Ngày 5/3/2019 vừa qua, chủ nhân của giải thưởng “Nobel kiến trúc” – Pritzker lần thứ 46 đã được công bố. Người được vinh danh là kiến trúc sư Arata Isozaki. Ông Isozaki bắt đầu hành nghề kiến trúc từ những năm 1960, từ lâu đã được coi là một kiến trúc sư có tầm nhìn với những thiết kế xuyên quốc gia với phong cách mạnh mẽ của mình. Với hơn 100 công trình được xây dựng, sự nghiệp của ông Isozaki có ảnh hưởng lớn lao đến nền kiến trúc đương thời. Với những cống hiến của mình, ông đã trở thành kiến trúc sư người Nhật thứ 8 được vinh danh tại giải thưởng kiến trúc danh giá nhất thế giới. 

Tiểu sử

Arata Isozaki sinh ra ở Ōita, đảo Kyushu, Nhật Bản vào năm 1931, trước khi bắt đầu Thế chiến II. Khi ông tròn 14 tuổi là lúc Hiroshima và Nagasaki phải hứng chịu thảm kịch bom hạt nhân và ngành xây dựng bấy giời đang dựa trên triết lý rằng: công trình chỉ là nhất thời, người thiết kế phải chú tâm vào cảm nhận của người sử dụng khi đi qua hoặc sống xung quanh những công trình đó. “Khi tôi đủ lớn để bắt đầu hiểu về thế giới thì quê hương của tôi đã bị thiêu rụi. Bên kia bờ, quả bom nguyên tử được thả xuống thành phố Hiroshima, vì vậy tôi đã lớn lên gần với khu vực đó. Toàn thành phố đã bị hủy họa hoàn toàn sau thảm kịch, không có kiến trúc, không có công trình và thậm chí không có thành phố. Chỉ có các doanh trại quân đội và nơi trú ẩn xung quanh. Vì vậy, trải nghiệm đầu tiên của tôi là khoảng trống của kiến trúc và tôi bắt đầu quan sát cách mọi người xây dựng lại nhà cửa và thành phố”

 

Sự nghiệp và triết lý kiến trúc

Isozaki tốt nghiệp chuyên ngành Kiến trúc khoa Kỹ thuật, trường đại học Tokyo vào năm 1954, ông bắt đầu sự nghiệp của mình bằng việc thực tập dưới sự hướng dẫn của kiến trúc sư Kenzo Tange – người được vinh danh giải thưởng kiến trúc Pritzker năm 1987. Ông thành lập công ty kiến trúc Arata Isozaki & Associates vào năm 1963, ngay sau khi Nhật Bản giành lại được quyền tự và đưa ra một loạt chính sách tái thiết lại chính trị, văn hóa, kinh tế  sau thời gian bị quân Đồng Minh chiếm đóng ở Thế chiến II.

Ông chia sẻ: “Để tìm cách giải quyết những vấn đề này, tôi không thể theo duy nhất một phong cách. Thay đổi trở thành không thay đổi. Nghịch lý thay, điều đó lại trở thành phong cách của tôi”. Công việc của ông bắt đầu từ những công trình ở quê nhà và Fukuoka và nhanh chóng mở rộng ra các vùng Gunma, Osaka và Tokyo. Các tác phẩm quan trọng trong sự nghiệp của ông bao gồm Thư viện tỉnh Ōita (1962-1966 Ōita, Nhật Bản), Expo ’70 Festival Plaza (1966-1970 Osaka, Nhật Bản), Bảo tàng nghệ thuật hiện đại, Gunma (1971-1974 Gunma, Nhật Bản), và Bảo tàng Nghệ thuật Thành phố Kitakyushu, Fukuoka (1972-1974 Fukuoka, Nhật Bản).

Nara Centennial Hall (Nguồn Archdaily)
Thư viện Trung tâm Kitakyushu – một kiệt tác kiến trúc Thô mộc ở Nhật. Ảnh: Yasuhiro Ishimoto
Tháp Nghệ thuật Mito. Ảnh: Yasuhiro Ishimoto

Isozaki đã chứng minh tầm nhìn toàn cầu đi trước thời đại và tạo điều kiện cho một cuộc đối thoại giữa Đông và Tây. Ông nổi lên như một nhà lãnh đạo quốc tế ở lĩnh vực kiến trúc vào những năm 1980, với tác phẩm đầu tiên của ông ở nước ngoài – Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại, Los Angeles (1981-1986 California, Hoa Kỳ). Các tác phẩm quốc tế nổi bật khác trong số hơn một trăm dự án được xây dựng của ông bao gồm: Palau Sant Jordi (1983-1990 Barcelona, Tây Ban Nha), được thiết kế cho Thế vận hội Olympic mùa hè 1992; Tòa nhà Đội Disney (1987-1990, Florida, Hoa Kỳ); Trung tâm văn hóa Thâm Quyến (1998-2007 Thâm Quyến, Trung Quốc); Pala Alpitour (2002-2005 Torino, Ý), sân vận động khúc côn cầu trên băng cho Thế vận hội Olympic mùa đông 2006; Học viện Mỹ thuật Trung ương, Bảo tàng Nghệ thuật (2003-2008 Bắc Kinh, Trung Quốc); Tháp Allianz (2003-2014 Milan, Ý); Trung tâm hội nghị quốc gia Qatar, (2004-2011 Doha, Qatar); Nhà hát giao hưởng Thượng Hải (2008-2014 Thượng Hải, Trung Quốc); và Bảo tàng tỉnh Hồ Nam (2011-2017 Trường Sa, Trung Quốc).

