KTS Nguyễn Trực Luyện: Nghĩ về 65 năm Hội KTS Việt Nam

Hơn 20 năm gắn bó với công tác Hội, giữ vai trò Tổng thư ký Hội KTS Việt Nam (nhiệm kỳ III, IV), Chủ tịch Hội KTS Việt Nam ( nhiệm kỳ V, VI), KTS Nguyễn Trực Luyện dù đã nghỉ hưu vẫn luôn nghĩ về “mái nhà chung” của giới KTS Việt Nam. Nhân dịp kỷ niệm 65 năm thành lập Hội KTS Việt Nam, phóng viên TCKT đã có buổi trò chuyện và ghi lại suy nghĩ, tâm tư của KTS Nguyễn Trực Luyện về sự kiện đặc biệt này. Trân trọng giới thiệu với bạn đọc

KTS Nguyễn Trực Luyện – nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam
Nhìn lại lịch sử 65 năm hoạt động của Hội KTS Việt Nam, tôi thấy có hai mốc quan trọng: Trước hết, đó là Hội nghị thành lập Đoàn KTS (tổ chức tiền thân của Hội KTS Việt Nam) diễn ra ở Thản Sơn, Vĩnh Phúc – tháng 4/1948. Lúc đó mới là năm thứ hai của cuộc kháng chiến chống Pháp, Đoàn KTS chính là hội nghề nghiệp đầu tiên ở nước ta được thành lập. Điều đặc biệt nữa là Hội nghị đã vinh dự được nhận thư của Bác Hồ với những lời căn dặn ân cần, cặn kẽ – Bức thư của Hồ Chủ tịch đã trở thành kim chỉ nam cho hoạt động của Đoàn KTS, sau này là Hội KTS Việt Nam và nhiều thế hệ KTS… Mốc thứ hai là Đại hội KTS Việt Nam lần thứ III họp tại Hà Nội năm 1983. Đây là Đại hội thống nhất KTS hai miền Nam – Bắc, hội tụ KTS trên toàn quốc, cả các KTS làm việc với chính quyền cũ… dưới một mái nhà chung. Đây là một Đại hội có ý nghĩa quan trọng bởi các lý do sau:

1.

Là Đại hội chuyển giao thế hệ, từ các KTS lão thành thuộc thế hệ thứ nhất (các KTS Hoàng Như Tiếp, Trần Hữu Tiềm, Nguyễn Cao Luyện, Tạ Mỹ Duật, Ngô Huy Quỳnh…) cho các KTS thế hệ thứ hai. Đại hội này tôi không tham dự được vì đang ở Liên Xô (cũ) cùng nhóm chuyên gia bạn  tham gia thiết kế Bảo tàng Hồ Chí Minh. Chỉ biết rằng những nội dung quan trọng của đại hội đã được bàn thảo hết sức nghiêm túc, phiên họp bầu lãnh đạo mới của Hội kéo dài đến tận 12g đêm ở Nhà hát lớn. Các KTS lão thành chuyển sang vai trò cố vấn, KTS Huỳnh Tấn Phát giữ chức Chủ tịch Hội,  các vị trí khác chuyển giao cho các KTS thế hệ thứ 2 với Ban thư ký gồm 11 người.

2.

Đại hội đã thống nhất việc đổi tên Đoàn KTS Việt Nam thành Hội KTS Việt Nam. KTS Huỳnh Tấn Phát đã làm việc với Ban chấp hành TW Đảng, đưa Hội về hoạt động trong “đại gia đình” văn học nghệ thuật.
Đó là những sự việc quan trọng, làm thay đổi định hướng, phương thức hoạt động của Hội. Phải nói rằng, với việc làm này, KTS Huỳnh Tấn Phát đã tạo thế đứng cho Hội, các thế hệ KTS sau này cần giữ gìn và phát huy thành quả đó để tiếp tục xây dựng Hội ngày càng vững mạnh. Sau Đại hội KTS lần thứ III, nhiều hoạt động của Hội đã được đổi mới, đề xuất những hướng đi thực sự mới mẻ, tác động tích cực đến tinh thần cũng như cuộc sống của đông đảo anh chị em KTS, trong đó nổi bật là:
  • Tạp chí Kiến trúc ra đời, đầu tiên là 1 quý/số, sau đó 2 tháng/ số rồi 1 tháng/số như bây giờ, từ khổ A4 đến khổ vuông… đó là một bước tiến dài của “cơ quan ngôn luận của Hội KTS Việt Nam”.
  • Thành lập Xưởng kiến trúc đầu tiên – tập hợp anh em làm nghề, hỗ trợ anh chị em KTS sáng tác và cải thiện đời sống…
  • Động viên, khuyến khích giới nghề bằng các giải thưởng, lập Hội đồng Kiến trúc, tổ chức Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2 năm/lần; tổ chức Giải thưởng Loa Thành dành cho đồ án tốt nghiệp KTS xuất sắc; tổ chức Liên hoan SV Kiến trúc hàng năm…
Với nhiều hoạt động như thế, hoạt động Hội KTS Việt Nam đã có những bước tiến mới, cả về chất và lượng. Các KTS lão thành, thế hệ KTS thứ hai đã đặt nền móng cho sự phát triển của Hội chúng ta, các thế hệ kế tiếp phải làm tốt nhiệm vụ kế thừa và phát huy sức mạnh tập hợp đội ngũ, đoàn kết giới nghề để xây dựng nền kiến trúc Việt Nam hiện đại. Tôi nghĩ, trong thời gian tới, hoạt động của Hội KTS Việt Nam cần chú trọng những vấn đề sau:
  • Đào tạo KTS, tạo nguồn bổ sung cho lực lượng làm nghề. Hiện nay, công tác đào tạo chạy theo số lượng, cần phải chấn chỉnh, củng cố chất lượng đào tạo.
  • Cải thiện điều kiện và môi trường làm nghề của KTS. Giai đoạn hiện nay rất khó khăn cho anh em làm nghề. Luật KTS mà Hội ta theo đuổi nhiều năm nay – theo tôi không gỡ hết được những bất cập trong thực tế. Nên chăng xây dựng Luật Hoạt động kiến trúc, điều chỉnh hoạt động của cả nhà đầu tư, KTS và nhà quản lý – những đối tượng chi phối chất lượng kiến trúc nước nhà.
  • Đẩy mạnh công tác tư vấn phản biện xã hội để từ đó khẳng định tiếng nói về mặt nghề nghiệp, nâng cao uy tín, vị thế của Hội trong xã hội, … Để làm được điều này, nội bộ Hội KTS Việt Nam cần đoàn kết, nhất trí về chủ trương, quan điểm – cải tiến môi trường hành nghề, nâng cao uy tín của Hội… tự khắc KTS sẽ tìm đến Hội nhiều hơn, tham gia hoạt động Hội tích cực hơn.
Kỷ niệm 65 năm thành lập Hội KTS Việt Nam, là người nhiều năm gắn bó với công tác Hội, xin được chia sẻ một vài suy nghĩ – để Hội KTS Việt Nam ngày càng vững mạnh, làm chỗ dựa tin cậy cho sự phát triển chung của nền kiến trúc Việt Nam trong tương lai…
Bích Vượng – TCKT.VN
© Tạp chí Kiến trúc