Thiết kế nhà ở tối ưu cho người khuyết tật ở vùng nông thôn

Với mục tiêu phát triển và nhân rộng hồ sơ tiêu chuẩn kỹ thuật thiết kế nhà ở tối ưu cho người khuyết tật (NKT) ra cộng đồng, JTI Việt Nam đã chính thức đầu tư xây dựng và triển khai dự án Giải pháp nhà ở dành cho người khuyết tật tại các khu vực nông thôn của Việt Nam với tổng kinh phí 30,000 USD. Chương trình này được hợp tác với hai tổ chức Habitat Việt Nam và Green Việt trong vòng 3 năm (2020 – 2022). Trong năm nay, đã tiến hành xây dựng thí điểm hai căn nhà đầu tiên tại tỉnh Tiền Giang (ngày 22/10) và Hòa Bình (ngày 03/11).

Giải pháp nhà ở cho hộ gia đình ở Hòa Bình

JTI Việt Nam cùng các đối tác của dự án đã tập trung hướng dẫn 9 hạng mục chính của một ngôi nhà an toàn và tiện lợi cho NKT, bao gồm: xây đường dốc an toàn, xây bậc cấp an toàn, tay vịn, lối đi và hành lang trong nhà, sàn và nền nhà, cửa đi, bố trí vật dụng trong nhà, nhà vệ sinh, và nhà tắm. Nếu hộ dân có kinh phí hạn chế thì chỉ cần đầu tư vào bốn mục quan trọng là đường dốc, bậc cấp, tay vịn và nhà vệ sinh để chi phí không cần tăng quá nhiều.

Hướng dẫn thiết kế bốn hạng mục chính trong xây dựng nhà ở tối ưu cho NKT

Xây dựng đường dốc an toàn: Các đường dốc trong ngôi nhà nên được xây với độ dốc từ 1:10 đến 1:20, bề rộng không nhỏ hơn 1m và hai bên đường dốc phải có tay vịn. Mặt đường cán vữa xi măng tạo nhám và xẻ rãnh hơi xiên để thoát nước. Điểm đầu và điểm cuối của tay vịn phải kéo dài ra phía ngoài thêm 30cm. Nếu gia đình có người dùng xe lăn thì đầu và cuối đường dốc phải có khoảng trống để xe lăn di chuyển với kích thước không nhỏ hơn 1,5m. Nếu một bên đường dốc có khoảng trống thì phía chân tay vịn nên bố trí gờ an toàn có chiều cao không nhỏ hơn 5cm hoặc có rào chắn bên dưới.

Bậc cấp: Trong trường hợp không có đủ diện tích đất để xây đường dốc thì lối ra vào nhà phải có bậc thuận tiện cho người đi nạng, chống gây và người khiếm thị. Bậc cấp có chiều cao bậc 12-16cm và bề rộng mặt bậc 30-40cm.

Thiết kế tay vịn: Tay vịn phải được thiết kế dễ nắm và được lắp đặt liên kết chắc chắn với tường. Khoảng hở giữa mặt trong tay vịn và tường tối thiểu là 4,5cm. Tay vịn làm bằng thép tròn đường kính từ 2,5cm đến 5cm và được lắp ở độ cao 90cm so với mặt sàn. Nếu gia đình có người đi xe lăn thì cần lưu ý thêm khoảng cách từ mặt sàn đến tay vịn là 75cm.

Nhà vệ sinh: Trong sổ tay thiết kế, JTI Việt Nam có hướng dẫn dùng xí bệt trong nhà vệ sinh cho NKT. Độ cao xí bệt cách sàn 40-45cm, cách mép trước của bệ xí đến mặt tường phía sau phòng vệ sinh không nhỏ hơn 76cm, cách đường trục bệ xí đến tường mặt bên xa nhất không nhỏ hơn 96cm. Mặt nền nhà vệ sinh phải dùng gạch nhám không trơn trượt, hoặc láng xi măng tạo nhám. Không nên xây giật cấp phía trong nhà hoặc nếu cửa đi bắt buộc phải xây giật cấp thì chiều cao không quá 3cm và tạo dốc. Nhà vệ sinh nên có hộp đựng giấy vệ sinh đặt nơi thuận tiện. Trên tường xung quanh bệ xí phải có tay vịn chắc chắn. Nếu có bồn tiểu phải đặt tay vịn cho người khuyết tật, tay vịn lắp ở bồn tiểu. Chậu rửa phải đặt ở cao độ không lớn hơn 80cm và được điều chỉnh theo nhu cầu của người sử dụng.

Để tiết kiệm không gian cũng như kinh phí, nhà tắm có thể xây dựng kết hợp với nhà vệ sinh nhưng phải đạt được các tiêu chuẩn tối thiểu để người khuyết tật có thể sử dụng một cách thuận tiện. Phòng tắm có thể lắp chậu rửa, phải có tay vịn chắc chắn.

Hai ngôi nhà thí điểm đầu tiên tại Tiền Giang & Hòa Bình năm 2020

Vào tháng 10 & 11/2020 vừa qua, hai dự án thí điểm đầu tiên trong chương trình tại hai tỉnh Tiền Giang và Hòa Bình được triển khai. Sau khi hoàn thành 2 ngôi nhà đầu tiên, sổ tay hướng dẫn kĩ thuật xây dựng sẽ được cập nhật và cải tiến liên tục cho việc xây dựng 4 ngôi nhà tiếp theo trong hai năm tới.

Bên cạnh đó, hồ sơ kỹ thuật thiết kế sẽ được chuyển đến chính quyền địa phương, dịch vụ xây dựng và mạng lưới tổ chức cho người khuyết tật để có thể áp dụng rộng rãi, góp phần tạo ra các giá trị bền vững cho cộng đồng người khuyết tật, đặc biệt là tại các khu vực nông thôn có hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam.

Dự án Giải pháp nhà ở cho NKT lần này là một cơ hội để JTI Việt Nam có thể hỗ trợ cộng đồng NKT tại khu vực nông thôn của Việt Nam có được một nơi cư trú an toàn, tiện lợi, phù hợp với điều kiện kinh tế, để giúp họ có một cuộc sống tốt đẹp và vững bền hơn.

© Tạp chí kiến trúc


Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung Ương