Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Giáo sư – Kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh

Sáng ngày 15/5/2020, tại trụ sở Hội Kiến trúc sư Việt Nam (40 Tăng Bạt Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã diễn ra lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Giáo sư – Kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh (1920-2003). Buổi lễ do Hội Kiến trúc sư Việt Nam và gia đình GS.KTS Ngô Huy Quỳnh tổ chức. Gia đình và nhiều đồng nghiệp, học trò các thế hệ đã đến dự buổi lễ long trọng nhưng cũng đầm ấm, gần gũi, chân tình này.

KTS Nguyễn Quốc Thông – Phó Chủ tịch Hội KTSVN phát biểu trong lễ kỷ niệm

GS.KTS Ngô Huy Quỳnh là kiến trúc sư lão thành của giới kiến trúc sư Việt Nam. Ông đã có nhiều đóng góp trong sự nghiệp kiến thiết, xây dựng đất nước và được coi là một trong những người đặt nền móng cho nền kiến trúc Việt Nam hiện đại.

GS.KTS Ngô Huy Quỳnh sinh ngày 15/5/1920, quê quán tại thôn Ngọc Lập, xã Phùng Chí Kiên, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Ông tốt nghiệp kiến trúc sư khóa 10 (1938-1943) trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, thuộc thế hệ kiến trúc sư đầu tiên của Việt Nam được đào tạo chính quy. Tuổi trẻ ông đã sớm có nhận thức về thời cuộc và đi theo cách mạng, tham gia kháng chiến. Ở tuổi 25, kiến trúc sư trẻ Ngô Huy Quỳnh đã được tin tưởng giao thiết kế và thi công Lễ đài Độc lập ở Quảng trường Ba Đình – nơi Bác Hồ đọc tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945. Đó là công trình có ý nghĩa lớn nhất trong cuộc đời hoạt động nghề nghiệp của GS.KTS Ngô Huy Quỳnh.

Năm 1948, ông là một trong 8 kiến trúc sư sáng lập Đoàn Kiến trúc sư Việt Nam, tiền thân của Hội Kiến trúc sư Việt Nam ngày nay. Đi theo kháng chiến và đam mê nghề nghiệp, ông giữ nhiều cương vị công tác và trọng trách được Đảng và Nhà nước giao phó trong lĩnh vực kiến trúc – xây dựng. Ông là tác giả của nhiều công trình kiến trúc, đồ án quy hoạch, công trình nghiên cứu. Có thể kể tới như: Đồ án quy hoạch Hà Nội, đồ án quy hoạch Quảng trường Ba Đình, đồ án quy hoạch Nhà Quốc hội ở khu Quần Ngựa, thiết kế phương án Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, sách Lịch sử Kiến trúc Việt Nam…

Ông cũng là một giáo sư đầu ngành kiến trúc, từng giảng dạy ở Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kiến trúc Hà Nội, nước Cộng hòa Angola… Ở cương vị này, ông đã đào tạo nhiều thế hệ kiến trúc sư tài năng cho đất nước và viết hàng chục giáo trình đào tạo chuyên ngành có giá trị. Bên cạnh những vai trò quản lý và chuyên môn nghề nghiệp, ông còn được biết tới như là một họa sỹ tài năng, đã để lại hàng trăm tác phẩm hội họa trên nhiều chất liệu.

Họa sỹ Ngô Thành Nhân – con trai GS.KTS Ngô Huy Quỳnh thay mặt gia đình nói lời cảm ơn tới Hội KTSVN và các đại biểu tới dự lễ
Cuốn sách “Kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh”

Cũng trong buổi lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh GS.KTS Ngô Huy Quỳnh, Hội Kiến trúc sư Việt Nam và gia đình ông đã giới thiệu, cho ra mắt cuốn sách “Kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh”. Cuốn sách được coi như biên niên sử cuộc đời của ông, với nhiều hồi ức và kỷ niệm không thể nào quên. Cùng với những trang viết về cuộc đời kiến trúc sư, là những tác phẩm hội họa của ông mà gia đình ông vẫn trân trọng gìn giữ.

Hơn 80 năm cuộc đời và 60 năm nghề nghiệp, GS.KTS Ngô Huy Quỳnh đã cống hiến không mệt mỏi cho nền kiến trúc Việt Nam. Nhớ tới ông, là nhớ tới một con người với nhân cách lớn, một kiến trúc sư giàu nhiệt huyết và đam mê với nghề, một trí thức dấn thân với cách mạng và đất nước, một nhà quản lý tài năng, một nhà nghiên cứu uyên bác, một nhà giáo tận tụy, một nghệ sỹ đa tài… Những đóng góp của ông đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận, trao tặng cho ông Huân chương Độc lập hạng nhất, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật… Tên ông đã được đặt cho một con đường ở quận Long Biên, Hà Nội từ năm 2019. Lịch sử kiến trúc Việt Nam mãi ghi khắc tên ông như một vì sao sáng chói…

Bài & ảnh: Hà Thành

© Tạp chí kiến trúc