KTS Lê Trương: “Ngôi nhà mơ ước không hề xa vời”

Cuộc thi thiết kế “Ngôi nhà ước mơ” là một sân chơi thúc đẩy, hỗ trợ sự sáng tạo, huy động ý tưởng của mỗi người dân vì một nền kiến trúc ngày một phát triển, thân thiện với môi trường, và chất lượng cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn. Hãy cũng KTS. Lê Trương và TCKT.VN chia sẻ hiều nhiều hơn về cuộc thi qua bài phỏng vấn dưới đây.

Xem thêm: Những kỳ vọng của giám khảo về cuộc thi ngôi nhà mơ ước

PV: Cảm nhận của Ông về Cuộc thi Ngôi nhà mơ ước ?

Kts. Lê Trương: Thoạt đầu, nghe tên cuộc thi “Ngôi nhà Mơ ước” tôi có cảm nhận là một cuộc thi cho thiếu nhi. Ngẫm mới thấy là có lý. Người ta thường hay nói: “Ngôi nhà tương lai” – đó là tiên lượng có thể cho một tương lai xa, rất xa hoặc thậm chí là viễn tưởng. Còn “Ngôi nhà mơ ước” không hề xa vời. Nó là niềm mơ ước của bao con người, mọi tầng lớp trong xã hội. Niềm mơ ước đó có thể là những căn nhà bình dị cho đến những căn nhà sang trọng, xa xỉ nhưng tất cả cần hàm chứa một mong ước khả thi, có thật.

Ai cũng có quyền mơ ước, có quyền sáng tạo cho chính ngôi nhà của mình. Có những mơ ước bình dị, hồn nhiên, lãng mạn nhưng có những mơ ước đầy lý chí, logic và khoa học. Chúng ta hãy đón chờ niềm Mơ ước của tất cả mọi người.

PV: Cuộc thi có tên gọi lãng mạn, nhưng nội dung đề cao ý tưởng thực tế;  Ông sẽ xác định các tiêu chí chấm chọn như thế nào với vai trò là Ban giám khảo của Cuộc thi?

Kts. Lê Trương: Như tôi trình bày ở trên, từ người lao động nghèo đến những công chức, trung lưu hay người giàu đều có mơ ước về Ngôi nhà của mình. Những ngôi nhà đó là rất khác nhau nhưng cần hướng tới những tiêu chí như sau:

  • Không gian ở phù hợp cho từng loại đối tượng (được thể hiện thông qua tên công trình)
  • Phù hợp điều kiện khí hậu, thời tiết khu vực; Tận dụng tối đa điều kiện tự nhiên (ánh sáng, gió, tầm nhìn)
  • Vật liệu xây dựng có tính khả thi, thân thiện, và “bền vững”
  • Sáng tạo, thẩm mỹ
  • Xu hướng tiến bộ

PV: Ông có thông điệp nào muốn gửi đến các thí sinh dự thi?

Kts. Lê Trương: Hãy quan tâm đến cụm từ “Văn hóa ở”. “Văn hóa ở” là một cụm từ ít được nhắc đến trong các Dự án nhà ở.

Việc xây dựng, hình thành “Văn hóa ở” là trách nhiệm của tất cả mọi người, trong đó kiến trúc sư đảm nhận sứ mệnh quan trọng này.

Để có được “Văn hóa ở” đúng nghĩa, mỗi chủ nhân cũng cần phải có được sự trải nghiệm nhất định trên nền tảng văn hóa và có sự hiểu biết về xu hướng thẩm mỹ, công nghệ và cả xu hướng sống.

Xu hướng TỰ NHIÊN, THIÊN NHIÊN, THÔNG MINH là xu hướng chủ đạo đối với nhà ở trong những năm gần đây. Các mẫu thiết kế nên nhấn mạnh yếu tố mở, thân thiện, và kết nối không gian.

PV: Để nâng cao ý nghĩa cho Cuộc thi, Ông có đề xuất gì đối với các phương án được giải?

Kts. Lê Trương:

  • Các phương án đạt giải cần được bình luận, tôn vinh trên các tạp chí chuyên ngành, trên các trang thông tin điện tử để mọi người cùng chia sẻ.
  • Những phương án xuất sắc, có tính xã hội, nhân văn nên được xây dựng thí điểm ở những địa điểm phù hợp, thông qua đó có cơ hội nhân rộng.

PV: Quan điểm của ông về nhà ở và không gian ở của đô thị Việt Nam hiện nay? Văn hóa ở hiện đại đã tác động như thế nào đến tư duy thiết kế của KTS?

