Phố Hiến và những vận hội mới…

Phố Hiến (Hưng Yên) xưa kia được hình thành cùng với sự ra đời của cảng sông từ thế kỷ XVI và phát triển cực thịnh dưới thời vua Lê – chúa Trịnh (thế kỷ XVII) qua thương cảng Vạn Lai. Từng được cả thế giới biết đến như một “tiểu Tràng An đô hội”, một trung tâm thương mại lớn nhất ở Đàng Ngoài, Phố Hiến hôm nay lại là một phố cổ trầm mặc mang trong mình bao bí ẩn của một thời phố chợ sầm uất, tấp nập thương thuyền. Với định hướng quy hoạch Vùng Thủ đô và phát triển các đô thị vệ tinh, Phố Hiến đang khởi sắc từng ngày – những vận hội mới đang mở ra với vùng đất nhiều tiềm năng này… 
Hoài niệm Phố Hiến xưa…
Không gian vắng lặng, u hoài của Phố Hiến (nay là thị xã Hưng Yên –tỉnh Hưng Yên) còn vương màu thời gian, phảng phất vẻ trầm tư của một đô thị cổ. Men theo ánh chiều bàng bạc, dọc theo những khu phố cổ Bắc Hoà, Nam Hoà, Đông Đô Quảng Hội, nghe như đâu đây còn vương vấn hơi thở dài của thi sĩ Phạm Đình Hổ khi xưa : 
“Tự thiếu tằng văn Hiến Nội bảo
“Ty lai Hiến Nội cánh điêu hao” 
(tạm dịch : thủơ nhỏ thường nghe Hiến Nội đẹp, mà nay tìm đến thấy Hiến Nội quá đìu hiu). 
Đến với chùa Chuông, đền Mẫu, đình Hiến, đền Trần (những di tích còn lại ở trung tâm phố Hiến , điều ta cảm nhận đầu tiên là những ranh giới, sự khác biệt đã bị thời gian xoá nhoà. Những chứng tích còn lại là sự giao thoa của nhiều nền văn hoá, của những dân tộc đã từng tồn tại ở đây, trong một thời hưng thịnh của Phố Hiến. 
Đền Mẫu
Ngay từ  rất sớm, do vị trí thuận lợi, Phố Hiến đã là một mắt xích trong quá trình thông thương của Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong những thương vụ dài ngày tới Việt Nam, Phố Hiến đã trở thành một chặng dừng chân quan trọng của các thương nhân nước ngoài. Trong “Đại Việt Sử ký toàn thư” có ghi lại sự kiện vào năm 1149, đời Vua Lý Anh Tông, thuyền buôn các nước Indonexia, Xiêm La… đã đến vùng Hải Đông (lúc bấy giờ gồm Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh) xin cư trú và buôn bán. Thuyền buôn của họ cập bến Vân Đồn (Quảng Ninh), Vị Hoàng (Nam Định), Phố Hiến (Hưng Yên) và ngược theo sông Hồng đến Thăng Long – Kẻ Chợ để buôn bán. 
Năm 1673, con tàu mang tên Groll do  Karl Hartsinhk chỉ huy cập bến cảng phố Hiến được ghi nhận là con tàu đầu tiên của Hà Lan đến Đàng Ngoài để tạo quan hệ và xây dựng thương điếm. Theo các tài liệu xưa còn ghi lại, thương điếm được xây dựng như những khu quân sự, có hào bao quanh với lính bảo vệ, ngay sát bền thuyền nhưng lại xa khu dân cư.
Sau người Hà Lan, người Anh cũng đến Phố Hiến và dựng lên các thương điếm của họ. Buôn bán phát triển, tàu thuyền tấp nập từ phố Hiến về Thăng Long cùng với số thương nhân nước ngoài ngày càng nhiều tại kinh thành. Tấm bia cổ ở chùa Chuông (được dựng vào năm 1711) có ghi lại tên của 20 phường nghề từng tồn tại ở Phố Hiến, trong đó có những phường nghề thủ công như thợ nhuộm, nồi đất, thuộc da, sơn nón… Phố Hiến vào năm 1688 đã có tới 2000 nóc nhà, các thuyền buôn đậu san sát ngoài bến, xứng với một thương cảng, một đầu mối giao lưu quốc tế sầm uất và phồn thịnh. 
