Dự án thiết kế Showroom Mein Garten, bằng cách cải tạo một căn biệt thự phố bỏ hoang ở khu đô thị Trung Hòa thành một văn phòng xanh nhằm giảm thiểu lãng phí, đồng thời tiết kiệm tối đa chi phí xây dựng. Việc làm táo bạo này cũng góp phần phá bỏ hình ảnh của một văn phòng truyền thống, đưa ra một thông điệp đầy thách thức cho việc phát triển đô thị bền vững trong bối cảnh khủng hoảng BĐS như hiện nay.

Thông tin dự án:
- Dự án: Showroom Mein Garten – hệ thống sân vườn cảnh quan của Công ty OLAD JSC.
- Năm thiết kế: 2013 Năm hoàn thành: 2014 Địa điểm: Lô 34, H2, Yên Hòa, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy
- Thiết kế kiến trúc: KTS Vương Đạo Hoàng – Studio 102
- Thiết kế sân vườn: Mein Garten, OLAD Jsc Ảnh: Vũ Xuân Sơn
Những năm gần đây, trong khi nhiều người dân đang “khát” nhà ở thì hàng nghìn căn biệt thự trong các KĐT không hề được sử dụng, những khu đô thị ma, những căn nhà tiền tỉ ở tình trạng bỏ hoang rải khắp các khu đô thị trên toàn TP Hà Nội gây lãng phí trầm trọng. Sự khủng hoảng của thị trường BĐS vào năm 2010 đã khiến cho đô thị Việt Nam đầy rẫy những căn biệt thự xây thô trong các khu đô thị tiêu chuẩn.
Đầu bài đặt ra cho KTS là cải tạo một căn biệt thự song lập xây thô ở khu đô thị Trung Hòa thành văn phòng cho thương hiệu Mein Garten, thuộc Công ty Cổ phần Phát triển Ngoại thất và Cảnh quan – OLAD Jsc. Kiến trúc sư hướng tới các mục tiêu: – Giảm mật độ xây dựng và gia tăng tỷ lệ cây xanh cho khu vực. – Mở rộng công trình bằng cách xen cài sân vườn vào các không gian chức năng.
Bằng cách phá bỏ những tường ngăn nhằm tạo ra những chức năng mới với không gian mở để đưa thiên nhiên vào trong công trình, Kiến trúc sư cố gắng tạo nên một không gian văn phòng có thể giúp người sử dụng thư thái trong công việc, từ đó gia tăng được hiệu quả lao động. Với quan niệm: văn phòng không phải là một chiếc máy làm việc, mà còn là nơi con người với thiên nhiên có thể gần nhau hơn, khuyến khích giao tiếp xã hội, kết nối cá nhân với cá nhân, cách tiếp cận này giúp cho chủ đầu tư giải quyết được căn bệnh chán văn phòng của nhân viên, thúc đẩy mối liên kết trong văn phòng và kích thích tăng trưởng.
Bước trên hành lang các bậc đá băng qua hồ cá, là một điểm dừng chân, với các băng ghế nan gỗ thiết kế thô, tạo thành một không gian nghỉ-chờ thư giãn, tận hưởng thiên nhiên. Ảnh © Vũ Xuân Sơn
Mặt công trình được phủ bởi các tấm nan gỗ Durawood (một sản phẩm tấm cement đạt chứng chỉ Green Label ) nhằm hạn chế tác động của mưa, nắng trực tiếp lên các diện tường không trát, đồng thời trở thành một hệ khung cho cây leo có thể bám và phủ xanh bề mặt, từ đó làm biến đổi hình thức công trình thành một mảng xanh quý giá.
Vật liệu sử dụng trong công trình gồm gạch đá tái chế lại từ hiện trạng, cây xanh. Cây xanh trở thành một vật liệu kiến tạo công trình, cùng với sự tăng trưởng của cây, công trình thay đổi từng ngày đem lại sức sống mới cho bản thân nó cũng như những công trình xung quanh.
Bản vẽ kỹ thuật các giai đoạn cải tạo:
Theo Kiến Việt