Điều chỉnh quy hoạch chung TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên đến năm 2035

Năm 2005, đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 278/2005/QĐ-TTg (QH278/2005).

Năm 2016, Đồ án Điều chỉnh QHC TP Thái Nguyên đến năm 2035 do UBND TP Thái Nguyên tổ chức, Liên danh tư vấn là Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia (VIUP) và Công ty AREP (Cộng hòa Pháp) thực hiện, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2486/QĐ-TTg ngày 20/12/2016.

Tầm nhìn, tính chất và dự báo phát triển

1. Tầm nhìn

Xây dựng hình ảnh và phát triển TP Thái Nguyên theo hướng trở thành TP sinh thái, có chức năng tổng hợp với trọng tâm là dịch vụ, du lịch và hàng hóa công nghệ xanh. Chuyển hóa từ thành phố công nghiệp (với gang thép là chủ đạo) sang thành phố phát triển thương mại, dịch vụ và công nghiệp theo hướng công nghiệp sạch, công nghệ cao – Cụ thể là:

a) Phát triển các trung tâm đào tạo, y tế chuyên sâu và khoa học công nghệ có uy tín lớn ở trong nước;

b) Phát triển các trung tâm văn hóa, nghệ thuật tiên tiến, hiện đại, mang đậm bản sắc dân tộc vùng Việt Bắc; Cung ứng các dịch vụ du lịch cho Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc, Khu ATK Định Hóa,…;

c) Phát triển thành trung tâm vận tải đa phương thức với vai trò là đầu mối giao thông quan trọng, nối các tỉnh miền núi phía Bắc với các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ;

d) Phát triển thương hiệu chè truyền thống, kết hợp với quảng bá hình ảnh bằng những công viên chủ đề, tổ chức các sự kiện thường niên, TP Thái Nguyên sẽ là điểm đến thu hút thương mại, tài chính quốc tế, phát triển du lịch, phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa, có giá trị gia tăng và đa dạng;

e) TP phát triển bên hai bờ sông Cầu. Không gian đô thị và đặc biệt là không gian kinh tế với mô hình hiện đại, không lệ thuộc vào không gian hành chính, là sự kết hợp hài hòa giữa các khu vực có tính đồng nhất về chức năng (trung tâm chuyên ngành) với các khu vực hỗn hợp và các khu dân cư.

2. Tính chất

Xây dựng TP Thái Nguyên là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa – thể dục thể thao, giáo dục, khoa học kỹ thuật, y tế, du lịch, dịch vụ của tỉnh Thái Nguyên; là một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, y tế, khoa học công nghệ, thể thao, du lịch, đầu tàu phát triển của Vùng Trung du và Miền núi Bắc Bộ; là một cực phát triển của Vùng Thủ đô Hà Nội; là đô thị cửa ngõ, có vai trò kết nối quan trọng giữa Vùng Thủ đô Hà Nội và Vùng Trung du miền núi Bắc Bộ; có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng.

3. Dự báo phát triển

  • Quy mô dân số TP Thái Nguyên đến năm 2025 khoảng 450.000 dân; đến năm 2035 khoảng 600.000 dân.
  • Quy mô đất đai: Diện tích đất tự nhiên khu vực nội thị là 11.412ha, trong đó đất xây dựng đô thị tại nội thị khoảng 8.713ha, chỉ tiêu khoảng 158,42m2/người; diện tích tự nhiên khu vực ngoại thị là 10.901,56ha, trong đó đất xây dựng khu dân cư nông thôn khoảng 950ha, đất xây dựng cơ sở kinh tế – kỹ thuật phục vụ đô thị khoảng 2.000ha.

Định hướng phát triển không gian theo các phân vùng chức năng

TP Thái Nguyên phát triển hai bên bờ sông Cầu, theo mô hình đô thị đa trung tâm, gắn với việc hình thành các khu chức năng, như: Trung tâm lịch sử hiện hữu; Trung tâm giáo dục – đào tạo, y tế chất lượng cao, thương mại – dịch vụ, tài chính – ngân hàng; Các khu cải tạo nâng cấp; Khu phát triển mới; Khu vực phát triển công nghiệp, logistic phía Bắc; Khu vực du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp chất lượng cao; Khu dự trữ phát triển và nông nghiệp đô thị. Các khu chức năng được liên kết chặt chẽ với nhau bằng hệ thống giao thông kết nối đồng bộ, hiện đại, tạo sự ổn định cho các khu dân cư hiện hữu.

