Về đồ án quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị khu vực Trung tâm Hòa Bình – TP Đà Lạt

Vừa qua, Hội KTS Việt Nam nhận được ý kiến của nhiều KTS thể hiện sự không đồng tình với một số nội dung của Đồ án quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị khu vực trung tâm Hòa Bình, TP Đà Lạt (sau đây gọi tắt là Đồ án). Sau khi nhận được tài liệu liên quan đến Đồ án do Sở Xây dựng Lâm Đồng cấp, Hội KTS Việt Nam đã họp Hội đồng Kiến trúc ngày 15/4/2019 để trao đổi. Những ý kiến chính của Hội đồng về Đồ án được tổng hợp lại trong bài viết

Trung tâm Hòa Bình – TP Đà Lạt

1. Quan điểm chung

  • Hội KTS Việt Nam nhận thấy: Cải tạo, chỉnh trang khu Trung tâm Hòa Bình, TP Đà Lạt là chủ trương đúng và cấp thiết. Bởi vì đây là khu phố thị trung tâm của người việt ở Đà Lạt đang xuống cấp, nhưng có giá trị đặc trưng và là một bộ phận cấu thành nên cấu trúc không gian đô thị Đà Lạt;
  • Trong cải tạo, chỉnh trang, cần chú trọng cân bằng giữa phát triển và bảo tồn – Phát triển nhưng không làm mất đi giá trị đặc trưng về quy hoạch, kiến trúc và cảnh quan của khu phố. Đồng thời bảo tồn không chỉ giá trị vật thể (công trình kiến trúc và cảnh quan có giá trị) mà cả giá trị phi vật thể (di sản ký ức, lối sống và văn hóa địa phương);- Để đảm bảo tính pháp quy của Đồ án, cần kiểm tra các cơ sở pháp lý và quy trình thực hiện Đồ án.

2. Ý kiến về Đồ án

Do thông tin về Đồ án được Sở Xây dựng Lâm Đồng cấp chưa đầy đủ, nên những ý kiến góp ý có thể còn những hạn chế nhất định.

Mặt tích cực của Đồ án:

  • Tổng thể khu vực trung tâm Hòa bình được chia thành 5 phân khu, trong đó, giải pháp bảo 2 tồn khu chợ Đà Lạt và chỉnh trang khu dân cư phía Tây là hợp lý;
  • Tạo nhiều không gian công cộng mở dưới dạng quảng trường và vườn hoa;
  • Khai thác không gian ngầm (dùng để xe và dịch vụ thương mại,…);
  •  Tổ chức giao thông cơ giới, ưu tiên không gian cho người đi bộ.

Ý kiến trao đổi cụ thể:

– Ý kiến chung:

  • Nên nghiên cứu, phân tích kỹ hơn lịch sử và hiện trạng khu trung tâm Hòa Bình để đánh giá đúng các giá trị nhiều mặt về: Tổng thể khu phố, các công trình kiến trúc có giá trị, cảnh quan tự nhiên và cảnh quan hoạt động của cộng đồng cư dân (giá trị phi vật thể). Đây là những căn cứ quan trọng để đề xuất các giải pháp cụ thể có tính thuyết phục;
  • Cần nghiên cứu xác định rõ những chức năng mới, quy mô và hình thức kiến trúc mới, đảm bảo phù hợp với sức chứa và đặc điểm của khu vực về: Kiến trúc, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng và tỷ lệ kiến trúc đô thị;

– Ý kiến cụ thể:

+ Khu đồi dinh:

  • Giá trị đặc trưng là: Đồi cao với nhiều cây thông lưu niên và công trình Dinh Tỉnh trưởng khiêm tốn ẩn trong cảnh quan.
  • Giải pháp xây dựng khách sạn quy mô lớn ở đây là không phù hợp. Nên giữ là Đồi Xanh. Có thể khai thác công trình Dinh Tỉnh trưởng vào mục đích du lịch cao cấp. Đồng thời, có thể bổ sung thêm một số chức năng dịch vụ du lịch với kiến trúc quy mô nhỏ, không làm mất đặc trưng cảnh quan – Đồi xanh của khu vực đồi Dinh.

+ Khu vực rạp Hòa Bình:

  • Công trình kiến trúc ban đầu của rạp Hòa Bình do KTS L.G Pineau thiết kế theo xu hướng tiền hiện đại. Trải qua thời gian, mặc dù công trình đã có nhiều thay đổi, nhưng khu vực này vốn là không gian chợ truyền thống nên có giá trị như một di sản ký ức của cộng đồng dân cư Đà Lạt. Do đó cần nghiên cứu để khai thác giá trị ký ức của không gian di sản này trong công trình mới.
  • Công trình mới nên có quy mô vừa phải, tỷ lệ phù hợp với khung cảnh của khu phố, chú trọng mối liên kết với Chợ Đà Lạt hiện nay như một thành phần chuyển tiếp không gian quan trọng của cấu trúc khu trung tâm Hòa Bình: Phố – Chợ – Hồ Xuân Hương. Các chức năng mới, hiện đại cần thiết có thể cân nhắc khai thác không gian ngầm.

