Ngày 7/12/2010, tại số nhà 10 Nguyễn Chế Nghĩa (Hà Nội) - ngôi nhà nơi sinh thời KTS Tạ Mỹ Duật sống và làm việc, con trai nối nghiệp ông, KTS Tạ Mỹ Dương – đã tổ chức Gặp mặt 100 năm ngày sinh KTS Tạ Mỹ Duật (7/12/1910 – 7/12/2010). Đến dự với gia đình có Chủ tịch Hội KTS Việt Nam Nguyễn Tấn Vạn; nguyên Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội KTS Nguyễn Trực Luyện và KTS Cao Xuân Hưởng, các đồng nghiệp và các thế hệ học trò của ông cùng bà con nội, ngoại thân thuộc. Mọi người đã cùng ôn lại những kỷ niệm một thời, những đức tính, tư cách sống và làm việc của KTS Tạ Mỹ Duật. Nhân dịp này gia đình đã giới thiệu cuốn sách “Dấu ấn thời gian của KTS Tạ Mỹ Duật do KTS Tạ Mỹ Dương chủ biên. (Nhà xuất bản Khoa học Kỹ thuật, 2010).
Tạ Mỹ Duật thuộc thế hệ KTS đầu tiên ở nước ta. Ông hoạt động nghề nghiệp không biết mệt mỏi, gắn chặt cuộc sống với dân tộc và cách mạng, sáng tạo được nhiều tác phẩm có giá trị: phong phú về đề tài, đa dạng về thể loại, có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao. Đó là những đồ án sáng tạo kiến trúc đã được xây dựng hoặc là kết quả các cuộc thi sáng tác kiến trúc trước và sau Cách mạng Tháng Tám. Đó là loạt bài lý luận phê bình kiến trúc, đã được các báo, tạp chí ở Trung ương và địa phương đăng tải suốt mấy thập niên cuối thế kỷ XX. Đó là những tác phẩm mỹ thuật đã trưng bày một phần trong hai cuộc triển lãm được giới chuyên môn và công chúng Thủ đô yêu thích. Cần cù, say mê với nghề nghiệp, gắn bó với nghệ thuật, nhạy cảm với cuộc sống và lý luận phê bình sắc bén…là những điều dễ nhận thấy ở KTS Tạ Mỹ Duật. Những đóng góp của ông đã được Nhà nước tặng thưởng Huân Chương Kháng chiến Hạng Nhì, Huân chương Chống Mỹ cứu nước Hạng Nhất.

KTS Tạ Mỹ Duật
Tạ Mỹ Duật sinh ngày 7-12-1910(*) tại xã Đồng Tiến, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Sau khi tốt nghiệp trường Thành chung, năm 22 tuổi ông thi đỗ vào Trường Mỹ thuật Đông Dương, học cùng lớp với Đỗ Hữu Dư (Hoàng Linh) và Phạm Khắc Hệ (Phạm Hoàng), khóa 8 (1932-1937)(**), tốt nghiệp KTS ở tuổi 27.
Trước Cách mạng Tháng Tám, KTS Tạ Mỹ Duật hành nghề tự do, mở Văn phòng Kiến trúc ở phố Nguyễn Du – Hà Nội. Thời gian này ông đã nổi tiếng qua các kỳ thi sáng tác kiến trúc, phương án của ông đã đoạt Giải Nhất, Giải Nhì trong nhiều cuộc thi toàn quốc và Đông Dương : Giải Nhất cuộc thi Trung tâm Thể dục Thể thao Cần Thơ và Trung tâm Thông tin và Báo chí Huế.
Ý tưởng thiết kế phương án Đông Dương học xá (***) của KTS Tạ Mỹ Duật đã khai thác đậm sắc thái kiến trúc dân tộc mà rất hiện đại. Ban Giám khảo (do KTS người Pháp nổi tiếng thời bấy giờ là Athur Kruze làm Trưởng ban) đã đánh giá rất cao phương án của ông. Toàn quyền Đông Dương Jean – Decoux đã trao số tiền thưởng Giải Nhì cuộc thi là 2000 đồng tiền Đông Dương cho KTS Tạ Mỹ Duật. Sau cuộc thi này, ông được mời cộng tác thiết kế kỹ thuật với các KTS người Pháp. Công trình Đông Dương học xá sau đó được khai thác những nét hay của những phương án đoạt giải – trong đó có ý tưởng của KTS Tạ Mỹ Duật – để xây dựng. Ý tưởng thiết kế chùa Quán Sứ, Hà Nội (năm 1941) ông cũng khai thác kiến trúc truyền thống đoạt Giải Nhì cuộc thi.
