Trò chuyện với KTS Nguyễn Trực Luyện: Nghệ sỹ và nhà quản lý

Nhà soạn kịch Tào Mạt từng nói: “Đã làm Hề thì đừng làm Quan, đã làm Quan thì đừng làm Hề” – Sáng tác (biểu diễn) và quản lý vốn là hai chuyên môn khác nhau, cần những tố chất làm việc thậm chí trái ngược nhau. Sự thật thì rất ít người có thể cùng lúc đi đến tận cùng cả hai công việc đó, ví dụ như Họa sĩ Trần Văn Cẩn, Nhạc sĩ Huy Du… KTS Nguyễn Trực Luyện cũng là người có tài sắm cả “hai vai” như vậy.

Từ thời còn là sinh viên ở Nga cho đến khi làm thiết kế ở Việt Nam, ông luôn được bạn bè, đồng nghiệp trong và ngoài nước nể phục với khả năng ký họa và thể hiện bản vẽ kiến trúc cực “mả”. Một số công trình do KTS Nguyễn Trực Luyện thiết kế như Khu nhà ở Vạn Phúc của Ngoại giao đoàn, Khách sạn Thái Nguyên… là những ví dụ tiêu biểu của kiến trúc hiện đại Việt Nam thời kỳ bao cấp. Về quản lý, ông có hơn 20 năm lãnh đạo Hội KTS Việt Nam với nhiều thành tựu xuất sắc trong giai đoạn đầu của đổi mới và mở cửa đất nước. TCKT trân trọng giới thiệu cuộc trò chuyện giữa KTS Nguyễn Trực Luyện và KTS Vũ Hiệp.

Kí họa chì Thành phố Lvov của KTS Nguyễn Trực Luyện

Vũ Hiệp: Thưa bác, tại sao cụ Nguyễn Cao Luyện lại đặt tên con mình là Nguyễn Trực Luyện? Bố và con cùng tên như vậy kể cũng lạ!

KTS Nguyễn Trực Luyện: Em tôi cũng tên Luyện, là Nguyễn Trường Luyện, làm nghề kỹ sư xây dựng. Khi bố tôi tốt nghiệp xuất sắc Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1933, cụ được đi tu nghiệp một năm ở Paris và có lẽ đã chịu ảnh hưởng của văn hóa Pháp với nhiều trường hợp bố con trùng tên nhau, như nhà Alexandre Dumas chẳng hạn. Tuy nhiên, cũng có sự bất tiện trong giao tiếp, sinh hoạt, bởi cả nhà đều tên Luyện. Con trai tôi không tên Luyện nhưng vẫn theo nghề kiến trúc – Nguyễn Trí Thành cũng học Trường Đại học Kiến trúc Moskva giống tôi.

Khu nhà ở Vạn Phúc – Ngoại giao đoàn

Vũ Hiệp: Từ khi nền kiến trúc hiện đại Việt Nam bắt đầu với Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, một gia đình có truyền thống 3 thế hệ làm nghề kiến trúc như vậy thật là hiếm, bố – trước 1945, bản thân – giai đoạn chiến tranh chống Mỹ và bao cấp, con – sau đổi mới. Có phải vì bố là KTS nên bác quyết định theo nghiệp kiến trúc?

KTS Nguyễn Trực Luyện: Một phần lý do là như vậy. Năm 1946, tôi theo bố đi kháng chiến ở Phúc Yên, ở đó có Phòng Kiến trúc 1. Bố tôi và KTS Hoàng Như Tiếp làm việc ở phòng này. Tôi bắt đầu làm quen và yêu các bản vẽ kiến trúc từ đó. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, gia đình tôi trở về Hà Nội. Đang học phổ thông, năm 1955 tôi được cử sang Liên Xô học trung cấp ngành Phát động lực ở Trường Kỹ thuật điện Leningrad. Khi ấy, tôi vẫn là một cậu học sinh nên chưa nghĩ nhiều đến nghề nghiệp, cứ được đi Liên Xô là thích rồi. Sống 1 năm ở Leningrad, thấy học kỹ thuật không phù hợp với mình, mà thành phố thì có nhiều công trình kiến trúc đẹp quá, lúc nào cũng thôi thúc ước ao được làm KTS, nên tôi nhiều lần viết thư xin Đại sứ quán cho chuyển sang học kiến trúc. Cũng may, một thời gian sau người ta chấp nhận cho tôi vào học ở Trường Đại học Kiến trúc Moskva, cùng với các anh Huỳnh Lẫm, Trịnh Nhưng, Võ Thuộc. Đây cũng là những người Việt Nam đầu tiên học kiến trúc ở Liên Xô.

