Ngày 10/7/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 999/QĐ-TTg phê duyệt Đề án xây dựng Khu Đại học Phố Hiến tại tỉnh Hưng Yên. Khu Đại học Phố Hiến được đặt tại thành phố Hưng Yên và huyện Tiên Lữ tỉnh Hưng Yên, có quy mô sử dụng đất khoảng 1.000 ha, trong đó diện tích đất sử dụng xây dựng các cơ sở giáo dục đại học, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ khoảng 700 ha và diện tích đất xây dựng đô thị khoảng 300 ha, với sức chứa khoảng 80.000 – 100.000 sinh viên, số cán bộ giảng dạy và phục vụ giảng dạy tương ứng (khoảng 15.000 người) và khoảng 1.000 cán bộ của các cơ sở nghiên cứu.
Theo đó, Khu Đại học Phố Hiến phải đạt được các mục tiêu :
– Đáp ứng yêu cầu mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục Đại học cho Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và Vùng Thủ đô Hà Nội, phù hợp với Chiến lược phát triển giáo dục đào tạo và xu thế hội nhập Quốc tế;
– Xác lập mô hình mới về tổ chức xây dựng, đầu tư các cơ sở giáo dục Đại học, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ theo hướng tập trung, gắn với hiện đại hóa các cơ sở giáo dục đại học theo tiêu chuẩn Khu vực và Quốc tế;
– Góp phần phân bổ mạng lưới trường Đại học, Cao đẳng Vùng Thủ đô Hà Nội, Vùng Đồng bằng sông Hồng; giãn bớt một số trường đại học, cao đẳng từ nội thành Hà Nội; tạo điều kiện mở rộng, cải tạo, đầu tư xây dựng mới cơ sở vật chất kỹ thuật của các trường Đại học theo hướng chuẩn hóa.
và đáp ứng được các yêu cầu sau :
Về tính chất :
– Khu đại học gồm tổ hợp cơ sở giáo dục Đại học đa ngành, đa lĩnh vực, cơ sở nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ chất lượng cao, là một bộ phận của mạng lưới trường Đại học, Cao đẳng;
– Khu đại học gồm nhiều pháp nhân khác nhau được tổ chức quy hoạch và đầu tư xây dựng trong một không gian quy hoạch thống nhất, bảo đảm tính đồng bộ, hiện đại, mang đậm bản sắc truyền thống; được khai thác hệ thống hạ tầng và các tiện ích chung; thu hút đầu tư theo quy hoạch và quản lý theo quy định.
Về cơ cấu :
Khu đại học gồm :
– Các cơ sở giáo dục Đại học, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được giãn ra từ Hà Nội hoặc được thành lập mới theo quy định;
– Các cơ sở giáo dục đại học, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ hợp tác được thành lập theo quy định về hợp tác đầu tư, liên kết với nước ngoài;
Như vậy, Khu Đại học Phố Hiến được quy hoạch xây dựng theo mô hình Khu đại học tập trung sẽ là một Trung tâm đào tạo nghiên cứu có quy mô lớn nhất hiện nay (Khu Đại học Quốc gia tại Hòa Lạc được quy hoạch với 1.000 ha, định hướng phát triển cho quy mô 10 vạn sinh viên).
Để triển khai thực hiện Quyết định 999/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định thành lập Ban Quản lý Dự án, giao Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các Ban, Ngành chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc quy hoạch xây dựng Khu Đại học. Ngày 22/3/2011 UBND tỉnh Hưng Yên đã ra Quyết định số 494/QĐ-UBND về việc phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu đại học Phố Hiến.