+ Tầm nhìn cảnh quan và mối liên kết công trình cũ – mới:

  • Tầm nhìn cảnh quan từ khu phố Hòa Bình xuống không gian chợ, đặc biệt, tầm nhìn ra phía hồ Xuân Hương, cần được chú trọng. Do đó, không nên xây dựng thêm công trình chắn tầm nhìn từ khu phố Hòa Bình ra Hồ Xuân Hương, như: Công trình hỗn hợp dịch vụ, thương mại đặt ở ngã ba phía đầu Rạp Hòa Bình hay các công trình khách sạn, dịch vụ ở phía Đông quảng trường sóng hoa,…
  • Đặc biệt lưu ý tính chất chuyển tiếp hài hòa giữa các công trình mới và cũ về tỷ lệ và khối tích công trình để đảm bảo hình thái thống nhất của không gian khu phố trung tâm Hòa Bình trong quá trình phát triển liên tục.

3. Kiến nghị

Đơn vị tư vấn có thể tham khảo các ý kiến chuyên môn để hoàn chỉnh Đồ án quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị khu vực trung tâm Hòa Bình, TP Đà Lạt đạt chất lượng cao, xứng tầm với đô thị Đà Lạt hiện đại, đồng thời phát huy được bản sắc độc đáo của một Đô thị xanh – Đô thị trong Rừng.

TS.KTS Ngô Trung Hải  – Nguyên Viện trưởng Viện Qui hoạch Đô thị Nông thôn Quốc gia – BXD

Viện Qui hoạch Đô thị Nông thôn Quốc gia – BXD đã nhiều lần vinh dự được tham gia lập điều chỉnh QHC, QHPK, TKĐT thí điểm khu trung tâm TP Đà Lạt. Bản thân là chủ nhiệm đồ án này giai đoạn cuối những năm 90 của thế kỉ trước nên tôi rất quan tâm đến sự phát triển của TP. Tôi thấy việc cải tạo Khu trung tâm Hòa Bình là cần thiết. Đây là chủ trương đúng của tỉnh Lâm Đồng và TP Đà Lạt. Tuy nhiên, việc nghiên cứu lập đồ án QHCT Khu trung tâm Hòa Bình trước hết cần phải quan tâm đến quá trình phát triển khu vực trong đó có các công trình kiến trúc như Dinh Tỉnh trưởng, rạp Hòa Bình (Tiền thân là chợ Cây), chợ Đà Lạt và những khu phố liền kề. Việc di dời Dinh Tỉnh trưởng để xây dựng một khách sạn với qui mô lớn, kiến trúc mới, chiếm giữ tầm nhìn ở một độ cao có giá trị là không thỏa đáng và cần thiết. Đồ án cần xem lại vệc xây dựng khu trung tâm thương mại Hòa Bình (khu vực rạp Hòa Bình cũ). Không gian mở/Quảng trường hướng Hồ Xuân Hương cần được mở rộng hơn về phía Đông đường Lê Thị Hồng Gấm, tạo ra một tầm nhìn rộng hơn về phái Hồ.

GS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông  – Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam

Căn cứ tài liệu có được từ Sở Xây dựng Lâm Đồng cấp, để khách quan chúng ta cũng cần nhìn nhận đánh giá những “cái được” của đồ án. Cụ thể: (i) Qui hoạch theo hướng tạo nhiều không gian mở; (ii) TKĐT hướng tới bền vững và xanh… Tuy nhiên, tôi cũng cơ bản thống nhất với ý kiến của các thành viên Hội đồng

  • Khu trung tâm Hòa Bình là bộ phận cấu thành nên thương hiệu “Thành phố trong rừng” nên cần thận trọng trong quá trình NC lập qui hoạch
  • Ở trung tâm Hòa Bình có hai khu vực nhạy cảm đó là: đồi Dinh Tỉnh trưởng và rạp Hòa Bình, rất cần một NC cẩn trọng, thấu đáo… Từ một độ cao đồi Dinh Tỉnh trưởng không nên xây dựng một công trình mới có hình khối, tỉ lệ và chiều cao quá lớn. Nên giữ lại công trình kiến trúc Dinh Tỉnh trưởng để cải tạo chỉnh trang, chuyển chức năng sử dụng sang DVDL… Khu vực rạp Hòa Bình cũng cần nghiên cứu thêm để đảm bảo tinh thần Nơi chốn…
  • Cần mở rộng không gian hướng Hồ Xuân Hương, tạo không gian mở rộng hơn cho khu vực quảng trường…

ThS.KTS Lã Thị Kim Ngân  – Nguyên Phó viện trưởng Viện Qui hoạch Đô thị Nông thôn Quốc gia – BXD

