Trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị, thành phố Pleiku đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, ngày càng khẳng định vai trò và vị thế trong mối quan hệ vùng và quốc gia:

  • Năm 1999, TTCP ban hành nghị định số 29/1999/NĐ-CP về việc thành lập thành phố Pleiku thuộc tỉnh Gia Lai. (Đô thị loại III)
  • Năm 2005, UBND tỉnh Gia Lai ban hành quyết định số 104/2005/ QĐ-UB phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Pleiku đến năm 2020.
  • Năm 2009, TTCP ban hành quyết định số 249/QĐ-TTg về việc công nhận thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai là đô thị loại II.
  • Năm 2012, TTCP ban hành quyết định số 319/QĐ-TTg về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Gia Lai đến năm 2020 tạo tiền đề quan trọng cho phát triển thành phố.
  • Năm 2014, TTCP ban hành quyết định về việc phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng Tây Nguyên trong đó xác định thành phố Pleiku là trung tâm tiểu vùng phía Bắc Tây Nguyên và trung tâm tổng hợp của tỉnh Gia Lai; có chức năng nối kết giao lưu kinh tế thương mại với phía Đông Campuchia, Lào và Thái Lan, Myanma thông qua cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh; đầu mối phân phối nguồn thủy điện cho các tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh miền Trung; có vị trí chiến lựợc quan trọng của vùng Bắc Tây Nguyên về an ninh, quốc phòng; là trung tâm dịch vụ du lịch và du lịch lễ hội.

Trong xu thế hội nhập, tầm nhìn trong đồ án “Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Pleiku đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” được xác định Pleiku sẽ trở thành một thành phố vừa hiện đại, vừa đậm đà bản sắc dân tộc, lấy chất lượng sống của cộng đồng dân cư làm nền tảng, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh Gia Lai và vùng Bắc Tây Nguyên.

  • Chủ đầu tư:UBND thành phố pleiku điều chỉnh quy hoạch chung thành phố pleiku, tỉnh Gia Lai
  • Giai đoạn đến năm: 2030
  • Tầm nhìn đến: 2050
  • Tư vấn thiết kế: Công ty Arep ville viện kiến trúc – Hội kiến trúc sư Việt Nam Viện nghiên cứu thiết kế đô thị
  • Thời gian phê duyệt: 2018

Công trình đạt Giải Bạc – Giải thưởng kiến trúc quốc gia 2018, hạng mục Tác phẩm kiến trúc xuất sắc tại VN của KTS nước ngoài.

Nhận xét của Hội đồng Giám khảo

Lập đồ án Quy hoạch chung một đô thị đã khó, nhưng khó hơn, chính là đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đô thị. Bởi vì điều chỉnh, nghĩa là phát huy những giá trị tích cực, khắc phục những hạn chế của quá khứ, đồng thời phải cập nhật những yếu tố mới, đảm bảo đô thị tiếp tục phát triển bền vững và có bản sắc.
Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Pleiku đã đạt được những yêu cầu cơ bản ấy. Bên cạnh những giải pháp về điều chỉnh động lực và mục tiêu phát triển đô thị theo hướng Thành phố vì sức khỏe thì ý tưởng và giải pháp tổ chức không gian đô thị Pleiku được coi là thành công nổi bật nhất của đồ án.
Nhóm tác giả đã điều tra, khảo sát kỹ lưỡng hiện trạng kinh tế, văn hóa, xã hội và dân cư, trong đó đặc biệt chú trọng đánh giá điều kiện địa hình, cảnh quan tự nhiên của Pleiku. Và chính việc phát hiện ra những giá trị đặc trưng độc đáo của bộ khung thiên nhiên Pleiku gồm hệ thống núi lửa dương và âm liên kết với các hồ nước và dòng suối, uốn lượn uyển chuyển theo địa hình cao thấp, xen kẽ là những thảm cây xanh mướt đã gợi ý cho những giải pháp điều chỉnh quy hoạch và định dạng hình thái không gian đô thị Pleiku hợp lý, có cá tính, đậm chất Tây Nguyên từ tổng thể đến chi tiết theo hướng hiện đại và có bản sắc.
Việc lựa chọn đúng cấu trúc không gian đô thị gồm các đơn vị đô thị quy mô nhỏ với hình thái không gian kiến trúc đa dạng dễ dàng hòa nhập với cảnh quan tự nhiên của Pleiku, tạo nên một thành phố có tỷ lệ không gian mang tính nhân văn, phù hợp với cảm nhận của con người. Về tổ chức không gian, các đơn vị đô thị phát triển dựa trên trục cảnh quan dọc theo dòng suối Phú Hội – trục du lịch nghệ thuật nối 2 thành phần nhận diện cảnh quan diện rộng của Pleiku là Núi Hàm Rồng (Núi lửa dương lớn nhất) với Biển Hồ (mặt nước – phần âm lớn nhất). Ở khu vực trung tâm, dọc theo trục cảnh quan chính là khu phố cũ cải tạo với các trung tâm có mật độ xây dựngvà độ nén cao như: Trung tâm hành chính, chính trị và văn hóa; Trung tâm tài chính, thương mại và Tổ hợp các công trình thể dục thể thao, giải trí và chăm sóc sức khỏe,…

Đinh Hằng – TCKT.VN

© Tạp chí kiến trúc