Nhiều biệt thự kiểu châu Âu hay kiểu Á Đông do KTS Tạ Mỹ Duật tìm tòi, thiết kế đã được xây dựng ở nhiều nơi như Hà Nội, Nam Định, Hải Dương, Thanh Hóa, Vinh,…
Một số công trình đã xây dựng ở Hà Nội vào năm 1938 – năm KTS Tạ Mỹ Duật mới tốt nghiệp được nhiều người ưa thích, đánh giá cao như biệt thự số 67 phố Nguyễn Du (phong cách Hiện đại), biệt thự số 25 đường Hùng Vương (cộng tác với Cerutti), biệt thự kiểu Phong cách Kiến trúc Đông Dương 27 phố Nguyễn Đình Chiểu và biệt thự số 28 Hàng Chuối (năm 1940), biệt thự hai tầng ở phố Nguyễn Thượng Hiền (nay là Tạp chí Cộng sản)…
KTS Tạ Mỹ Duật cộng tác với KTS Pháp Cerutti thiết kế tòa nhà Bưu điện ở Bờ Hồ.
Trong những ngày Cách mạng Tháng Tám sôi nổi, kiến trúc sư Tạ Mỹ Duật đã tích cực hoạt động trong Hội Văn hóa Cứu quốc. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, ông rời Hà Nội lên chiến khu Việt Bắc.
KTS Tạ Mỹ Duật có công lớn trong việc sáng lập Đoàn Kiến trúc sư Việt Nam, tổ chức tiền thân của Hội KTS Việt Nam ngày nay. Ngay từ trung tuần tháng 3 năm 1948, ở dưới đồi cọ Ấm Thượng (Phú Thọ), họa sĩ Tô Ngọc Vân với cương vị Ủy viên Ban Chấp hành lâm thời Hội Văn nghệ Việt Nam, cùng nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã cùng các KTS ở Liên khu X: Tạ Mỹ Duật, Nguyễn Nghi, Võ Đức Diên bàn về Hội nghị KTS toàn quốc. KTS Tạ Mỹ Duật là một trong 8 KTS sáng lập và dự Hội nghị thành lập Đoàn Kiến trúc sư Việt Nam trong các ngày từ 24-4 đến 27-4-1948 tại Thản Sơn (Việt Bắc). Hội nghị này đã bầu ông làm Ủy viên Ban Chấp hành khóa I. Sau đó, tại Hội nghị thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam, ông cũng được bầu vào Ban Chấp hành khóa I.
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ trong thư gửi Hội nghị thành lập Đoàn KTS Việt Nam: “…chú trọng đặc biệt tới vấn đề nhà ở tại thôn quê, tìm ra những kiểu nhà giản dị và cao ráo, sáng sủa và rẻ tiền”, ông đã hăng say sáng tác nhiều kiểu nhà cho nông thôn, nhà miền núi, trung du, đồng bằng, ven biển, ngoại thành… Mỗi dạng nhà đó, có hàng chục mẫu cho các căn hộ ít, trung bình hoặc đông người, xây dựng bằng vật liệu kiên cố hoặc tạm thời.
Một mảng rất đáng kể trong sự nghiệp của KTS Tạ Mỹ Duật là những nghiên cứu, thiết kế các công trình công cộng: Chòi phát thanh và nhà thông tin, trạm y tế xã, lớp bình dân học,… là những kiểu được in để xây dựng rộng rãi ở chiến khu Việt Bắc.
KTS Tạ Mỹ Duật đã chủ trì thiết kế và xây dựng khu Giao tế Trung ương, lúc bấy giờ là ATK (an toàn khu) của kháng chiến với quy mô rộng lớn xây dựng ở Thái Nguyên trong những năm 1950-1951, Ông đã miêu tả cụm 20 công trình lớn nhỏ này như sau: “… Một tổng thể gồm đủ các loại nhà, nhà nghỉ, nhà ăn, nhà khánh tiết, phòng căng tin… có đầy đủ tiện nghi và cũng không kém phần thẩm mỹ. Bàn ghế bằng trúc óng ả, lọ hoa bằng khúc gỗ khô, bức rèm phên thấm lọc ánh sáng dịu mắt, phản xạ qua khe lá…”. Một công trình nữa cũng được giới quân đội rất khen ngợi, đó là nơi họp Hội nghị tham mưu: Quân huấn toàn quốc. Với những đóng góp cho kháng chiến cộng thêm với nhiệt tình cách mạng, ông đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (1949).
