Rom Casa Hotel Container: Cũ và mới

Đi dọc trên con phố An thượng 4, quán Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng điểm thú vị khiến du khách dừng chân là một ngôi nhà bằng container với tên gọi “Rom casa Hostel” do KTS Vũ Thị Thúy Hải và các cộng sự thiết kế. Dù công trình bằng thép nhưng cảm nhận đầu tiên khi du khách đến đây là sự duyên dáng và ấm cúng – Bởi nhóm tác giả đã thành công khi “thổi hồn Việt vào thép lạnh”…

Rom casa Hostel là một công trình hướng tới sự hội tụ cũ và mới – Một tiêu chí không mấy xa lạ của những người làm thiết kế. Sự hòa quyện ấy đã cung cấp một giải pháp không gian ở thú vị và mới mẻ cho du khách.

Tổ chức không gian vùng nhiệt đới

Tổ chức công năng thuận theo chức năng sử dụng và thuận theo phương pháp lấy và chắn gió, nắng tối ưu; công trình không dành nhiều diện tích cho các dorm (phòng ngủ tập thể) khi khai thác phòng ở mà dành nhiều diện tích cho không gian công cộng (public) – hành lang, ban công, các không gian nửa kín nửa hở (semipublic), đó vừa là nơi để nghỉ ngơi vừa là nơi để chuyển tiếp giữa không gian riêng tư bên trong và không gian bên ngoài, hay nói cách khác, đó là ranh giới tạo ra khoảng không gian “chung – riêng” cần thiết.

Chúng đồng thời cũng là nơi của gió và ánh sáng, tạo thành một tiện nghi khí hậu trong và trên bề mặt diện tường thép vốn hấp thụ nhiệt độ lớn.

Thông gió, chống nóng ở các tầng

Thông gió, chống nóng ở các tầng

Giải pháp kiến trúc áp dụng hệ thống thông gió và cách nhiệt ở tầng Rooftop – nơi có lớp không khí đối lưu giữa 2 lớp: Thép và mái lá. Nơi đây còn là không gian sinh hoạt chung công cộng: Thể thao, hội họp…

Kiến trúc hiện đại và không gian truyền thống

Sự giao thoa giữa kiến trúc hiện đại và kiến trúc truyền thống dân gian Việt Nam thể hiện trong bố cục sân vườn, chất liệu và sự trang trí nội thất. Sự kết hợp khéo léo và chừng mực mang lại hiệu quả cộng sinh trong kiến trúc (Symbiosis architecture) mặc dù chất liệu thép vốn dĩ “khô khan và lạnh lùng”. Mái dốc của khách sạn với chất liệu lá dừa phủ rộng gợi nhớ đến kiến trúc truyền thống Việt Nam Ở đây, tác giả đã “cân, đo, đong, đếm” cho tỷ lệ “pha trộn” về liều lượng của mái lá, tre nứa với vật liệu thép; sự xuất hiện của các vật liệu tương phản lẫn nhau ngoài việc tuân thủ theo một tỷ lệ thẩm mỹ có sẵn mà còn đáp ứng được công năng lẫn tính năng vật lý kiến trúc. Giải pháp hiệu quả này cân bằng được cả 3 yếu tố: Công năng – Cấu trúc – Thẩm mỹ kiến trúc (Functional – Structure – Aesthetic architecture).

Mới và cũ – Lạ mà quen. Cảm giác là Nhà Rom

Hành lang chung biến thành sân trời ở giữa nhằm kết nối các không gian lại với nhau. Sự hiện diện của ánh sáng, bóng đổ và cây xanh làm tăng thêm tính “hoành tráng” của công trình.