Kts. Lê Trương: Khái quát cuộc sống Đô thị Hà Nội từ đầu thế kỷ 20 – Sự hình thành cấu trúc đô thị phục vụ người Pháp đã xuất hiện những khu nhà ở được gọi là khu phố Pháp; khu nhà ở phía Tây và Nam thành phố đến nhà ở kết hợp kinh doanh tại 36 phố phường. Tiếp đến từ 1954 là sự thế chỗ trở lại để tiếp quản toàn bộ qũy nhà ở do người Pháp xây dựng.

Dân số tăng dần, nhà mặt phố tiếp tục bị chia nhỏ, sự tự phát ở các ngõ, ngách đã hình thành nên những căn nhà chia lô vài chục mét vuông. Loại nhà ở kiểu này đã trở thành điển hình, đặc trưng của đô thị Việt Nam cho đến tận bây giờ.

Từ đó, chúng ta có thể thấy nguyên do của một cấu trúc, diện mạo đô thị rất “khác biệt” được hình thành từ loại hình nhà ở chia lô, nhà ống mà chỉ có người ngoại quốc đến đây mới có những cảm xúc chân thực khi nói về Nó.

“Nhà ở” – đó là một nhu cầu cơ bản của con người, thông qua đó, mọi người được tận hưởng nhu cầu ăn, ngủ, nghỉ, chơi, đùa, xem, nghe, giao tiếp. Thông qua đó, con người thu nạp năng lượng, làm mới tinh thần để tái tạo sức lao động. Đó có thể là một tổ ấm hạnh phúc và hơn thế nữa nó là một chốn kỳ diệu để tận hưởng cuộc sống.

Tiếc thay thực tế lại ít được như vậy. Đa phần không gian ở được hình thành từ thói quen. Thói quen có thể từ những vùng quê, từ điều kiện sống bon chen, lạc hậu hay thậm chí những người giàu có cũng có nhận thức lệch lạc, lãng phí, phô trương, để tất cả tự phát và sinh ra những nhà ở, không gian ở bất hợp lý và thiếu văn hóa ở. Nhiều khi sự tâm đắc của những người này lại là thảm họa đối với những người khác và hơn nữa là thảm họa cho cả xã hội.

Sự thay đổi rõ nét kể từ 2005 khi xuất hiện những Dự án Nhà ở được đầu tư bởi các Nhà Đầu tư nước ngoài. Có thể kể đến là: Phú Mỹ Hưng (Tp. Hồ Chí Minh), làng văn hóa Việt Nhật, Sedona, Ciputra, rồi tiếp đến là The Manor, Sky City Towers v.v…. đã nhanh chóng trở thành nhu cầu, trào lưu để liền những năm sau đó cho đến nay là sự phát triển bùng nổ các loại hình nhà ở tại các đô thị lớn của Việt Nam.

Từ đó, từng con người, xã hội và các Kiến trúc sư được hiểu, được sống và trải nghiệm trong nhà ở căn hộ hiện đại, nhà ở liền kề, song lập, đơn lập với một sự đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Sự thay đổi này như một cuộc cách mạng làm dịch chuyển nhận thức, thói quen lạc hậu để hướng tới một sự tiến bộ.

Không thể phủ nhận giờ đây, những Kiến trúc sư được sống, làm nghề trong sự đầy ắp các dự án về nhà ở. Các loại vật liệu, công nghệ, xu hướng được cập nhật từng ngày. Tuy nhiên, thời gian chưa đủ để tạo lâp mọi giá trị. Với sứ mệnh của những người làm nghề, chúng ta vẫn tiếp tục lao động, học tập, nghiên cứu để chắt lọc những “giá trị thật” phục vụ con người, phục vụ xã hội.

PV: Trân trọng cảm ơn Ông.

PV TCKT.VN

© Tạp chí kiến trúc

––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––

THÔNG TIN GIÁM KHẢO

  • Họ và tên: Lê Trương – Kiến trúc sư
  • Chức vụ: Founder – CEO
  • Đơn vị: Công ty Cổ phần Tư vấn Kiến trúc Xây dựng TT. Associates (TT.AS)

CÁC CÔNG TRÌNH TIÊU BIỂU ĐÃ THỰC HIỆN:

Chủ nhiệm và chủ trì thiết kế các công trình:

  • Khách sạn 5 sao Grand Mercure – số 9 Cát Linh, Quận Đống Đa, Hà Nội.
  • Trụ sở Ủy ban Chứng khoán Nhà nước – 164 Trần Quang Khải, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

GIẢI THƯỞNG TIÊU BIỂU

  • Giải thưởng “Top Ten Architect Award BCI ASEAN 2017”