Lạm bàn về trùng tu và bảo tồn di tích

Vừa qua, hàng loạt các di tích trong cả nước, với các biện pháp vô tình hay cố ý, đã làm cho các di sản đó xuống cấp một cách và nghiêm trọng. Tại sao vậy?

Có thể kể đến các nguyên nhân chính:

  • Công tác quản lý di sản còn bỏ ngỏ? Pháp luật Di sản Việt Nam chưa thật sự hữu hiệu? Hội đồng đánh giá, xếp hạng di sản chưa hoạt động đúng mức. Chịu sự tác động của các hoạt động khác trong xã hội?
  • Các loại di sản đô thị chưa được quan tâm đúng mức?
  • Đội ngũ thực hiện tu bổ di tích ở nước ta còn yếu và thiếu.
  1. Di sản văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

    Trường Châu Văn Liêm – Cần Thơ

    Người dân và cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Điều này thể hiện rất rõ qua Luật di sản văn hóa 28/2001/QH10 và luật số 32/2009/QH12 – sửa đổi bổ sung một số điều luật di sản. Tuy nhiên, ngoài các quy định mang tính pháp lý, có một vài yếu tố bị xem nhẹ như: Tiêu chí đánh giá xếp hạng các di sản văn hóa, thành phần hội đồng đánh giá các di sản… Có lẽ vì thế mà một số di sản văn hóa chưa được công nhận. Tiêu biểu như Trường Châu Văn Liêm (Cần Thơ), bia quốc học (Huế)… Khi chưa được công nhận thì chủ đầu tư có quyền tự chỉnh trang tu bổ, nhiều khi công trình bị thi công sửa chữa rất tùy tiện. Hội đồng đánh giá, xếp hạng di sản chưa hoạt động đúng mức và chịu sự tác động của các hoạt động khác trong xã hội. Hiện nay hội đồng di sản (nếu có) chịu sự quản lý của các cơ quan ngành dọc của Bộ Văn hóa, chưa có sự tham gia của người dân tại khu vực có di sản, chưa có thành phần các nhà khoa học chuyên môn ngoài ngành văn hóa như khảo cổ học, kiến trúc, lịch sử, mỹ thuật… Việc đánh giá xếp hạng các di tích hiện chỉ theo tiêu chí khung cứng của bộ văn hóa thể thao và du lịch. Một số công trình di sản có dấu ấn thời gian của đô thị, có giá trị nghệ thuật, hay tôn giáo, mang hồn cốt của dân tộc, địa phương còn đang bị lãng quên…

  2. Hiện nay, công tác quản lý các di sản văn hóa còn bỏ ngỏ.

    Biểu hiện ở chỗ đội ngũ quản lý di sản quá ít, thành phần hội đồng đánh giá di sản thường chỉ gồm các cá nhân quản lý nhà nước, chưa có sự tham gia của nhân dân hay hội đoàn khoa học như trong Luật di sản đã nêu. Tiêu chí đánh giá xếp hạng chưa sát với thực trạng của từng địa phương, vùng miền. Việc kiểm tra, giám sát hay phát hiện di sản mới để đưa vào quản lý kiểm soát rất ít. Nhiều công trình có giá trị ở các địa phương chưa được đưa vào xếp hạng. Đa số các công trình được xếp hạng là các công trình có giá trị lịch sử đấu tranh trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Tỉ lệ công trình có giá trị nghệ thuật, kiến trúc còn thấp. Các chi tiết có giá trị nghệ thuật, kiến trúc trong di sản vì thế bị mai một, phá bỏ. Rõ nhất là các di sản ở Miền trung trong thời gian qua bị người dân phát hiện, phản ánh.

    Một ngôi đình ở Gò Công
  3. Các loại hình di sản đô thị chưa được quan tâm đúng mức.

    Vừa qua quần thể các công trình trong khu đóng tàu Ba Son, thương xá Tax là một minh chứng. Hai khu vực đại diện cho một nền công nghiệp và thương mại một thời của Hòn ngọc Viễn đông bị phá bỏ không thương tiếc, chỉ giữ lại cái ụ tàu và vài viên gạch lát nền cầu thang. Nhiều người, nhiều tầng lớp nhân dân và đội ngũ các nhà khoa học có ý kiến giữ lại nhưng không được chính quyền quan tâm. Lý do là để phục vụ cho nhu cầu phát triển đô thị. Phát triển đô thị cũng có nhiều giải pháp thay thế. Nhưng di sản mất đi thì không có gì thay thế được.

  4. Đội ngũ thực hiện công tác tu bổ di tích ở nước ta yếu và thiếu.

    Số lượng người tham gia trong công tác bảo quản, tu bổ trùng tu di sản đã ít, số người tâm huyết sống với di sản còn hiếm hơn. Bởi lẽ làm di sản rất khó, đòi hỏi phải có thời gian phân tích, đánh giá nhiều mặt. Chi phí cho công tác nghiên cứu, sửa chữa và những công việc liên quan đến di sản quá thấp so với biện pháp thi công tu bổ, bảo quản di sản. Vì thế công việc trùng tu, bảo bản di tích bị biến dạng, thậm chí làm qua loa cho xong, nhiều chi tiết bị phá bỏ hoặc vùi lấp trong quá trình thi công. Khi thi công thực tế ngoài hiện trường ít có sự đánh giá lại các công việc thi công sau khi hạ giải cấu kiện, màu sắc của di sản nên thường thi công theo ý chí chủ quan, dẫn đến gây ra những bức xúc không đáng có trong dư luận.
    Xem thêm: Vài suy nghĩ về việc trùng tu, tôn tạo di tích trong giai đoạn hiện nay

Pháp luật di sản đã có và quy định cơ quan quản lý nhà nước cùng toàn thể người dân có trách nhiệm trong việc quản lý các giá trị di sản văn hóa của nước nhà. Bảo vệ di sản cũng là quyền lợi và trách nhiệm của mỗi chúng ta.

Dinh tham biện gò công – Tiền Giang
Nhà cổ huỳnh thủy lê – Sa Đéc – Đồng Tháp

Xem thêm: Ứng xử như thế nào với di tích?

KTS. Cao Thành Nghiệp – TCKT.VN
© Tạp chí kiến trúc