Sự chuyển đổi của chủ nghĩa tân cổ điển trong kiến trúc TP HCM (Giai đoạn từ năm 2000 đến nay)

Tân cổ điển (Neoclassical) là một trường phái nghệ thuật và kiến trúc nổi lên vào cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19 tại châu Âu. Đây là một trường phái phát triển rất mạnh mẽ vì đặc trưng của nó là phục hưng lại các giá trị kiến trúc từ thời xa xưa, mà tiêu biểu chính là sự phục dựng lại tinh thần Hy Lạp – La Mã vốn đã trở thành chuẩn mực về cái đẹp của nhân loại.

Kiến trúc Tân cổ điển đã được nhiều tác giả trên thế giới nghiên cứu chuyên sâu, nhưng ít có tài liệu nào cụ thể về các tiêu chí đánh giá trong hệ thống lý thuyết của Tân cổ điển, mà chỉ tập trung vào các khía cạnh khác nhau của xu hướng. Chẳng hạn như trong bài tham luận “Neoclassical Revival of the eighteenth century” (tạm dịch: Sự hồi sinh chủ nghĩa Tân cổ điển của thế kỷ thứ 18) (2007) [1], Robyn Hawke nghiên cứu sự hồi sinh của chủ nghĩa Tân cổ điển vào thế kỷ thứ 18, hay Dan Valenzuela bàn về bối cảnh lịch sử của các công trình mang phong cách Tân cổ điển tại Louisiana trong nghiên cứu “Historic Context for the Neo-classical Architectural style in Louisiana”, (tạm dịch: Bối cảnh lịch sử của các công trình mang phong cách Tân cổ điển tại Louisiana) (2012) [2]. Còn riêng về bản sắc kiến trúc TP HCM cũng có nhiều bài tham luận đánh giá hình thức kiến trúc Cổ điển như:“Kiến trúc và đô thị Nam bộ Sài Gòn – TP HCM trong mối tương tác với văn hóa phương Tây” của Phan Hữu Toàn [3], “Kiến trúc và đô thị Sài Gòn thời Pháp thuộc” của Francois Tainturier [4]và “Cần đánh giá đúng giá trị bản sắc Kiến trúc Đô thị Sài Gòn – TP HCM” của Trần Xuân Phúc[5]. Những bài tham luận này là một nguồn tư liệu hữu ích cho việc định hướng, đánh giá đúng bản chất của hình thức kiến trúc đô thị Sài Gòn khi chuyển mình từ giai đoạn Pháp thuộc đến thời kỳ mở cửa. Trong bối cảnh đó, bài viết tập trung vào những vấn đề cốt lõi của kiến trúc Tân cổ điển và đánh giá hình thức mặt đứng của các công trình Tân cổ điển trong địa bàn TP HCM – giai đoạn từ năm 2000 đến nay, nhằm góp một phần nhỏ vào cách thức tiếp cận xu hướng Tân Cổ điển trong thời đại mới.

HÌNH THỨC KIẾN TRÚC TÂN CỔ ĐIỂN TẠI TP HCM GIAI ĐOẠN 2000-2016
Tại các nước châu Âu, quá trình phục cổ của kiến trúc Tân cổ điển thành công là do các KTS có sự đào sâu nghiên cứu, nắm rõ các niêm luật, quy tắc trong kiến trúc Cổ điển và áp dụng hợp lý vào công trình. Họ không chỉnắm bắt những chuẩn mực của kiến trúc Hy Lạp – La Mã về bố cục, mái, cột,… mà còn biết cách chọn lọc những yếu tố phù hợp với đặc điểm kiến trúc bản địa,đồng thời kết hợp sáng tạo trong phương thức thiết kế. Tiêu biểu là các nước Đức, Anh, Pháp. Tuy nhiên, không phải ở đâu cũng có thể áp dụng đúng những nguyên tắc kiến trúc Tân cổ điển. Điều này làm xuất hiện ra những biến thể, thường được cho là không đẹp và hay bị lên án vì chúng pha trộn nhiều phong cách khác nhau, không nhất quán và ứng dụng không hợp lý các nguyên tắc Cổ điển chính thống nên khiến cho người nhìn có cảm giác như KTS đang tự đánh mất chính mình.

