Ứng xử như thế nào với di tích?

Mới đây, hình ảnh Bia Quốc học (hay còn gọi là Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong, nằm đối diện cổng trường THPT Quốc học Huế) đang trong quá trình tu bổ được chia sẻ trên báo chí và các trang mạng xã hội đã thu hút sự quan tâm của dư luận, với nhiều ý kiến trái chiều. Để rộng đường dư luận, Diễn đàn Di sản kiến trúc và Đời sống của Tạp chí Kiến trúc tập hợp ý kiến của các chuyên gia xung quanh chủ đề về cách ứng xử với công trình và quan điểm bảo tồn và trùng tu di tích. Hy vọng diễn đàn sẽ tiếp tục nhận được ý kiến của quý bạn đọc gần xa.

Mặt trước và mặt bên Bia Quốc Học Huế

Văn Miếu – Quốc Tử Giám sau khi được quét vôi lại

TS Nguyễn Hồng Kiên – Viện Khảo cổ học Việt Nam

Chuyện quét vôi hay trùng tu di tích không phải quá mới, đã nhiều lần dư luận lên tiếng về việc này, chẳng hạn như việc quét vôi Ô Quan Chưởng hoặc Tháp Rùa ngày trước. Trùng tu di tích có nhiều trường phái. Quan điểm của tôi là phải làm sao cho Di tích khỏe, tồn tại thêm nhiều năm với hậu thế. Có thể quét vôi, tôn tạo di tích, gia cố các chi tiết cho bền vững với thời gian, nhưng phải làm đúng tiêu chuẩn, không ai biết, không ai thắc mắc – Nghĩa là phải làm rất kỹ, rất tỉ mỉ, phục hồi di tích về gần với nguyên mẫu nhất có thể. Đó mới là cách làm trùng tu tốt nhất.”

 

Ông Lê Văn Quảng – Phó Giám đốc phụ trách Phân viện Khoa học công nghệ xây dựng miền Trung, thành viên tư vấn thiết kế trùng tu, cải tạo công trình

“Đối với công trình bia Quốc Học này hoàn toàn phải thực hiện theo màu nguyên gốc, tất nhiên về màu sắc, chẳng hạn như đậm nhạt thì chưa khẳng định chính xác 100% nhưng riêng màu gốc là đúng. Hiện trạng công trình còn nguyên xi, đường nét màu sắc còn đầy đủ, chỉ có thời tiết làm cho mục chứ tất cả các dấu vết đó vẫn còn đầy đủ”.

Xem toàn bài: https://www.tapchikientruc.com.vn/tin-tuc/trung-tu-bia-quoc-hoc-hue-tong-kinh-phi-gan-3-ty-dong.html

 

Ông Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hoá Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám

“Việc Văn Miếu – Quốc Tử Giám tiến hành duy tu, bảo dưỡng lại một số hạng mục trong di tích đã làm dấy lên nhiều luồng dư luận trái chiều. Với một tinh thần cầu thị, chúng tôi xin lắng nghe mọi ý kiến đóng góp của các chuyên gia lẫn người dân. Các hạng mục đã quét vôi tôi sẽ được phủ lớp sơn trầm để có màu gần giống với màu cũ.

Tuy nhiên, tôi xin nói rằng, đây là việc làm hết sức bình thường của nghiệp vụ bảo tồn di tích. Thêm nữa, chúng tôi thực hiện việc đó trên nguyên tắc lựa chọn đơn vị có chuyên môn là Trung tâm Kỹ thuật – Công nghệ của Viện Bảo tồn di tích quốc gia và nguyên liệu sử dụng là vôi tôi, không được pha hoá chất nào. Trong quá trình làm việc có sự giám sát chặt chẽ giữa đơn vị của chúng tôi với đơn vị thi công. Quá trình đó chúng tôi cũng lưu giữ bằng hình ảnh để sau này bổ sung vào hồ sơ quản lí”.

