Giải pháp phát triển giáo dục sáng tạo trong chiến lược xây dựng Hà Nội trở thành thành phố sáng tạo

PGS.TS Bùi Hoài Sơn

Giáo dục sáng tạo là yếu tố then chốt để hình hành các công dân sáng tạo – nguồn lực quan trọng nhất của xã hội sáng tạo, quốc gia khởi nghiệp. Chính vì thế, trong chiến lược xây dựng Hà Nội trở thành thành phố sáng tạo, việc quan tâm đến giáo dục sáng tạo cần phải được xem là một trong những giải pháp quan trọng, để tinh thần sáng tạo lan tỏa, thẩm thấu khắp các lĩnh vực của đời sống xã hội Thủ đô, tạo điều kiện thực hiện thành công danh hiệu đặc biệt mà UNESCO đã ghi danh cho Hà Nội trong Mạng lưới các Thành phố (TP) sáng tạo của UNESCO.

Tầm quan trọng của giáo dục sáng tạo

Theo Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục: “Phát triển giáo dục và đào tạo là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học – Học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, đây là quá trình chuyển đổi từ giáo dục truyền thụ kiến thức sang nâng cao năng lực sáng tạo cho học sinh. Khái niệm giáo dục 4.0 cũng được nhắc tới như một sự tương thích với cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, ở đó, trọng tâm của giáo dục là sáng tạo và đổi mới giá trị.

Lý do quan trọng nhất để chúng ta tập trung nhiều hơn vào giáo dục sáng tạo là vì sáng tạo đã trở thành nguồn lực lớn nhất cho sự phát triển thế giới trong những năm vừa qua. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ đặt thế giới trong một tâm thế phát triển mới, ở đó, kinh tế sáng tạo đang dẫn dắt thế giới tới những mô hình và sản phẩm mới, không giống với những gì chúng ta đã từng chứng kiến trong lịch sử. Về cơ bản, chúng ta chỉ có kinh nghiệm từ những gì đã trải qua, chúng ta không thể có bài học từ những gì chưa đến, chưa trải nghiệm. Vì vậy, những kiến thức mới đòi hỏi chúng ta tìm tòi, khám phá, hơn là chỉ sử dụng kinh nghiệm của mình để giải quyết những vấn đề mới. Như thế, con người sáng tạo, với bản lĩnh văn hóa để điều tiết sáng tạo của mình không vượt quá những “làn ranh đỏ” về đạo đức của con người, chính là những phẩm chất quan trọng nhất là chúng ta mong đợi ở các công dân, đặc biệt là những người đang ở trung tâm sáng tạo như Hà Nội.

Sáng tạo không chỉ tạo điều kiện cho kinh tế – xã hội phát triển, mà quan trọng không kém là tạo nên một đời sống tinh thần phong phú cho cá nhân và cả cộng đồng. Chúng ta có thể thấy, các không gian sáng tạo ở Thủ đô như các phố đi bộ, không gian trưng bày nghệ thuật, giải trí… đang ngày càng biến Hà Nội thành thành phố đáng sống. Chính bầu không khí sáng tạo đã tạo nên sự hấp dẫn, tinh thần hào hứng mới cho Thủ đô. Tất cả những yếu tố đó vừa là kết quả môi trường sáng tạo, và là nguyên nhân tạo nên môi trường sáng tạo cho TP, trong đó giáo dục sáng tạo phải đứng ở vị trí trung tâm.

Đánh giá về giáo dục sáng tạo ở Việt Nam

Trong thời gian khoảng hơn 10 năm trở lại đây, từ việc coi trọng sáng tạo trong sự phát triển bền vững đất nước, Việt Nam đã tập trung nhiều cho giáo dục tư duy sáng tạo. Trong nhà trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo có chính sách phát triển, phổ biến mô hình STEM (là thuật ngữ được viết tắt bởi các từ: S-science, T-technology, E-engineering, M-math), ở đó giảng dạy tích hợp các kiến thức, kỹ năng về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, kết hợp cả lý thuyết và thực hành, đặt trong bối cảnh thực tế của xã hội, tạo ra những sáng kiến phù hợp với đời sống xã hội. Cách dạy này đã có những thành công nhất định trong việc khuyến khích học sinh thực hành tinh thần sáng tạo thông qua việc vận dụng tri thức, khả năng tự giải quyết vấn đề.