TP Thái Nguyên được phân thành 07 khu vực có các tính chất, quy mô diện tích, dân số, định hướng không gian khác nhau, đó là:

1. Trung tâm lịch sử hiện hữu

Diện tích khoảng 2000ha, phạm vi bao gồm các phường trung tâm, là khu vực có ý nghĩa về văn hóa, lịch sử, trung tâm hành chính, chính trị của Tỉnh. Hình thành hệ thống các trung tâm về văn hóa, kinh tế,… gắn với các không gian chức năng của đô thị, tiến hành chỉnh trang, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Bảo tồn, tôn tạo không gian kiến trúc cảnh quan các công trình có giá trị về lịch sử, văn hóa, cảnh quan, như: Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam, quảng trường Võ Nguyên Giáp, đền Đội Cấn,… Hình thành và phát triển các trung tâm thương mại, khách sạn cao cấp, trung tâm dịch vụ tổng hợp cao tầng và các khu phố mua sắm…

2. Trung tâm giáo dục – đào tạo, y tế chất lượng cao, thương mại – dịch vụ, tài chính – ngân hàng

a. Khu vực các trường thuộc Đại học Thái Nguyên với diện tích 423,4ha, xây dựng và phát triển đại học Thái Nguyên trở thành một trong những đại học hàng đầu khu vực Đông Nam Á; là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tiên tiến trong các lĩnh vực giáo dục, nông – lâm nghiệp, y tế, kinh tế, công nghiệp, công nghệ thông tin và truyền thông.

b. Cụm y tế chất lượng cao với diện tích khoảng 430ha, phạm vi thuộc phường Thịnh Đán. Hình thành và phát triển trên cơ sở nâng cấp, mở rộng các cơ sở y tế hiện có (như Bệnh viện A, Trường Cao đẳng Y, Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng).

c. Khu đô thị phức hợp giáo dục đào tạo chất lượng cao, tài chính, ngân hàng, thương mại, dịch vụ với diện tích khoảng 1600ha. Phạm vi thuộc các phường Tích Lương, Trung Thành, Tân Thành. Phát triển các cơ sở đào tạo nhân lực cho tỉnh Thái Nguyên, cho vùng Trung du, miền núi phía Bắc và Vùng Thủ đô Hà Nội; Phát triển các trung tâm nghiên cứu, tài chính ngân hàng, viễn thông, thương mại dịch vụ, nhà ở, công viên và các tiện ích đô thị. Hình thành trục không gian giáo dục – đào tạo, tài chính – ngân hàng, thương mại – dịch vụ với quần thể kiến trúc hiện đại gắn kết với ga đường sắt nội vùng Hà Nội – Thái Nguyên mới. Xây dựng đường giao thông chính kết nối vành đai 5 với bờ Đông sông Cầu.

3. Các khu vực cải tạo, nâng cấp

Diện tích khoảng 2800ha. Phạm vi: Phía Bắc là khu vực các phường Tân Long, Quán Triều; Phía Nam là khu vực phường Gia Sàng, Tân Lập, Phú Xá, Cam Giá (trong đó có các khu ở đô thị và khu công nghiệp gang thép Thái Nguyên). Cải tạo, chỉnh trang các công trình hạ tầng xã hội trong khu vực; ưu tiên phát triển các công trình văn hóa, thương mại – dịch vụ, tòa nhà văn phòng dọc theo các tuyến trục chính như: Bắc Kạn, Dương Tự Minh,… để hình thành các trục thương mại – dịch vụ của thành phố. Tạo thêm nhiều không gian hướng ra sông Cầu để khai thác không gian và dịch vụ dọc sông; phát triển thêm các vườn hoa, tiểu cảnh, lối đi bộ tại những không gian cải tạo, xây dựng lại các công trình trong khu vực. Phát triển cây xanh đường phố, duy trì, cải tạo hệ thống mặt nước hiện hữu phục vụ điều hòa tiêu thoát nước và cải thiện môi trường. Khu công nghiệp Gang thép Thái Nguyên phải có giải pháp bảo đảm các yêu cầu về môi trường.

