Kiến trúc với xây dựng nông thôn mới

Sáng ngày 22/11 tại KS Hoà Bình, TP Hoà Bình đã diễn ra Hội thảo Gặp gỡ Mùa thu 2019 với chủ đề “Kiến trúc với xây dựng nông thôn mới”. Hội thảo nằm trong chuỗi chương trình Hội nghị Ban chấp hành T.Ư Hội KTS Việt Nam Lần 7 Khoá IX nhằm chia sẻ với các KTS, nhà quản lý, nhà đầu tư… về các kinh nghiệm thiết kế, mô hình phát triển nông thôn mới. Bên cạnh đó, Hội KTS Việt Nam mong muốn truyền tải thông điệp: Khuyến khích các KTS đưa bản sắc địa phương vào thiết kế, góp phần thực hiện thành công chính sách của Đảng, chính phủ là xây dựng nông thôn mới đậm đà bản sắc văn hoá, đời sống bà con nông dân được nâng cao.

Phát biểu chào mừng các KTS cả nước đến với Hoà Bình, Ông Bùi Văn Khánh – Phó bí thư Tỉnh Ủy, Chủ tịch UBND Tỉnh Hòa Bình nhấn mạnh: “Hội thảo với chủ đề “Kiến trúc với phát triển nông thôn” được tổ chức với rất nhiều tâm huyết, tìm tòi, trăn trở về việc làm thế nào để cùng chung tay kiến tạo nhà ở nông thôn Việt Nam. Chúng tôi kỳ vọng Hội KTS Việt Nam là đơn vị tiên phong, đóng vai trò quan trọng trong việc phát động và tuyên truyền những ý tưởng khả thi đến với người dân. Đồng thời, chúng tôi cũng mong muốn giới KTS tiếp tục nghiên cứu, tìm kiếm giải pháp thiết kế kiến trúc phải làm sao mang đậm bản sắc văn hoá, hướng đến các công trình kiến trúc xanh, tiết kiệm năng lượng, hài hoà với cảnh quan thiên nhiên và sử dụng vật liệu địa phương thân thiện với môi trường, góp phần giảm chi phí xây dựng nhà cho người dân nông thôn.”

Khai mạc hội thảo, KTS Nguyễn Tấn Vạn – Chủ tịch Hội KTS Việt Nam chia sẻ: “Chúng ta đã và đang tham dự vào 1 chương trình có ý nghĩa rộng lớn đó là xây dựng nông thôn mới, hiện đại và đậm bản sắc. Đây đó đã có những mô hình hay. Tuy vậy chúng ta chưa có giải pháp đột phá về cách làm, cách tổ chức có tác dụng đột phá, lan toả nhanh, rộng khắp và hiệu quả để đem đến cho mỗi làng, mỗi nhà, mỗi người dân có cơ hội ứng dụng, trở thành phong trào toàn dân đổi mới nếp sống, không gian sống, tiện nghi sống phù hợp với sự phát triển của công nghệ, của văn hoá và xã hội. Đấy chính là mong muốn đạt được của Gặp gỡ Mùa thu 2019, là tìm kiếm mô hình, giải pháp, góp phần xây dựng nông thôn Việt Nam.”

Để làm rõ hơn về vấn đề kiến trúc tạo nên các giá trị cho vùng nông thôn KTS Lã Thị Kim Ngân – Phó Viện trưởng phụ trách Viện kiến trúc đề xuất trong báo cáo dẫn luận: “Nông thôn Việt Nam gắn với văn minh lúa nước, hình thành và lưu giữ những giá trị văn hoá truyền thống, từ các phong tục, tập quán, lễ hội đến kiến trúc, mỹ thuật, điêu khắc… Văn hoá nông thôn Việt Nam được tích tụ từ đời này qua đời khác, từ gian khó đói nghèo, từ công cuộc chống ngoại xâm đến xây dựng phát triển đất nước. Thời gian để lại những giá trị to lớn về vật chất và tinh thần, các ngôi đình làng đầy tình nghệ thuật, những bản làng mộc mạc thuần khiết, những ngôi nhà sàn, nhà mái tranh, mái lá ấm áp tình cảm gia đình, quan hệ xóm giềng v.v… Bảo tồn, phát huy các giá trị cốt lõi về văn hoá truyền thống là một trong những mục tiêu của phát triển nông thôn mới.”

