Giải thưởng Kiến trúc Quốc Gia: 25 năm không ngừng sáng tạo

LTS: 25 năm qua, nét chung của các tác phẩm đoạt Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia (GTKTQG) chính là sự bứt phá, sáng tạo trong khó khăn, hướng đến xu hướng kiến trúc tiến bộ, góp phần định hướng phát triển kiến trúc, phục vụ tốt hơn cho người dân và xã hội – cộng đồng… Diễn đàn KTS trên TCKT số này ghi nhận một số ý kiến của các KTS về GTKTQG, những đổi mới và sáng tạo của kiến trúc đương đại. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

“Sức sống mạnh mẽ của Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia”

KTS Đoàn Khắc Tình
– Giải Đồng – Hạng mục Ấn phẩm kiến trúc: “Đền Miếu Chùa Tháp, Đình Làng Hà Nội, Huế & TP. Hồ Chí Minh”
– Bằng khen “Cá nhân tích cực tham dự GTKTQG 2018”

Tôi luôn đánh giá cao các tác phẩm tham dự GTKTQG những năm qua. Kỳ Giải thnởng năm nay có nhiều hạng mục được trao cho các KTS Trẻ với những công trình phong phú. Đó thực sự là một tín hiệu đáng mừng!

Đây là lần đầu tiên tôi tham dự GTKTQG, dù trước đấy đã từng tham gia tổ chức GTKTQG và Hội đồng KTQG. HĐGK năm nay đã làm việc hết sức công tâm và “tinh tế”, bởi lẽ, chấm giải đã là một việc khó, chấm một giải thưởng tầm cỡ quốc gia còn khó hơn nhiều. Cái khó ở đây là cần nắm bắt được những cái mới, cái hay tại thời điểm đó và dự đoán được trước xu hướng kiến trúc. Một giải thưởng có thương hiệu cần thành công ở hai khía cạnh này.

Tôi cho rằng GTKTQG cần cởi mở hơn, thậm chí đến mức không cần tiêu chí nào cả, hạn chế gò bó KTS – Hãy để họ “tự do” nghiên cứu kiến trúc để tìm ra những thiết kế “độc đáo” đóng góp cho nền kiến trúc Việt Nam. Có thể thấy trên thực tế, nhiều giải tầm cỡ thế giới như giải Pritzker rất hạn chế đưa ra tiêu chí, họ nhấn mạnh vào những điều con người có thể đột phá trong nghệ thuật kiến trúc. Khi trao giải cho bất kì một cá nhân nào. HĐGK không hề nói đến lý do vì sao tác giả được giải, thay vào đó họ dùng cách so sánh người đạt giải với những người đã đi vào lịch sử thế giới để nêu bật sự cống hiến của tác giả. Ví dụ, khi giải Pritzker trao cho Renzo Piano, HĐGK đã ví von rằng: “Ông có thể xếp ngang hàng với các nghệ sĩ bậc thầy đồng hương của ông như Leonardo da Vinci hay Michelangelo”. Điều đó có nghĩa là: Ông là một người cực kì xuất sắc khi giải quyết được vấn đề nan giải giữa kỹ thuật và nghệ thuật, nên ông được ví như những người vĩ đại thế giới. Vậy làm sao trong một ngày không xa, KTS Việt Nam được ví von với những thế hệ KTS nước nhà lừng lẫy như KTS Nguyễn An – người Việt đã từng thiết kế lại toàn bộ Tử Cấm Thành, Vạn Lý Trường Thành vào thế kỷ 15.

Hơn nữa, tôi cho rằng, điều quan trọng nhất chính là sức sống mạnh mẽ của GTKTQG trong quá trình phát triển kiến trúc đô thị. Chúng ta không cần thay đổi gì mà chỉ cần vun đắp cho thương hiệu của giải thưởng là đủ rồi. Tác giả không chỉ hoàn thành đúng nhiệm vụ, đúng việc, đúng thành tích mà phải làm sao cho “thương hiệu” của mình đi theo đường thẳng, tiến tới hội nhập quốc tế. Và ở đó, trong nhiều ngôi sao lấp lánh Châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc, chúng ta sẽ thấy “ngôi sao” mang tên Việt Nam. Những “ánh sao” lấp lánh ấy sẽ tạo nên hy vọng cho nền kiến trúc Việt trong tương lai.

“Tác phẩm độc đáo, sáng tạo chính là “thương hiệu” của GTKTQG”

KTS. DPLG Nguyễn Việt Huy
Công ty CP tư vấn thiết kế ADA và cộng sự
Giải Đồng – Hạng mục Công trình đặc biệt: Công trình Trạm thu phí – Dự án hầm Đèo Cả

GTKTQG là một giải thưởng danh giá đối với mọi KTS hành nghề, không chỉ là vật chất mà cốt lõi là ở giá trị tinh thần. Đối với mỗi KTS Việt, việc tham gia giải thưởng chính là quyền lợi và trách nhiệm.