Cảm nhận chung khi bất kỳ du khách nào đến ở Casa hostel đều là Nhà – Một hình ảnh được cảm nhận ngay khi bước chân vào công trình. Một hệ thống container xếp chồng hai bên của con đường được sơn phết đủ màu sắc trên bề mặt “lạnh lẽo” của thép ở bên ngoài tạo nên sức hút mạnh mẽ và lạ lẫm cho khu phố bé nhỏ. Một sự ấm cúng, thân thuộc của chất liệu mộc mạc ở bên trong như muốn tâm sự nhiều câu chuyện kể về làng quê Việt Nam và con người Việt Nam: Bụi chuối sau nhà, cây cau trước cổng, hàng rào tre thưa thớt dậu đổ bìm leo, cái chum, cối xay, hệ phên liếp, nếp sinh hoạt, quá trình sinh tồn cuộc sống của người Việt…

Vật liệu tái tạo và chất liệu địa phương

Hai hồ bơi dành cho người lớn và trẻ em được lắp đặt ở phía Tây công trình. Hình ảnh mặt nước được chứa trong thùng container đã mang lại sự sáng tạo vào thú vị cho công trình

KTS đã quyết định cần đưa vật liệu địa phương pha trộn với khối thép màu lạnh lẽo kia bởi lẽ sự hợp lý về môi trường, khí hậu đã sản sinh và nuôi dưỡng cho sự bền bỉ của vật liệu này. Giá thành hợp lý, việc thi công và chế độ bảo trì bảo dưỡng thuận lợi cũng là một yếu tố lớn quyết định thành công của công trình. Nền nhà chung được phủ hoàn toàn bằng gạch thẻ xếp – cơ động và thân thiện cho việc thấm hút ẩm đồng thời dễ dàng thay thế khi cần thiết. Diện tường bên trong và nền được sử dụng gỗ tái chế từ các thùng chở hàng, vừa là lớp áo trang trí thân thuộc vừa có tính năng cách nhiệt với sự đối lưu không khí ở lớp giữa. Nhằm giải quyết triệt để hơn nữa về khả năng chống nóng ở các hướng Tây Bắc, chính Tây là “hệ lam sinh thái” bằng cây xanh rủ từ mái xuống. Điều này có tác dụng rất hiệu quả trong kiến trúc nhiệt đới nóng ẩm miền Trung.

Rom casa hostel Da Nang là công trình đầu tiên và duy nhất ở Đà Nẵng có bể bơi bằng thép. Tổ chức hồ bơi theo tiêu chuẩn modun hóa có sẵn của container trong khu đất hẹp là một điều cân nhắc khá nhiều về thiết kế lẫn thi công lắp đặt tại chỗ.

Sân trong với hệ sinh thái xanh, cùng chất liệu thô mộc của gỗ và gạch vừa mang tính hoành tráng lại vừa thân thuộc

Bền vững và thân thiện môi trường

Sự phối hợp giữa các vật liệu thô mộc địa phương và vật liệu thép tạo nên dấu ấn

Công trình cung cấp một mô hình nhà lưu trú mới lạ và sáng tạo, đạt được nhiều yếu tố cải tiến hơn với thiết kế xây dựng truyền thống. Thiết kế đạt được các yêu cầu chức năng sử dụng hiệu quả, am hiểu các tính năng của vật liệu và sử dụng hài hòa thực tế hơn với điều kiện khí hậu miền Trung Việt Nam, tạo nên một hình ảnh sáng tạo mới mẻ và bền vững. Thi công nhanh và hiệu quả hơn nhờ vào việc modun hóa các cấu kiện và giải pháp cho từng bộ phận mà không bị chồng lấn tiến độ thi công. sản phẩm hoàn thiện không chỉ nằm ở giá trị cố định của công trình mà còn cơ động hơn khi di chuyển và lắp ráp. Tất cả các yếu tố trên đã nhằm tối ưu hóa tính bền vững, thân thiện của công trình với môi trường và với cộng đồng.

* ThS.KTS Vũ Thị Thúy Hải – ThS.KTS Lê Thị Thu Hà
Trường Đại học Duy Tân, Đà Nẵng

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 02-2019)