Đào tạo lĩnh vực kiến trúc xây dựng đáp ứng tiêu chuẩn kỹ năng lao động quốc tế

TP.HCM và khu vực phụ cận có xu hướng phát triển thành một đại công trường rộng lớn với việc đầu tư xây dựng các khu đô thị, công trình xây dựng, hạ tầng kỹ thuật, giao thông… Điều này đòi hỏi một đội ngũ nhân lực rất lớn trong lĩnh vực kiến trúc – xây dựng với đầy đủ năng lực làm việc trong cả lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng thực hành. Về mặt bản chất, cung và cầu trong ngành xây dựng đang diễn ra sự mất cân đối về cơ cấu, xảy ra tình trạng dư thừa lực lượng nhân lực tốt nghiệp Đại học, trong khi đang thiếu nhân lực ở trình độ cao đẳng, trung cấp, là cán bộ kỹ thuật hoặc công nhân kỹ thuật cao.

Tổ chức xúc tiến Thương mại Nhật Bản đến làm việc với Trường Cao Đẳng Xây dựng TP.HCM về “đáp ứng nhu cầu khẩn cấp về cung ứng lao động nước ngoài làm việc tại Nhật Bản”

Với xu hướng hội nhập hiện nay, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư, thành lập công ty và văn phòng hoạt động tại Việt Nam, tuyển dụng một lượng nhân lực lớn lao động thuộc lĩnh vực này. Không chỉ vậy, nhu cầu tuyển dụng người lao động lĩnh vực kiến trúc – xây dựng có trình độ cao ở các nước trong khối ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Đông… cũng không nhỏ, nhiều quốc gia còn có chính sách thu hút nhân lực bằng các chính sách lao động tiền lương, chính sách cư trú dài hạn…

Từ đó có thể nói, nhu cầu đào tạo nhân lực lĩnh vực kiến trúc – xây dựng đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ năng lao động quốc tế là một yêu cầu rất cần thiết. Bài viết trình bày các nội dung: (i) Nhu cầu nhân lực nhóm ngành kiến trúc xây dựng tại Việt Nam và quốc tế; (ii) các yêu cầu về năng lực người lao động trong môi trường trong nước và quốc tế; (iii) Triển khai chương trình đào tạo đáp ứng tiêu chuẩn kỹ năng lao động quốc tế tại Trường Cao đẳng Xây dựng TP.HCM;

Nhu cầu nhân lực nhóm ngành kiến trúc – xây dựng tại Việt Nam và quốc tế

Theo thống kê nhiều năm của Trung tâm Dự báo Nguồn nhân lực TP.HCM (2015- 2018), các nhóm ngành kỹ thuật xây dựng – kiến trúc… đang là một trong 8 nhóm ngành nghề có nhu cầu nhân lực cao tại TP.HCM và vùng phụ cận, từ nay đến 2025, mỗi năm thành phố cần thêm 270.000 đến 300.000 nhân lực thuộc 8 nhóm ngành nghề. Trong đó nhóm Kiến trúc – Xây dựng – Môi trường – Cấp thoát nước hiện đang là một trong những ngành nghề thiếu hụt về nhân lực lao động trực tiếp, đặc biệt là công nhân kỹ thuật hoặc nhân lực trình độ trung cấp, họa viên kiến trúc…

Dụng cụ và thiết bị thực hành của Chương trình Đào tạo Công nghệ xây dựng Nhật bản

Sự chênh lệch giữa cung – cầu vẫn diễn ra khi mà chất lượng, số lượng, cơ cấu đào tạo chưa cân đối và số lượng nguồn cung lao động chưa đáp ứng được với nhu cầu tuyển dụng lao động.