Trung tâm Gốm Bát Tràng

Bên cạnh đó, để gia tăng tính nhân văn cho mô hình STEM, dần bị coi là nặng về kỹ thuật, công nghệ, gần đây, nhiều trường đã đưa thêm những môn nghệ thuật để biến STEM thành STEAM (với A – Art: Nghệ thuật) để bồi đắp trí tuệ cảm xúc, tinh thần cho học sinh; hoặc triển khai mô hình giáo dục CORE (C-creativy, O-originality, R-reciprocity, E-empathy) trong đó nhấn mạnh đến tính người, bồi đắp và phát triển nhu cầu cảm xúc, sáng tạo, thẩm mĩ, đề cao trách nhiệm xã hội, để tăng cường các môn học xã hội và nhân văn như âm nhạc, văn học, nghệ thuật, lịch sử, triết học… để định hướng thẩm mỹ, giáo dục cho học sinh, hướng tới việc xây dựng con người toàn diện về Đức – Trí – Thể – Mỹ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Dù vậy, giáo dục sáng tạo không chỉ trong nhà trường mà còn qua các thiết chế văn hóa, không gian văn hóa; không chỉ cho học sinh mà còn với tất cả mọi người dân. Cùng với sự quan tâm nhiều hơn đến văn hóa nghệ thuật, coi đây là yếu tố tạo nên các đô thị đáng sống, giáo dục sáng tạo trở thành một nhiệm vụ quan trọng của nhiều ngành, địa phương. Cách thức giáo dục sáng tạo rất đa dạng và phong phú, từ những trải nghiệm ở các địa điểm di sản như các sản phẩm, dịch vụ mới ở Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, làng nghề (Bát Tràng, Vạn Phúc…), không gian sáng tạo (Heritage Space, Manzi,….), thiết chế văn hóa như Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Phụ nữ. Công viên Di sản các nhà khoa học, Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam… Chính những trải nghiệm sống này đã giúp lan tỏa tinh thần sáng tạo cho toàn xã hội.

Triển lãm “Ego – Người” của họa sĩ Ngô Xuân Bính tại Bảo tàng Hà Nội

Tuy vậy, chúng ta cũng có một số bất cập liên quan đến giáo dục sáng tạo. Thứ nhất, trong nhà trường, việc nhận thức coi các môn liên quan đến văn hóa nghệ thuật là những môn phụ vẫn còn khá phổ biến. Trong bối cảnh việc học vì mục đích thi cử vẫn đang chiếm vị trí chủ đạo, thì việc bị coi là môn phụ khiến các môn học này không phát huy hết tinh thần sáng tạo cho học sinh. Thứ hai, nguồn lực cho giáo dục sáng tạo, cả nhân lực, tài chính và cơ sở vật chất, còn thiếu và yếu. Nếu như đội ngũ giáo viên các ngành nghệ thuật thiếu (theo VOV, giáo viên nghệ thuật thiếu hơn 10 ngàn người để triển khai chương trình lớp 10 cương trình giáo dục mới), thì các chương trình giáo dục nghệ thuật học đường cũng hiếm khi được triển khai do thiếu kinh phí và cơ sở vật chất. Các thiết chế văn hóa cũng ở trong tình trạng tương tự. Thứ ba, giáo dục sáng tạo chưa cập nhật sự phát triển chung của thế giới, tình trạng vi phạm bản quyền ở nhiều lĩnh vực sáng tạo còn diễn ra phổ biến ảnh hưởng đến nhận thức và môi trường minh bạch cho sáng tạo. Thứ tư, các hoạt động giáo dục sáng tạo còn thiếu sự liên kết, tương đối nghèo nàn, đơn điệu, chưa thực sự thu hút được sự tham gia đông đảo, chủ động, tích cực của người dân. Ví dụ, các phố đi bộ sau một thời gian hoạt động đã không còn sức thu hút như ban đầu. Các không gian sáng tạo chưa tạo thành một hệ sinh thái hỗ trợ cho hoạt động sáng tạo, khởi nghiệp…

Triển lãm Bia đá kể chuyện tại Văn miếu Quốc Tử Giám

Giải pháp đưa giáo dục sáng tạo vào chiến lược xây dựng TP sáng tạo

TP sáng tạo là một chủ trương phát triển lớn của Hà Nội. Sự triển khai thành công TP sáng tạo không chỉ giúp TP khẳng định sức mạnh văn hóa của mình, mà còn giúp hình thành bầu không khí sáng tạo lan tỏa mọi lĩnh vực của Hà Nội, cả trong chính trị, văn hóa, xã hội, công nghệ và các lĩnh vực khác. Chính vì vậy, giải pháp đưa giáo dục sáng tạo vào chiến lược xây dựng TP sáng tạo là hết sức cần thiết. Để làm được điều đó, chúng ta cần chú ý đến một số giải pháp sau:

  • Thứ nhất là nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, ý nghĩa của việc đưa giáo dục sáng tạo vào chiến lược xây dựng TP sáng tạo. Quan điểm nhất quán của chúng ta ở đây là: TP sáng tạo cần có những công dân sáng tạo. Muốn có con người sáng tạo thì cần có giáo dục sáng tạo. Giáo dục sáng tạo sẽ giúp mở ra những tiềm năng mới cho phát triển thủ đô trong những năm sắp tới, hình thành nên sự năng động và sức sống cho đô thị.
  • Thứ hai là triển khai tốt Nghị quyết 09-NQ-TU ngày 22/2/2022 về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 – 2026, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đặc biệt là chương trình hành động của TP sáng tạo, trong đó đặc biệt chú ý các hành động như sớm thành lập và đưa vào vận hành Trung tâm Thiết kế Sáng tạo Hà Nội để ươm mầm tài năng trong các lĩnh vực liên quan đến thiết kế sáng tạo, củng cố mạng lưới thiết kế sáng tạo tại Hà Nội, hỗ trợ các dự án sáng tạo tiềm năng và thúc đẩy hợp tác quốc tế; xây dựng và củng cố các không gian sáng tạo tại Hà Nội để cung cấp một hệ sinh thái sáng tạo cho TP thông qua sự đóng góp của các thành phần công – tư có liên quan đến sáng tạo cho toàn TP; và thực hiện dự án chuỗi chương trình truyền hình Tài năng Sáng tạo Hà Nội – Hướng tới tạo ra một sân chơi cho các bạn trẻ và cộng đồng nói chung trong tất cả các lĩnh vực có liên quan đến thiết kế sáng tạo, đồng thời thu hút sự tài trợ của các doanh nghiệp lớn, sự tham gia tư vấn của đội ngũ các nhà nghiên cứu và các chuyên gia thiết kế sáng tạo và đặc biệt là đại diện các doanh nghiệp có liên quan trong và ngoài nước; tổ chức các sự kiện tôn vinh sáng tạo như Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội, Liên hoan thiết kế sáng tạo Hà Nội, Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam…
  • Thứ ba, xây dựng chương trình giáo dục trong nhà trường, trong đó tăng cường các môn giáo dục nghệ thuật, hướng đến tính ứng dụng trong cuộc sống, phát huy khả năng sáng tạo của học sinh khi vận dụng kiến thức vào cuộc sống, chú trọng hơn như các lớp học nghệ thuật: vẽ, múa, hát, nhảy… hay các câu lạc bộ thể thao; tập huấn, nâng cao kỹ năng sư phạm, phương pháp giảng dạy của giáo viên trong hoạt động dạy học bằng cách quan tâm nhiều hơn đến học sinh, tìm kiếm sự tương tác của học sinh trong giờ học, từ đó đề cao cái tôi cá tính, tư duy sáng tạo của học sinh. Bên cạnh đó là tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, học liệu cho các môn học phát triển tư duy sáng tạo; tạo dựng nhiều sân chơi, hoạt động nhằm phát huy khả năng sáng tạo của học sinh…
Tò he – Trò chơi dân gian tại phố đi bộ Hồ Gươm
Không gian hội nhập

Kết luận

Sáng tạo là nguồn lực quan trọng cho phát triển bền vững đất nước. Giáo dục sáng tạo giúp lan tỏa tinh thần sáng tạo thông qua các công dân sáng tạo. Để làm được điều đó, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm. Đây là công việc lâu dài, cần sự chung tay, chung sức của toàn xã hội. Hà Nội là thủ đô, nơi hội tụ, tỏa sáng những giá trị văn hóa, đồng thời là thủ đô sáng tạo thì việc sử dụng nguồn lực đặc biệt này lại càng tập trung nhiều hơn. Việc tôn vinh sáng tạo, giáo dục sáng tạo sẽ giúp Hà Nội trở thành tấm gương cho các địa phương khác noi theo, từ đó đưa yếu tố sáng tạo trở thành mục tiêu hướng tới chung của cả đất nước.

Các tác phẩm nghệ thuật trưng bày tại 22 Hàng Buồm

PGS.TS. Bùi Hoài Sơn
Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 11-2022)


Chú thích:
Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.