Năm 1950-1951, ông được điều về làm chuyên viên Vụ Kiến trúc, Ban Nghiên cứu Kế hoạch và Kỹ thuật thuộc Bộ Giao thông – Công chính, tiền thân của Bộ Kiến trúc tức Bộ Xây dựng ngày nay
Sau ngày hòa bình lập lại, trở về Hà Nội, KTS Tạ Mỹ Duật đảm nhiệm nhiều công tác của đoàn thể và Nhà nước. Năm 1962- 1975 đảm nhiệm Cục phó Cục Xây dựng Hà Nội, Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội.
Mặc dù bận làm công tác quản lý, KTS Tạ Mỹ Duật đã dành nhiều thời gian và công sức đào tạo thế hệ KTS kế tiếp. Nhiều học trò của ông sau này đã là những trụ cột trong công tác sáng tác và quản lý kiến trúc. Đồng thời, ông vẫn tham gia sáng tác không biết mệt mỏi. Những công trình kiến trúc của ông đóng góp cho một giai đoạn lịch sử kiến trúc những năm đầu xây dựng chế độ mới, như thiết kế Trường trung cấp Thương nghiệp Mai Dịch – Hà Nội, trong đó có hội trường, nhà học, nhà ký túc xá mái bằng, nhà ăn có mái ngói, đã tạo nên một tổng thể mới lạ thời đó. Nhà khách và hội trường Bộ Nội thương ở Phạm Đình Hồ, nhà ở tập thể Bộ Ngoại thương ở phố Lê Quý Đôn, tiểu khu nhà ở Trần Quốc Toản, Hà Nội. Trung tâm dịch vụ Vĩnh Linh và nhiều cửa hàng bách hóa tổng hợp ở các tỉnh thành như Hải Dương, Thanh Hóa, Vinh,…

Lãnh đạo Hội KTS VN đến dự buổi gặp mặt 100 năm ngày sinh KTS Tạ Mỹ Duật
Với cương vị của mình, KTS Tạ Mỹ Duật đã để đóng góp vào công tác quy hoạch xây dựng và cải tạo Thủ đô Hà Nội. Ngoài ra, ông còn tự nghiên cứu thiết kế nhiều nhà ở ít tầng để xây dựng ở nội, ngoại thành Hà Nội và nhiều vùng nông thôn khác nhau, từ đồng bằng đến trung du, miền núi phía Bắc. Nhiều hơn cả là các kiểu nhà nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ – thiết kế cải tạo ngôi nhà ba gian, năm gian cổ truyền. Từ cơ sở cơ cấu nhân khẩu các loại căn hộ, vật liệu của từng địa phương, ông đã thiết kế các kiểu nhà có diện tích, mặt bằng và quy hoạch lô đất ở khác nhau. Các mẫu nhà ở đều đề cập đến chỗ làm việc cho người lớn, nơi học tập cho trẻ em và tạo thành một không gian khép kín. Những tác phẩm này được ông thu thập để mở cuộc triển lãm “Mẫu nhà ở ít tầng” năm 1978 tại số 4 phố Tràng Thi (Hà Nội).
Các công trình của KTS Tạ Mỹ Duật thiết kế có đặc điểm là đường nét và hình khối kiến trúc đơn giản, gợi cảm, đậm đà tính truyền thống. Tác giả chú ý đến yếu tố thiên nhiên, khí hậu và con người cũng như nếp sinh hoạt văn hóa mới. Ông đã khéo khai thác màu sắc, chất liệu vật liệu để làm đẹp, tổ chức không gian hợp lý, làm phong phú thêm nội dung công trình. Đặc điểm tiêu biểu này còn thể hiện rõ trong phương án thiết kế Lăng Bác và quy hoạch khu Quảng trường Ba Đình.