Nhằm mục tiêu tìm kiếm phương án quy hoạch tốt nhất cho Khu đại học, phù hợp với các mục tiêu đã đề ra, đồng thời tạo cơ sở để lựa chọn các đơn vị tư vấn triển khai các bước tiếp theo, Ban Quản lý Dự án (Chủ đầu tư) đã phối hợp với Công ty TNHH Thương mại – Quảng cáo – Xây dựng – Địa ốc Việt Hân (là đơn vị đầu tư xây dựng hạ tầng) và Tạp chí Kiến trúc – Hội KTS Việt Nam tổ chức Cuộc thi ý tưởng quy hoạch tổng thể (master plan) – được khởi động từ ngày 08/4/2011 và kết thúc vào ngày 30/6/2011. Cuộc thi đã thu hút được đông đảo các đơn vị tư vấn hàng đầu trong và ngoài nước tham gia.
Nhiệm vụ của cuộc thi :
– Đề xuất ý tưởng quy hoạch độc đáo về một Khu Đại học tập trung hiện đại, đáp ứng yêu cầu của một Trung tâm đào tạo – Nghiên cứu tiên tiến của Thế kỷ XXI, khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên đất đai, hạ tầng, cơ sở vật chất và con người trên cơ sở tổ chức hài hòa giữa các Khu sử dụng chung đa phương và song phương với các Khu đặc thù riêng của từng Trường Đại học.
– Đề xuất ý tưởng tạo dựng Khu đô thị mới hiện đại, phát triển bền vững, khai thác được tối đa mối quan hệ đặc thù – tương hỗ giữa Khu đào tạo – Nghiên cứu với Khu đô thị.
– Đề xuất ý tưởng kết nối hài hòa với các làng xóm truyền thống trên cơ sở chỉnh trang và di dời tối thiểu hợp lý.
– Các giải pháp phải nhằm giải quyết được 5 bài toán cơ bản của Khu đại học hiện đại là Công năng, Giao thông, Tính cộng đồng, Tính bản sắc và tính phù hợp với điều kiện tự nhiên, cụ thể :
+ Phân khu chức năng : trên cơ sở phân tích đánh giá hiện trạng, xác định tiềm năng phát triển và các vấn đề cần giải quyết, đề xuất giải pháp phân khu chức năng, xác định rõ quy mô, ranh giới, tính chất của Khu đào tạo – Nghiên cứu và Khu đô thị cũng như các Khu chức năng nội tại của 2 Khu trên (Khu Trung tâm, Khu học tập nghiên cứu các trường, khu ký túc xá, thể dục thể thao, dịch vụ, thương mại, ở …)
+ Tổ chức giao thông : đề xuất được các giải pháp tổ chức giao thông đối ngoại – kết nối các tuyến ngoài Khu đại học; đối nội – các tuyến liên khu, đi bộ, giao thông tĩnh …
+ Giải pháp quy hoạch kiến trúc, thiết kế đô thị : không gian quy hoạch – kiến trúc Khu đại học phải đạt được các yêu cầu về tổ chức hợp lý các Khu chức năng, bảo đảm khả năng vận hành khai thác thuận lợi, đồng thời phải đạt giá trị cao về nghệ thuật bố cục không gian quy hoạch – kiến trúc; khai thác điều kiện địa hình, tự nhiên, hài hòa với môi trường, cảnh quan khu vực xây dựng; tạo nên mối liên hệ chặt chẽ giữa các khu vực với tổng thể đô thị; xác định các mô hình – loại hình công trình cho các khu chức năng; ý tưởng thiết kế kiến trúc cảnh quan tổng thể và từng khu chức năng.
– Bảo vệ môi trường và phát triển bền vững : khai thác hiệu quả, hợp lý các điều kiện tự nhiên; các giải pháp về giảm thiểu ô nhiễm và cải thiện môi trường, ưu tiên tổ chức giao thông không khói; các giải pháp có tỉ lệ cây xanh, mặt nước cao, hướng tới mô hình Đô thị Đại học – Công viên sinh thái.
