KTS Vũ Hoàng Sơn: “Trước khi cầm bút, hãy học cách tư duy”

Căn hộ 342sh - © Tường Huy

TCKT/Kienviet – Sau khi Kiến Việt đăng tải bài viết “Học kiến trúc: Nhiều điều cần bàn luận” của tác giả – KTS Vũ Hoàng Sơn, đã có không ít độc giả đặt gửi đề nghị đến Ban biên tập với mong muốn được hiểu thêm nhiều hơn về tác giả của bài viết này. Bài viết với ngôn từ gần gũi, sâu sắc, tạo được độ rung trong triết lí giáo dục chuyên ngành kiến trúc trong bối cảnh dạy và học đại học hiện nay. Chúng tôi đã có buổi phỏng vấn với Kiến trúc sư Vũ Hoàng Sơn để hiểu hơn về anh, hãy cùng Kiến Việt khám phá những câu chuyện thú vị về Nghề Kiến trúc mà anh chia sẻ.

image003

Chào anh, anh có thể giới thiệu ngắn gọn về bản thân và công việc hiện tại của mình với độc giả của Kiến Việt?

Sau khi tốt nghiệp kỹ sư tại Đại học Xây dựng Hà Nội và đi làm một thời gian tại Viện nghiên cứu của Bộ công nghiệp, tôi sang Thụy Sĩ học kiến trúc và kiến trúc nội thất. Sau đó tại Bỉ và Pháp, tôi học thêm cao học về Kiến trúc bền vững. Hiện tại tôi đang làm việc trong một văn phòng kiến trúc của Thụy Sĩ tại thành phố Geneva. Hai năm trở lại đây, ngoài những công việc tại Thụy Sĩ, tôi kết hợp cùng em trai tại Việt Nam – KTS.Vũ Hoàng Hà, thiết kế và thi công nội thất cho một số công trình nhà ở tại Hà nội. Chúng tôi đang có những nghiên cứu và thể nghiệm nguyên lý “đồ nội thất kiến tạo không gian”, một trong những tư tưởng chủ đạo của kiến trúc nội thất. Ngoài ra, tôi cũng được mời trong ban giám khảo phản biện tại các buổi trình bầy đồ án của các sinh viên ở các trường kiến trúc của Thụy Sĩ.

Ai là thần tượng của anh?

Không có ai rõ ràng là thần tượng của tôi cả. Có điều là từ nhỏ tôi rất cảm phục những người làm công tác xã hội, những người biết nghĩ đến cộng đồng, những người hạnh phúc khi thấy người khác hạnh phúc. Họ có thể là những vị lãnh tụ vĩ đại hay chỉ là những người dân bình thường sống xung quanh chúng ta. Xét trên phương diện tình người, họ đều như nhau. Tôi thực sự xúc động khi xem đoạn phim chiếu cảnh những cô giáo trẻ vùng cao sau khi phải đi bộ hàng chục cây số, rồi phải chui vào những túi ni lông nhờ người khác kéo qua sông để dạy học các em nhỏ trên đó. Có lẽ những người như vậy là thần tượng của tôi.

Anh có đang theo đuổi lý tưởng sống nào không?

Tôi rất thích câu nói của một nữ nghệ sĩ Pháp: “Tôi không sợ chết mà chỉ sợ sống chưa hết mình”.

Con đường nào đã dẫn anh đến với Kiến trúc?

Kiến trúc đến với tôi có thể nói là một sự tình cờ. Ở Việt nam chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ học kiến trúc cả. Chỉ đơn giản một điều là theo hệ thống giáo dục của mình thì kiến trúc chỉ dành cho những người có năng khiếu vẽ. Khi sang Thụy Sĩ tôi đang loay hoay không biết học thêm cái gì thì thấy muốn vào trường kiến trúc ở đây không cần phải thi vẽ. Thụy Sĩ đã đem lại một cơ hội thật tuyệt vời cho tôi. Tôi cảm giác như đã tìm thấy được chính mình khi học kiến trúc. Cũng phải nói một điều rằng cách giáo dục về kiến trúc của Thụy Sĩ rất hợp với tôi. Trước khi cầm bút, phải biết tư duy đã!

image005

Nội thất căn hộ Royal City (kết hợp cùng KTS Vũ Hoàng Hà). Hình ảnh (c) Ngô Nhật Hoàng

Anh đã thay đổi qua nhiều ngành học và có khoảng 8 năm trước khi chuyển sang học cao học về Kiến trúc bền vững. Liệu rằng đây đã là điểm dừng chân của anh chưa?