Theo tài liệu có được từ Sở Xây dựng Lâm Đồng cấp, tôi thấy Tỉnh, TP Đà Lạt cần xem lại qui trình lập QH. Bởi theo qui định của Luật Qui hoạch Đô thị, Nghị định số 37 về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lí qui hoạch đô thị…thì các căn cứ để lập QHCT phải dựa vào QHC, QHPK, các qui định và qui chế quản lí kèm theo. Ở thời diểm hiện tại, đồ án QHPK khu trung tâm truyền thống này chưa được phê duyệt. Như vậy, đồ án QHCT tỉ lệ 1/500 Khu trung tâm Hòa Bình là chưa đủ cơ sở pháp lí…

TS. KTS Lê Thành Vinh  – Nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn Di tích

Cần đảm bảo rằng QHCT tỉ lệ 1/500 Khu trung tâm Hòa Bình trên quan điểm bảo tồn, cải tạo chỉnh trang và có yếu tố xây dựng mới nhưng không làm mất đi ý nghĩa giá trị di sản Nơi Chốn. Các công trình kiến trúc trong khu vực đã có tuổi đời lâu năm dù chưa được xếp hạng là di sản nhưng chúng có giá trị về hình ảnh đô thị lịch sử. Việc xây dựng các công trình mới có khối tích, tỉ lệ, chiều cao… trên đồi Dinh Tỉnh trưởng và rạp Hòa Bình là không cần thiết vì chúng có nguy cơ làm suy giảm giá trị LS của khu vực trung tâm này.

GS.TS.KTS Doãn Minh Khôi  – Viện trưởng Viện Quy hoạch và Kiến trúc đô thị UAI

Tôi có mấy ý kiến sau:

  • Đồ án can thiệp khu dân cư phía Tây chưa hẳn là hợp lý;
  • Phần đồi Dinh Tỉnh trưởng, cần nhấn mạnh sự cần thiết giữ nguyên vị trí, không di dời Ngôi biệt thự/tòa dinh Tỉnh trưởng hiện có. Không xây dựng KS hoành tráng trên đỉnh đồi. Có thể nghiên cứu chuyển đổi mục đích sử dụng, xây dựng một số công trình nhỏ trên sườn đồi trên nguyên tắc giữ gìn cảnh quan đồi xanh;
  • Cần nghiên cứu đề xuất thêm công trình mới cả vấn đề quy mô, tỷ lệ, hình thức và vị trí (như phương án đề xuất hiện nay không phù hợp)

PGS.TS.KTS Trần trọng Hanh

Do tài liệu liên quan đến Đồ án do Sở Xây dựng Lâm Đồng cấp chưa đầy đủ, nên tôi chỉ trình bày quan điểm:

  • Thống nhất chủ trương của Tỉnh, TP.Đà Lạt là cần phải lập QHCT tỉ lệ 1/500 Khu trung tâm Hòa Bình;
  • Phải NC phân tích kĩ hiện trạng trên cơ sở các yếu tố LSVH, kiến trúc, cảnh quan, thực trạng xây dựng và hạ tầng đô thị;
  • Phải NC cụ thể đến từng ô phố, lô đất…;
  • Các mối quan hệ kiến trúc, cảnh quan, các khu vực cần bảo tồn, phát huy giá trị, các khu vực cải tạo, chỉnh trang và khu vực có khả năng xây dựng mới;
  • Tổ chức giao thông trên cơ sở phải đảm bảo các mối quan hệ giữa các khu chức năng và lân cận;
  • Cần tiếp tục lắng nghe để tiếp thu, chỉnh sửa.

TS.KTS Trương Văn Quảng – Nguyên Phó viện trưởng Viện Quy hoạch Đô thị Nông thôn Quốc gia – BXD

Tôi có dịp tham gia lập đồ án QHC TP Đà Lạt từ những năm 80 của Thế kỷ trước (Chủ nhiệm KTS Trần Ngọc Chính). nên hiểu rõ khu trung tâm Hòa Bình là một bộ phận cấu thành nên cấu trúc tổng thể của “Thành phố trong rừng”. Đồ án QHCT tỉ lệ 1/500 Khu trung tâm Hòa Bình phải trên quan điểm duy trì tối đa giá trị cảnh quan lịch sử và tinh thần nơi chốn của một đô thị đã có thương hiệu như Đà Lạt. Trên quan điểm đó cần làm rõ mức độ can thiệp đối với các phân khu theo đồ án QHCT: (i) Bảo tồn, phát huy giá trị; (ii) Cải tạo, chính trang; (iii) Xây dựng mới; (iv) Mối quan hệ giữa chúng về không gian, phong cách, tỉ lệ, hình khối, VLXD…

Theo đó không nên di dời Dinh Tỉnh trưởng, không xây mới KS với qui mô lớn cả về diện tích, hình khối, chiều cao…Rạp Hòa Bình nên khôi phục lại dáng vẻ kiến trúc gốc theo tư liệu còn lưu giữ, kết hợp việc khai thác không gian ngầm phía dưới (3-4 tầng ngầm), có các lối liên thông với các khu chức năng liền kề, lưu giữ tối đa cảnh quan Lịch sử của TP Đà Lạt đã có thương hiệu.


(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 04-2019)