Sự thiếu vắng môn học kiến trúc bền vững trong trường đại học

Đây là vấn đề được đặt ra tại Hội thảo Đổi mới giáo trình giảng dạy hướng đến công trình xanh và biến đổi khí hậu, do Viện Kiến trúc Nhiệt đới (trường Đại học Kiến trúc Hà Nội) tổ chức ngày 26/9.

Hội thảo có sự hỗ trợ của Bộ Xây dựng, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và trường Đại học Công nghệ DELFT (Hà Lan) cùng sự tham gia của một số chuyên gia quốc tế.

TS Hoàng Mạnh Nguyên – Viện trưởng Viện Kiến trúc Nhiệt đới – cho biết: Trước xu thế về biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh năng lượng ở cấp quốc gia, vấn đề đặt ra cho kiến trúc Việt Nam là thiết kế tiết kiệm năng lượng và kiến trúc bền vững. Thiết kế đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng và tiết kiệm năng lượng cho công trình. Tuy nhiên, hiện nay trong chương trình khung đào tạo kiến trúc bền vững tại các trường đại học hoàn toàn thiếu vắng môn học này.

Với mục tiêu xây dựng chương trình đào tạo có lồng ghép nội dung kiến trúc bền vững, Viện Kiến trúc Nhiệt đới đã tổ chức một cuộc điều tra khảo sát về thực trạng đào tạo về thiết kế tiết kiệm năng lượng và kiến trúc bền vững trong hệ thống các môn học của các trường đại học.

Kết quả cho thấy, khối lượng kiến thức về kiến trúc bền vững hầu như là không có hoặc vụn vặt, không có hệ thống, không có giáo trình và chương trình cụ thể.

Trong khi đó, sinh viên mong muốn có một chương trình đào tạo về kiến trúc bền vững hoàn chỉnh, cải tiến, có thể áp dụng trong thực tiễn; được đào tạo về thiết kế thụ động, sử dụng nước, quy hoạch bền vững, vật liệu bền vững và năng lượng…

Riêng GS.TS Nguyễn Hữu Dũng – Chủ nhiệm khoa Kiến trúc trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội – thì chia sẻ một số bước đi ban đầu trong đào tạo kiến trúc bền vững.

Theo đó, để từng bước thực hiện chương trình đào tạo theo xu hướng phát triển xanh, chương trình đào tạo kiến trúc sư trong nhà trường gồm các môn học kiến thức chuyên ngành bắt buộc và nhóm môn học chuyên ngành tự chọn.

Khối kiến thức bắt buộc gồm các môn bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, bảo tồn di sản và cải tạo kiến trúc. Khối chuyên ngành tự chọn dành cho sinh viên năm cuối gồm kiến trúc công trình, kiến trúc nội – ngoại thất, kiến trúc xanh – kiến trúc bền vững. Trong chuyên ngành kiến trúc xanh, bao gồm các môn học lý thuyết thiết kế kiến trúc xanh – kiến trúc bền vững; môi trường xây dựng; giải pháp giảm thiểu tác động ô nhiễm môi trường trong công trình xây dựng; đồ án thiết kế công trình nhà ở cao tầng, khách sạn, cao ốc văn phòng xanh… Các sinh viên có thể tự chọn các chuyên ngành này theo sở thích và năng lực cá nhân trước khi đi thực tập và nhận đồ án tốt nghiệp.

Đề cập đến việc đổi mới giáo trình giảng dạy hướng đến công trình xanh và biến đổi khí hậu, TS Nguyễn Quang Minh (khoa Kiến trúc và Quy hoạch Đại học Xây dựng Hà Nội) cho rằng: Muốn có công trình xanh, phải đào tạo được nhiều kiến trúc sư có suy nghĩ và tư duy xanh, coi bền vững và sinh thái là kim chỉ nam trong thiết kế. Các khoa kiến trúc ở các trường đại học như Đại học Xây dựng Hà Nội, Đại học Kiến trúc Hà Nội chính là những vườn ươm nhân lực có trình độ, cả về học thuật lẫn nghề nghiệp.

Do vậy, theo ông Minh, việc cần tiến hành khẩn trương là đổi mới giáo trình. Tầm quan trọng của môn học kiến trúc xanh và sự cần thiết của đồ án kiến trúc xanh đã khá rõ ràng. Dựa trên lý thuyết đã có, các trường cần điều chỉnh nội dung phù hợp theo hướng cập nhật kiến thức mới và hiện đại của thế giới. Nếu cần tăng thời lượng học lên một phần và giảm thời lượng của một số môn học phụ. Vấn đề đặt ra là làm thế nào đưa đồ án kiến trúc xanh vào hệ thống đồ án hiện có mà không gây thêm áp lực lên sinh viên – vốn dĩ đã phải theo học một số chương trình học tập khá nặng.

TS Hoàng Mạnh Nguyên thì đề xuất một chương trình đào tạo kiến trúc sư có sự lồng ghép nội dung kiến trúc bền vững và thiết kế tiết kiệm năng lượng. Theo đó, chương trình phải khái quát được các nội dung cơ bản của kiến trúc bền vững, bao gồm các khái niệm cơ bản, năng lượng, nước, vật liệu, quy hoạch, chất lượng môi trường trong nhà. Nội dung chương trình được sắp xếp theo mức độ từ dễ lên khó, từ thấp lên cao, được chia vào các phân môn nhằm giúp sinh viên tiếp cận kiến thức một cách tự nhiên, hiệu quả nhất.

Tuy nhiên, TS Nguyên cũng cho rằng: Hiện trường Đại học Kiến trúc Hà Nội chưa có bộ môn kiến trúc bền vững riêng, chưa có tổ chức nhân sự cũng như chương trình, giáo án. Do đó, việc xây dựng nội dung kiến trúc bền vững vào chương trình đào tạo kiến trúc sư cần có thời gian, đầu tư tài chính và nhân sự, tổ chức các khóa học thử nghiệm để dần trở thành một bộ môn hoàn chỉnh.

(Báo Xây dựng)

Báo Xây dựng