Tại Việt Nam, từ nửa sau thế kỷ 19, các công trình kiến trúc Tân cổ điển do các KTS người Pháp thiết kế tại Sài Gòn đã kết hợp với một số phong cách khác như Phục Hưng, Baroque hay Chủ nghĩa Cổ điển Pháp thế kỷ 17-18… Khi đó, người ta gọi loại hình công trình này là kiến trúc Chiết trung Tân cổ điển. Nhưng do các KTS hiểu rõ các nguyên tắc nên khi pha trộn với các phong cách khác, các công trình Chiết trung Tân cổ điển vẫn rất hài hòa và có giá trị cho đến tận ngày nay. Hiện nay, trong bối cảnh hội nhập, những xu hướng, phong cách kiến trúc có mặt trên thế giới đều được các KTS Việt Nam thử nghiệm, nhất là ở những khu vực năng động như TP HCM. Phải chăng, chính điều này đã tạo ra một sự hỗn dung, đa phong cách, trong thực trạng của các công trình Tân cổ điển ở đây?

Các công trình kiến trúc mang phong cách Tân cổ điển tại TP HCM thường rất khó để phân biệt rạch ròi giữa các đặc điểm. Bởi các công trình này được biến tấu theo từng sở thích, năng lực của nhà thiết kế mà không theo một quy tắc nào. Vì thế, trong quá trình khảo sát thực địa, chúng tôi đưa ra tiêu chí đánh giá các công trình này dựa vào các đặc điểm cơ bản như bố cục, mái, cột, cửa, lan can,… (chủ yếu là những biểu hiện bên ngoài).

Cụ thể, trong các công trình mang phong cách Tân Cổ điển, nhất là dạng công trình nhà ở, ngoài sự ảnh hưởng của nền kiến trúc Hy Lạp – La Mã, còn có sự pha trộn của các nền kiến trúc khác, nhưng nhìn chung chúng đều có nhiều điểm giống nhau và rất khó phân định.

Sự pha trộn phong cách trong các công trình tại Thành phố Hồ Chí Minh
Ảnh 1: A&Em Corner Hotel – số 150, Lê Thánh Tôn, Quận 1 , TPHCM
Ảnh 2: Hotel Opere -Số R2-27-28, NguyễnBính, Quận 7, TPHCM

Thậm chí, những công trình này đôi khi còn pha lẫn phong cách Art Nouveau hoặc Art Deco. Điều này có nguyên nhân xuất phát từ lịch sử, khi Art Nouveau xuất hiện và phát triển hết sức mạnh mẽ ở các nước châu Âu vào thế kỷ 19, nước Pháp cũng không nằm ngoài xu hướng nay. Cùng với sự giao thoa văn hóa khi người Pháp đến Việt Nam, kiến trúc Art Nouveau xuất hiện. Phong cách Art Nouveau được ưa chuộng tại TP HCM vì nó đáp ứng được thị hiếu thích cái đẹp của người dân thành phố. Những chi tiết mềm mại lấy cảm hứng từ cấu trúc của thiên nhiên, có thể làm mềm hóa nét thô cứng của tính đối xứng và các nguyên tắc “cứng nhắc” trong các công trình theo phong cách Cổ điển. Mặt khác, với đặc trưng giàu tính khoa trương và sự trang trí, phong cách này lại trở nên khá phù hợp với tâm lý thích thể hiện của một số người giàu có. Nhưng hiện nay, Art Nouveau đôi khi được sử dụng, tô vẽ một cách “quá tay”, khiến cho một số công trình trong địa bàn thành phố trở nên nặng nề hình thức. Dường như nhận thức được sự quá tay đó, một số KTS tìm cách giảm nhẹ tính hình thức của phong cách Art Noveau đã áp dụng những đường nét góc cạnh của phong cách Art Deco. Tuy nhiên, điều này lại khiến cho một số công trình Tân Cổ điển trong thành phố trở nên rườm rà và rối mắt.

Sự pha trộn phong cách Art Noveau và Art Deco
Ảnh 1: Biệt Thự – Số 49 Quốc Hưng, Phường Thảo Điền, quận 2, TPHCM
Ảnh 2: Biệt thự – Số R016, NguyễnBính, Quận 7, TPHCM

Càng về sau, trong các công trình mang phong cách Tân cổ điển, có thể xác định không dưới 3 phong cách cùng tồn tại trong nó. Điều này thường có nhiều trong các công trình biệt thự cổ điển và công trình thương mại dịch vụtại thành phố. Dễ dàng nhận thấy được những thức cột cổ điển của Hy Lạp, sự đồ sộ của phong cách La Mã, những tấm phù điêu trang trí công phu của Chủ nghĩa Lãng mạn(1), những chi tiết hoa lá của Art Nouveau và cả những đường nét góc cạnh của Art Deco… Tất cả đều có thể tồn tại song song trong cùng một công trình Tân Cổ điển. Điều này làm cho hình thức các công trình nhà ở và thương mại dịch vụ tại thành phố không có sự đồng nhất.