– Tính Khả thi : khả thi về tài chính và đầu tư (phù hợp với điều kiện kinh tế, thị trường của tỉnh, tạo điều kiện thu hút đầu tư); khả thi về mặt xã hội, giảm thiểu sự xáo trộn trong khu vực; khả thi về mặt kỹ thuật và kết nối hạ tầng; tính linh hoạt của các giải pháp; khả thi về phương án giải phóng mặt bằng tái định cư; phân kỳ đầu tư hợp lý……
Về phương án dự thi :
Trong số 14 đơn vị được mời tham dự, đã có 9 phương án được gửi tới. Theo ý kiến của các thành viên Hội đồng, các đồ án dự thi đạt chất lượng cao về nội dung và quy mô cũng như hình thức trình bày (4 phương án có mô hình).
Các đồ án có thể được chia thành ba nhóm khác nhau về phương pháp đề xuất ý tưởng, thông qua cách tiếp cận với đầu bài.
– Nhóm thứ nhất, xuất phát từ một triết lý về mô hình, cấu trúc Trường đại học – Khu đại học, đặt nó làm trọng tâm, thông qua những thủ pháp tay nghề khác nhau để giải quyết bài toán trên nền địa hình cụ thể. Thuộc về nhóm này có các đồ án mang mã số AZ 3605 (Italia), SP 0079 (Mỹ) và UN 5287 (Đức).
– Nhóm thứ hai, tập trung giải quyết các bài toán tương đối cụ thể của đầu bài mà không làm bật ra được ý tưởng định đề xuất. Đáng tiếc là cả ba đồ án thuộc nhóm này đều của Việt Nam với các mã số CC 6868, DT 2011 và MP 2368.
– Nhóm thứ ba, đề xuất ý tưởng thông qua bố cục các cấu trúc chức năng và phương thức ứng xử với địa hình để từ đó có các giải pháp khác nhau (có lẽ đây là nhóm ít nhiều có kinh nghiệm thực tiễn với quy hoạch thiết kế các Trường đại học). Thuộc về nhóm này là các đồ án mang mã số SW 0401 (Hàn Quốc), TJ 8486 (Trung Quốc) và PT 7594 (Australia).
Căn cứ vào yêu cầu của cuộc thi như đã trình bày ở trên, các đồ án được đánh giá chủ yếu thông qua ý tưởng chủ đạo và các giải pháp đối với những điểm cốt lõi :
• Đề xuất mô hình cấu trúc Khu đại học thông qua việc giải quyết các tổ hợp CHUNG – RIÊNG;
• Ứng xử với đô thị hiện hữu và đô thị mới đặc thù trong mối quan hệ giao thoa với Khu đại học;
• Ứng xử với đường cao tốc chạy qua Khu đại học;
• Giải quyết bài toán di dời và chỉnh trang Khu dân cư hiện hữu.
Qua đó có thể đánh giá các đồ án dự thi một cách cụ thể như sau :
Các phương án Nhóm 1 gồm :
* Phương án mang mã số AZ 3605 (Công ty Architettiriuniti – Subconsultan: Arup Italia)
Đây là phương án nổi bật trong nhóm bởi tính chặt chẽ từ mô hình Đào tạo – Nghiên cứu đến tính linh hoạt trên bố cục chủ đạo, cũng như sự kết nối liên tục từ Đô thị hiện hữu qua Đô thị mới tới Khu đại học.
Ưu điểm :
– Sử dụng trục tổ hợp công trình chung đa phương và song phương nối từ sông Điện Biên và kết thúc bằng hồ Trung tâm, qua các lớp chức năng khác nhau của Khu đô thị và các trường Đại học phát triển sang hai bên đã tạo nên ý tưởng khá độc đáo cho Khu đô thị Đại học.
– Khu đô thị trải dài bên bờ sông Điện Biên với tuyến chung cư cao cấp (và cao tầng) ở giữa để khởi đầu cho trục lõi, tạo nên sự kết nối chặt chẽ với Khu đô thị hiện hữu.
– Khu các trường Đại học triệt để sử dụng các phần tử chung cũng bằng các công trình cao tầng trên trục lõi lần lượt là cơ sở học tập trung, hiệu bộ, dịch vụ, các Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, Thư viện trung tâm, Trung tâm hội nghị, hội thảo và Trung tâm thể dục thể thao.