Sau ngày thống nhất đất nước, KTS Tạ Mỹ Duật và KTS Trần Hữu Tiềm phối hợp thiết kế Nghĩa trang Liệt sĩ Đà Lạt; chủ trì thiết kế Bảo tàng Hùng Vương, Phú Thọ (cùng các KTS Vương Văn Lai, Lưu Tương Giang).
Triển lãm “Kiến trúc và hội họa” của ông từ 12 đến 31 tháng 8 năm1985 tại 23 Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội không chỉ nhận được sự quan tâm của giới kiến trúc mà còn của đông đảo nhân dân Thủ đô. Với gần 30 kiểu nhà ở nông thôn được thiết kế trong thời bình và “mẫu nhà ở ít tầng” tại triển lãm năm 1978, các mẫu nhà ở thiết kế trong chiến khu Việt Bắc chứng tỏ KTS Tạ Mỹ Duật đã trăn trở nơi ăn chốn ở cho tầng lớp nhân dân nghèo từ nông thôn đến thành thị. Ông còn có bộ sưu tập 80 bài báo về kiến trúc và quy hoạch đô thị viết từ năm 1948 đến năm 1984 .
Tình yêu thiên nhiên đất nước và cuộc sống sinh động đã đưa đến cho ông rung động nghệ thuật, mở rộng giới hạn kiến trúc đến với hội họa. Đặt mối tương quan gắn bó với môi trường không gian với nghệ thuật tạo hình, tác giả đã sáng tác những bức tranh không chỉ mô phỏng thiên nhiên mà còn thổi hồn vào đó, với những hình khối kiến trúc nằm trong bố cục tranh.
Với bút pháp của hội họa, góc nhìn của kiến trúc, Tạ Mỹ Duật đã thể hiện khá nhuần nhuyễn hơn 20 bức tranh sơn dầu và ký họa để nhân dân Thủ đô chiêm ngưỡng. Bức ký họa nhà số 9, ngõ Công-poanh, Paris (Pháp), các tranh sơn dầu “Phố cổ Hội An” (Quảng Nam) “Ngày mùa”, diễn tả những hình ảnh hiện thực, hướng người xem đến một tương lai tươi đẹp. Tác giả đã dành nhiều thời gian sáng tác về Hà Nội: “Công trường Giảng Võ” diễn tả bằng gam màu ấm tạo cho bức tranh người xem cảm xúc rung động sức sống về tương lai; Tranh “Một ngày mưa hiếm có” thể hiện trận mưa kéo dài nhiều ngày trong tháng 11-1984 ở Hà Nội, bức tranh thể hiện bút pháp thanh thoát, tinh tế, ngoài ra, tác giả còn muốn qua tranh ngầm nhắc nhở giới kiến trúc Hà Nội : Nước ngập lưng chừng chỗ dựa ghế đá quanh Hồ Gươm, cầu Thê Húc chỉ nhô lên đoạn cong ngắn ở giữa, trấn Ba Đình nước dâng lên đến lưng chừng cột… liệu mà nghiên cứu thoát nước cho tốt. Ông đã vẽ 40 bức tranh, đa số là sơn dầu, khổ lớn các cảnh đẹp trong nước và cảnh đẹp Liên Xô (cũ), Pháp, Nigeria v,v…Nhiều tranh của ông hiện tại được lưu giữ tại Hà Lan, Thụy Điển, Pháp, châu Phi…
Tại Đại hội Kiến trúc sư lần thứ III, ông được bầu làm Cố vấn Ban Chấp hành Hội Kiến trúc sư Việt Nam. Đại biểu Quốc hội khóa III, đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa II, IV, V, VI.
KTS Tạ Mỹ Duật qua đời ngày 18-1-1989.
Sự nghiệp của KTS Tạ Mỹ Duật khá toàn diện. Ông thiết kế kiến trúc, làm quy hoạch, vẽ mỹ thuật, và viết báo. Kiến trúc của ông tinh tế bao nhiêu thì lý luận của ông cũng sắc bén bấy nhiêu. Ông xứng đáng là gương mặt tiêu biểu cho trí thức Việt Nam thế kỷ XX.
Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của KTS Tạ Mỹ Duật, chúng ta ôn lại sự nghiệp của ông như thắp một nén nhang dâng lên hương hồn ông tưởng nhớ một con người, một sự nghiệp kiến trúc vốn luôn hướng tới vẻ đẹp Chân – Thiện – Mỹ.
KTS. Đoàn Đức Thành