Việc thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN và thỏa thuận các ngành nghề được tự do di chuyển là cơ hội và thách thức cho lao động ngành Xây dựng Việt Nam. Các lĩnh vực ngành nghề được tự do di chuyển, bao gồm: Nha khoa, điều dưỡng, kỹ thuật, xây dựng, kế toán, kiến trúc, khảo sát và du lịch; ngành xây dựng và kiến trúc là nhóm ngành có nhu cầu rất lớn. Điều này đòi hỏi người lao động trang bị năng lực theo chuẩn ASEAN nhằm đáp ứng sự cạnh tranh trong môi trường lao động quốc tế và khu vực, tạo cơ hội lớn cho người lao động tìm kiếm việc làm tại các dự án trong và ngoài nước.

Ngoài ra, các thị trường lao động tại Nhật Bản, Trung Đông và kể cả Châu Âu cũng đang tìm kiếm nhân lực kiến trúc xây dựng, đặc biệt là đội ngũ nhân lực lao động trực tiếp, cán bộ kỹ thuật, người lao động có tay nghề cao. Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (MLIT) cũng đã ký kết hợp tác với Bộ Xây dựng Việt Nam và nhằm xúc tiến Chương trình tiếp nhận nhân lực xây dựng Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản, phục vụ nhu cầu tái thiết miền Đông Nhật Bản sau trận động đất và sóng thần năm 2011, tham gia các công trình phục vụ Thế vận hội Olympic Tokyo và Paralympic Games 2020. Nhật Bản đã thành lập cơ quan chuyên trách để xúc tiến việc tiếp nhận nhân lực lao động nước ngoài trong chương trình “đáp ứng nhu cầu khẩn cấp về cung ứng lao động nước ngoài làm việc tại Nhật Bản”.
Việc Cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập kỳ vọng sẽ tạo ra những bước phát triển kinh tế lớn cho khu vực ASEAN nói chung và cho Việt Nam nói riêng. Nhật Bản đã đề xuất về việc “Đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng cao” như là một bước đầu tư quan trọng cho sự phát triển của ASEAN trong tương lai. Việc đào tạo nhân lực có kỹ năng xây dựng ở trình độ quốc tế tại Việt Nam là một nhu cầu cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các dự án quốc tế quan trọng của chính phủ Nhật Bản tại khu vực ASEAN.

Các yêu cầu về năng lực người lao động trong môi trường quốc tế

Mỗi thị trường lao động khác nhau đòi hỏi người lao động phải có năng lực khác nhau phù hợp từng môi trường lao động. Trong nhiều năm qua, khảo sát tình hình việc làm của sinh viên (SV) tốt nghiệp tại Trường Cao Đẳng Xây dựng TP.HCM, có một số đặc điểm về yêu cầu năng lực của người lao động lĩnh vực kiến trúc – xây dựng trong môi trường trong nước và quốc tế như sau:

– Thị trường lao động trong nước dần dần định hướng người lao động phải có năng lực chuyên môn tốt, có khả năng thích ứng nhiều lĩnh vực chuyên môn đa dạng: Triển khai bản vẽ, quản lý kỹ thuật, giám sát thi công, giám sát thiết kế…kỹ năng của người lao động cũng cần thiết nhưng chủ yếu là kỹ năng thực hành, lao động trực tiếp. Nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu tuyển dụng người lao động có trình độ Cao đẳng – Trung cấp thay thế cho lực lượng công nhân hầu như chưa quan đào tạo, thiếu ý thức an toàn lao động, không được bồi dưỡng, sát hạch kỹ năng lao động…Thị trường lao động trong nước cho các doanh nghiệp nước ngoài không cần trình độ đại học nhưng đòi hỏi trình độ ngoại ngữ: Tiếng Anh và tiếng Nhật được ưu tiên. Một số công ty kiến trúc quốc tế đặt văn phòng tại Việt Nam, tuyển dụng KTS và KS thực hành kiến trúc cho các công tác khai triển bản vẽ để mang về triển khai thi công ở nước khác. Thực chất công việc triển khai không đòi hỏi trình độ KTS.