– Khu Ký túc xá được gắn kết trực tiếp với các khu học, cùng với cây xanh tạo nên những dải phân cách với các lớp cắt (trường Đại học) kế tiếp. Cây xanh, mặt nước và đường đi bộ tạo nên những ranh giới tự nhiên giữa các trường.
Nhược điểm :
– Bố cục tuyến cho các trường Đại học một khả năng phát triển theo chiều dài khá tốt, hợp với địa hình và điều kiện giải pháp mặt bằng, tạo nên những tiết điệu linh hoạt. Tuy nhiên, lại rất khó tổ chức các không gian chức năng khác nhau trong một trường Đại học, bắt đầu từ những không gian khánh tiết. Cũng bởi bố cục tuyến ở hai bên và lõi trung tâm ở giữa, nên các trường Đại học đến sau bị hạn chế dần mối liên hệ và khả năng sử dụng không gian chung. (Thực chất đây là bố cục cấu trúc tuyến dành cho một trường Đại học lớn trong thực tiễn).
Một mặt phương án cho thấy sự tôn trọng tuyệt đối với hiện trạng xây dựng, nhưng mặt khác lại cho thấy hạn chế các kết nối với khu dân cư hiện hữu và các giải pháp chỉnh trang chúng.
* Phương án mang mã số SP 0079 (Công ty TNHH Steelman Partners – Mỹ)
Ưu điểm :
– Ý tưởng tương đối độc đáo dựa trên cơ sở sử dụng đất tối thiểu, tôn trọng tuyệt đối nguyên tắc không can thiệp vào hiện trạng.
– Tạo ra các tổ hợp không gian đối lập nằm hai bên đường cao tốc (đã được thay đổi đáng kể) tổ hợp đào tạo – truyền thống + khu dân cư thương mại dịch vụ “Orchid Garden” và tổ hợp đào tạo, nghiên cứu văn phòng, ở – dịch vụ và công viên công nghệ – dạng nén.
– Đặc biệt tập trung vào ý tưởng cho tổ hợp nén với chi tiết các giải pháp kỹ thuật, năng lượng…
– Tạo ra được những không gian xanh cho các công viên, vườn trại…
Nhược điểm :
– Tổ hợp như một đô thị nén thu nhỏ với sáu tầng chức năng làm hạn chế khả năng hoạt động của các chức năng đó.
– Các trường đại học “nén” thiếu hẳn những không gian chức năng cần có (và cũng không đủ diện tích đất để xây dựng đủ số diện tích chức năng cần có)
– Tổ chức các công trình theo mật độ dày đặc của các không gian chức năng khác nhau, khó có thể phù hợp với điều kiện khí hậu bản địa.
– Có cảm giác rằng ý những này chỉ thích hợp cho một trường có diện tích nhỏ hơn nhiều lần (≤ 200 ha)
– Phương án không mang tính khả thi.
* Phương án mang Mã số UN 5287 (Công ty Kiến trúc KSP Jurgen Engel Architekten)
Ưu điểm :
– Ý tưởng được thể hiện bằng các đơn vị học (blok-module) phát triển theo một cấu trúc khúc triết.
– Khu chung đa phương được bố cục hợp lý trên trục chính.
– Khu ở sinh viên kết hợp với các khoảng xanh chung và modul xanh tương đối hợp lý.
Nhược điểm :
– Thiếu sự kết nối cần thiết với đô thị hiện hữu.
– Khu đô thị 300 ha chưa được chú trọng đúng mức.
– Mô hình cấu trúc – modul tương thích với quy mô một trường.
Các Phương án nhóm hai gồm:
* Phương án mang Mã số MP 2368 (Tổng công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam – VNCC)
– Nhóm tác giả đã cố gắng giải quyết những yêu cầu cụ thể của đầu bài, xác định Khu Trung tâm có hướng nhìn về Tây Nam – nơi mang những dấu tích một thời của Phố Hiến.
