Một chặng đường dài, 72 năm một đời người, với kiến trúc Việt Nam thì đã qua 3 thế hệ KTS, và với Hội – Mái nhà chung nay là lần thứ 10 “con cháu tề tựu”. Mỗi kỳ Đại hội với nhiệm kỳ nhiều năm khác nhau do bối cảnh đất nước, kiến trúc và KTS đã để lại cho lịch sử những trăn trở cùng như thành quả khác nhau, trong đó có những đại hội với các sự kiện dấu mốc quan trọng, không chỉ đối với tuổi đời của Hội mà cả với nền kiến trúc nước nhà.
Thành lập – Đại hội I (1948)
Sau toàn quốc kháng chiến bùng nổ, nhiều KTS theo cách mạng đã tản cư về các liên khu. Tháng 4/1948, thực hiện lệnh của Bác Hồ, Bộ Giao thông Công chính đã triệu tập họ về Thản Sơn (thuộc tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay) để tiến hành hội nghị thành lập Đoàn KTS nhằm tập hợp lực lượng phục vụ kháng chiến và chuẩn bị cho công cuộc kiến thiết sau này.
Lịch sử qua đi, 8 KTS đầu tiên của đại hội và là tiền thân của Hội cũng không còn, chỉ còn kiến trúc của họ như di tích hay trong ký ức. Mặc dù chỉ tranh, tre, nứa, lá trong chiến khu hay gạch ngói khiêm tốn ở thành phố những năm đầu của chính quyền non trẻ, các công trình kiến trúc ấy là đóng góp đầu tiên của nhóm KTS cho cách mạng.
Thống nhất – Đại hội III (1983)
Đất nước trải qua bao biến động, miền Bắc xây dựng CNXH được 10 năm thì cùng với miền Nam vào cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc mà đến năm 1975 mới được thống nhất hoàn toàn. 25 năm sau Đại hội II, đại hội này có ý nghĩa vô cùng to lớn, mở đầu cho sự quy tụ giới KTS hai miền, bỏ qua chính kiến, vì sự nghiệp chung kiến thiết quê hương.
Hơn 150 đại biểu đại diện cho 1000 KTS hội viên, gặp gỡ thân thiết, làm quen với nhau, nghe tên chưa hề gặp mặt, tri ân các thế hệ tiền bối, và cũng là dịp đánh dấu sự chuyển giao sự nghiệp kiến trúc, sự nghiệp Hội cho lớp kế tiếp trong niềm tự hào và tin cậy.
Tuy đất nước còn khó khăn, nhưng với sự xen kẽ học hỏi, cộng tác giữa hai thế hệ, các KTS đã tạo nên thành quả đáng ghi nhận, làm thay đổi các nhận thức về kiến trúc, không chỉ là cơ sở vật chất mà còn có giá trị lớn về văn hóa tinh thần, tạo thẩm mỹ nghệ thuật cho cộng đồng xã hội, tạo diện mạo cho đô thị nông thôn. Không nghiễm nhiên mà Nhà nước đã cho giới kiến trúc về với “gia đình” VHNT.
Đại hội III còn là dấu mốc quan trọng – Đổi tên Đoàn KTS thành Hội KTS Việt Nam.
Chuyển tiếp thiên niên kỷ – Đại hội V (1994)
Với nhiệm kỳ 1994-1999, năm cuối cùng của thế kỷ 20, đồng thời cũng là thời gian tuổi 50 của Hội. Hơn 300 đại biểu thay mặt cho 1600 hội viên (trong số 5500 KTS của cả nước) chào đón đại hội, đón một nhiệm kỳ mới với bao sự kiện.
Tiếp nối nhiệm kỳ IV, thừa lệnh của chính phủ, Hội KTS Việt Nam cùng với Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa hoàn thiện thủ tục về Giải thưởng và Hội đồng Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia, sau đó, trong nhiều nhiệm kỳ đã tiến hành xét giải 1994, 1996, 1998, 2000. Thông qua giải thưởng, nhìn lại kiến trúc 50 năm, giới KTS Việt Nam đã đóng góp cho xã hội một tài sản to lớn, giải quyết cơ sở hạ tầng cho phát triển kinh tế, đáp ứng tối thiểu cho đời sống và hoạt động của người dân, nhưng quý hơn là đã tạo được một xu hướng trong nền kiến trúc mới của Việt Nam – Kiến trúc XHCN hiện thực, đầy nhân văn và bản sắc bản địa.
