THÔNG TIN CÔNG TRÌNH
- Tên công trình: Nhà Bình Dương
- Tác giả: KTS. Phan Lâm Nhật Nam, Trần Cẩm Linh – Công ty TNHH Tư vấn Thiết kế kiến trúc k59 atelier
- Địa điểm: 1/39, khu phố Bình Thuận, Bình Nhâm,Thị xã Thuận An,Tỉnh Bình Dương.
- Chức năng: Nhà ở
- Diện tích đất: 362 m2
- Diện tích xây dựng: 195 m2
- Tổng diện tích sàn: 234,29 m2
- Năm thiết kế: 2020
- Năm hoàn thành: 2020
Công trình đạt Giải Vàng Giải thưởng kiến trúc quốc gia 2021, hạng mục Nhà ở nông thôn.
Chi tiết các công trình đạt giải xem tại: https://www.tapchikientruc.com.vn/tin-tuc/cong-bo-ket-qua-giai-thuong-kien-truc-quoc-gia-2021.html
Nhà Bình Dương – Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại
Đây là công trình được Hội đồng Giám khảo Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia (GTKTQG) đánh giá cao và thống nhất trao Giải Vàng thể loại Kiến trúc nhà ở – Hạng mục Nhà ở nông thôn. Hai tác giả – KTS thuộc K59 Atelier: Phan Lâm Nhật Nam, Trần Cẩm Linh cũng là cặp đôi KTS trẻ nhận Giải thưởng KTS trẻ tiêu biểu tại GTKTQG năm nay. Bắt đầu làm việc cùng nhau từ năm 2018, với sự hòa hợp trong quan điểm thiết kế và bổ khuyết những thế mạnh cá nhân, từ xưởng thiết kế trẻ với mô hình gia đình, cặp đôi đã gặt hái nhiều thành công trong lĩnh vực nhà ở đô thị, với các giải thưởng uy tín trong nước và quốc tế. TCKT đã có cuộc trao đổi nhanh với hai KTS trẻ ngay bên lề Lễ trao Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2021 vừa qua.
KTS Phan Lâm Nhật Nam: Ngay từ khi bắt tay vào công việc cùng nhau, chúng tôi đã thống nhất quan điểm: Không chạy theo quan điểm gò bó về kiến trúc mà tập trung khảo sát đánh giá kỹ lưỡng thực tế hiện trạng, từ đó, đưa ra giải pháp phù hợp nhất cho từng dự án. Ngoài ra, sau khi kết thúc mỗi dự án, chúng tôi vẫn tiếp tục hoàn thiện công trình. Việc tham dự các cuộc thi sẽ giúp chúng tôi nhìn lại các dự án thông qua các ý kiến đánh giá của giới chuyên môn cũng như xã hội, từ đó rút ra các kinh nghiệm cho mình trong các dự án tiếp theo.
Với chúng tôi, không thể tách rời công trình ra khỏi bối cảnh chung và xem nó là một thành phần biệt lập. May mắn thay, suy nghĩ này của chúng tôi phù hợp định hướng của GTKTQG năm nay: “Khai thác bản địa – Kết nối công nghệ. Chúng tôi tin đó là định hướng đúng để chúng ta một lần nữa nhìn nhận lại vai trò của kiến trúc đối với sự phát triển của xã hội.
KTS Trần Cẩm Linh: Dự án nhà Bình Dương đem đến cho chúng tôi cảm xúc đặc biệt ngay khi tiếp cận với 11 cây xanh lớn hiện hữu ở khu đất vốn không được chăm sóc và là nơi tập kết rác. Với niềm tin cây xanh cũng như con người, có linh hồn và cần được cộng đồng tôn trọng, chúng tôi đã giữ lại toàn bộ cây và sử dụng vị trí cây xanh định hình nên hình thái của ngôi nhà.
Đồng thời với suy nghĩ về việc tôn trọng, giữ gìn cây xanh và các môi trường tự nhiên, chúng tôi đã nghiên cứu và thi công các hệ thống ngầm 2 lớp lọc ở sân vườn bằng các lớp gạch rỗng, đan xen với trồng cỏ. Do đặc điểm khu vực, nước thải sinh hoạt sẽ chảy qua một con mương nằm cạnh nhà, bằng cách này, nguồn nước thải sẽ được lọc trước khi đưa ra tự nhiên. Điều này cũng thể hiện khá rõ quan điểm của chúng tôi: Sự bền vững trong kiến trúc không chỉ từ các giải pháp cho công trình xây dựng ở phía trên mà còn ẩn phía dưới công trình: Phần hạ tầng móng, hệ thống cấp thoát nước,các lớp đất, mạch nước ngầm cùng hệ thống rễ cây….
Quá trình đô thị hóa nhanh chóng đã biến các khu vực nông thôn thành các khu vực ngoại thành hoặc bán đô thị. Hệ thống cây xanh lâu năm bị chặt hạ, kênh mương bị bồi lấp, thay vào đó là đường và nhà ở đô thị. Vì lẽ đó, chúng tôi hy vọng Nhà ở Bình Dương sẽ là một gợi ý cho mọi người về sự đóng góp của kiến trúc đối với định hướng phát triển bền vững đô thị.
Ý kiến của Hội đồng Giám khảo
KTS đã thành công về ý tưởng thăng hoa cho ngôi nhà thôn quê, trong kết nối khá nhuyễn bản sắc truyền thống và hiện đại. Không gian ở, với tinh thần nơi chốn thân thuộc lâu đời của người Việt được làm mới tinh tế với đời sống mới – tất cả cả gói mở khéo léo từ một ngôi nhà ba gian hai chái truyền thống vùng đồng bằng bản địa. Công trình thành công với việc sử dụng vật liệu tại chỗ, tạo dựng bằng kỹ thuật và tay nghề người thợ địa phương. Có cả giải pháp cụ thể thiết kế gìn giữ nét đẹp vùng đất và tôn trọng tự nhiên và cảnh quan. Ý tưởng đã tạo được một gợi ý tốt, có khả năng nhân rộng cho kiểu nhà nông thôn truyền thống đồng bằng của Việt Nam, vốn đang rất ít lời giải thỏa đáng về phù hợp với đời sống ở đó hiện tại và tương lai.
Tố Uyên
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 12-2021)