– Tuy nhiên, ý tưởng chưa rõ ràng, nặng về phân khu các trường, cách tiếp cận với khu Đại học từ các đường quốc lộ và đường cao tốc chưa thoả đáng.
– Bố cục các trục quy hoạch và tuyến chưa rõ, trình bày còn sơ sài.
* Phương án mang Mã số CC 6868 (Viện Quy hoạch Kiến trúc Đô thị & Nông thôn)
Ưu điểm :
– Sử dụng tuyến công trình cao tầng với chức năng thương mại, dịch vụ, khách sạn, ngân hàng làm trục trung tâm, phương án đã khẳng định một sự kết nối mạnh mẽ giữa Khu đô thị hiện hữu với Khu đô thị đại học mới, đồng thời cũng tạo nên sự phân khu rõ ràng giữa Khu đô thị và Khu đào tạo – Nghiên cứu.
– Tạo thêm phần toàn diện cho sự kết nối là “con đường phục hưng” mà nhóm tác giả đã đưa ra để mang ý nghĩa đi từ quá khứ, qua hiện tại đến tương lai – nối từ khu Phố Hiến cổ tới Nhà hát Thiên niên kỷ- toạ lạc tại Trung tâm Khu Đại học.
– Nhóm tác giả đã cố gắng tìm tòi các cấu trúc không gian Đại học khác nhau để đưa ra hai mô hình (mặc dù tên gọi có vấn đề) tổ hợp thực tế (theo tác giả nhằm vào tính khả thi thì tạo lập các cơ sở đào tạo có quy mô, cơ cấu, sở hữu… khác nhau).
– Khai thác triệt để các yếu tố cây xanh, mặt nước tương đối hợp lý.
Nhược điểm :
– Việc phân tách hai mô hình cấu trúc “phố Đại học” và “làng Đại học” của phương án vô hình chung tạo ra ba hiệu khu với những vị trí chưa nhất quán về bố cục, làm giảm vị trí của những phần tử chung song phương và đa phương.
– Giải pháp tách hai công viên – Trung tâm và Khoa học chưa thật hợp lý và làm thiếu đi một trung tâm thống nhất của tổ hợp.
– Vị trí Khu trung tâm Thể dục thể thao cũng như việc xử lý không gian đoạn nâng đường cao tốc là chưa thuyết phục.
* Phương án mang Mã số DT 2011 (Viện Kiến trúc QH đô thi và Nông thôn)
Tương đối phù hợp với nhiệm vụ :
– Đổi vị trí Khu đại học Giao thông thay bằng Khu Đô thị.
– “Nắn” lại đường cao tốc.
Ý tưởng : “Thành phố – bộ não sinh thái”
– Cố gắng tạo trục thương mại dịch vụ để kết nối đô thị hiện hữu với lõi trung tâm của toàn khu.
– Mong muốn kiến tạo đô thị hiện đại và bền vững.
– Bố cục hướng tâm, tạo điều kiện tiếp cận trung tâm cho các trường Đại học.
Những nhược điểm chính :
– Lõi trung tâm với quá nhiều nội dung (Tháp trí tuệ, Cung, Tổ hợp Thể dục thể thao, Triển lãm, bến thuyền, Viện…) kết nối với trục thương mại dịch vụ cao tầng làm mất tính chất của Khu đại học Phố Hiến – trước hết là một Trung tâm đào tạo nghiên cứu.
– Các trường đại học được xây dựng theo phương thức tách biệt làm mất đi cơ hội tổ chức không gian chung đa phương và song phương trong đào tạo và nghiên cứu.
– Tổ chức không gian Khu các trường và các tuyến giao thông chưa hợp lý (trục bố cục, tổ chức các forum…)
Các phương án nhóm ba gồm:
* Phương án mang Mã số SW 0401 (Công ty SD Partners Architects and Engineer – Hàn Quốc)
Thay đổi phù hợp với nhiệm vụ quy hoạch và nhiệm vụ cuộc thi :
– Đổi vị trí Đại học Giao Thông.