Một số công trình tham dự Giải thưởng trên thế giới và cả Việt Nam, đang dừng lại ở mang đến những hình ảnh đẹp, phân tích công năng và ý nghĩa rất phong phú. Nhưng trên thực tế, công trình đã lộ ra rất nhiều “khuyết điểm”, thậm chí là sự “xuống cấp”. Khi tôi tham gia một giải thưởng ở Pháp, BTC giải thưởng phát động giải, không cần KTS nộp hình ảnh công trình mà đích thân HĐGK sẽ trực tiếp tham gia khảo sát, chấm điểm trên chính địa điểm, công trình thực tế, đúng thời điểm tham dự thi. Như vậy, sẽ đảm bảo tính khách quan và công bằng cho mọi công trình tham dự giải.

GTKTQG được tổ chức 2 năm một lần, theo tôi đây là quãng thời gian hợp lý. Nhiều giải thưởng quốc tế ở Pháp họ còn tổ chức 4 năm 1 lần cho một giải thưởng danh giá để KTS có thời gian đúc kết và xây dựng các công trình thiết kế độc đáo hơn. Thêm thời gian, thêm sự phát triển, thêm các công trình thiết kế, nhiều tác phẩm độc đáo, sáng tạo sẽ góp phần nâng tầm giải thưởng. Cá nhân tôi rất tin tưởng vào Hội đồng chấm giải, để có được những giải thưởng chất lượng cần có những Giám khảo với tầm nhìn hội tụ đủ yếu tố: Khách quan, định hướng và nghệ thuật. Có như vậy mới nhìn thấy và tôn vinh được tác phẩm xứng đáng.

“Chặng đường 25 năm kiến trúc chuyển mình mạnh mẽ”

KTS. Nguyễn Trung Dũng
Công ty CP Kiến trúc Lập Phương (CUBIC)
Giải Bạc – Hạng mục Nhà ở tổ hợp: Dự án “Nhà ở xã hội Hưng Thịnh”
Giải Đồng – Hạng mục Công trình thương mại/ trụ sở: Dự án “Trung tâm chính trị hành chính quận Hồng Bàng”

Các công trình đạt giải thưởng năm nay rất đa dạng về mặt ngôn ngữ kiến trúc, công năng sử dụng được nghiên cứu rất bài bản, khoa học, bám sát nhu cầu thực tế của người sử dụng. Nhưng năm nay, điều tôi thấy đặc biệt nhất chính là các vật liệu địa phương, bền vững được vận dụng rất sáng tạo và hiệu quả trong khá nhiều công trình đạt giải.

Khi nhắc đến giải thưởng danh giá của nền điện ảnh Việt Nam, tôi tin chắc ai cũng biết đến “Cánh diều vàng”. Nhưng với đại đa số công chúng, GTKTQG còn quá xa lạ. 25 năm là một chặng đường đủ dài để chúng ta – những KTS trong nghề, nhận thấy nền kiến trúc nước nhà đã có những chuyển mình mạnh mẽ như thế nào. Đã đến lúc, chúng ta cần phải đưa giải thưởng này đến gần hơn với mọi người. Nhưng bằng cách nào? – GTKTQG là một giải thưởng danh giá, có giá trị nhất về mặt chuyên môn hiện nay được tổ chức và bảo trợ bởi Hội KTS Việt Nam. Việc giải thưởng có thể duy trì đến hiện nay là một minh chứng rõ nét cho sự phát triển bền vững và mạnh mẽ của ngành kiến trúc. Chất lượng các bài dự thi, hội đồng chuyên môn, lễ trao giải ngày càng được nâng cao và đó là nỗ lực không thể phủ nhận của Hội KTS Việt Nam. Và tôi tin rằng chúng ta có thể hoàn thiện hơn nữa ở một số điểm sau:

  • Quá trình chấm giải: Những ứng viên có đồ án vào shortlist có cơ hội được trình bày đồ án trước hội đồng chuyên môn để làm rõ hơn ý tưởng, quan điểm thiết kế;
  • Quá trình trao giải: Các ứng viên có đồ án vào shortlist được mời đến lễ trao giải, và danh sách tác phẩm sẽ được công bố vào phút chót để mọi khoảnh khắc trong buổi lễ trao giải là một kỉ niệm thực sự có giá trị đối với những KTS đạt giải. Và để chương trình được gọn gàng, tập trung vào các thành tựu kiến trúc, ta có thể giản lược phần ăn uống, như các lễ trao giải kiến trúc hay nghệ thuật trong và ngoài nước vẫn đang được thực hiện.
  • Cách thức ghi nhận (Bằng khen): Đồ án kiến trúc là sản phẩm cá nhân hoặc của một tập thể. Tập thể ở đây có thể là một nhóm các KTS hoặc (nhóm) đơn vị tư vấn (công ty, văn phòng kiến trúc…). Vậy nên để định nghĩa chính xác hơn quyền sở hữu tác phẩm, ta nên bổ sung thêm tên đơn vị tư vấn bên cạnh tên tác giả/ nhóm tác giả như hiện nay.

