The Memory – ngôi nhà mang đặc trưng của truyền thống người Việt

“The Memory” là một ngôi nhà dành cho gia đình 3 thế hệ – đặc trưng trong truyền thống của người Việt : ông bà, cha mẹ và con cái sinh sống chung dưới một mái nhà. Cấu trúc không gian của dự án đòi hỏi phải giải quyết được các vấn đề cơ bản trong sinh hoạt cho 2 gia đình trẻ và một người già. Bên cạnh đó mối liên hệ và tương quan, va chạm khi có sự không đồng điệu trong văn hóa hoạt động của 3 thế hệ trong một gia đình cũng là một bài toán khó. Để giải quyết vấn đề này chúng tôi cố ý tạo ra một căn nhà chứa 2 ngôi nhà nhưng có sân trước và sân sau là chung, và tổng thể là một khối. Việc tạo ra khu vực sinh hoạt phụ và lối thông phía sau, giúp cho việc sinh hoạt của cả hai gia đình không va chạm nhau, nhưng vẫn là một không gian liền lạc để trẻ con có thể chạy chơi vui đùa, gia đình gắn kết như một.

Thiết kế : 23°5 Studio – Hoàn thành : 2015 – Hình ảnh : Quang Trần

Lối vào chính công trình là hình ảnh gợi lại “mái hiên” trong ngôi nhà truyền thống Việt Nam, nó như một khoảng đệm với cây xanh và mặt nước. Cửa vào chính là hệ của được nâng cao hơn so với mặt nền của công trình tạo một khoảng hở vừa đủ cho việc thông gió cho công trình. Đây là chi tiết khá thú vị trong các ngôi nhà Việt – “Ngạch cửa” như một điểm nơi để có thể ngồi chơi thư giãn, giao tiếp những người bạn hàng xóm thân thiết, và là nơi trẻ con rất thích chơi đùa. Không gian tiếp khách được xem như một khoảng sân nhỏ bên trong, với ánh sáng luôn thay đổi là điểm nhấn thú vị khi bước vào không gian này.

Ngoài ra trọng tâm trong dự án này chúng tôi giữ lại một mái nhà ngói cũ – là ngôi nhà của gia đình được người cha tự làm cách đây hơn 50 năm trước khi xây dựng mới. Mái nhà cũ này chính là trung tâm và là phần không gian chuyển tiếp. Mái cũ là linh hồn cho toàn bộ cấu trúc của ngôi nhà. Không gian bên dưới mái là nơi cả đại gia đình cùng nhau ngồi lại bên bữa cơm gia đình, cùng nhau nói chuyện tâm sự, nơi khơi gợi những kỷ niệm xưa cũ. Bên trên mái một phần được biến hóa thành các bậc cấp như một không gian đa năng cho trẻ con vui chơi, đọc sách …

Với mặt cắt tạo nên rất nhiều những “khoảng trống” và khe lấy sáng, không gian bên trong nhà luôn luôn cảm nhận được thời tiết và bầu trời bên ngoài. Tỷ lệ không gian được cân nhắc khá kỹ, nhằm tạo độ tương phản cần thiết giữa ánh sáng và bóng tối, giữa cũ và mới. Chiều cao của không gian tỷ lệ với khoản cách tạo nên cảm nhận vừa đủ về cảm xúc, mang lại cảm giác thoải mái cho những người sinh sống trong không gian. Cây xanh trong ngôi nhà là những điểm cân bằng thị giác với khối vật chất trong nhà, cân bằng cảm xúc.

“The Memory” không chỉ là một ngôi nhà, với triết lý “không sanh không diệt”, đây là sự biểu hiện của người đã khuất. Khi mất đi một người thân thương sự đau buồn luôn hiện hữu nhưng bản thể của người đó thực chất là “vô sinh, bất diệt”. Chỉ có sự biểu hiện là ngừng lại, và biểu hiện dưới hình thức khác. Chúng tôi tin rằng trong không gian này luôn có sự hiện diện của người ông, người cha đã khuất, trong sự biểu hiện của từng viên ngói, từng kèo từng cột, trong từng vật khi xưa người làm nên.

“The Memory” là sự phá bỏ những ý niệm về sự tương phản giữa cũ và mới, giữa ánh sáng và bóng tối, giữa truyền thống và hiện đại. Phá bỏ chính bản thân khỏi sự trói buộc vào một ý niệm và xem nó là chân lý. Khi không bị ràng buộc vào một ý niệm nào, ta tự do.

Một số hình ảnh của công trình

 

Một số bản vẽ công trình

 Theo kientrucnhangoi tổng hợp từ Archdaily/Kienviet