Vũ Hiệp: Dù sao Leningrad là một thành phố đã truyền cảm hứng nghệ thuật cho rất nhiều văn nghệ sĩ. Cháu thấy nhiều người nói lại rằng KTS Nguyễn Trực Luyện hiểu biết rộng về văn hóa, nghệ thuật, lại vẽ rất đẹp. Hẳn ngay từ thời đi học bác đã có nhiều thành tích xuất sắc?

KTS Nguyễn Trực Luyện: Thực ra thời phổ thông, việc học hành của tôi rất “lởm khởm”. Lúc đến tuổi đi học thì tình hình xã hội bất ổn: Kháng chiến chống Nhật, khởi nghĩa, toàn quốc kháng chiến, nên đến năm 1952, khi đã 17 tuổi, tôi mới học lớp 7. Năm 1953 thì dừng học và được cử đi phục vụ chiến dịch, làm việc trong Ban vận tải tiền phương, có nhiệm vụ theo dõi vận tải lương thực ra mặt trận. Kháng chiến thắng lợi, tôi về Hà Nội học xong kỳ I lớp 9 thì sang Liên Xô, hoàn thành chương trình phổ thông ở bên đó để vào đại học nhưng không có bằng tốt nghiệp phổ thông. Có thể nói phần lớn các kiến thức phổ thông cơ bản là do tôi tự học.

Vũ Hiệp: Tốt nghiệp đại học, về nước bác làm công việc gì ạ?

KTS Nguyễn Trực Luyện: Năm 1963 tôi về nước. Lúc ấy Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước mới được thành lập, do đó những anh nào mới học nước ngoài về đều vào đấy làm việc. Tôi được phân công làm ở Vụ Thiết kế Tiêu chuẩn do KTS Nguyễn Văn Ninh làm vụ trưởng. Những năm đó, phong trào chống “xét lại” mạnh lắm, nhất là đối với những ai học Liên Xô về, nên cuối tuần phải tập trung nghe chuyện “thời sự” do trên cử người xuống nói, ví dụ chuyện Liên Xô cho “thoát y” ở Nhà hát Bolshoi. Mình mới học ở đó về, biết chỉ là chuyện họ múa ba-lê, nhưng bấm bụng không dám nói gì.

Vũ Hiệp: Ngoài việc đi nghe thời sự, công việc ở Vụ Thiết kế Tiêu chuẩn có niềm vui gì không ạ?

KTS Nguyễn Trực Luyện: Công việc nhàm chán lắm, chỉ ngồi dịch tiêu chuẩn từ Liên Xô sang Việt Nam, vì thế tôi có ý định xin chuyển sang cơ quan nào đó làm thiết kế, được sống và làm việc đúng như một KTS. Nhưng xin chuyển công tác với lý do như vậy thời đó là rất khó khăn, người ta cho rằng thanh niên “ba sẵn sàng” sao lại dám “kén cá chọn canh”. May sao, năm 1965, KTS Đặng Việt Nga (bạn cùng trường sau 2 khóa) học xong về nước, nên cô ấy (cùng với ông cụ nhà tôi) đã tác động được cụ Trường Chinh để chuyển tôi về làm việc ở Viện Thiết kế thuộc Bộ Kiến trúc. Nhưng trước khi được chính thức làm việc đúng chuyên môn, tôi phải đi “cải tạo lao động” ở nhà máy gỗ Bạch Đằng nửa năm.