Xem toàn bài: https://www.tapchikientruc.com.vn/tin-tuc/van-mieu-se-phu-mau-son-tram-de-tra-lai-net-co-kinh-von-co.html

 

GS.TS Đặng Văn Bài – Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia

Việc duy tu, bảo dưỡng của Văn Miếu – Quốc Tử Giám không xâm phạm đến di tích hoặc gây ảnh hưởng đến di tích. Ở thời điểm hiện tại, đơn vị thi công vẫn đang quét vôi một số hạng mục trong di tích. “Tôi quan niệm đấy không phải làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc của di tích bởi vì duy tu, bảo dưỡng là một nguyên tắc phải thực hiện. Nếu ta không quét vôi, gạch xây tường và lớp vữa trát bên ngoài sẽ bong tróc, hư hỏng. Quét vôi và phủ sơn để giữ được tường hay không quét vôi để rêu phong, nấm móc làm hỏng tường, phải xây lại tường. Tôi hơi tiếc là các anh bên Viện Bảo tồn di tích giữ lại quá mức chứ theo tôi là nhân dịp này cổng Văn Miếu cũng nên trát lại, quét vôi để cho nó hoàn chỉnh. Chắc là Trung tâm ngại dư luận nên không dám làm, chứ tôi mà là người tư vấn, tôi sẽ tư vấn để trát lại những chỗ bong tróc và quét lại như những bức tường ngăn ở trong lòng di tích. Chúng ta sẽ có một sự hoàn chỉnh đúng tầm một khu di tích quốc gia đặc biệt, đúng tầm Văn Miếu – Quốc Tử Giám của chúng ta

Lớp vôi chỉ là lớp lót nhằm triệt tiêu nấm mốc. Còn lớp sơn bên ngoài sẽ có màu sắc trầm và gần giống với màu thời gian của những hạng mục trong di tích”, GS Bài nhấn mạnh.

“Mọi người nên nhớ, khi chúng tôi quét vôi lại ở Tháp Rùa, dư luận cũng ồn ào nhưng sau đó thấy đó là biện pháp ấy duy tu, bảo dưỡng thì lại khác. Các nơi, quét vôi sau mấy năm thì trở lại thôi. Nếu để thế sau mấy năm sẽ huỷ hoại nên bộ phận cấu thành nên di tích của chúng ta. Các bạn thấy tường bằng gạch ngọc người ta có quét vôi đâu, người ta chỉ quét ở những tường gạch xây có trát vữa.”

Xem toàn bài: https://www.tapchikientruc.com.vn/tin-tuc/van-mieu-se-phu-mau-son-tram-de-tra-lai-net-co-kinh-von-co.html

 

TS Tạ Quốc Khánh – Viện Bảo tồn di tích – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

“Vấn đề cuối cùng liên quan đến giải pháp công nghệ và vật liệu phục vụ trùng tu, cả Luật Di sản văn hóa, Thông tư hướng dẫn và cả những hiến chương quốc tế đều khuyến khích dùng vật liệu, kỹ thuật truyền thống. Vật liệu và kỹ thuật hiện đại có thể được sử dụng nhưng ở mức hạn chế và phải trên cơ sở nghiên cứu, tính toán kỹ. Xin trích dẫn ra đây 02 văn bản: Điều 4 Hiến chương Burra (1999) ghi: “Các kỹ thuật và chất liệu truyền thống được ưu tiên sử dụng khi bảo tồn. Trong một số trường hợp, kỹ thuật và chất liệu hiện đại có thể thích hợp nếu nó mang lại những lợi ích đáng kể cho việc bảo tồn…

Quyết định số 05/2003/QĐ – BVHTT Về việc ban hành qui chế bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử, văn hoá ra ngày 06/02/2003 cũng ghi: “Việc thay thế bằng kỹ thuật hay chất liệu mới phải được thí nghiệm trước để đảm bảo kết quả chính xác khi áp dụng vào di tích”.

Luật, thông tư hướng dẫn, văn bản trong nước, quốc tế và kể cả những bài học kinh nghiệm cho công tác bảo tồn, trùng tu di tích tuy không thể nói là đã đầy đủ nhưng cũng không quá thiếu để tham khảo và thực thi. Vấn đề là những công trình trùng tu đó cần phải được thực hiện trên cơ sở tuân thủ luật pháp cũng như phải đề ra những giải pháp khoa học, giải pháp kiến trúc công trình phù hợp, mang lại hiệu quả về văn hóa….”

