Tại Hội nghị tổng kết công tác đào tạo trường ĐH Xây dựng vào 10/11/2016, PGS.TS Phạm Duy Hoà, Hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng đã kêu gọi các đại biểu tham dự hội nghị để nhà trường có thể đổi mới toàn diện, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập mạnh mẽ, hướng tới mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hộ trong lĩnh vực xây dựng… Hội nghị nằm trong khuôn khổ chuỗi sự kiện Kỷ niệm 60 năm đào tạo, 50 năm thành lập trường ĐH Xây dựng (1956-1966-2016).
Hội nghị có sự tham gia của các tổ chức, cơ quan quản lý, các đơn vị liên kết, hợp tác đào tạo, các đơn vị sử dụng nguồn nhân lực do trường đào tạo… Đây là cơ hội tốt để nhà trường tiếp nhận các ý kiến đánh giá, góp ý từ các cơ quan quản lý, đơn vị tuyển dụng, nhìn nhận những kết quả đã đạt được và cả những hạn chế, tồn tại cần khắc phục… Từ đó đưa ra định hướng phát triển đào tạo trong tình hình mới, đảm bảo chiến lược phát triển trường giai đoạn 2010-2020 và tầm nhìn 2020.
60 năm trước, Khoa Xây dựng (Đại học Bách khoa Hà Nội) được thành lập với 200 sinh viên của 3 ngành: Cầu đường, Thủy lợi, Xây dựng dân dụng và công nghiệp. Từ nơi đó, 10 năm sau đã ra đời trường Đại học Xây dựng. Sau 50 năm phấn đấu trưởng thành, trường Đại học Xây dựng đã trở thành cơ sở đào tạo hàng đầu của đất nước trong lĩnh vực xây dựng. Với quy mô đào tạo 2.000 sinh viên đại học và 2.000 thạc sĩ, tiến sĩ. Tính đến nay, đã có hơn 60.000 kỹ sư, kiến trúc sư, hơn 5.000 thạc sĩ, tiến sĩ được đào tạo từ trường Đại học Xây dựng. Những con người đã, đang đóng góp sức mình vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những thành tích đáng tự hào mà trường Đại học Xây dựng đã đạt được là công sức, là tâm huyết của các thế hệ cán bộ, giảng viên và sinh viên nhà trường, đồng thời, không thể thiếu được sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp lãnh đạo, các cơ quan, đơn vị và cả những người dân địa phương-nơi trường sơ tán trong những năm tháng chiến tranh.
Trước những thay đổi về điều kiện kinh tế – xã hội trong nước theo xu hướng phát triển và hội nhập quốc tế, cùng với nền giáo dục ĐH Việt Nam, trường ĐH Xây dựng đang đứng trước những cơ hội lớn, đồng thời cũng đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ. Cán bộ, GV trường ĐH Xây dựng nhận thức rõ sứ mạng và nhiệm vụ của mình trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực xây dựng, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Trong thời gian qua, trường đã nỗ lực đổi mới, từng bước hoàn thiện hoạt động tổ chức và và quản lý đào tạo, cam kết chất lượng giáo dục, các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo và bước đầu triển khai chương trình đào tạo mới theo định hướng CDIO (Conceive-Design-Implement-Operate)….
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Đức Duy đã ghi nhận những thành tựu của trường trong những năm qua, ông đánh giá cao những nỗ lực đổi mới chương trình đào tạo của trường: “Từ thực tiễn quá trình quản lý, sử dụng nhân lực ngành xây dựng cho thấy nguồn nhân lực được đào tạo từ trường ĐH Xây dựng có những ưu thế nổi trội là: Có nền tảng kiến thức cơ bản, kiến thức chuyên ngành tốt và có khả năng vận dụng kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn công tác; Được đánh giá cao về năng lực chuyên môn, tư duy nghề nghiệp, tính sáng tạo và khả năng thích ứng; có thái độ làm việc nghiêm túc, tính độc lập, tự chủ và tinh thần nỗ lực vươn lên….“
Bộ Xây dựng cũng thống nhất với các mục tiêu, giải pháp nhà trường đã và đang triển khai. Là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực xây dựng, Bộ đề nghị nhà trường quan tâm thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
– Xây dựng lộ trình đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo hợp lý, ưu tiên các chuyên ngành mũi nhọn của trường;
– Đổi mới đào tạo cần đi đôi với cải tiến mô hình quản lý, phát huy dân chủ và năng lực sáng tạo trong dạy và học;
– Gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, tư vấn dịch vụ kỹ thuật, sản xuất…
– Tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác trong nước và quốc tế, nâng cao chất lượng đội ngũ GV, cán bộ khoa học, chuyên gia…
– Đặc biệt coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng toàn diện cả về kiến thức, kỹ năng và thái độ cho người học, quan tâm đến việc đào tạo nguồn nhân lực cho các địa phương, vùng sâu vùng xa, dân tộc thiểu số…
Với sự tham gia của lãnh đạo các Công ty, đơn vị tư vấn uy tín trong ngành xây dựng như: Công ty Coninco, Tập đoàn Delta, Công ty CP Tư vấn và TK XD Việt Nam CDC, Công ty CP Tin học và Tư vấn XD CIC… và các đối tác đào tạo từ các trường ĐH trên thế giới, nguồn nhân lực được đào tạo từ trường ĐH Xây dựng được đánh giá nhìn nhận qua những góc nhìn đa chiều của các nhà tuyển dụng, các chuyên gia. Từ đó, các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo đã được đề xuất. Được biết, trường ĐH Xây dựng đã ký kết thoả thuận hợp tác với nhiều Công ty lớn trong ngành. Đây là cơ hội để trường nắm bắt được nhu cầu đào tạo của thị trường nhằm xây dựng, cải tiến chương trình đào tạo cho phù hợp với thực tế; qua đó các doanh nghiệp cũng tiếp cận với nguồn nhân lực được đào tạo theo yêu cầu; đồng thời, người học cũng sớm tiếp cận với môi trường làm việc thực tế, hoàn thiện các kỹ năng để sẵn sàng hội nhập với môi trường làm việc trong nước và quốc tế. Sự gắn kết giữa nhà trường và đơn vị sử dụng lao động góp phần đảm bảo hài hoà lợi ích giữa các bên gồm Nhà nước – Nhà trường – Doanh nghiệp – Người lao động. Đây là một hướng đi đúng đắn của Nhà trường trong quá trình đổi mới toàn diện, hướng tới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của xã hội trong xu hướng hội nhập toàn cầu.
Vi Khánh/ TCKT.VN
© Tạp chí Kiến trúc