Cách đây nhiều năm, khi lên Đà Lạt tôi được nghe đồn về 3 người khùng – Hỏi ra mới biết là KTS Lữ Trúc Phương, KTS Đặng Việt Nga và sư thầy Viên Thức. Trong 3 người khùng đó thì đã có 2 là bạn của tôi!
KTS Lữ Trúc Phương gắn bó với Đà Lạt đã lâu, nhiều công trình ở Đà Lạt gắn với tên anh. Học viện Salésien là một công trình kiến trúc được anh thiết kế (hoàn thành vào tháng 10/1972 tại số 4 Bùi Thị Xuân, Đà Lạt). Đó là một kiến trúc to lớn, đẹp, là trường âm nhạc dành cho trẻ em do Cha cố Don Bosco lập nên. Dòng tu của Cha đi khắp thế giới và đã đến Việt Nam, lập một học viện cho thiếu nhi, đến nay công trình còn giữ được dáng vẻ hiện đại. Lúc thiết kế công trình này, Lữ Trúc Phương mới 27 tuổi.
KTS Lữ Trúc Phương được nhiều người biết đến khi xây dựng ngôi nhà Trăm mái. Và sau đó là những sự cố xảy ra với ngôi nhà này. Ngôi nhà 100 mái được đặt tên là Tổ ấm Âu Lạc, dựa trên truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ. Một trăm mái là 100 người con, trong nhà có 50 cầu thang. Vào ngôi nhà này rất dễ lạc không tìm được lối ra. Khách du lịch rất thích thú với công trình kỳ lạ này. Trong nhà và các lối đi tràn ngập cây, tượng. Thật đáng tiếc ngôi nhà đã bị dỡ bỏ. Vụ phá bỏ ngôi nhà trăm mái gây xôn xao dư luận. Cuối cùng Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã công bố trên báo chí là nếu KTS Lữ Trúc Phương muốn xây dựng lại ngôi nhà Trăm mái thì Bộ sẵn sàng làm lại tại một địa điểm khác. Lữ Trúc Phương không nản chí, anh đã thiết kế một ngôi nhà 100 mái khác to lớn hơn nhiều với sự hứa hẹn tài trợ của một đơn vị quốc tế, thế nhưng món tài trợ đó đã bị một đề án khác giành mất.
Sau khi nhà Trăm mái bị phá bỏ, anh tập trung vào thiết kế công trình “Đường lên Trăng”. Đây là một ngôi nhà nhỏ của anh ở 57 Phan Bội Châu, Đà Lạt. Ngôi nhà ở ngay sau chợ Đà Lạt, là một nhà ống nằm trên phố có mặt nhà chừng 4m rộng, cao 4 tầng. Bên ngoài mặt nhà có cây leo xum xuê. Ngôi nhà là một quán cà phê bình thường có nhiều cây xanh và cũng có một số tượng ở mặt trước công trình. Một quán cà phê nhỏ bé, không ngờ đã gây cho tôi những cảm xúc kinh ngạc ngay từ buổi đầu. Cách đây khoảng 10 năm tôi đến quán cà phê của Lữ Trúc Phương, lúc này còn đang xây dựng. Anh Phương thắp một ngọn đèn dầu và dẫn tôi cùng vài người bạn đi lên những bậc cầu thang đến một sàn gác rồi lại đi xuống những bậc thang khác. Cứ như vậy, lên, xuống đi ngang ngoắt ngoéo. Tôi còn nhớ như in khi đến một ngã ba, anh dừng lại và nói nhỏ: “Bây giờ đi lối nào đây?”. Chúng tôi cười rộ, “Tác giả mà còn lạc nữa à?”. Đi một lát nữa, anh nói: “ Các anh có biết hiện nay chúng ta đang ở đâu không?”. Chúng tôi người thì nói đang ở tầng 3, người thì nói tầng 4… Anh Phương bảo, “Chúng ta đang ở dưới lòng đất, cách mặt đất 3m!”. Ngôi nhà nhỏ bé này thật bí hiểm khiến chúng tôi thích thú. Lên đến trên cùng có một cây khá to, có tượng một nam, một nữ lớn hơn người thật ăn mặc như người Tây Nguyên dựa vào gốc cây. Anh Phương bảo đây là Lạc Long Quân và Âu Cơ. Toàn bộ các lối đi đều hẹp chỉ một người đi lọt, các cửa đều làm giả bằng cành cây thô sơ (nhưng là bê tông cốt thép). Ở giữa nhà có một lồng thang máy nhỏ cũng bằng “cành cây”, thang máy chỉ dùng cho 2 người, nhưng chưa lắp đặt. Trên những con đường ngoắt ngoéo ấy có những khoảng rộng ra đặt bàn ghế để khách dùng cà phê và ngắm những tượng những phù điêu, những tranh ảnh trên tường trên trần… Quán cà phê này có những khách quen. Một nhóm người Pháp chừng trên 10 người tuần nào cũng đến đây một lần ngồi vào buồng lớn nhất ở tầng 3. Họ rất thích thú và thường ở đây trò chuyện đến khuya.
Trong quán cà phê này, anh Phương có một buồng riêng, nơi anh ngủ và làm việc. Một không gian nhỏ đầy ắp sách vở tài liệu, ở hành lang cạnh buồng là giá sách. Căn buồng nói lên chủ nhân nó là một người làm việc cực nhiều. Căn buồng rất luộm thuộm, lộn xộn nhưng chắc hẳn nó có “trật tự” của một người nghệ sĩ.
KTS Lữ Trúc Phương làm việc rất nhiều và luôn sáng tạo những cái kỳ lạ. Một con gà khổng lồ ở một làng quê, đó là một tháp nước hình một chú gà trống lớn. Ý của anh là gà có thể cất tiếng gáy khi mực nước đầy, nhưng điều này chưa làm được.
Ở An Giang, anh cùng với nhà điêu khắc Thụy Lam xây dựng tượng phật Di Lặc khổng lồ, trong tượng có cầu thang lên xuống 7 tầng, rốn Phật là một cửa người đi lọt.
KTS Lữ Trúc Phương làm việc không mệt mỏi, hết kế hoạch này đến đề án khác. Trong người anh, sức sáng tạo thật là dồi dào. Mặc dầu đã ngoài 70 tuổi nhưng anh vẫn còn nhiều kế hoạch và dự án kiến trúc. Tư tưởng sáng tạo của anh trong kiến trúc thiên về tạo hình nghệ thuật, luôn luôn gây xúc động cho mọi người và cũng luôn có nhiều ẩn dụ. Những ẩn dụ mà anh sử dụng thường khai thác trong kho tàng cổ tích lịch sử dân tộc. Do đó, kiến trúc của anh thuộc về xu hướng chủ nghĩa Biểu hiện và đậm đà bản sắc dân tộc. Những sáng tạo của anh thật đáng trân trọng cũng như những sáng tạo của người bạn cùng chí hướng là KTS Đặng Việt Nga trong tác phẩm Crazy House đã làm cho kho tàng kiến trúc Đà Lạt thêm phong phú và độc đáo.
KTS Lữ Trúc Phương đã ra đi, để lại bao ý đồ sáng tạo dở dang. Chúng ta nghiêng mình trước một tài năng hiếm có, một nhiệt tình lao động không mệt mỏi với lòng dũng cảm vượt qua những cơn sóng gió của cuộc đời.
Tôn Đại
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 11-2018)