Vũ Hiệp: Có người nói KTS Nguyễn Trực Luyện bị “bẻ bút” bởi một phương án dự thi khi làm việc ở Vụ Thiết kế tiêu chuẩn. Thông tin này có đúng không bác?

KTS Nguyễn Trực Luyện: Không có chuyện “bẻ bút”. Do bối cảnh kinh tế- xã hội nước ta khi ấy có nhiều hạn chế, mà lúc đó lại là thời điểm tuổi trẻ khát khao sáng tạo, có nhiều ý tưởng không làm sao thực hiện được, dần dần mình phải thích ứng với điều kiện nước mình. Cuối năm 1963, tôi tham gia cuộc thi thiết kế Cung Văn hóa Lao động Thủ đô với phương án theo phong cách hiện đại, mạng lưới cột hình lục giác, mái hình gấp nếp như kiểu của Nervi. Nó khác hẳn những phương án còn lại vẽ theo kiểu cũ với các phòng hình chữ nhật và tường gạch. Anh em làm nghề tán thưởng, nhưng KTS Hoàng Linh báo cáo với Bí thư thành ủy Hà Nội rằng phương án này có ảnh hưởng của “xét lại” nên không được chọn xây dựng dù vẫn được trao giải cao cùng với một phương án khác.

Vũ Hiệp: Bác có thể chia sẻ với bạn đọc về những công trình của bác khi làm ở Viện Thiết kế?

KTS Nguyễn Trực Luyện: Đầu tiên là cải tạo và thiết kế nội thất khách sạn Dân Chủ. Lúc ấy, vật liệu và trang thiết bị nội thất hiếm lắm, tôi phải lấy tấm phoi bào ép làm trần treo, cắt kính và mài xước để làm đèn trang trí.

Sau đó, xưởng trưởng của tôi là KTS Nguyễn Hoàng có quen với bên Ngoại giao đoàn và họ nhờ chúng tôi thiết kế Bể bơi của Câu lạc bộ Quốc tế. Tôi được giao thiết kế bể bơi và cải tạo một số hạng mục. Thấy làm tốt, sau họ nhờ thiết kế khu nhà ở Vạn Phúc nữa.

Rồi tôi được giao thiết kế Khách sạn Thái Nguyên. Mặt đứng công trình này được bố trí những ban công hẹp kiểu Pháp nhô ra để đón gió mát thay vì làm lô-gia theo xu thế phổ biến lúc bấy giờ; mặt sau làm tường kín và ô cửa nhỏ để chắn gió Đông Bắc; chỗ đường nối giữa tòa nhà chính với nhà ăn dự định làm nhà cầu bằng gỗ lợp lá gồi của địa phương. Rất tiếc, sau đó thiết kế bị người ta thay đổi làm cho ý tưởng kiến trúc sinh thái ban đầu không được thực hiện triệt để.

Vũ Hiệp: Sao đang làm chuyên môn thiết kế, bác lại chuyển sang làm quản lý ở Hội KTS Việt Nam?

KTS Nguyễn Trực Luyện: Khoảng năm 1982-1983, đang lúc tôi ở Liên Xô để cùng với các KTS nước bạn thiết kế Bảo tàng Hồ Chí Minh thì ở Việt Nam diễn ra Đại hội Hội KTS Việt Nam lần thứ III. Đây là Đại hội đầu tiên sau khi đất nước thống nhất và cũng là thời điểm chuyển giao thế hệ KTS đầu tiên, những người tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, với thế hệ thứ hai, những người được đào tạo dưới chế độ XHCN. Chả biết thế nào mà đại hội lại bầu tôi làm Tổng thư ký trong khi mình vắng mặt. Lúc mới về nước, tôi vừa tiếp tục làm Bảo tàng Hồ Chí Minh với tư cách là Viện phó Viện Thiết kế, vừa làm công tác hội. Sau đó nghĩ rằng ở Viện Thiết kế – Bộ Xây dựng trên mình có nhiều cấp trên quá, không tự chủ được, nhiều ý tưởng cũng khó thực hiện, do đó tôi xin cụ Huỳnh Tấn Phát, lúc ấy là Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, cho chuyển hẳn biên chế về Hội. Lúc tôi mới về công tác, Hội vẫn do Bộ Xây dựng quản lý, nhưng cụ Phát đã rất sáng suốt xin các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước cho Hội KTS Việt Nam trở lại Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật, với vị thế một hội chính trị- nghề nghiệp, có tính tự chủ và vai trò chính trị hơn rất nhiều nếu so với khi trực thuộc Bộ Xây dựng. Sau này, tôi có lần nói với anh em trong Hội rằng: “Cụ Phát đã cho Hội một thế đứng, anh em mình phải giữ thế đứng ấy”.