Ai cũng hiểu vấn đề học theo nghĩa sâu xa của nó là phải học cả đời rồi, không bao giờ đủ. Cái đấy tôi không cần phải nói nữa. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh việc học cao học mà nhiều người đang lưỡng lự có nên học không và vào thời điểm nào. Với kinh nghiệm bản thân thì khi học cao học, lúc đó ta đã xác định được một chủ đề chuyên ngành mà mình rất có tâm huyết với nó. Mình mong mỏi đi sâu để tìm hiểu nó, và từ đó có thể là lối mở cho con đường đi tiếp của mình sau này. Thời gian nhận thức ra điều đó không có giới hạn. Nó có thể là ngay sau khi tốt nghiệp hay là phải có một vốn kinh nghiệm thực tế. Điều quan trọng vẫn là phải học cái gì mà mình thấy được niềm đam mê và có ích cho mình ở đó.

Anh có thể kể thêm về những thuận lợi và khó khăn khi một Kỹ sư chuyển sang học về Kiến trúc?

Một kiến trúc sư mà không hiểu về kết cấu nhiều khi có thể trở thành thảm họa. Công trình thiết kế xong mà không có kết cấu nào chịu được, hoặc chỉ đơn giản là không thi công được thì công việc của mình chả có ý nghĩa gì. Cái thuận lợi của người kiến trúc sư nắm vững kết cấu là họ nhanh chóng tìm ra được tính hợp lý của sự tương quan giữa các yếu tố cấu thành lên tác phẩm. Ngoài ra, một công trình kiến trúc đẹp là công trình tạo ra cho chúng ta nhiều xúc cảm. Do vậy kiến trúc sư là người rất nhậy cảm với cái đẹp. Đó là cái khó cho những kỹ sư không có được tâm hồn như vậy.

image007Nội thất căn hộ Royal City (kết hợp cùng KTS Vũ Hoàng Hà). Hình ảnh (c) Ngô Nhật Hoàng

Được biết anh đã đứng ở vị trí là một nhà báo kiến trúc. Vậy theo anh, có nên định nghĩa thêm cho danh từ “Kiến trúc sư” ?

Tôi đã từng làm việc cho báo Kiến trúc & Đời sống. Khoảng gần ba năm tôi chịu trách nhiệm chuyên viết mảng đề tài về “Nhà ống”. Đây cũng là một sự nghiên cứu tiếp nối cùng chủ đề của đồ án tốt nghiệp mà tôi muốn tìm hiểu sâu hơn. Rất nhiều bài viết cũng được Kienviet đăng lại. Đó là công việc xã hội mà tôi rất yêu thích. Khi viết tôi có cảm giác được chia sẻ nhiều nhất. Tôi cũng luôn động viên các bạn trẻ cầm bút. Vì khi những dòng suy nghĩ được viết ra, nó cũng như một tài sản về tri thức được lưu giữ, không bị mất đi. Đây hoàn toàn là một công việc của kiến trúc sư. Kiến trúc sư “viết” thì ở nước nào và thời nào cũng có. Ví dụ như thời “hiện đại” có Le Corbusier, ngày nay có Rem Koolhaas là những kiến trúc sư viết rất nhiều. Họ viết để đúc kết lại những suy nghĩ từ những trải nghiệm về nghề nghiệp của mình. Tôi không nghĩ kiến trúc sư là một nhà báo, vì cũng có những nhà báo viết về kiến trúc. Nhưng khi họ viết ra thì chỉ mang tính “giải thích” chứ không mang tính “lý luận phê bình” như khi các kiến trúc sư viết.

Anh từng dạy học tại Thụy Sĩ, vậy anh có thể đưa ra vài chia sẻ về môi trường giáo dục tại đây?