4. Khu phát triển mới

a. Khu đô thị Chùa Hang gắn với khu vực xã Đồng Bẩm, diện tích khoảng 700ha. Phát triển thương mại, dịch vụ, đào tạo, du lịch gắn với tâm linh. Cải tạo nâng cấp về kiến trúc và hạ tầng, cải thiện điều kiện sống cho các khu dân cư hiện trạng. Tạo lập không gian liên kết (giao thông và không gian xanh) trung tâm công cộng với các khu dân cư;

b. Khu đô thị mới Linh Sơn – Huống Thượng, diện tích khoảng 800ha. Phát triển theo hướng là khu đô thị sinh thái, xanh với không gian xanh và mặt nước lớn; phát triển các trung tâm thương mại, mua sắm, bán lẻ, chợ, siêu thị. Phát triển trung tâm nghiên cứu nông nghiệp giá trị cao và các dự án công nghệ cao nhằm phục vụ nhu cầu phát triển. Tạo nhiều không gian mở kết nối với sông Cầu. Thiết lập trục không gian kiến trúc hiện đại trên các trục chính khu vực, tạo dựng hình ảnh đô thị mới hiện đại phía Đông sông Cầu. Khai thác quỹ đất dọc sông Cầu để phát triển công viên cây xanh, dịch vụ giải trí gắn với phát triển du lịch.

c. Khu đô thị mới Cao Ngạn, diện tích khoảng 200ha. Phát triển theo hướng xây dựng khu đô thị mới kiểu mẫu, hiện đại, cây xanh, hồ điều hòa gắn với khu công viên. Các khu dân cư hiện hữu được cải tạo, nâng cấp.

d. Khu đô thị mới tại xã Đồng Liên, diện tích khoảng 80ha. Bố trí các khu chức năng nhà ở cao cấp và các dịch vụ công cộng chất lượng cao, như khách sạn, nhà hàng ven sông, mua sắm, nghỉ ngơi thư giãn và khai thác tuyến đường thủy du lịch. Gìn giữ các khoảng đệm xanh, không gian xanh, hành lang xanh phân tách giữa các khu đô thị Chùa Hang, Linh Sơn, Đồng Liên nhằm không làm ảnh hưởng và làm cản trở các hướng thoát nước và dòng chảy chính tự nhiên, tạo nên sự đa dạng trong bố cục không gian.

e. Khu đô thị mới phía Tây TP Thái Nguyên, diện tích 1500ha, phạm vi thuộc địa bàn các xã Phúc Xuân, Quyết Thắng, Phúc Trìu, Tân Cương và Thịnh Đức. Tạo lập một khu đô thị mới có quy mô, hoàn chỉnh, khang trang, hiện đại, nâng cao chất lượng đô thị, xây dựng đồng bộ. Phát triển các khu chức năng: Hành chính, thương mại dịch vụ, nhà ở sinh thái chất lượng cao, nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe, thể dục thể thao cấp vùng, tổ chức lễ hội Festival trà quốc tế, tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cao cấp.

5. Khu vực phát triển công nghiệp, logistic phía Bắc

Diện tích khoảng 275ha, phạm vi thuộc khu vực xã Sơn Cẩm, Cao Ngạn. Phát triển khu, cụm công nghiệp (để từng bước di dời các cơ sở sản xuất trong khu vực nội thị. Các ngành công nghiệp được kiểm soát chặt chẽ, tránh không làm ô nhiễm khu vực sông). Hình thành khu logistic (giao vận, trung chuyển hàng hóa).

6. Khu vực du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp chất lượng cao

Diện tích khoảng 2300ha, phạm vi thuộc khu vực Đồng Liên, Huống Thượng, Phúc Xuân, Phúc Trìu và Tân Cương. Bảo tồn vùng chè đặc sản Tân Cương, gắn với khai thác hình thức du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Hình thành một số khu vực sản xuất nông nghiệp chất lượng cao. Hạn chế mở rộng hoặc hình thành thêm các điểm dân cư nông thôn nhỏ lẻ, phân tán; tiến hành cải tạo hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Các khu vực cảnh quan đặc thù như hồ Núi Cốc, vùng chè Tân Cương được bảo vệ, hạn chế các hoạt động xây dựng.

7. Khu dự trữ phát triển và nông nghiệp đô thị

Diện tích khoảng 9300ha, phạm vi thuộc phạm vi các xã Sơn Cẩm, Cao Ngạn, Linh Sơn, Huống Thượng, Đồng Liên, Phúc Hà, Phúc Xuân, Quyết Thắng, Tân Cương, Thịnh Đức. Khai thác quỹ đất nông nghiệp hiện có để đầu tư mô hình nông nghiệp chất lượng cao. Cải thiện môi trường sống nông thôn. Hình thành các trung tâm dịch vụ nông thôn để tăng cường khả năng tiếp cận của khu vực nông thôn với các dịch vụ đô thị. Quy hoạch các trung tâm xã gắn với các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ; bảo vệ, tôn tạo các công trình di tích văn hóa, tín ngưỡng. Không xây dựng mới các khu dân cư nông thôn trong khu vực hành lang thoát lũ sông Cầu. Phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung cho toàn đô thị, đặc biệt là hệ thống giao thông đối ngoại.

