Nơi tập hợp Chi hội KTS cơ sở ở các Tỉnh, Thành và các Tổ chức, Cơ quan chính là Mái nhà chung của Hội KTS Việt Nam.
Chi hội KTS cơ sở có thể ở các Cơ quan QLNN, Viện nghiên cứu, Trường Đại học, Doanh nghiệp nhà nước, Doanh nghiệp tư nhân, thậm chí là sự gắn kết của các KTS hành nghề tự do… Ở đó, mỗi Chi hội KTS thường có những đặc thù khác nhau tương ứng với chức năng nhiệm vụ của mỗi cơ sở, nhưng đều quy tụ và hướng đến các hoạt động nghề nghiệp chung của Hội KTS Việt Nam thông qua các buổi tọa đàm, hội thảo, hội nghị, tổ chức các cuộc thi…chẳng những trong các lĩnh vực chuyên môn, nghề nghiệp… Mà còn là những vấn đề thời sự nóng bỏng của xã hội, luôn đòi hỏi sự đóng góp trí tuệ từ giới KTS thông qua tư vấn thiết kế, giám định và đặc biệt là công tác phản biện xã hội liên quan đến lĩnh vực Lý luận và Phê bình kiến trúc. Bên cạnh đó, các vấn đề học thuật, hành nghề cũng đòi hỏi những liên kết, giao lưu mở rộng, tạo sân chơi cho các hội viên, đặc biệt là các KTS trẻ giữa các Viện nghiên cứu, Trường Đại học, Doanh nghiệp…Đây cũng chính là tiền đề mang ý nghĩa thiết thực gắn kết giữa các công tác tư vấn thiết kế, nghiên cứu khoa học và giảng dạy đào tạo nhằm tăng cường trao đổi có hiệu quả giữa lý thuyết và thực hành, giữa lý luận và thực tiễn.
Tất cả những nội dung hoạt động trên, luôn cần trách nhiệm và sáng tạo trong hoạt động của BCH các Chi hội KTS cơ sở – Cũng đồng thời đặt ra và đòi hỏi vai trò, uy tín, năng lực chuyên môn và phẩm chất nghề nghiệp của người Chủ tịch Chi hội KTS cơ sở trong việc tập hợp và tổ chức các hoạt động cho các hội viên ở cơ sở.
Đây cũng chính là các yêu cầu đặt ra trước thềm Đại hội X, chẳng những của Hội KTS Việt Nam mà còn đối với các Chi hội KTS cơ sở, nhằm làm giàu và phong phú cũng như có đóng góp thiết thực cho xã hội thông qua các hoạt động của Chi hội KTS cơ sở và của Hội KTS Việt Nam.
TS.KTS Nguyễn Tất Thắng
Nghiên cứu viên Cao cấp-Viện Kiến trúc Quốc gia-Bộ Xây dựng
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 08-2020)