Câu chuyện về giáo dục là một câu chuyện dài… Không thể viết một hai bài báo hay trả lời vài câu hỏi mà đã nói được mọi chuyện. Chúng ta phải biết rằng tất cả các nước tiên tiến nhất thế giới hiện nay vẫn phải tập trung vào giáo dục là mũi nhọn để phát triển đất nước. Ở trường dậy học thì mỗi năm mới đến họ lại sôi sục tìm kiếm những giá trị mới để cải thiện nâng cao phương pháp giảng dậy. Các thầy cô giáo lúc nào cũng như ngồi trên đống lửa. Họ biết trách nhiệm của họ rất lớn, sự tiến bộ tri thức của cả một thế hệ nằm ở trong tay họ. Tôi luôn sát cánh với những người thầy dành toàn bộ tâm trí và thể lực cho công việc. Nhưng cũng phải nói thêm rằng, ở Thụy Sĩ chính phủ dành rất nhiều ưu đãi cho môi trường giáo dục.

Trước đây tôi cũng đã viết một bài báo về học kiến trúc và đã được nhiều sự đồng tình ủng hộ, “Học kiến trúc, nhiều điều cần bàn luận” (Kiến trúc & Đời sống n°68-69, TCKT/Kienviet,…). Ở đây tôi chỉ muốn nói thêm một điều, tại Thụy Sĩ tỷ lệ học đại học không nhiều. Nếu họ thấy không có khả năng học lên cao thì họ không cần phải “gồng mình” lên. Họ chọn học nghề. Nhưng điều quan trọng là không có sự miệt thị giữa các ngành nghề. Tất cả mọi người đều được tôn trọng trong xã hội. Nhiều khi tôi có cảm giác như đây mới là một đất nước “xã hội chủ nghĩa”!

image009

Một buổi trình bầy đồ án tại trường Đại học mỹ thuật và thiết kế Geneva

Vậy môi trường làm việc tại Thụy Sĩ thì sao?

Người Thụy Sĩ nổi tiếng ngay cả trong khu vực châu Âu về tính chính xác và hiệu quả trong công việc. Tâm tính truyền thống của họ là khắt khe ngay cả với chính bản thân mình để cố gắng tạo ra sự hoàn hảo nhất cho công việc. Họ luôn bị trêu đùa đấy là bản tính từ sự cần thiết chuẩn mực của một đất nước chuyên sản xuất đồng hồ…

Anh đã trải nghiệm ở những vị trí công việc như thế nào?

Như đã nói ở trên tôi đã từng viết báo và dậy học. Và từ khi tốt nghiệp đến giờ tôi chưa bao giờ rời khỏi bàn thiết kế và từ bỏ lăn lộn trên các công trường. Để có những nét vẽ tôi cần hàng ngày phải sờ vào đá sỏi và si măng. Tôi rất trân trọng sự tiếp xúc với những người công nhân ở trên công trường. Họ như “chân tay” của mình, họ là những người biến giấc mơ thành hiện thực. Tôi cần phải hiểu không những tay nghề mà cả bản tính của họ.

Và cũng để có những nét vẽ tôi muốn dậy học, ở môi trường đó năng lượng tuổi trẻ và những giấc mơ cháy bỏng về nghề nghiệp sẽ tiếp nguồn sáng tạo cho tôi. Muốn có những công trình thú vị thì phải bắt đầu từ những giấc mơ đó.

Và tôi cũng rất muốn viết, điều đó giúp tôi cấu trúc và hệ thống lại tư duy. Nó như một sự tổng kết chiêm nghiệm lại chính mình.

Tất cả những công việc tôi kể ra đây và nhiều điều khác nữa có thể định nghĩa lên cái nghề kiến trúc chăng? Thực lòng mà nói tôi chưa bao giờ muốn tìm hiểu cái định nghĩa đó. Tôi chỉ biết rằng nhờ cái nghề này mà hơn 15 năm nay, mỗi sáng thức giấc tôi rất hài lòng vì biết rằng một ngày mới với nhiều điều mới mẻ đang chờ đợi tôi!

image011

Một công trình cải tạo và bảo tồn tại thành phố Geneva

Quan điểm của anh như thế nào khi có ý kiến cho rằng “Những người có tài thường có định hướng sinh sống và làm việc ở nước ngoài”?