Biệt thự – Số 24, Lê Văn Miên, Phường Thảo Điền, Quận 2, TPHCM

Không những vậy, như đã trình bày ở phần trên, khi đời sống xã hội của thành phố ngày càng phát triển, một số cá nhân muốn thể hiện sự giàu sang qua nơi họ cư ngụ. Thế nên có những công trình mang phong cách Tân Cổ điển và đôi khi còn lai tạp với cả phong cách Queen Anne(2). Vài công trình còn trông như một tòa lâu đài cổ điển thu nhỏ.

Ảnh 4: Nhà hàng Sushi Tei- Số 206 Lý Tự Trọng, Phường BếnThành, Quận 1, TPHCM

Có thể nhận thấy, một vài KTS thiết kế những công trình Tân Cổ điển tại TP HCM từ năm 2000 chưa thực sự thấu đáo về các nguyên tắc trong Chủ nghĩa Tân cổ điển, thường hay rơi vào Chủ nghĩa hình thức nên các công trình không tránh khỏi sự nhầm lẫn và pha trộn dẫn đến sự hỗn tạp các phong cách.

Nếu chiếu theo quan điểm của Jean Francois Gabriel(3) [6], sự tồn tại của những công trình theo phong cách Tân Cổ điển giữa một bối cảnh hiện đại không có gì là sai trái. Mặc khác, sự xuất hiện của nhiều phong cách trong cùng một công trình theo lý thuyết về “sự nhập nhằng, đa nghĩa trong kiến trúc” của Robert Ventury (4) [7] cũng nên được bao dung. Tuy nhiên, cho dù có thể được chấp nhận bằng những cơ sở lý luận, ít nhất các KTS cũng cần phải nắm bắt và hiểu rõ được bản chất, nguyên tắc của kiến trúc Cổ điển, để từ đó biết cách kết hợp với kiến trúc Hiện đại hoặc với các phong cách khác và tạo ra những công trình mang phong cách Chiết trung Tân cổ điển đúng đắn. Không thể viện vào lý do kiến trúc là “sự nhập nhằng, mâu thuẫn”, mà có thể thiết kế một cách tùy tiện, cẩu thả và không theo bất kỳ một nguyên tắc hay một quy luật nào.

Như đã nói, Chủ nghĩa Tân cổ điển ở các nước phương Tây thành công, là do các KTS hiểu rất rõ các niêm luật và áp dụng vào bối cảnh xã hội thật hài hoà và thích hợp. Nhìn lại tình hình Việt Nam, cụ thể tại TP HCM ta không thấy sự kỹ càng này. Chẳng hạn, khi căn cứ vào cơ sở các nguyên tắc thiết kế trong kiến trúc Cổ điển chính thống, có thể nhận thấy các thức cột trong các công trình Tân cổ điển này có kích thước sai lệch với tỉ lệ của các thức Cổ điển, đầu cột sử dụng các mẫu trang trí hoa lá rườm rà, phức tạp…; hay những chi tiết đắp nổi, gờ chỉ trên cửa sổ,… không theo một trật tự hay quy luật kiến trúc nào. Hoặc chiều cao của mái đầu hồi tam giác, mái Mansard, mái vòm thường không được áp dụng đúng cách thức thiết kế… Việc sử dụng vật liệu không hợp lý với màu sắc quá đà cũng khiến cho mặt đứng của công trình trở nên mất thẩm mỹ. Kể cả nguyên tắc cơ bản nhất – tính đối xứng trong toàn bộ mặt đứng của một số công trình cũng không được tuân thủ. Xét trên diện rộng, phong cách Tân Cổ điển tại TP HCM từ năm 2000 đến nay vẫn chạy theo hình thức và thường chắp vá nhiều phong cách. Điều này thể hiện một lần nữa các quy luật của kiến trúc Cổ điển chính thống không được quan tâm đúng mức.