Vai trò và thách thức của Hội KTS trong tham gia phát triển nông thôn là vô cùng quan trọng, cần nhận diện được nhiệm vụ của quy hoạch, kiến trúc cũng như tìm ra những khó khăn để đương đầu. Ths Ngô Tất Thắng – Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung Ương nhận định: “Quy hoạch nông thôn mới hiện nay cơ bản đã hoàn thiện, tuy nhiên sự phát triển mạnh theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa ở các địa phương rất cần có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng để khớp nối, điều phối tiến độ thực hiện, lựa chọn các bước đi chp phù hợp. Mặt khác các đô thị bùng nổ quá nhanh trong khi quy hoạch nông thôn mới cũng ồ ạt “về đích” không kiểm soát được, theo không kịp xây dựng đồng bộ các cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. khiến nhiều giá trị của các quĩ đất dự trữ phát triển bị mai một, nhiều giá trị văn hóa tại các vùng nông thôn bị phá vỡ.”

Hội thảo Gặp gỡ Mùa Thu 2019 đặc biệt có sự tham gia, chia sẻ kinh nghiệm của những chủ đầu tư kiêm thiết kế “không chuyên” nhưng đã tự mình tìm tòi học hỏi tạo nên một cộng đồng giúp bà con nông thôn làm du lịch cải thiện cuộc sống. Ông Lê Ngọc Thuận – Chủ tich Hội Homestay Quảng Nam có chia sẻ về bài học thực tiễn từ quá trình phát triển du lịch của một làng chài nghèo ven biển – làng chài An Bàng – Hội An. Năm 2010, An Bàng là một làng chài hoang sơ, yên bình, người dân chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt phụ thuộc vào thời vụ. Gần 10 năm trôi qua, An Bàng nay đã chuyển mình từ làng quê nghèo thành một làng quê phát triển du lịch cộng đồng. Từ một mô hình homestay đầu tiên của ông Thuận, dựa vào cộng đồng và phương hướng sử dụng tài nguyên thiên nhiên đúng đắn, người dân đã gìn giữ được giá trị văn hoá phi vật thể của An Bàng đồng thời phát triển du lịch ngày một nổi tiếng.

Tạo dựng kiến trúc hiện đại – bản địa nói chung và khu vực nông thôn miền núi nói riêng là thách thức, trách nhiệm toàn xã hội, trong đó, KTS giữ vai trò then chốt. KTS Hoàng Thúc Hào – Văn phòng kiến trúc 1+1>2 chia sẻ: “Kiến trúc xã hội – cộng đồng trước hết đáp ứng các nhu cầu sử dụng cấp thiết của cng đồng, hài hoà với khung cảnh. Mục tiêu hướng đến việc tăng cường kết nối người dân, duy trì các hoạt động chung, các sinh hoạt văn hoá và tâm linh, góp phần bảo vệ sự đa dạng văn hoá của từng khu vực. Những kiến trúc cộng đồng tuy nhỏ, mang nhiều tính dân gian những có tác động lâu dài, đóng góp vào việc giáo dục các thế hệ tương lai, hướng tới phát triển bền vững. Yếu tố bản địa then chốt trong kiến trúc xã hội – cộng đồng là tôn trọng bối cảnh, sử dụng vật liệu truyền thống cùng những công nghệ đổi mới thích hợp, không gian cấu trúc linh hoạt và vai trò của địa phương.”

Qua hội thảo lần này, Hội KTS Việt Nam mong muốn chia sẻ, giới thiệu các điển hình phát triển nông thôn mới, mô hình phát triển sản phẩm nông nghiệp gắn với du lịch nông thôn mang lại giá trị về kinh tế và kiến trúc. Gửi thông điệp: Phát huy bản sắc kiến trúc dựa vào địa phương (dân tộc, vùng miền…) thông qua hình ảnh kiến trúc và sinh hoạt văn hoá, có giữ gìn giá trị văn hoá truyền thống thì kinh tế sẽ phát triển bền vững. Mọi sự thành công cần có sự vận động của nhiều tác nhân tham gia đặc biệt người dân địa phương, khuyến khích KTS và bà con cùng tham gia. Kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước có chế độ đặc biệt thông qua công việc của mình, hoàn thành trách nhiệm với xã hội, cộng đồng… góp phần thực hiện thành công chính sách của Đảng, chính phủ, xây dựng nông thôn mới đậm đà bản sắc văn hoá, đời sống bà con nông dân được nâng cao.

Bích Thủy – TCKT.VN
© Tạp chí kiến trúc