Giới thiệu công trình của KTS Nguyễn Xuân Minh

Tại Hội nghị Ban Chấp hành TW Hội KTS Việt Nam lần thứ 7 – Khóa VIII, KTS Nguyễn Xuân Minh được lựa chọn là 1 trong 10 gương mặt KTS tiêu biểu nhiệm kỳ VIII (2010 – 2015). Năm 2018, KTS Nguyễn Xuân Minh nhận bằng Cống hiến 1 trong 10 KTS trẻ Việt Nam tiêu biểu do Hội KTS Việt Nam trao tặng. KTS Nguyễn Xuân Minh sáng lập công ty Kiến trúc BHA năm 2007.

Là người kiệm lời, lựa chọn lối đi riêng khi làm nghề, KTS Nguyễn Xuân Minh cùng các cộng sự của mình tại BHA trong suốt những năm qua đã kiên trì, bền bỉ ghi dấu ấn riêng của mình lên từng công trình mà anh thiết kế.

Tạp chí Kiến trúc xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc 2 công trình của KTS Nguyễn Xuân Minh “Trường Liên cấp Quốc tế Ischool Quảng Trị” và “Nhà nguyện Khâm Mạng”. 2 công trình mang dấu ấn đậm nét của KTS Nguyễn Xuân Minh.

Trường Liên cấp Quốc tế – Ischool Quảng Trị

Thông tin công trình

  • Tên công trình: Trường Liên cấp Quốc tế Ischool Quảng Trị
  • Đơn vị thiết kế: Công ty Kiến trúc BHA
  • Chủ trì: KTS Nguyễn Xuân Minh
  • Địa điểm: Đông Hà- Quảng Trị
  • Diện tích xây dựng: 17.000m2
  • Chủ đầu tư: NHG
  • Năm thực hiện: 2017 – 2018

Trường Liên cấp Quốc tế iSchool Quảng Trị được xây dựng trên khu đất 50.000m2, tại TP Đông Hà, Quảng Trị. Vùng có khí hậu khắc nghiệt với nắng cháy, mưa bão và gió Lào khô nóng. Trường có tổng diện tích sàn 17.000m2, phục vụ cho 2000 học sinh từ mầm non đến Trung học phổ thông.

Lấy ý tưởng từ sự kết nối, cởi mở và hòa nhập nơi chốn, Trường ischool Quảng Trị được thiết kế với ngôn ngữ kiến trúc hiện đại, các khối công trình hòa lẫn với cây xanh, mặt nước, các không gian sinh hoạt, học tập được thiết kế theo hướng mở nhằm tăng cường sự tương tác của học sinh.

Về tổng thể, trường được quy hoạch theo dạng phân tán, bố cục đơn giản, tuyến tính giúp thông gió tự nhiên, các khối chức năng được kết nối với nhau bằng hệ thống hành lang thuận tiện trong sử dụng. Các phòng học ưu tiên bố trí hướng Đông Nam đón gió mát, hành lang bố trí hướng Tây Bắc chắn nắng nóng. Giải pháp kiến trúc thụ động được xử lý thông qua lớp vỏ và khoảng trống với cấu trúc mái 2 lớp và tường 2 lớp. Được bao phủ bằng hệ mái kim loại mỏng tách khỏi mái bê tông cốt thép giúp đối lưu không khí và che mưa, lớp tường hoa bê tông của công trình tách khỏi lớp cửa kính giúp che nắng và thông gió hiệu quả. Công trình sử dụng nhiều không gian trống tầng, thông tầng, sân trong nhằm tăng sự tương tác, năng động cho học sinh, vừa giúp tăng cường thông gió xuyên phòng cho công trình. Hơn 500 cây xanh với các giống cây phù hợp với thổ nhưỡng được trồng trong khuôn viên trường. Hệ thống thu gom nước mưa từ mái về bể chứa lớn 600m3 để sử dụng tưới cây vào mùa khô hạn.

Ngôi trường hướng tới cấu trúc, hình khối đơn giản, đề cao công năng, sử dụng vật liệu địa phương, phù hợp với khí hậu, có giá thành xây dựng và kinh phí vận hành thấp.

Nhà nguyện Khâm Mạng – The Kham Mang chapel

Thông tin công trình

  • Tên công trình: The Kham Mang Chapel
  • Loại hình: Công trình tôn giáo
  • Đơn vị thiết kế: Công ty Kiến trúc BHA
  • Chủ trì: KTS Nguyễn Xuân Minh
  • Địa điểm: Phủ Cam – Thành phố Huế- Việt Nam
  • Diện tích xây dựng: 300m2
  • Chủ đầu tư: Hội dòng mến thánh giá Huế
  • Năm thực hiện: 2017
  • Ảnh: Hoàng Lê, BHA

Nhà nguyện Khâm Mạng – The Kham Mang Chapel là nơi thực hành cầu nguyện hàng ngày của gần 100 nữ sinh nhỏ tuổi thuộc Hội dòng mến Thánh giá Huế. Hình khối công trình được thiết kế cô đọng với một đường dốc xoắn ốc bao quanh một khối hộp. Các mặt hướng Đông và hướng Nam bố trí hệ cửa gỗ đặc đóng mở kiểu bức bàn kết hợp với các khe sáng thông gió phía Tây và Bắc làm cho công trình có sự đối lưu không khí tốt nhưng vẫn phù hợp với tính chất không gian của nơi cầu nguyện cần sự tĩnh tâm. Ánh sáng trong công trình được sử dụng như một chất liệu quan trọng của kiến trúc. Thiết kế tính toán kỹ hướng công trình để bố trí các khe sáng làm cho nội thất cung thánh luôn biến đổi và giàu cảm xúc. Vật liệu chính trong công trình là bê tông. Có 3 loại bê tông được sử dụng: Trần dùng bê tông cốp pha tre, nền bê tông mài và tường cung thánh dùng bê tông màu, tất cả đều được làm thủ công. Chất cảm sần sùi của bê tông cốp pha tre ngoài tác dụng tốt về âm thanh còn giúp cho bức tường xanh cung thánh tương phản và có chiều sâu hơn. Quỳ dưới tượng Chúa, tại một số thời điểm trong ngày khi mặt trời chiếu xuống qua khe sáng trên mái, sự chuyển tiếp của bức tường bê tông xanh lên bầu trời xanh phía trên tạo cảm giác rất huyền ảo. Hình khối đơn giản, sử dụng vật liệu địa phương và thi công thủ công giúp công trình có chi phí rất thấp (100.000$).

 

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 05-2021)