Rạp Hòa Bình và những công trình mang vẻ đẹp đan xen mới/cũ

1. Đặt vấn đề

Mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng đã công bố quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị tỷ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình. Ngay lập tức sự kiện này đã tạo nên cuộc tranh luận dữ dội trong dư luận cả nước. Thế mới biết, nhiều người yêu mến Đà Lạt, một thành phố (TP) với những bản sắc như: “TP mộng mơ”, “TP ngàn hoa”, “TP tình yêu”… Một trong những tranh cãi nảy lửa nhất về bản quy hoạch này là sự phá bỏ rạp Hòa Bình và dinh Tỉnh trưởng rồi thay vào đó là những hình thái kiến trúc mới, mà phần lớn các chuyên gia cho rằng nó xa lạ với Đà Lạt.

Trước hết, chúng ta cần phải biết tại sao lại có đồ án quy hoạch này. Theo một vị lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, thì đó là vì “Khu trung tâm Hòa Bình là điểm đến không thể thiếu của du khách trong và ngoài nước, nhưng cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng; chưa kể việc xây dựng, buôn bán tại khu vực này rất nhếch nhác, lộn xộn… Do đó cần thiết phải quy hoạch, tổ chức sắp xếp lại, đầu tư cơ sở hạ tầng xứng đáng là bộ mặt của TP du lịch hiện đại” (báo Thanh Niên). Như vậy, việc cải tạo chỉnh trang khu trung tâm Hòa Bình là cần thiết. Có lẽ, vấn đề gây bức xúc dư luận nằm ở cái đề xuất phá bỏ rạp Hòa Bình và thay bằng một công trình hoàn toàn mới, không phù hợp bối cảnh lịch sử, không gian. Dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu một số công trình xây mới/ bảo tồn đạt kết quả tốt của thế giới cũng như Việt Nam, có thể được tham khảo cho Đà Lạt.

Nhà hát Elbphilharmonie. Hamburg, 2017, KTS Herzog & de Meuron

Nhà hát giao hưởng mới được xây dựng trên nhà kho cũ. Mặt tiền của nhà kho được giữ lại nguyên vẹn nhưng bên trong và nền móng bị phá dỡ để xây dựng một công trình hiện đại cao 110m, có hình thức bay bổng với những tấm kính lõm phản chiếu ảo ảnh cảnh vật xung quanh. Để đạt được mục đích giữ nguyên tường bao cũ bằng gạch bên ngoài, kết cấu của phần mới được thiết kế hoàn toàn tách biệt, sử dụng công nghệ nền móng cực kỳ tốn kém, dẫn đến tổng vốn đầu tư của công trình bị đội lên hơn 3 lần so với tính toán ban đầu (từ 241 thành 789 triệu euro). Tại sao người ta phải tốn kém nhiều tiền như vậy chỉ để giữ những mảng tường cũ không mấy hấp dẫn của một nhà kho? Câu trả lời có lẽ là ý thức bảo tồn lịch sử và dự cảm về cái đẹp của mạch thời gian ẩn giấu nơi công trình.

The Waterdog, Sint Truiden, 2017, Klaararchitecture Studio

Công trình này vốn là một nhà nguyện cổ bị bỏ hoang. Một dự án cải tạo ra đời nhằm biến nhà nguyện đổ nát này thành một tòa nhà có nội thất hiện đại. Các KTS đã quyết định giữ nguyên toàn bộ những mảng tường tróc lở nứt nẻ, sau đó gia cố kết cấu bằng các vật liệu hiện đại, bổ sung thêm các chi tiết theo lối tối giản nhằm tạo tương phản giữa cái cũ và cái mới. Kịch tính được đẩy lên cao độ nhưng tổng thể không bị bật ra ngoài dòng mạch vận động biện chứng. Nhờ có cái mới mà cái cũ kỹ của thời gian được tôn vinh. Khi nơi chốn được chứng minh phẩm giá của mình, thì cũng là lúc cái cũ tác động trở lại, bổ khuyết cho cái mới.

Chợ Đồng Xuân, Hà Nội, những năm 1990, KTS Lê Văn Lân

Ở Hà Nội cũng có một ví dụ về xây mới/ bảo tồn thành công. Đó là công trình chợ Đồng Xuân do KTS Lê Văn Lân thiết kế. Việc cải tạo chợ khi đó rất cần thiết bởi sự phát triển của các tiểu thương dẫn đến chợ cũ bị ngột ngạt, bừa bãi, mất vệ sinh. Cái khó của công trình này là phải bảo tồn kiến trúc chợ cũ, một công trình nghệ thuật giá trị từ thời Pháp thuộc. KTS Lê Văn Lân đã tìm ra một phương án rất phù hợp là chỉ giữ mặt tiền chợ cũ, còn phía sau được thay bằng những đường nét, hình khối hiện đại, cùng với giếng trời ở giữa để thông gió và lấy sáng tự nhiên. Những đường nét nhắc lại hình bóng mái nhà cũng gợi lên mối liên hệ với phần mặt tiền cũ. Cái cũ ở đây không hề cản trở sức sáng tạo của cái mới, ngược lại chính nó làm cho cái mới được trân trọng hơn.