– Đổi nút giao thông khác cos.
Ý tưởng :
– Quy hoạch rõ nét một Khu đại học tập trung với lõi trọng tâm (các phần tử sử dụng chung đa phương : Thể dục thể thao, Thư viện, Hội nghị Hội thảo văn phòng điều hành, biểu tượng), trục trung tâm (các cơ sở nghiên cứu phát triển);
– Tuyến liên kết “xanh” đặc trưng cho giao thông trong kiến trúc trường đại học và Khu đại học;
– Khu đô thị đóng vai trò đệm, mở ra với Khu đô thị hiện hữu và các Trung tâm Hành chính của tỉnh, kết nối nhiều chiều giữa Khu Đào tạo- Nghiên cứu với Thành phố.
– Giữ lại phần làng xóm truyền thống được bao bọc bởi các khu vực tái định cư
Giải pháp :
– Phân khu chức năng rõ ràng;
– Tổ chức mạng lưới giao thông toàn khu cũng như cách ứng xử với đường cao tốc chấp nhận được;
– Sử dụng tuyến liên kết – không gian xanh kết nối các không gian chức năng mang tính mở, phù hợp với môi trường dân cư đặc thù của Đô thị Đại học. Không gian học đường hợp lý và hiện đại;
– Tận dụng địa hình, lợi dụng mạng lưới tưới tiêu để nâng cao tỉ lệ mặt nước, cây xanh.
Tính khả thi : tương đối đảm bảo, ngoại trừ Khu đô thị Tây Bắc.
Nhược điểm :
– Chưa đề xuất được các giải pháp chỉnh trang Khu dân cư hiện hữu kết hợp với đô thị mới;
– Chưa nghiên cứu thấu đáo để tận dụng dự án mở rộng sông Điện Biên để tạo cảnh quan hợp lý;
– Tỉ lệ nhà cao tầng chưa được tiết chế đúng mức;
Cùng với bài thuyết trình rất thuyết phục, đây là phương án nổi trội về các đề xuất cũng như tính khả thi.
* Phương án mang Mã số TJ 8486 (Viện nghiên cứu Kiến trúc Đồng Tế (Tongji) – Trung Quốc)
Ưu điểm :
– Ý tưởng rõ ràng, tương đối ấn tượng.
– Giao thông mạch lạc, lấy trục xanh – đi bộ làm trục bố cục Trung tâm.
– Phân khu chức năng dung dị, lấy Khu đô thị để tạo lập lõi Trung tâm với ba tổ hợp phân tầng rõ rệt, tạo sự phong phú mà khúc triết.
– Tổ chức các “đảo” là các không gian đào tạo nghiên cứu các trường nằm ở tuyến hai, nhằm tạo lập quan hệ tương hỗ đô thị – đào tạo nghiên cứu trực tiếp.
– Hồ lớn trở thành nơi hội tụ các tuyến liên kết nước, vừa là kết thúc của không gian lõi – tuyến Trung tâm, vừa mở ra hai nhánh – khởi đầu cho những hướng phát triển tiếp theo của tổ hợp đào tạo – nghiên cứu.
Nhược điểm :
– Ngoại trừ các khu ở giữa các trường được tạo lập như những phần tử chung, các Đại học vẫn được tổ hợp theo các ”đảo”(cả nghĩa đen và nghĩa bóng) độc lập.
– Khu Thể dục thể thao tách ra làm hai khu vực sân vận động và các nhà thi đấu có mái che làm mất sự tập trung cần thiết của một khu chức năng hoàn chỉnh.
– Việc sử dụng các kênh, “hào” nước quanh khu học các trường tương đối khiên cưỡng cùng với việc tổ chức không gian kiến trúc các trường giống nhau dễ tạo nên một sự nhàm chán.
– Phương thức cho đường cao tốc đi ngầm qua Khu trung tâm thiếu thuyết phục.
– Phương án đưa ra quá nhiều sự di dời khu dân cư hiện hữu làm hạn chế tính khả thi.