Khu mộ Nguyễn Thái Học ở Yên Bái

Vũ Hiệp: Khi làm công tác lãnh đạo ở Hội KTS Việt Nam bác có “nhớ nghề” không?

KTS Nguyễn Trực Luyện: Có chứ. Vì vậy tôi đã cho thành lập xưởng thiết kế trực thuộc Hội, tạo điều kiện cho anh chị em KTS làm nghề và cải thiện đời sống. Trong thời gian làm quản lý, tôi có thiết kế Khu mộ Nguyễn Thái Học, Đền thờ Bác Hồ trên đỉnh núi Ba Vì, tôn tạo nghĩa trang A1 Điện Biên Phủ, nghĩa trang Hàng Dương – Côn Đảo…

Ở khu lăng mộ Nguyễn Thái Học và các anh hùng trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái, tôi thiết kế 17 trụ cột tròn bao quanh khu mộ, tượng trưng cho 17 vị anh hùng an nghỉ nơi đây. Các trụ nối với nhau bằng một vòng cung khuyết, như chí lớn chưa trọn vẹn, trên đó khắc câu nói nổi tiếng của Nguyễn Thái Học: “Không thành công cũng thành nhân”.

Còn việc thiết kế Nghĩa trang Hàng Dương là do ông Trần Đình Hoan nhờ. Hồi ấy, đầu những năm 1990, người ta có xu hướng công viên hóa các nghĩa trang, nhưng ở công trình này tôi quyết định giữ nguyên những dấu tích cũ, ví dụ con đường thiên thu, nơi các liệt sĩ được đưa đi chôn từ pháp trường, đồng thời bổ sung thêm một số cái mới cần thiết để tạo thành một tổng thể chặt chẽ. Ở khu vực nghĩa trang có những ngôi mộ cũ nhô lên một cách ngẫu nhiên, nhưng tôi không xây lại mộ mới theo hàng lối mà để nguyên sự ngẫu nhiên đó, chỉ bổ sung thêm một trụ nhỏ bên cạnh, trên đầu gắn viên đá đỏ khắc ngôi sao, tượng trưng cho ngôi sao chiếu mệnh của mỗi số phận con người.

Vũ Hiệp: Nghĩa trang Hàng Dương là một ví dụ rất hay về bảo tồn mà vẫn phát triển cái mới. Nhìn lại các công trình của bác, nếu như Khu nhà ở Vạn Phúc, Khách sạn Thái Nguyên được thiết kế theo phong cách hiện đại, đậm chất XHCN Liên Xô, thì một số công trình sau này như Nghĩa trang Điện Biên Phủ, Đền thờ Bác Hồ, lại hướng đến kiến trúc truyền thống. Tại sao lại có sự chuyển đổi phong cách như vậy ạ?

KTS Nguyễn Trực Luyện: Tôi không nệ vào phong cách nào hết. Tùy từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của mỗi công trình mà lựa chọn hình thức phù hợp. Làm nhà ở cho người nước ngoài và khách sạn thì phải hiện đại rồi, còn làm đền thờ, nghĩa trang thì truyền thống sẽ phù hợp hơn. Ở Nghĩa trang Điện Biên Phủ, có một con đường đâm thẳng vào nghĩa trang, nên tôi đã lựa chọn hình thức tường thành để ngăn nó trực xung vào, đồng thời tạo không gian yên tĩnh bên trong; phía sau tường thành khắc tên các liệt sĩ, phía ngoài cho gắn bức phù điêu của Tạ Quang Bạo. Còn ở Đền thờ Bác Hồ trên đỉnh núi Ba Vì, một vị trí có tầm nhìn rất đẹp, tôi đã lựa chọn hình thức truyền thống nhưng chỉ làm cột mà không có tường, để mở, đứng ở đó có thể nhìn ra cảnh quan núi rừng xung quanh.