Thị trường lao động ASEAN xuất hiện cả nhu cầu xuất khẩu và nhập khẩu lao động. Các công ty Việt Nam khi đấu thầu tại Lào, Cambodia hay Myanmar thường mang người lao động Việt Nam đi làm việc. Việc tuyển dụng không quá khắt khe, lao động chỉ cần đủ điều kiện sức khỏe và chấp nhận làm xa nhà. Các dự án quốc tế tại Việt Nam đang có xu hướng tuyển dụng cả công nhân và kỹ sư từ Philippine và Singapore. Những đối tượng này được đánh giá có thái độ làm việc chuyên nghiệp và trình độ ngoại ngữ tốt hơn kỹ sư và công nhân Việt Nam. Hiện nay theo Hiệp định lao động trong ASEAN, yêu cầu người lao động chuyển dịch lao động phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia để được công nhận năng lực giữa các quốc gia. Người lao động Việt Nam đang thiếu chứng chỉ kỹ năng nghề nên khá khó khăn trong việc tìm kiếm công việc ở các dự án quốc tế hoặc ở nước ngoài.

Thị trường lao động quốc tế Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Đông… đang tuyển dụng người lao động đã qua đào tạo (cao đẳng và trung cấp) cho các vị trí kỹ thuật viên trình độ trung cấp hoặc kỹ sư thực hành kiến trúc – xây dựng (cao đẳng) có thể đảm nhiệm nhiều vị trí công việc từ việc tham gia thiết kế, triển khai bản vẽ thiết kế đến việc tham gia quản lý các dự án xây dựng, hoặc quản lý kỹ thuật/ giám sát các hạng mục công trình. Đối tượng tuyển dụng cần phải có kiến thức về công nghệ xây dựng – kiến trúc của nước sở tại, kỹ năng thực hành và năng lực ngoại ngữ tốt. Bên cạnh đó, người lao động (KS, KTS và kỹ thuật viên) cần am hiểu văn hóa của nước đến làm việc và có thái độ tích cực trong công việc, điều này khá khó khăn để đào tạo trong bối cảnh chương trình đào tạo ở Việt Nam (nặng về lý thuyết, thiếu kỹ năng và hầu như không quan tâm đến rèn luyện thái độ).

Văn hóa Nhật Bản là một nội dung quan trọng của chương trình Quốc tế – Đào tạo Công nghệ xây dựng Nhật bản

Nội dung triển khai chương trình đào tạo đáp ứng tiêu chuẩn kỹ năng lao động quốc tế tại Trường Cao Đẳng Xây dựng TP.HCM

Từ tháng 9/2015, Trường Cao đẳng Xây dựng TP.HCM đã hợp tác với Công ty Tư vấn Xây dựng Earth Construction Consultants, Nhật Bản triển khai đào đạo chương trình Công nghệ Xây dựng Nhật Bản. Theo đó, học viên được đào tạo chuyên sâu một năm sau khi tốt nghiệp và được các công ty xây dựng Nhật Bản tuyển dụng làm việc tại Nhật Bản với visa kỹ sư. Sau ba năm triển khai, hiện nay chương trình đã khai giảng được 07 khóa với số lượng gần 150 học viên. Hơn gần một nửa trong số đó hiện đang sống và làm việc tại Nhật Bản; hoặc đã ký hợp đồng làm việc và đang làm thủ tục xuất cảnh. Chương trình hiện nay đã được Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản, Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM và các Công ty Xây dựng tại Nhật Bản đánh giá rất cao.

Học viên tốt nghiệp từ chương trình đều được tuyển dụng vào các vị trí kỹ sư thực hành Kiến trúc và Xây dựng: Giám sát kỹ thuật công trường, triển khai bản vẽ thiết kế, triển khai kỹ thuật thi công, triển khai kết cấu, trắc địa, khảo sát địa chất…Vị trí công việc, mức lương, chế độ đãi ngộ, trách nhiệm đảm nhiệm đều tương đương với các kỹ sư người Nhật; Một số bạn SV tốt nghiệp nếu không đi làm việc ở Nhật vẫn được các công ty Nhật tại TP.HCM tuyển dụng với vị trí kỹ sư. Có những bạn được công ty tại Nhật tuyển dụng để làm việc tại Việt Nam cho các nhiệm vụ triển khai bản vẽ thiết kế, bản vẽ thi công.