Có lẽ lo ngại trước sự ảnh hưởng của người nước ngoài tại kinh thành, đầu thế kỷ XVIII, chúa Trịnh đã chủ trương ngăn cấm việc ra vào tự do của ngoại kiều. Năm 1717, chúa Trịnh Cương quy định những người Hoa mới sang bằng đường thuỷ phải cư trú ở Lai Triều (thị xã Hưng Yên ngày nay). Quy định này đã tạo một làn sóng người Hoa đến Phố Hiến làm ăn sinh sống, góp phần tạo điều kiện cho Phố Hiến trở thành một thương cảng sầm uất vào bậc nhất của Đàng Ngoài thời đó.
Gần hai trăm năm sau, với sự đổi dòng của sông Hồng, chính sách ức thương bằng bế quan toả cảng của triều đình nhà Nguyễn, rồi chiến tranh tàn phá… Phố Hiến dần vắng lặng và nhường dần vị thế thương cảng cho Hải Phòng ngày nay. Đến nửa cuối thế kỷ XVIII, Phố Hiến đã biến thành một thị trấn nhỏ hoang vắng, các thương điếm cũ mai một dần theo thời gian rồi mất hẳn, những dấu tích của nền văn minh Phố Hiến khi xưa giờ chỉ còn là ký ức, một dấu ấn lịch sử trong quá khứ.
Khoảng gần 20 năm trở lại đây, cùng với sự phát triển vượt bậc của tỉnh Hưng Yên, ý tưởng khôi phục lại  phố Hiến khi xưa đã được đặt ra. Năm 1992, một hội thảo khoa học về Phố Hiến đã được tổ chức với sự tham gia của hơn 50 nhà khoa học trong nước và quốc tế (chuyên gia các nước Nhật, Anh, Trung Quốc, Hà Lan, Autralia, Mỹ, Đức…). Hội thảo đã đặt ra những vấn đề về quá trình sa sút của Phố Hiến và việc bảo vệ, tôn tạo các di tích còn lại. Sau nhiều năm bị lãng quên, người dân Phố Hiến đã vui mừng đón nhận sự kiện này và coi đây là dấu mốc ghi nhận những bước khởi đầu của công cuộc phục hưng Phố Hiến. 
Tuy nhiên, trải qua hơn ba thế kỷ, đến nay 20 phường cùng với những khu thương điếm – minh chứng của thương cảng khi xưa đã hoàn toàn biến mất không để lại dấu tích. Mặt khác, cùng với thời gian, các di tích còn lại đang dần mai một. Đã có nhiều dự án được Bộ Văn hoá – Thông tin đầu tư trùng tu các di tích ở Phố Hiến nhưng đây là công việc rất khó khăn, bởi các nhà khoa học không tìm thấy những hình ảnh trong quá khứ để phục dựng lại Phố Hiến một thời từng lẫy lừng danh tiếng chỉ đứng sau Thăng Long – Kẻ Chợ…
… Và những vận hội mới hôm nay
Không chỉ dừng lại ở những hoài niệm về một thời tấp nập thương thuyền, Phố Hiến – Hưng Yên hôm nay đang phát triển từng ngày. Vì có quốc lộ số 5 chạy qua, nối Hà Nội – Hải Phòng, lại nằm trong khu vực trọng điểm tam giác kinh tế Bắc Bộ nên Hưng Yên có nhiều ưu thế phát triển kinh tế công nghiệp và dịch vụ. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều các khu công nghiệp lớn như Phố Nối A, Phố Nối B (Khu công nghiệp dệt may), Khu công nghiệp Thăng Long II (Mitsutomo – Nhật Bản), Khu công nghiệp Như Quỳnh, Khu công nghiệp Minh Đức, Khu công nghiệp Kim Động, Khu công nghiệp Quán Đỏ… 
Sắp tới đây, khi quốc lộ 5B, tỉnh lộ 200 (chạy song song với quốc lộ 39A, chạy qua Tiên Lữ, Ân Thi, Yên Mỹ), quốc lộ 39B (nối từ chợ Gạo, đi qua Tiên Lữ, Phù Cừ sang Hải Dương) đi vào hoạt động – con đường rộng 8 làn xe hiện đại bậc nhất Việt Nam (xuất phát từ cầu Thanh Trì đến TP cảng Hải Phòng) sẽ làm cân bằng sự phát triển kinh tế giữa các vùng trong tỉnh và mở ra những vận hội mới cho Hưng Yên, tạo điều kiện để phát triển vùng đất này.
Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều khu đô thị mới được xây dựng với quy mô lớn, quy hoạch hiện đại và văn minh như: Khu đô thị Ecopark (Văn Giang), Khu đô thị Phố Nối B, Khu đô thị Đại học Phố Hiến (TP Hưng Yên và huyện Tiên Lữ)… Trong đó, Khu đô thị Đại học Phố Hiến được xem là dự án trọng điểm của tỉnh, đang gấp rút được triển khai với sự phối hợp của Ban Quản lý dự án Khu đại học Phố Hiến, Công ty TNHH Thương mại – Xây dựng – Quảng cáo – Địa ốc Việt Hân và sự chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh Hưng Yên. Đây không chỉ là Khu đô thị – đại học đầu tiên được đầu tư hiện đại nhất Việt Nam mà còn thể hiện sự kết nối đặc biệt giữa Phố Hiến xưa – Hưng Yên hôm nay và đô thị trong tương lai.
“Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến” – Phố Hiến trong câu ca xưa không chỉ là một thương cảng quan trọng, mà còn là vùng đất rạng rỡ khoa bảng. Hưng Yên hôm nay thật tự hào nằm trong “top 5” các tỉnh có điểm thi đại học cao nhất trên cả nước (chỉ đứng sau Nam Định, Hải Dương và Hà Nội). Cho đến nay, tỉnh đã có hai trường đại học, bảy trường cao đẳng và rất nhiều trường trung cấp. Sắp tới đây, khi dự án Khu đại học Phố Hiến được triển khai với sự tập trung của 8-10 trường đại học, 80.000 sinh viên… truyền thống hiếu học của Hưng Yên sẽ được nâng lên tầm cao mới, “thành phố – đại học” sẽ trở thành biểu tượng mới của Phố Hiến – Hưng Yên , như cách nói của NGƯT.TS Nguyễn Khắc Hào, Phó Chủ tịch thường trực tỉnh Hưng Yên. 
Một cuộc thi tuyển ý tưởng quy hoạch – kiến trúc mang tầm quốc tế đã được UBND tỉnh Hưng Yên, Ban Quản lý Dự án, đơn vị thay mặt chủ đầu tư phối hợp tổ chức nhằm khơi dậy những ý tưởng sáng tạo và thiết thực nhất của các KTS, chuyên gia quy hoạch uy tín trong nước và quốc tế, tạo cơ sở để lựa chọn các đơn vị tư vấn triển khai các bước tiếp theo của dự án. Với rất nhiều ý tưởng và giải pháp hay, những nghiên cứu sâu sắc, khúc triết đã cho phép chúng ta mơ ước về một Khu đô thị đại học Phố Hiến đẹp đẽ, duyên dáng, vừa hiện đại, tiên tiến – vừa mang được cái hồn của Phố Hiến xưa.
Các chuyên gia đến từ nhiều nước trên thế giới như Hàn Quốc, Mỹ, Đức, Ý, Úc và Việt Nam đã dành cho Phố Hiến – Hưng Yên sự ưu ái đặc biệt. Điều này thể hiện rõ nét trong các biểu tượng sẽ thành hình của Khu đô thị đại học trong tương lai: đó là hình ảnh đóa sen hồng nở rộ tượng trưng cho quốc hồn quốc túy của dân tộc, cho nền văn minh lúa nước và truyền thống hiếu học của Hưng Yên; đó là hình ảnh Rồng châu Á mang hình dấu triện – tượng trưng cho quyền lực và phát triển; đó là biểu tượng Cây tri thức, vươn cao và tỏa sáng… Sẽ là công việc khó khăn cho các nhà lãnh đạo trong việc chọn lựa một biểu tượng xứng tầm cho diện mạo của Khu đại học trong tương lai.
Từ ý tưởng đến hiện thực, chặng đường vẫn còn xa, vẫn còn bộn bề công việc. Đề án xây dựng Khu đại học được thực hiện từ năm 2009-2020 và đang được UBND tỉnh chỉ đạo gấp rút triển khai. Hàng loạt những dự án mới cũng đang khởi động – đầy hứa hẹn với những triển vọng trong tương lai.
Nói về Hưng Yên hôm nay, cũng là nói đến những thành tựu mới, vận hội mới làm giàu thêm truyền thống và những giá trị văn hóa của vùng đất này. Với tất cả những gì Hưng Yên đã và đang làm cho tương lai – để tạo nên một tầm vóc, để đạt được những tầm cao mới – hoàn toàn có thể tin được rằng Hưng Yên hôm nay sẽ tiếp tục có những bước phát triển mới, bền vững và thịnh vượng hơn Phố Hiến thuở xưa. 
 
Bích Vượng