Chủ đề Đổi mới Đào tạo KTS trong bối cảnh phát triển và hội nhập đã thu hút sự chú ý của dư luận trong thời gian qua. Nhiều ý kiến, nhiều bài viết của các KTS – các Thầy đã thể hiện sự băn khoăn, bức xúc, kể cả lo lắng về hiện trạng đào tạo KTS hiện nay. Là người trong cuộc, tôi đã trình bày ý kiến để lý giải thêm qua quá trình theo đuổi nghiệp đào tạo hơn 30 năm. Đó là bài viết: “Bài toán đào tạo KTS thời kỳ hội nhập”.
- Tình hình hoạt động đào tạo KTS hiện nay (trên thế giới và Việt Nam)
- Sự vênh giữa mục tiêu và mô hình đào tạo KTS ở Việt Nam
- Triết lý đào tạo KTS thế kỷ 21
Với tình hình thực tế hiện nay của các cơ sở đào tạo KTS, theo tôi, yếu tố quan trọng nhất để thực hiện được triết lý đào tạo là tài chính từ nguồn học phí.
Đổi mới tài chính = trượt giá hàng năm
Ngày 30/5/2009, đề án đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2009-2014, trong đó có giáo dục đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Quốc hội. Vấn đề cốt lõi của đề án “Đổi mới tài chính” là việc tăng học phí được Quốc hội nâng lên đặt xuống nhiều lần mong tìm được sự đồng thuận cao. Tại nghị trường, những câu hỏi đặt ra không có câu trả lời vẫn được các đại biểu “mổ xẻ” theo kiểu “vì người dân, vì người học”, không vì cơ sở đào tạo:
- Tăng học phí có tăng chất lượng đào tạo không?
- Đừng để học phí trở thành gánh nặng cho người lao động!
- Tăng học phí đừng để gây sốc cho xã hội!
Tôi xin ghi lại một số ý kiến của đại biểu quốc hội xung quanh đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục và đào tạo để có cái nhìn khái quát sau hơn 5 năm đã qua:
- Ông Đào Trọng Thi – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên, thiếu nhi và nhi đồng của Quốc hội: “Tôi ủng hộ việc tăng học phí ở bậc đại học, cao đẳng, nhưng mức tăng không gây sốc cho xã hội và phù hợp với khả năng đóng góp của người dân”
- Ông Vũ Văn Ninh – Bộ trưởng Bộ Tài chính: “Việc điều chỉnh tăng thêm học phí là hướng tới những người có khả năng chi trả. Còn đối tượng người nghèo, gia đình chính sách thì rõ ràng không chỉ được miễn như hiện nay mà còn phải được cấp học phí”
- Bà Phan Thị Thu Hà: “Việc tăng học phí nên theo từng lộ trình, từng bước một, phù hợp hơn. Việc tăng học phí phải gắn liền với chất lượng đào tạo, không thể để cho các trường tùy tiện tăng học phí”
Cuối cùng, Quốc hội cũng bấm nút thông qua đề án, TS. Trần Du Lịch – Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM phải thốt lên rằng: “Quyết định tăng học phí là quyết định khó khăn nhất của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp này”. Soạn thảo đề án thiếu cơ sở thuyết phục, quyết định thông qua cũng khó khăn, như có điềm báo trước việc thực hiện đề án mờ nhạt trong hoạt động đào tạo của các cơ sở.