* Phương án mang Mã số PT 7594 (Liên danh Công ty TNHH PTW (Úc) và Công ty CP Tư vấn Đầu tư Xây dựng và Dịch vụ Thương mại Việt Nam
Ưu điểm :
– Ý tưởng tạo lập các cặp tương phản tạo nên sự phong phú của phương án : các tuyến giao thông uốn lượn ở giữa tương phản với các tuyến vuông góc phát triển và giới hạn; tổ chức không gian các trường theo bố cục hướng tâm của các hình bán nguyệt, tương phản với tổ hợp của các Khu Đô thị ngang bằng sổ thẳng.
– Lõi xanh được khai thác trên nền một nhánh kênh nối với sông Điện Biên cùng với những khoảng xanh đệm giữa các trường đại học đã kiến tạo nên một Đô thị xanh rõ nét.
Nhược điểm :
– Sự lặp lại quá nhiều các bố cục hướng tâm tạo ra sự đơn điệu của toàn bộ quần thể và làm khó thêm cho các giải pháp giao thông – các tia khác nhau kết nối với các trục giao thông “kẻ ô”.
– Tổ chức không gian Khu đô thị rất thiếu thuyết phục, lại tước đoạt đi những khả năng kết nối với Đô thị hiện hữu.
– Tổ chức hai Khu trung tâm chưa hợp lý về vị trí, quy mô và sự kết nối với đường cao tốc.
– Không tạo được những cấu trúc chức năng sử dụng chung trong Khu đào tạo – nghiên cứu.
* KẾT QUẢ :
Qua hai ngày làm việc, sau khi nghe lần lượt các nhóm tác giả trình bày, Hội đồng tuyển chọn gồm 13 thành viên do KTS Nguyễn Tấn Vạn – Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam làm Chủ tịch đã phân tích đánh giá các phương án và bỏ phiếu kín theo hai vòng.
Kết quả có 5 phương án được vào vòng hai là các phương án mang mã số :
SW 0401 Công ty SD Partners Architects and Engineer – Hàn Quốc
AZ 3605 Công ty Architettiriuniti – Subconsultan: Arup Italia
TJ 8486 Viện nghiên cứu Kiến trúc Đồng Tế (Tongji) – Trung Quốc
PT 7594 Liên danh Công ty TNHH PTW (Úc) và Công ty CP Tư vấn Đầu tư Xây dựng và Dịch vụ Thương mại Việt Nam
CC 6868 (Viện Kiến trúc Quy hoạch Đô thị và Nông thôn – Việt Nam)
Trong vòng xét giải, kết quả không có giải Nhất.
Phương án SW 0401 – Đoạt giải Nhì
Phương án AZ 3605 – Đoạt giải Ba
và Phương án CC 6868 được giải Khuyến khích.
KẾT LUẬN :
Cuộc thi quốc tế Ý tưởng Quy hoạch tổng thể Khu Đại học Phố Hiến – Hưng Yên đã khép lại với những kết quả đáng khích lệ. Các nhà quản lý, đầu tư có cơ sở để tuyển chọn nhà tư vấn thích hợp, xác định được những ý tưởng cơ bản cho các bước tiếp theo. Các chuyên gia trong và ngoài nước có dịp được trao đổi học hỏi về chuyên môn, giao lưu, tìm kiếm những cơ hội ở Việt Nam. Và trên hết, Cuộc thi là một tiền lệ rất đáng khích lệ trong công cuộc xây dựng các Trường, các Khu Đại học, góp phần đưa Giáo dục Đại học Việt Nam nói chung và kiến trúc trường học nói riêng lên một tầm cao mới, hòa nhập với Quốc tế.
TS.KTS Trần Thanh Bình
Chủ nhiệm Đề án xây dựng Khu Đại học Phố Hiến – Hưng Yên, Chủ nhiệm lập Nhiệm vụ quy hoạch phân khu 1/2000, Thành viên Hội đồng Giám khảo cuộc thi.