75 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam: Kỳ vọng văn nghệ sĩ có nhiều tác phẩm có giá trị cao hơn nữa về tư tưởng và nghệ thuật

Đó cũng là kỳ vọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi tới dự và phát biểu tại lễ kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam (25/7/1948 – 25/7/2023) vào ngày 25/7 vừa qua, tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam

Cùng dự Lễ kỷ niệm, còn có có các Bí thư Trung ương Đảng: Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Chánh văn phòng Trung ương Lê Minh Hưng; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà.

75 năm trước, tại chiến khu Việt Bắc, giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta trải qua những thời khắc khó khăn, gian khổ nhất, Trung ương Đảng mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã cho phép đội ngũ văn nghệ sĩ lần đầu tiên tổ chức Đại hội Văn nghệ vào tháng 7.1948.

Đây là sự kiện vừa mang ý nghĩa chính trị vừa mang ý nghĩa văn hóa. Đảng luôn coi văn hóa, văn học nghệ thuật là một sức mạnh chính trị có ý nghĩa quan trọng trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, giải phóng đất nước.

Kỷ niệm 75 ngày thành lập (1948 – 2023) Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam là dịp để giới văn nghệ sĩ cả nước ôn lại truyền thống trong đấu tranh cách mạng và trong sự nghiệp xây dựng, đổi mới đất nước. Từ đó, phát huy những thành quả văn học, nghệ thuật 75 năm qua.

Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam

Tới dự buổi lễ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu, bày tỏ: “Nhìn lại 75 năm qua, chúng ta vui mừng nhận thấy, anh chị em văn nghệ sĩ dưới mái nhà chung của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã có sự phát triển, trưởng thành đầy ấn tượng, góp phần to lớn vào công cuộc sáng tạo các sản phẩm văn hoá, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của Nhân dân, đưa văn hoá ngày càng thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; xứng đáng là lực lượng nòng cốt sáng tạo các giá trị văn hoá, là đội ngũ văn nghệ sĩ – chiến sĩ tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Với các kết quả đã đạt được, văn học nghệ thuật đã góp phần quan trọng vào nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hoá, xây dựng con người; đấu tranh với mọi biểu hiện sai trái, tạo ra bầu không khí lành mạnh trong xã hội.”

Đồng thời ông mong muốn, đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà cần tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu và sự nghiệp chấn hưng văn hoá, xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.

 

Thụy An (Tổng hợp)
© Tạp chí Kiến trúc