Báo Đất Việt ngày 26/5/2009, GS. Phạm Phụ có ý kiến: “Tôi thấy có sự nhầm lẫn khá lớn trong đề án tài chính này. Ban soạn thảo quan niệm học phí thấp là tính công bằng xã hội tốt hơn nhưng thực tế không phải như vậy. Ở giáo dục bậc đại học, tỷ lệ sinh viên của tầng lớp trên là phần lớn, số tiền trợ cấp đó sẽ chủ yếu chạy vào tầng lớp dân cư giàu”. Chính vì “… có sự nhầm lẫn khá lớn trong đề án …” do đó, cần nhận thức lại hoạt động tài chính ở các trường đại học công, trong đó có các cơ sở đào tạo chuyên ngành kiến trúc. Với thực tế học phí cào bằng như hiện nay, cộng với ngân sách cấp chung cho tất cả sinh viên, sẽ không công bằng cho người học, ngành học và trường học. Năm 2007, Chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP) ở Việt Nam đã thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học về lĩnh vực tài chính cho giáo dục đại học. Kết quả: 35% ngân sách nhà nước cấp cho các cơ sở giáo dục đại học thì các con em cư dân giàu nhất được thụ hưởng 20%, còn 15% là con em các cư dân nghèo nhất. Bên cạnh đó, cấu trúc về chương trình, mô hình đào tạo và phương pháp giảng dạy đều có sự khác biệt rất lớn giữa các ngành học và các trường đào tạo. Quan điểm về học phí có mặt bằng chung toàn quốc là một trong những nhầm lẫn lớn ai cũng có thể cảm nhận được. GS. Phạm Phụ đã nhận định: “Tôi cho rằng với mức thu học phí như đề án, các trường đại học chỉ tồn tại một cách vật vờ”.
Đúng như vậy, với mức học phí như hiện nay, cộng với ngân sách nhà nước cấp, hầu hết các trường cố gắng giữ trật tự trong đào tạo là chính. Chúng ta xem chấn hưng giáo dục là mệnh lệnh từ cuộc sống, song con đường tài chính cho đổi mới giáo dục nói chung, giáo dục đại học nói riêng lại quá khó khăn trong nhận thức và chia sẻ!
Hệ lụy của việc cào bằng và học phí thấp
Hệ lụy lớn nhất đối với người học là chất lượng đào tạo thấp, nặng về hình thức, nhẹ về nội dung, giảm giờ thực hành, giảm đi thực tế, tăng giờ lý thuyết, lớp học thường tập trung với sĩ số lớp đông. Trong một nghiên cứu nhánh của đề án đào tạo theo chương trình tiên tiến của trường Đại học Kiến trúc TP. HCM đã bất ngờ phát hiện: Trên 60% sinh viên không có tinh thần phấn đấu vươn lên trong học tập, vì học phí quá thấp, dẫn đến hiện tượng học lại, thi lại khá phổ biến ở tất cả các môn học.
Cơ sở đào tạo chưa đảm bảo được đời sống cho cán bộ viên chức từ hoạt động đào tạo, thu nhập từ giảng dạy thấp là một thách thức khó khăn cho công chức, cho giảng viên, cho nhà quản lý giáo dục. Tài chính cho giáo dục đại học (học phí + ngân sách + các khoản thu hợp pháp khác) nói chung, và với ngành Kiến trúc nói riêng, như một “vòng kim cô” kìm hãm sự phát triển và hội nhập của các cơ sở đào tạo; đồng thời cũng kìm hãm sự sáng tạo trong lao động của công chức nhà trường và nhất là đội ngũ giảng viên nhiệt tình và tâm huyết giảm dần
Bài học “đồng tiền đi trước…”
Hơn mười năm về trước (2004), Nhật Bản và Singapore đã tổ chức tri ân những nhà cải cách giáo dục. Cải cách giáo dục của họ là tấm gương, là bài học kinh nghiệm cho một số nước đi sau, trong đó có Việt Nam. Trong quá trình cải cách giáo dục, họ xem tài chính không là điều kiện cần hay đủ mà là yếu tố quyết định sự thành công của đề án cải cách. Chính vì vậy, Chính phủ đi vay tiền và xã hội tập trung mọi nguồn lực để tăng lương, tăng cơ sở vật chất cho giáo dục. Mục tiêu giáo dục của họ là các nhà giáo yên tâm giảng dạy, không phải vừa dạy, vừa “chạy sô”, trò yên tâm học, không phải bận tâm về tiền trường (có chính sách cho vay trọn khóa học). Bên cạnh đó cơ sở vật chất phục vụ đào tạo được ưu tiên ở mức đạt chuẩn như các cơ sở đào tạo ở châu Âu lúc bấy giờ. Họ đã thành công.