Các công trình thuộc phong cách Tân cổ điển trong địa bàn thành phố hiện nay, nếu được làm đúng chuẩn theo nguyên tắc của kiến trúc Cổ điển kết hợp với kiến trúc Hiện đại thì không sai, tùy theo từng trường hợp và bối cảnh xung quanh mà áp dụng,nhưng sẽ là vấn đề nếu phong cách Tân cổ điển trong các công trình đó ít nhiều bị biến tướng do KTS không hiểu rõ nguyên lý thiết kế đối với loại hình công trình này.

Những nguyên tắc cổ điển bị áp dụng sai
Ảnh 1: Biệt thự – Số 165, Phạm Thái Bường, Quận 7, TPHCM
Ảnh 2: Biệt thự – Số 205, đường số 19, Quận 2, TPHCM
Ảnh 3: Biệt thự – Số R1060, Lý Long Tường, Quận 7, TPHCM

Nhiều ý kiến cho rằng, đối với các công trình công quyền hiện nay, việc thiết kế theo phong cách Tân cổ điển không còn phù hợp nữa. Vì truyền thống và phong cách sống của người dân nước ta là yêu thiên nhiên và luôn muốn hòa hợp với thiên nhiên, gần gũi với quần chúng, chứ không phải kín cổng cao tường như phong cách sống của người Châu Âu. Nếu đặt một công trình công sở mang phong cách Tân cổ điển vào bối cảnh xã hội của thành phố sẽ khó hài hòa và còn làm tiêu hao nhân lực thiết kế, tốn nhiều tiền của. Tuy nhiên, theo như những luận cứ được trình bày bởi Thomas L.Doremus [8], những công trình công sở mang phong cách Cổ điển vẫn có khả năng tồn tại, vì chúng đã là một phần của lịch sử kiến trúc TP HCM. Tuy nhiên, các KTS cần coi trọng nguyên tắc của kiến trúc Cổ điển, để khi kết hợp với các phong cách khác thì sẽ cho ra đời các công trình công sở mang phong cách Chiết trung Tân cổ điển trở nên hài hòa không chỉ trong bối cảnh xung quanh, mà còn phù hợp với kiến trúc đương đại.

Đối với các công trình nhà ở, khách sạn, do đặc tính của TP HCM có hai mùa mưa và mùa khô, nên thường mang nhiều nét đặc trưng của kiến trúc vi khí hậu(5) – Công trình có nhiều cửa sổ lớn, hay ban công rộng để đón gió và đôi khi có thêm hàng hiên để tránh nóng. Đây là nét khác biệt so với kiến trúc Tân cổ điển phương Tây, nơi có khí hậu lạnh và hạn chế việc đón gió. Những công trình mang phong cách Tân cổ điển thuộc thể loại này tuy đạt được những tiêu chuẩn về nguyên tắc của kiến trúc Cổ điển và cố gắng đưa vào những yếu tố kiến trúc bản địa, nhưng có phù hợp hay không còn phải tùy thuộc vào bối cảnh của môi trường xung quanh.

Bên cạnh những công trình “nệ cổ”, về sau, ở TP HCM cũng xuất hiện những công trình Tân cổ điển chỉ lấy những chi tiết của kiến trúc Cổ điển để làm ý tưởng. Không quá lệ thuộc vào các chi tiết và nguyên tắc Cổ điển mà vẫn đem lại cho công trình một sự hoài niệm về quá khứ vừa đủ, không quá phô trương nhưng vẫn hướng cảm nhận của người nhìn về một quá khứ hoàng kim của kiến trúc Cổ điển đã qua. Những công trình này chú trọng sự hài hòa với môi trường xung quanh và những đặc trưng của bối cảnh thành phố, nên không bị lạ lẫm hay quá khác biệt, dễ chấp nhận và gần gũi hơn. Đó có thể chỉ là những vòm cong phía trên cửa sổ, những đường kẻ joint nhẹ nhàng, những viên đá khóa, một hàng thức cột, một tấm phù điêu… Tất cả tuy chỉ xuất hiện rất nhẹ nhàng, nhưng đủ để tạo cho người xem cảm giác về sự cổ điển hài hòa với đặc tính của TP HCM, mà không hề quá đà. Đây là điều đáng được ghi nhận (hình 06: Công trình chỉ lấy ý tưởng từ những chi tiết cổ điển).