Đại hội cũng mở đầu cho mùa gặt hái kết quả đổi mới, mở đầu sự nhập cuộc nghề nghiệp quy mô lớn hơn, chất lượng hơn của giới KTS Việt Nam. Từ đó, đòi hỏi “xây dựng đội ngũ KTS có đức, có tài vì nền kiến trúc Việt Nam chân thực, hiện đại, đậm đà bản sắc” trở nên mục tiêu chủ chốt của nhiệm kỳ này.
Những đóng góp thực tế và sự trưởng thành ngày càng rõ nét của KTS, của Hội KTS, đặc biệt trong sáng tạo và thực hiện chức năng tư vấn phản biệt xã hội về nghề nghiệp đã gây được sự tín nhiệm của Chính phủ. Thời gian này, chính phủ đã cho thành lập thí điểm chế độ “KTS trưởng”, cho thành lập Hội đồng tư vấn kiến trúc của Thủ tướng Chính phủ (nhiệm kỳ 1995 – 1999), và cũng từ Đại hội VI, Hội KTS chính thức hoạt động với vị thế “Tổ chức chính trị – Xã hội nghề nghiệp” theo NQTƯ khóa 8.
Sự trưởng thành và trách nhiệm – Đại hội IX (2015)
Hai mươi năm đầu của thế kỷ 21, là thời gian của sự chạy đua phát triển trong tất cả các lĩnh vực, trong đó, nổi trội là hạ tầng giao thông, phát triển đô thị – đô thị hóa, và kèm theo là công trình kiến trúc. Tiếp nối kiến trúc XHCN ở miền Bắc, kiến trúc bản địa nhiệt đới ở phía Nam, một xu hướng mới hiện đại quốc tế hóa, sử dụng công nghệ làm thay đổi bộ mặt đất nước, sự đầu tư của nước ngoài cũng góp phần chủ đạo cho sự thay đổi này.
Mỗi lần Đại hội, hay sinh nhật Hội là dịp để Nhà nước đánh giá về sự cống hiến và trao tặng thưởng. Kỷ niệm 55 năm được nhận Huân chương HCM, kỷ niệm 60 năm được nhận Huân chương Sao Vàng. Thành tựu của Hội là sự đóng góp của hội viên, Hội đã tri ân và trao hàng nghìn kỷ niệm chương vì sự nghiệp kiến trúc Việt Nam, không chỉ ở tuổi đời mà còn ở sự trưởng thành của Hội thể hiện sự lớn mạnh của đội ngũ KTS.
Dự Đại hội i chỉ có 8 KTS, nay Đại hội 9 đã có 570 đại biểu đại diện cho 5700 hội viên (trong số 18000 KTS). Trong dịp kỷ niệm 70 năm thành lập, Hội được đón Thủ tướng Chính phủ, đón gần nghìn KTS đại diện các thế hệ ba miền và trao Bằng cống hiến cho các KTS có công và Gia đình KTS truyền thống (ba thế hệ KTS).
Sự trưởng thành của Hội được lan tỏa ảnh hưởng ra quốc tế, nhiệm kỳ 6 Hội đã là thành viên của Hội đồng KTS châu Á, là thành viên tin cậy nên đăng cai tổ chức thành công kỳ họp ACASIA tại Đà Nẵng (2011).
Nếu như đại hội III đánh dấu sự chuyển giao thế hệ, thì nay những năm của thập kỷ 10 thế hệ thứ 3 đã xuất hiện và dần thay thế tiền bối trong hoạt động Hội cũng như hoạt động sáng tác, KTS trẻ là người tiên phong trong xu thế đưa kiến trúc trở về sinh thái – xanh, trước nguy cơ biến đổi khí hậu toàn cầu, gắn trách nhiệm của mình với xã hội và cộng đồng yếu thế.
Một trách nhiệm lớn của hội đối với hội viên của mình nói riêng và KTS nói chung, với xã hội trong xu thế hội nhtập – Đó là tạo môi trường hành nghề lành mạnh, chuẩn mực, Trăn trở từ nhiều nhiệm kỳ nay mới được Quốc hội chấp nhận ban hành Luật Kiến trúc.
Đại hội X – Bước vào thời kỳ có ý nghĩa quyết định trong sự nghiệp CNH – HĐH đất nước
Vai trò của Hội, của KTS được nâng cao thì trách nhiệm cũng nặng nề hơn, đòi hỏi đổi mới, thích ứng với thế hệ mới, thời đại công nghệ mới, xu thế phát triển mới toàn cầu.
Hy vọng Đại hội 10 mở đầu cho một thời kỳ mới hành nghề KTS được khách quan, tôn trọng, phát huy hơn tâm huyết sáng tạo của giới trong sự nghiệp xây dựng nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, bản sắc, nhân văn, phát triển bền vững.
Nguyễn Thúc Hoàng
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 08-2020)