Mong muốn thấy hiệu quả từ học phí thu đủ, thu đúng
Là người trong cuộc, tôi không thích cụm từ “tăng học phí” vì cụm từ này vừa không thiện cảm, vừa không phản ánh đúng với tính chất của sự việc. Chúng ta chưa có cơ sở thu đủ học phí bao giờ thì không thể gọi là thu tăng. Từ trước đến nay, thu học phí theo quy định A, thông tư B, không có cơ sở tính toán khoa học rõ ràng của các cơ sở đào tạo!!! Theo tôi, học phí được thu đủ, thu đúng mới đảm bảo chi hợp lý và có tích lũy để phát triển cơ sở vật chất như trong đề án đổi mới cơ chế tài chính của Bộ Giáo dục Đào tạo đề ra. Chi hợp lý cho các hoạt động phục vụ đào tạo, trong đó chi cho con người là quan trọng. Đời sống cán bộ viên chức của cơ sở đào tạo cần được nâng cao, điều này rất cần thiết đối với hình ảnh người thầy khi chúng ta xem giáo dục là quốc sách hàng đầu!! Một thực tế, đời sống giảng viên và gia đình giảng viên còn nhiều khó khăn, thiếu trước, hụt sau, họ không thể tâm huyết với sự nghiệp đào tạo, họ càng không thể trở thành “nhà kỹ sư tâm hồn” trong lĩnh vực sư phạm. Nếu có chỉ là hình thức gắng gượng và sáo rỗng trong nền kinh tế thị trường.
Học phí thu đúng, thu đủ được công khai minh bạch các điều kiện để đảm bảo chất lượng cho người học trên cơ sở 3 chuẩn mực quốc tế: Kiến thức, kỹ năng, thái độ. Chính vì vậy, chất lượng đào tạo phải do cơ sở đào tạo xây dựng và công bố, song hành với mức thu học phí.
Theo tôi, đề án đổi mới cơ chế tài chính đang áp dụng hiện nay chưa phát huy được hiệu quả, chưa có tác dụng tích cực đến đời sống đào tạo của các trường. Chính vì chưa làm rõ, “bình quân thu nhập” cơ sở để tính học phí, điều kiện ở nước ta, tính “bình quân thu nhập” lại rất phức tạp và chưa chuẩn về nhận thức cũng như hành động đối với công bằng xã hội. Cơ sở đào tạo và người học đều cảm thấy chưa rõ ràng, minh bạch về nguồn tiền được thu cũng như mức tiền cần đóng.
Học phí cần để cơ sở đào tạo xây dựng, tính toán, cân nhắc đầy đủ các mặt để chi phí đào tạo đảm bảo khách quan và công bằng. Tôi cho rằng, vì sự tồn tại và phát triển bền vững, các cơ sở đào tạo sẽ có phương án học phí phù hợp với hoạt động đào tạo của mình. Hãy tin tưởng và trao tự chủ tài chính đầy đủ, thực chất cho các cơ sở đào tạo. Họ sẽ tự “cởi trói” cho học phí cơ sở của mình. Cơ sở đào tạo tự quyết định những chi phí hợp lý cho hoạt động đào tạo, nhất là chi phí cho con người, không nên sử dụng hệ số lượng mang tính toàn quốc như hiện nay. Môi trường lao động ở các cơ sở đào tạo KTS vừa mang tính sư phạm, vừa mang tính kỹ – mỹ thuật cao, do đó cũng đòi hỏi sự sáng tạo và nhân văn trong hoạt động tài chính, nhanh chóng thoát khỏi sự lẩn quẩn, bế tắc về “tiền bạc”, để phát triển, hội nhập sâu rộng với môi trường giáo dục đại học khu vực và quốc tế.
KTS Phạm Tứ – TCKT.VN
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 07 – 2016)