Xem toàn bài: https://www.tapchikientruc.com.vn/chuyen-muc/vai-suy-nghi-ve-viec-trung-tu-ton-tao-di-tich-trong-giai-doan-hien-nay.html

 

KTS. Cao Thành Nghiệp

“Di sản văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Người dân và cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Điều này thể hiện rất rõ qua Luật di sản văn hóa 28/2001/QH10 và luật số 32/2009/QH12 – sửa đổi bổ sung một số điều luật di sản. Tuy nhiên, ngoài các quy định mang tính pháp lý, có một vài yếu tố bị xem nhẹ như: Tiêu chí đánh giá xếp hạng các di sản văn hóa, thành phần hội đồng đánh giá các di sản… Có lẽ vì thế mà một số di sản văn hóa chưa được công nhận. Tiêu biểu như Trường Châu Văn Liêm (Cần Thơ), bia quốc học (Huế)… Khi chưa được công nhận thì chủ đầu tư có quyền tự chỉnh trang tu bổ, nhiều khi công trình bị thi công sửa chữa rất tùy tiện. Hội đồng đánh giá, xếp hạng di sản chưa hoạt động đúng mức và chịu sự tác động của các hoạt động khác trong xã hội. Hiện nay hội đồng di sản (nếu có) chịu sự quản lý của các cơ quan ngành dọc của Bộ Văn hóa, chưa có sự tham gia của người dân tại khu vực có di sản, chưa có thành phần các nhà khoa học chuyên môn ngoài ngành văn hóa như khảo cổ học, kiến trúc, lịch sử, mỹ thuật… Việc đánh giá xếp hạng các di tích hiện chỉ theo tiêu chí khung cứng của bộ văn hóa thể thao và du lịch. Một số công trình di sản có dấu ấn thời gian của đô thị, có giá trị nghệ thuật, hay tôn giáo, mang hồn cốt của dân tộc, địa phương còn đang bị lãng quên…”

Xem toàn bài: https://www.tapchikientruc.com.vn/chuyen-muc/lam-ban-ve-trung-tu-va-bao-ton-di-tich.html

 

KTS Nguyễn Thanh Hà

“Việc cải tạo, trùng tu công trình cổ, di tích quốc gia … là việc làm cần thiết để bảo vệ các công trình đó. Bởi tất các công trình đều bị tác động bởi thời tiết, khí hậu … và thời gian. Nhưng thời gian vừa qua có nhiều nơi  cải tạo, trùng tu một cách “ thái quá” làm cho công trình mang diện mạo hoàn toàn khác biệt, tạo nên sự xa lạ và phản cảm. Không hiểu sao chúng ta đã có công cụ pháp lý quy định rất rõ ràng nhưng vẫn xảy ra những sự việc đáng tiếc đến như vậy ? Trách nhiệm của chủ đầu tư, đơn vị thiết kế, đơn vị thẩm tra, cơ quan phê duyệt ở đâu ? Nếu chúng ta không xử lý nghiêm các đơn vị liên quan tôi nghĩ việc này vẫn tiếp tục diễn ra.

Việc “giao nhầm “ chủ đầu tư cũng là một trong những nguyên nhân phá hoại di tích. Bên cạnh đó năng lực “ma”, sự thiếu trách nhiệm của các tư vấn là nguyên nhân chính. Sử dụng cho hết tiền được giao cũng là 1 nguyên nhân không nhỏ. Việc thiếu và coi thường chuyên môn nguyên nhân cốt lõi.

Tháp Yang Prong ở Ea Súp Đăk Lăk là 1 ngôi rất đẹp và tháp khá nguyên vẹn nhưng  năm 2014 người người ta lại khoác cho nó 1 cái áo hoàn toàn mới, nhìn vào những tưởng như là 1 công trình nhại cổ vừa được xây dựng. Được biết đơn vị được giao giám sát cũng không có cán bộ có năng lực chuyên môn phù hợp. Thiết nghĩ để bảo vệ tốt công trình cổ, di tích quốc gia … cần phải rà soát lại các cơ quan chủ quản. Lựa chọn các đơn vị tư vấn thực sự có năng lực và kinh nghiệm khi cải tạo, trùng tu, cơ quan phê duyệt rất cần có chuyên môn và năng lực.”

PV TCKT (thực hiện & tổng hợp)

Ban biên tập Tạp chí Kiến trúc rất mong nhận được các ý kiến, bài viết của bạn đọc đến địa chỉ email: banbientap@tapchikientruc.com.vn