Công trình chỉ lấy ý tưởng từ những chi tiết cổ điển

KẾT LUẬN
Qua các phân tích trên, chúng tôi nhận thấy rằng, hình thức kiến trúc Tân cổ điển tại TP HCM giai đoạn 2000 – 2016 có những biểu hiện không ổn định.Những bất cập trong nhận thức của chủ đầu tư, KTS và bộ phận quản lý, đã làm sản sinh ra một loại hình thức kiến trúc Tân cổ điển với nhiều biến thể sai khác so với phiên bản của kiến trúc Tân cổ điển chuẩn mực.

Các công trình mang phong cách Tân Cổ điển này chủ yếu dựa trên cảm tính của người thiết kế hoặc chủ đầu tư, nên đã làm cho bộ mặt kiến trúc Thành phố có sự hỗn độn. Qua việc tìm hiểu lại kỹ càng các nguyên tắc trong thiết kế kiến trúc Cổ điển, chúng tôi mới có thể áp dụng và đưa ra những đánh giá, nhận xét khách quan hơn đối với các công trình Tân cổ điển trong thành phố, thể loại công trình này trong giai đoạn từ năm 2000 đến nay có những biểu hiện phức tạp và cần có một định hướng chung, rõ ràng hơn.

Như vậy, để làm được những công trình có giá trị thì những vấn đề trong về nền tảng trong quá khứ nhất thiết cần phải được tìm hiểu ngọn ngành. Tạm kết cho chủ đề này, chúng tôi xin trích dẫn câu nói của KTS Peter Zumthor, người đã đoạt giải Pritzker 2009: “Trước nhất, kiến trúc phải tôn trọng địa điểm, không gian văn hóa bản địa và các bài học vô giá của lịch sử”.

Ghi chú
1. Chủ nghĩa Lãng mạn: Thể hiện tâm lý dao động của tầng lớp quý tộc phong kiến thất thế luyến tiếc vương triều trong giai đoạn đầu và tâm lý bất mãn của tầng lớp tiểu tư sản đối với giai cấp tư sản ở giai đoạn sau 1830, diễn ra chủ yếu ở Anh và Pháp.
2. Phong cách Queen Anne là phong cách thiết kế tinh tế, sang trọng theo lối hoàng gia. Nó rất tốn kém để xây dựng và bảo dưỡng.
3. Jean Francois Gabriel (?-1724): Nhà lý luận kiến trúc chuyên về phong cách Cổ điển người Pháp.
4. R.Ventury (1925-): KTS Hậu Hiện đại, một trong những nhà lý thuyết kiến trúc có ảnh hưởng nhất của nửa cuối thế kỉ 20.
5. Kiến trúc vi khí hậu: Một mảng nghiên cứu trong phát triển bền vững (Sustainable Development), đây không phải là xu hướng hay trào lưu mà nó thể hiện hướng tư duy mới trong việc phát triển kiến trúc cảnh quan của con người.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Robyn Hawke, Neoclassical Revival of the eighteenth century,The World Book Encyclopedia,2007.
[2]Dan Valenzuela, Historic Context for the Neo-classical Architectural style in Louisiana, Valenzuela Preservation Studio, 2012.
[3]Phan Hữu Toàn, Kiến trúc và đô thị Nam bộ Sài Gòn- Thành phố Hồ Chí Minh trong mối tương tác với văn hóa phương Tây, tạp chí Kiến trúc Việt Nam, số 12/2005-1/2006, trang 39-43.
[4] Francois Tainturier, Kiến trúc và đô thị Sài Gòn thời Pháp thuộc, tạp chí Kiến trúc Việt Nam, số 2/1999, trang 52-55 (Nhật Khanh dịch).
[5] Nguyễn Xuân Phúc, Cần đánh giá đúng giá trị bản sắc Kiến trúc Đô thị Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh, tạp chí Kiến trúc Việt Nam, số 5/2005, trang 14-16.
[6] Jean-François Gabriel,Classical Architecture for the Twenty-First Century: An Introduction to Design (Classical America Series in Art and Architecture), W. W. Norton& CompanyPublishers,2005.
[7] Nguyễn Thị Minh Hải, “Hình thức kiến trúc nhà công sở một số tỉnh phía Bắc – giai đoạn 1990-2010”, Luận văn thạc sĩ Kiến trúc, TP.Hồ Chí Minh, 2012.
[8]Thomas L. Doremus, Classical style in modern architecture-from the colonnade to disjunctured space, Van Nostrand Reinhold Publishers, 2002.

ThS.KTS Ôn Ngọc Yến Nhi

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 8/2017)