Định hướng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị

1. Phát triển hệ thống giao thông:

a. Giao thông đối ngoại:

  • Đường bộ: Hình thành tuyến cao tốc Thái Nguyên – Bắc Kạn, tuyến vành đai 5 vùng thủ đô Hà Nội đoạn Bắc Giang – Thái Nguyên – Vĩnh Phúc, tuyến vành đai 1 vùng tỉnh Thái Nguyên; nâng cấp cải tạo Quốc lộ 37, Quốc lộ 1B, Quốc lộ 17; hình thành các bến xe đạt tiêu chuẩn loại 1.
  • Đường sắt: Hình thành tuyến đường sắt Thái Nguyên – Tuyên Quang, tuyến đường sắt nội Vùng Thủ đô Hà Nội cùng nhà ga tại khu vực phía Nam thành phố thuộc phường Trung Thành; nâng cấp cải tạo tuyến đường sắt Lưu Xá – Kép, tuyến Hà Nội – Thái Nguyên; nâng cấp, cải tạo các nhà ga hiện có trở thành đầu mối giao thông hiện đại, có kiến trúc đẹp.
  • Đường thủy: Nạo vét, khơi thông dòng chảy tuyến sông Cầu; xây dựng bến tàu, thuyền phục vụ cho việc vận chuyển hàng hóa, đồng thời phục vụ du lịch.

b. Giao thông đô thị:

Phát triển thêm một số tuyến đường chính đô thị, chính khu vực, đường kết hợp đê sông Cầu để tạo kết nối liên thông, hoàn chỉnh mạng lưới giao thông thành phố. Đường trong các khu phát triển mới được quy hoạch và đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại, đảm bảo sự liên kết thuận lợi giữa các khu chức năng đô thị. Phát triển và hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng.

2. Các hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị khác:

Hệ thống thoát nước mưa, cấp nước, cấp điện, viễn thông, thoát nước thải, vệ sinh môi trường,… được nghiên cứu, đề xuất phù hợp với tiêu chuẩn thiết kế của một hệ thống hạ tầng đô thị hiện đại, đủ đáp ứng nhu cầu phát triển cho các thế hệ sau. Hệ thống hạ tầng này phù hợp với mô hình, cấu trúc phát triển của TP, phù hợp với Quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị Quốc gia, Quy hoạch xây dựng vùng Trung du và Miền núi phía Bắc, Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội, Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Thái Nguyên và các Quy hoạch chuyên ngành, chiến lược, chương trình Quốc gia có liên quan khác.

Kết luận

Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Thái Nguyên đến năm 2035 được nghiên cứu trong mối liên kết phát triển với các tỉnh, thành phố trong vùng Trung du và Miền núi phía Bắc, vùng Thủ đô Hà Nội và cả nước.
Ngay sau khi đồ án quy hoạch được duyệt, UBND tỉnh Thái Nguyên đã nhanh chóng cho triển khai các dự án đầu tư xây dựng như: Dự án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu; dự án đầu tư xây dựng hạ tầng Khu du lịch vùng Hồ Núi Cốc, dự án xây dựng hạ tầng khu đô thị Đồng Bẩm, An Phú, Túc Duyên,…

Với những điều chỉnh trong quy hoạch lần này, TP Thái Nguyên sẽ là đô thị động lực, có sức ảnh hưởng mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế – xã hội của toàn Vùng Thủ đô Hà Nội, Vùng Trung du và Miền núi Bắc Bộ, của tỉnh Thái Nguyên nói chung và của các huyện lân cận Thành phố, như: Phú Lương, Đồng Hỷ, Phú Bình nói riêng, đưa TP Thái Nguyên lên tầm cao mới, phát triển thịnh vượng, xứng đáng là “Thành phố sáng tạo bên sông”.

PGS.TS.KTS Lưu Đức Cường – Q.Viện trưởng Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia
Ths.KTS Lê Anh Dũng – Giám đốc TT QHXD 3

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 9/2017)