Điều này cũng tùy từng ngành và từng hoàn cảnh của mỗi người. Đúng là những người giỏi mà không có đất dụng võ thì cũng nên hiểu cho họ thôi. Nhưng tôi nghĩ ở nước ta hiện nay ngành xây dựng và kiến trúc là mảnh đất rất hấp dẫn để thu hút được nhiều người tài. Cái khó đối với tôi là làm sao biết sử dụng, khuyến khích và phát triển những tài năng đó. Để từ đó là cái nguồn nẩy sinh ra những tài năng khác. Chúng ta nên học bài học của Singapore, trong chiến lược phát triển đất nước, họ đề xuất ra hẳn những tiêu chí để thu hút những nhân tài trên thế giới. Đất nước của họ được như ngày hôm nay, phải nói đến sự đóng góp đáng kể của những tinh túy đó.

Anh có thể chia sẻ và định hướng cho những bạn trẻ đang tìm kiếm cơ hội học kiến trúc tại nước ngoài?

Những người bắt đầu học đại học thì tôi không thấy có gì phải lo lắng. Họ sẽ được đào tạo một cách bài bản. Ở đây tôi chỉ muốn nói tới những người đi học cao học, tỷ lệ có thể lớn hơn rất nhiều. Có hai điều mà tôi thấy nên làm. Thứ nhất, thường thì ở các trường châu Âu sinh viên được đăng ký nghe giảng tự do, hãy tham gia học thêm hai môn “Lịch sử kiến trúc” và “Lý thuyết kiến trúc” ở hệ đại học. Hai môn này không được dậy ở hệ cao học nữa. Đây là sự hiểu biết rất quan trọng để tạo nên nền tảng “Văn hóa kiến trúc” cho một kiến trúc sư. Hiện nay sinh viên của chúng ta bị thiếu hụt rất lớn cho sự hiểu biết này.

Thứ hai, những chương trình học về cao học thường hai năm, nhưng ở nhiều trường chúng có thể được kéo dài thành ba năm. Chúng ta nên lợi dụng sự tăng thêm thời gian này để vừa đi học vừa xin thực tập trong một văn phòng kiến trúc tốt nào đó. Nhiều khi phải chấp nhận không lương để có chỗ thực tập tốt. Chúng ta còn cả cuộc đời sau này để kiếm tiền, không nên bỏ lỡ cơ hội khi đang ở nước ngoài. Ở môi trường làm việc chúng ta không chỉ có được sự hiểu biết thêm về kiến trúc mà quan trọng hơn chúng ta học được cung cách làm việc trong một tổ chức và tác phong ứng xử của những người chuyên nghiệp.

Cảm ơn anh đã tham gia buổi phỏng vấn với TCKT/Kienviet, chúc anh sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trên con đường anh đã lựa chọn.

Thông tin cá nhân:

Họ và tên: Vũ Hoàng Sơn

Ngày sinh: 31-01-1974

Quá trình học tập:

Năm 1991-1996, học ngành xây dựng dân dụng và công nghiệp tại trường Đại học Xây Dựng Hà nội

Năm 1999-2001, học kiến trúc tại Viện kiến trúc Đại học Geneva, Thụy Sĩ (Institut d’Architecture de l’Université de Genève)

Năm 2001-2004, học kiến trúc nội thất tại trường Đại học mỹ thuật và thiết kế Geneva, Thụy Sĩ (University of Art et Design Geneva)

Năm 2010-2012, tham gia các khóa học về Lịch sử kiến trúc và Lý thuyết kiến trúc tại Khoa kiến trúc Đại học bách khoa Lausanne, Thụy Sĩ (Ecole polytechnique fédérale de Lausanne)

Năm 2012-2013, học kiến trúc bền vững tại trường Đại học kiến trúc Toulouse, Pháp (Ecole Nationale Supérieure d’Architecture de Toulouse) và trường Đại học Công giáo Louvain, Bỉ (Université Catholique de Louvain)

Năm 2004, đạt hai giải thưởng cho đồ án tốt nghiệp xuất sắc nhất (Giải thưởng của Hội kiến trúc sư nội thất Thụy Sĩ, Giải thưởng của Hội kiến trúc sư và kỹ sư của thành phố Geneva)

Xem tất cả ảnh trong bài tại đây:

Thực hiện: DuongK – TCKT/Kienviet