Vũ Hiệp: Vậy theo bác, hiện đại và truyền thống có đối nghịch nhau không?

KTS Nguyễn Trực Luyện: Tôi nghĩ rằng đi đến tận cùng truyền thống thì sẽ thấy cái hiện đại ở đó. Nếu hiện đại không có truyền thống thì đó là cái hiện đại xa lạ. Nếu truyền thống không thích ứng với thời đại thì cũng không duy trì truyền thống lâu được.

Vũ Hiệp: Với hơn 20 năm làm công tác làm lãnh đạo Hội KTS Việt Nam (1983 – 2004) trong giai đoạn đất nước bước vào Đổi mới, bác cùng tập thể Hội KTS đã làm được nhiều việc cho sự phát triển kiến trúc Việt Nam. Những thành tựu nào theo bác là quan trọng hơn cả?

KTS Nguyễn Trực Luyện: Khi tôi bắt đầu làm Tổng thư ký, Hội lúc ấy còn nghèo nàn và gần như không có hoạt động gì. Ban thư ký gồm 11 người từ các cơ quan chuyên môn khác nhau nhưng đều nhận thức được rõ trách nhiệm trong việc chuyển giao thế hệ. Tôi đặt ra lệ cứ cuối chiều thứ Ba hàng tuần mọi người trong ban thư ký họp để bàn cách phát triển công tác hội. Những hoạt động mới được tổ chức, thành thông lệ đến ngày nay như: Liên hoan Sinh viên Kiến trúc toàn quốc 2 năm/lần, Giải thưởng Loa thành dành cho đồ án tốt nghiệp KTS xuất sắc hàng năm, Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2 năm/lần để tôn vinh những tác phẩm xuất sắc…

Một việc đáng chú ý nữa là sự ra đời của Tạp chí Kiến trúc, cơ quan ngôn luận của Hội KTS Việt Nam, được phát triển từ một tập san nội bộ, xuất bản đầu tiên là 1 quý/số, sau 2 tháng/số, rồi 1 tháng/số như bây giờ, từ khổ A4 đến khổ vuông để dễ nhận biết. Sau thấy nhu cầu xây dựng nhà ở của nhân dân tăng cao nên lập thêm Tạp chí Kiến trúc Nhà đẹp để gợi ý, hướng dẫn nhân dân cách thiết kế nhà sao cho có thẩm mỹ…

Nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo

Vũ Hiệp: Còn sự ra đời của Hội đồng tư vấn Kiến trúc của Thủ tướng thì sao ạ?

KTS Nguyễn Trực Luyện: Lúc ấy tôi là Đại biểu Quốc hội. Khi họp Quốc hội, tôi có đề nghị với ông Nguyễn Khánh xin Thủ tướng Võ Văn Kiệt thành lập Hội đồng Kiến trúc Quốc gia. Vì một số lý do nên cụ Võ Văn Kiệt chỉ đồng ý thành lập Hội đồng tư vấn Kiến trúc của Thủ tướng. Trong 5 năm tồn tại, Hội đồng tư vấn đã giúp Thủ tướng tháo gỡ một số vụ việc nổi cộm như: Khách sạn Hà Nội Vàng, Thủy cung Thăng Long, khách sạn trên đồi Vọng Cảnh ở Huế, ngôi nhà kỳ dị sau UBND TP HCM…

Vũ Hiệp: Vậy tại sao các Thủ tướng sau cụ Võ Văn Kiệt lại không duy trì Hội đồng tư vấn Kiến trúc nữa ạ?