Chương trình đã cung cấp kiến thức chuyên môn tốt, kỹ năng ngoại ngữ và thực hành đầy đủ và thái độ làm việc tích cực cho học viên, tạo điều kiện tốt để các học viên có thể làm việc ở môi trường Nhật Bản. Các kiến thức công nghệ xây dựng Nhật Bản, kỹ năng thể hiện và triển khai bản vẽ bằng JWCAD được cung cấp rất tốt. Các bạn SV còn được học tập văn hóa Nhật và rèn luyện tiếng Nhật chuyên sâu để có thể làm việc.

Hình ảnh sinh viên tốt nghiệp chương trình Công nghệ Xây dựng Nhật Bản làm việc với vị trí kỹ sư tại Nhật

Các công ty khi ký hợp đồng với SV tốt nghiệp chương trình ở vị trí kỹ sư thực hành kiến trúc – xây dựng, thì sẽ phân công và giao việc đúng theo vị trí việc làm kỹ sư, phân biệt rõ ràng với công nhân, được quản lý công nhân kể cả công nhân, nhân viên người Nhật. Hầu hết các vị trí đều có mức lương khá tốt, ngang với người Nhật có vị trí tương đương.

Hầu hết các bạn học viên tốt nghiệp chương trình đều đang có việc làm ổn định, các bạn tự tin, lạc quan và xác định rõ công việc và trách nhiệm của mình. Các bạn đều đánh giá chương trình học đã cung cấp cơ bản kiến thức và kỹ năng để làm việc tại Nhật Bản, môi trường và cơ hội làm việc tại các công ty Nhật rất tốt, sự thành công của mỗi cá nhân phụ thuộc vào cố gắng và nỗ lực của bản thân.

Đào tạo kỹ năng thực hành – 4B Đào tạo kỹ năng an toàn làm việc trên cao

Thay lời kết

Tóm lại, xu hướng lao động trong môi trường quốc tế (trong nước và nước ngoài) đang phổ biến hiện nay tại thị trường lao động lĩnh vực Kiến trúc – Xây dựng tại TP.HCM nói riêng và Việt nam nói riêng.

Vấn đề đặt ra là:

(1) Người lao động (kỹ sư và công nhân) Việt Nam nếu không ý thức được yêu cầu của thị trường, tính chuyên nghiệp trong thái độ và kỹ năng làm việc, sự cần thiết đáp ứng tiêu chuẩn kỹ năng nghề Quốc gia thì chắc chắn sẽ không thể làm việc được trong tương lai, không tìm được việc làm tốt, mức lương hợp lý; mặt khác, người lao động có thể chịu thua các lao động quốc tế ngay cả trong các dự án trong nước về mức lương và vị trí công việc;

(2) Các doanh nghiệp kiến trúc – xây dựng Việt Nam không nhận thức được sự đòi hỏi chuyên nghiệp của môi trường lao động, nguyên tắc tuyển dụng người lao động đã qua đào tạo, có chứng chỉ kỹ năng nghề thì sẽ khó khăn trong việc phát triển kinh doanh, có thể thua các doanh nghiệp nước ngoài trong đấu thầu thiết kế, thi công;

(3) Các cơ sở đào tạo cần nắm bắt được xu hướng phát triển của thị trường lao động, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, hướng tới tiêu chuẩn quốc tế. Các yêu cầu và tiêu chuẩn quốc tế rất cần thiết phải đưa vào chương trình đào tạo: Tăng cường kỹ năng, rèn luyện thái độ làm việc, ngoại ngữ, am hiểu văn hóa, cộng đồng.

* TS.KTS Lê Anh Đức
Hiệu trưởng Trường Cao Đẳng Xây dựng TP HCM

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 11-2018)