  đối với các khu công nghiệp hiện hữu (cũng như các khu công nghiệp đã được quy hoạch gần Khu đại học) sẽ thúc đẩy tốc độ đô thị hoá của cả khu vực.

Khu đại học Phố Hiến là một tổ hợp các dự án có quy mô rất lớn, cả về diện tích và quy mô đầu tư. Đây là một mô hình có tính chất đặc thù chưa có tiền lệ ở Việt Nam, đòi hỏi một lượng vốn đầu tư rất lớn trong khi Ngân sách Nhà nước của tỉnh còn hạn hẹp. Ngay từ khi nghiên cứu lập đề án và trong quyết định phê duyệt đề án của Thủ tướng Chính phủ đã xác định rõ: sẽ xây dựng các cơ chế đặc thù, áp dụng các hình thức đầu tư linh hoạt để huy động tổng hợp các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, của các thành phần kinh tế để triển khai thực hiện đề án trong thời gian nhanh nhất, sử dụng nguồn vốn đầu tư hiệu quả nhất và đảm bảo và phát triển bền vững của đề án.

Trong giai đoạn triển khai ban đầu, nhiệm vụ trọng tâm là đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu để tiếp nhận các cơ sở đào tạo (giải phóng, san lấp mặt bằng, xây đường trục giao thông, trục cấp thoát nước…). Về nguyên tắc, nguồn vốn đầu tư các công trình này sẽ từ nguồn vốn ngân sách nhưng do nguồn ngân sách của cả Trung ương và địa phương hạn hẹp, không thể bố trí hàng chục ngàn tỷ đồng trong một thời gian ngắn, nên nguồn vốn chủ yếu sẽ từ quỹ đất tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng, bằng cách đấu giá phần đất thương phẩm – Khu đô thị mới (300 ha) nằm trong tổng thể 1000 ha của Khu đại học. Các nhà đầu tư có thể tham gia vào giai đoạn này theo các hình thức BT (xây dựng công trình hạ tầng thiết yếu trên và nhận lại giá trị tiền đất tương ứng), BOT hoặc trực tiếp đầu tư và kinh doanh các cơ sở đào tạo.

Giai đoạn tiếp theo là từng bước hoàn thiện các cơ sở cung cấp dịch vụ cho đào tạo đại học, nghiên cứu phát triển và dịch vụ dân sinh. Tuỳ theo từng loại hình và công trình cụ thể, các nhà đầu tư có thể trực tiếp kinh doanh đối với các công trình, tự hoàn vốn hoặc vận dụng các hình thức BT, BOT đối với các công trình khả năng thu hồi vốn thấp. Một hình thức đầu tư được đặc biệt khuyến khích là hình thức PPP (hợp tác công – tư) đối với các công trình có nguồn thu nhưng không đủ hoàn vốn hoặc có mức lợi nhuận thấp hơn mức bình quân của xã hội. Trong trường hợp đó, Nhà nước sẽ hợp tác với các thành phần kinh tế khác và sẽ có cơ chế hỗ trợ công khai như hỗ trợ mặt bằng, hỗ trợ thuế… để đủ sức hấp dẫn các thành phần kinh tế ngoài công lập đầu tư và tổ chức khai thác kinh doanh. Hình thức này vừa đảm bảo sử dụng các nguồn lực của Nhà nước (kể cả vốn ODA và giá trị quyền sử dụng đất) có hiệu quả vừa tranh thủ được các nguồn vốn đầu tư xã hội, tranh thủ tận dụng trình độ quản lý, kinh doanh của các nhà đầu tư chuyên nghiệp và minh bạch giữa chức năng quản lý của các cơ quan quản lý Nhà nước và chức năng kinh doanh của các doanh nghiệp. Ngoài hình thức đầu tư truyền thống, các cơ quan có thẩm quyền đối với hoạt động đầu tư trong Khu cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu, xem xét các hình thức đầu tư đặc thù, phù hợp với việc triển khai Khu đại học, chấp nhận các đề xuất phù hợp với pháp luật của các nhà đầu tư. Khi Khu đại học và Khu đô thị mới 300 ha đi vào hoạt động, nhiều cơ hội đầu tư mới sẽ xuất hiện như : cung cấp dịch vụ phục vụ nghiên cứu, đào tạo; cung cấp dịch vụ dân sinh và là cơ hội đầu tư cho các quỹ đầu tư mạo hiểm để hiện thực hoá các ý tưởng, các thành quả của các cơ sở nghiên cứu, ứng dụng trong khu.

Triển khai và vận hành Khu đại học Phố Hiến, với yêu cầu huy động tổng hợp các nguồn lực, cần có sự tập trung cao độ, sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất từ Trung ương đến địa phương, từ các trường đại học và sự ủng hộ của nhân dân địa phương. Mặt khác, với hiệu quả kinh tế – xã hội to lớn của đề án đem lại cho địa phương cũng như các nhà đầu tư, Khu đại học Phố Hiến – sẽ là “miền đất ngọt ngào” thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước – sẽ là “địa chỉ đỏ” để thể hiện năng lực, trình độ, tính chuyên nghiệp, sáng tạo của các nhà đầu tư. Trong tương lai không xa, tại vùng đất văn hiến một thời “Thứ nhất kinh kỳ, Thứ nhì phố Hiến” sẽ là nơi gặt hái những trái ngọt của các nhà đầu tư trong lĩnh vực phát triển nhân lực chất lượng cao và khoa học công nghệ.

ThS Doãn Anh Quân
Trưởng Ban Quản lý Khu ĐH Phố Hiến