“Giải thưởng góp phần Lan tỏa kiến trúc Việt Nam đến cộng đồng”

KTS Vũ Hiệp
Giải Bạc – Hạng mục Ấn phẩm Kiến trúc: “Các cấu trúc tinh thần của nghệ thuật”
Bằng khen KTS Trẻ tiêu biểu

GTKTQG kỳ này rất đặc biệt với một công trình không đi theo trào lưu kiến trúc mọi năm và dành giải thưởng cao nhất, đó là nhà Bắc Hồng – Lab Concept. Tác phẩm này đưa ra yếu tố khác lạ so với mọi năm và còn giải quyết được vấn đề của nông thôn – yếu tố xã hội. Tôi thấy HĐGK năm nay đã có lựa chọn rất chuẩn xác và kĩ lưỡng cho các tác phẩm. Riêng đối với tác phẩm của tôi “Các cấu trúc tinh thần của nghệ thuật”, tôi rất vui vì cuốn sách này được HĐGK đánh giá cao. Đây cũng là niềm tin, sự động viên tôi nói riêng, các cá nhân nghiên cứu về kiến trúc nói chung tiếp tục cống hiến cho xã hội trong các tác phẩm tương lai.

Kỉ niệm 25 năm GTKTQG, tôi cảm thấy giải thưởng năm nay đã có sự thay đổi tích cực, đó là việc xem xét thêm nhiều giải thưởng xứng đáng và mới mẻ như bằng chứng nhận “Nhà đầu tư thông minh” và “Cá nhân tích cực tham gia”.

Thêm vào đó, với kinh nghiệm làm việc trong ngành đào tạo, tôi nghĩ có nên chăng, GTKTQG nên tiếp cận đến giới sinh viên – những mầm non kiến trúc nước nhà cần được tham khảo. Sinh viên Việt Nam hay tìm đến các cuốn tài liệu, sách báo kiến trúc phương Tây để tham khảo và họ nghĩ đó là chuẩn mực của nét đẹp kiến trúc. Tôi gọi đây là một sự “tấn công truyền thông”, vì những gì họ đọc được và đưa vào tác phẩm có thể không phù hợp với văn hóa, kiến trúc, khí hậu Việt Nam. Không thể miễn cưỡng áp dụng bất kì kiến trúc vùng miền nào với nhau. Nên chăng, chúng ta cần phát hành rộng rãi cuốn sách về giải thưởng như một tài liệu mang đậm kiến trúc Việt Nam, có các công trình tại Việt Nam, các KTS nổi tiếng Việt Nam thiết kế. Điều này sẽ mang lại nguồn cảm hứng và niềm tự hào hơn nhiều cho sinh viên nước nhà.

“Tôi luôn có niềm tin với GTKTQG”

KTS. Nguyễn Mạnh Hùng
Giải Nhất Loa Thành 2018

Từng là một sinh viên tham gia nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, tôi cũng đã biết đến GTKTQG trong những năm ngồi trên ghế nhà trường. Nhưng phải đến khi bắt đầu ra trường và tham gia vào công ty thiết kế kiến trúc thì tôi mới biết rõ đây là giải thưởng mang tầm cỡ quốc gia và ý nghĩa danh giá của nó. Các công trình của KTS Việt Nam đang dần đem lại cảm hứng và niềm đam mê kiến trúc cho giới sinh viên. Ví dụ có thể kể đến, trào lưu kiến trúc xanh, kiến trúc nông thôn, nhiệt đới trong những đồ án sinh viên gần đây là sự ảnh hưởng của các tác phẩm kiến trúc đến từ KTS Việt có tiếng. Tôi có theo dõi các bài viết về các tác phẩm đạt giải, các tác phẩm rất đẹp, đa dạng về mọi hạng mục trong đời sống. Nhưng giá kể chăng, bạn đọc nhận được nhiều thông tin từ tác phẩm hơn, như những liệu pháp kiến trúc được chú thích rõ ràng, công năng công trình thì giới KTS cũng như sinh viên kiến trúc sẽ có thêm nhiều tư liệu tham khảo giúp ích cho sự phát triển của họ hơn.

Tôi vẫn luôn có niềm tin vào các giải thưởng tại Việt Nam, bởi, nó là những công trình ngay gần chúng ta, nếu muốn ngắm nhìn và tìm hiểu về kiến trúc có thể đến tận nơi và đặt mình trong chính không gian kiến trúc đó. Qua đó, sẽ học hỏi được nhiều hơn là việc nhìn ngắm các tác phẩm nước ngoài qua sách báo. Hơn nữa, kiến trúc Việt Nam còn rất nhiều điểm thú vị cần được các KTS trẻ tìm hiểu và áp dụng, những vấn đề xã hội chưa được giải quyết cũng sẽ đem lại rất nhiều ý tưởng cho giới kiến trúc.

Hy vọng rằng, GTKTQGv sẽ ngày càng nâng tầm giá trị và luôn là một giải thưởng ủng hộ nỗ lực sáng tạo, cống hiến của KTS cho nền kiến trúc nước nhà.

Bích Thủy

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 05-2019)