KTS Nguyễn Trực Luyện: Câu hỏi đó anh phải dành cho các thủ tướng ấy chứ. Tôi vẫn nhớ hôm chia tay Hội đồng tư vấn Kiến trúc khi kết thúc nhiệm kỳ, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nói: “Chính phủ còn có nhiệm kỳ, Thủ tướng sẽ thay đổi nhưng kiến trúc thì còn mãi, công việc của các anh vẫn còn tiếp tục”. Cụ Kiệt là người rất tôn trọng giới chuyên môn, còn những người kế nhiệm thì tư duy khác. Và, như anh thấy đấy, Hội đồng tư vấn Kiến trúc đã bị giải thể.

Vũ Hiệp: Khi làm quản lý, và nhất là công tác phản biện xã hội, tư vấn cho lãnh đạo cấp cao về kiến trúc, hẳn phải có sự “va chạm” với nhiều người. Bác có thể kể về một trong những lần “va chạm” ấy không?

KTS Nguyễn Trực Luyện: Tôi vẫn nhớ về vụ Thủy cung Thăng Long. Khi ấy trong một hội đồng, tôi được nghe người ta trình bày về một đồ án Thủy cung cạnh Hồ Tây. Lúc đầu tôi ủng hộ vì thấy thuyết minh rằng sẽ xây công viên, như thế thì tốt quá vì quanh Hồ Tây chưa có một công viên thực sự nào. Tuy nhiên, sau đó tôi phát hiện ra công trình này bị sai quy hoạch về mật độ, chiều cao tầng, cơ cấu sử dụng đất… mà mình lại không có hồ sơ quy hoạch để chứng minh. Thế là phải nhờ anh Hoàng Phúc Thắng chạy khắp nơi để lấy được hồ sơ về đối chiếu thì chính xác khẳng định bị sai quy hoạch. Vụ việc này khiến cho một số ông lãnh đạo của Hà Nội mất chức. Cuối cùng, thủ tướng quyết định giao cho UBND TP Hà Nội quản lý khu đất, nhưng Hà Nội cũng không quản lý được, để cho dân “xẻ thịt” và xây nhà tùm lum. Giờ nhìn lại, thấy rằng ý định dành cho người dân Hà Nội một công viên để thong thả, yên tĩnh ngắm Hồ Tây đã không thành. Mong muốn chỉ là mong muốn. Điều đó thật đáng tiếc.

Vũ Hiệp: Bác có chia sẻ gì đối với hoạt động kiến trúc nước ta hiện nay không?

KTS Nguyễn Trực Luyện: Ngày nay ở Việt Nam có rất nhiều những công trình cao tầng hoành tráng, mà ông chủ đầu tư thường chỉ thích hình thức bắt mắt, kỳ vĩ. Vậy nên, anh KTS làm sao phải sáng tạo một cách thuyết phục ở những cái thường nhật, gần gũi, có chiều sâu ý nghĩa. Ngoài ra, KTS của ta hay chạy theo những cái mới lạ từ nước ngoài, như thế chỉ tạo ra cái hay theo quan niệm người khác chứ không phải cái đẹp của mình. Điều kiện tự nhiên, văn hóa đặc thù của Việt Nam tạo nên bản sắc kiến trúc Việt Nam.

Vũ Hiệp: Vâng, người Việt Nam thế nào thì tạo ra kiến trúc thế ấy. Cháu cảm ơn bác về cuộc trò chuyện này và kính chúc bác khỏe mạnh, tiếp tục đóng góp cho nền kiến trúc nước nhà.

KTS Nguyễn Trực Luyện:

  • Sinh năm 1935;
  • Tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Moskva (1957-1963)
  • Tổng thư ký Hội KTS Việt Nam nhiệm kỳ III, IV; Chủ tịch Hội KTS Việt Nam nhiệm kỳ V, VI
  • Đại biểu quốc hội Khóa VIII, IX
  • Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Kiến trúc của Thủ tướng Võ Văn Kiệt;
  • Thiết kế các công trình kiến trúc: Khu nhà ở Vạn Phúc của Ngoại giao đoàn, Khách sạn Thái Nguyên, Đền thờ Bác Hồ ở Ba Vì, Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ, Nghĩa trang Hàng Dương ở Côn Đảo…

Vũ Hiệp (thực hiện)

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 08-2020)