2. Vẻ đẹp của sự đan xen mới/cũ

Những công trình kể trên dù được xây dựng ở những địa điểm khác nhau với phong cách khác nhau, nhưng đều có điểm chung về sự đan xen mới/cũ ở trong nó, nơi vẻ đẹp của dòng mạch nơi chốn được chứng tỏ.

Chúng ta hãy so sánh một công trình kiến trúc được hoàn thành trong một thời điểm với một công trình được xây dựng qua những thời đại khác nhau bởi nhiều KTS khác nhau và có sự thay đổi phong cách. Công trình được hoàn thành tại một thời điểm tạo cảm giác rằng nó đã hoàn thiện, đồng thời thể hiện rõ dấu ấn cá nhân của KTS. Còn khi công trình được xây dựng nối tiếp qua những thời đại khác nhau thì phẩm giá của công trình được đề cao hơn, cùng với đó là cảm giác về mạch nơi chốn kiến trúc rõ hơn. Kiến trúc phải chăng nên là một quá trình vận động của lịch sử và thời gian hơn là sự khẳng định sự phi thường của cá nhân con người? Và nếu như con người cần được giới thiệu nguồn gốc, quê quán, dân tộc, hậu duệ của mình, những người mình chịu ảnh hưởng và những người mình ảnh hưởng tới, thì kiến trúc cũng cần được giới thiệu như vậy.

Giữa một đô thị hoàn toàn mới và một đô thị có bề dày lịch sử phát triển, ta thích sống ở đâu hơn? Giữa một TP hiện đại chỉ toàn những công trình hào nhoáng với một TP còn lưu giữ những công trình kiến trúc cổ kính của những giai đoạn lịch sử khác nhau, ta thích đến đâu hơn? Có lẽ, phần lớn câu trả lời của chúng ta nằm ở lựa chọn thứ hai. Cứ nhìn khách du lịch ở Việt Nam thì rõ, người ta thích đến phố cổ Hà Nội hơn là đến các khu dân cư mới với kiến trúc gần như hoàn toàn hiện đại. Nơi chốn kiến trúc, cũng như con người vậy, là cả một cuộc đời trải nghiệm chứ không phải là một khoảnh khắc bốc đồng. Đời người có thể là vô thường khổ đau, một cõi tạm để về đất Chúa, đất Phật, thì cũng nên trân trọng và lưu giữ mọi trải nghiệm của cuộc đời. Công trình kiến trúc có thể hư hại, lỗi thời nhưng hãy để cái hư hại, lỗi thời ấy được nói lên tâm sự của mình trong câu chuyện của công trình.

3. Số phận rạp Hòa Bình sẽ ra sao?

Rạp Hòa Bình vốn là chợ Cây, được xây dựng từ năm 1937, là một trong những công trình đầu tiên được xây dựng theo phong cách Hiện đại ở Đông Dương. Từ đó đến nay, diện mạo của rạp Hòa Bình có thay đổi và đã xuống cấp theo thời gian. Sự cải tạo khu vực này là cần thiết, và những phương án có thể xảy ra là:

  • Phương án thứ nhất: Đập đi và xây lại hoàn toàn theo hình thức mới như phương án đã được phê duyệt. Đây không phải là phương án hay, bởi dù rạp Hòa Bình có nhếch nhác thì nó đã đi vào kí ức người dân Đà Lạt và đã cùng Đà Lạt trải qua những giai đoạn lịch sử đầy biến động, đã trở thành một “mã văn bản” để nhận diện nơi chốn khu trung tâm Hòa Bình.
  •  Phương án thứ hai: Chỉnh trang, phục hồi lại như lúc trước. Đây là một phương án không tồi. Tuy nhiên, hình ảnh quen thuộc của rạp Hòa Bình trong tâm trí người dân không phải là hình thức nguyên gốc của nó năm 1937. Hơn nữa, nó cũng không phải là một công trình có vẻ bề ngoài hấp dẫn. Đà Lạt xứng đáng có một công trình đẹp hơn thế.
  • Phương án thứ ba: Xây mới/ bảo tồn theo hướng đan xen mới/cũ giống như các công trình kể trên. Khi đó, chúng ta vừa lưu giữ được hình ảnh cũ kỹ, thân thuộc của rạp Hòa Bình, đồng thời lại có thể tạo nên một điểm nhấn kiến trúc mới mẻ, một luồng sinh khí mới cho không gian đô thị nơi đây. Đây có lẽ là phương án tốt nhất đối với rạp Hòa Bình.

Lịch sử là điều chúng ta không nên phá bỏ sạch trơn, dẫu nó xấu xí hay khổ đau. Nhưng chúng ta cũng không nên để lịch sử là những sợi dây trói buộc tương lai.


KTS Vũ Hiệp

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 04-2019)