Trung tâm Hội nghị Quốc gia Qatar
Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Los Angeles. Ảnh: Yasuhiro Ishimoto

Dự án “City in the Air” (1962)

Sự hợp nhất của chủ nghĩa Chuyển hóa luận (Metabolism) và chủ nghĩa Thô Mộc (Brutalism) – Ngôn ngữ kiến trúc đặc trưng cho phần lớn các tác phẩm của kiến trúc sư Isozaki được phát triển qua sự cộng tác với cố vấn Kenzo Tange – Kiến trúc sư được coi là cha đẻ của chủ nghĩa Chuyển hóa luận Nhật Bản (Japanese Metabolism)

Chủ nghĩa Chuyển hóa luận là sự hợp nhất các ý tưởng về tăng trưởng hữu cơ với kiến trúc của các siêu đô thị tương lại (trước đây được lấy tên là Burnt Ash School). Isozaki đã đóng góp lớn vào sự phát triển và duy trì chủ nghĩa Chuyển hóa luận, điển hình được thấy như trong các dự án Thư viện tỉnh Oita, Trường trung học nữ Iwata, và nhiều dự án cho Ngân hàng thành phố Fukuoka.

Vào những năm 1960. Isozaki đã hình dung về dự án “Thành phố bay” – một kế hoạch tương lại cho Shinjuku, bao gồm các lớp nhà cao tầng, nhà ở và giao thông lơ lửng phía trên thành phố già cỗi để đáp ứng tốc độ đô thị hóa nhanh chóng. Mặc dù dự án chưa được thực hiện, ông vẫn tiếp tục lên kế hoạch cho các thành phố đang có tốc độ phát triển kinh tế cao như Trung Quốc và Trung Đông.

(Nguồn: Arata Isozaki & Associates)

Giải thưởng & thành tựu

Ông là người nhận Giải thưởng thường niên của Viện kiến trúc Nhật Bản cho các công trình Thư viện tỉnh Ōita và Bảo tàng nghệ thuật hiện đại, Gunma (lần lượt là 1967 và 1975, Nhật Bản), L’Ordre des Arts et des Lettres (1997 Officier, Pháp) , Huy chương vàng RIBA cho kiến trúc (Vương quốc Anh 1986), Leone d’Oro, Venice Architectural Biennale, là ủy viên của Gian hàng Nhật Bản (1996 Ý), Gran Cruz de la Orden del Mérito Civil (1997 Tây Ban Nha), Ordine al Merito della Repubblica Italiana (2007 Ý), và Giải thưởng Thành tựu trọn đời Lorenzo il Magnifico, Florence Biennale (2017).

Ngoài ra, ông còn là thành viên danh dự của Học viện Nghệ thuật Hoàng gia (1994), Học viện Nghệ thuật và Thư tín Hoa Kỳ (1998) và là thành viên của Học viện Nghệ thuật Nhật Bản (2017). Ông được bổ nhiệm vào Ban giám khảo giải thưởng Pritzker đầu tiên vào năm 1979, và tiếp tục là thành viên trong năm năm sau đó. Isozaki đã từng là giáo sư thỉnh giảng tại một số trường đại học Hoa Kỳ bao gồm: Đại học Columbia, New York (New York, Hoa Kỳ); Đại học Harvard (Cambridge, MA, Hoa Kỳ) và Đại học Yale (New Haven, Connecticut, Hoa Kỳ). Ông có trụ sở tại Okinawa với các văn phòng hoạt động tại Nhật Bản, Trung Quốc, Ý và Tây Ban Nha. Với vai trò là thành viên giám khảo của các cuộc thi quan trọng, thông qua những bài viết phê bình của mình, ông đã đóng góp một vài trò quan trọng trong việc hiện thực hóa các ý tưởng của các kiến trúc sư trẻ trên thế giới. Sáu thập kỉ cống hiến của ông cho công việc không chỉ riêng kiến trúc mà còn bao gồm các lĩnh vực khác như: triết học, nghệ thuật thị giác, thiết kế, âm nhạc, phim và kịch.

Việc đạt giải thưởng Pritzker lần thứ 49 đã giúp ông trở thành kiến trúc sư Nhật Bản thứ 8 giành được giải thưởng danh giá này, tiếp nối người thầy của ông – KTS. Kenzo Tange. Giám khảo của cuộc thi đánh giá kiến trúc của Isozaki đã thách thức cách phân loại vì nó luôn thay đổi và phát triển. Isozaki sẽ được trao giải thưởng trị giá 100.000 đô la tại lễ trao giải ở Château de Versailles ở Pháp vào tháng 5 năm nay.


Cẩm Tú – TCKT.VN
(Tổng hợp và biên dịch từ Pritzkerprize/Arata Isozaki & Associates/Archdaily/BBC)
© Tạp chí kiến trúc

Các bài viết liên quan:

Lý do kiến trúc sư Arata Isozaki được vinh danh ở giải thưởng Pritzker 2019

Arata Isozaki là ai? 20 điều cần biết về Kiến trúc sư vừa đoạt giải Pritzker 2019