Nhân Đại hội VI Hội Kiến trúc sư tỉnh Thái Nguyên: Cần nhiều hơn sự quan tâm, kết nối

Luôn thay đổi và thích ứng cùng nhịp sống thời đại, kiến trúc đã, đang thể hiện vai trò quan thiết của mình trong sự phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Không chỉ là chuyện của riêng “những người làm ra đô thị”, sự phát triển của kiến trúc Thái Nguyên còn cần được kết nối từ nhiều yếu tố khác nữa…

Can_nhieu_hon_su_quan_tam_ket_noi

Can_nhieu_hon_su_quan_tam_ket_noi_2

Trải qua 5 kỳ đại hội, đến nay là đại hội nhiệm kỳ VI (tổ chức vào ngày 12 – 13/12/2014), xét ở thế mạnh nghề nghiệp thì hiện tỉnh ta có trên 100 kiến trúc sư (KTS) đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực, trong đó số hội viên Hội KTS Việt Nam sinh hoạt tại Hội KTS tỉnh Thái Nguyên là 62 người – khá đông đảo so với các tỉnh khác; đội ngũ được đánh giá là “có tầm” trong khu vực. Với vai trò là một tổ chức chính trị, xã hội – nghề nghiệp, Hội đã đóng góp một phần vào việc phản biện xã hội, giúp các cấp chính quyền trong chủ trương đầu tư các dự án của tỉnh như các khu quy hoạch, các đồ án đầu tư xây dựng. Trong 5 năm qua, Hội đã thực hiện tư vấn nhiều đề án, dự án, đóng góp đáng kể vào sự phát triển của đô thị Thái Nguyên. Dù chưa có những tác phẩm lớn nhưng đã có nhiều chuyển biến tốt về sáng tác, có thể kể đến như: Quy hoạch mới và quy hoạch điều chỉnh đô thị và các khu công nghiệp của thị xã Sông Công; thị trấn Ba Hàng (Phổ Yên); thị trấn Hùng Sơn, Yên Lãng, Cù Vân (Đại Từ); Phú Lương, Đình Cả (Võ Nhai); các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề… trên địa bàn; điểm dân cư nông thôn, quy hoạch các xã trên toàn tỉnh theo tiêu chí nông thôn mới. Nhiều đồ án thiết kế công trình như: Đại học Thái Nguyên, nhà máy TNG Đại Từ, Quảng trường Võ Nguyên Giáp, trụ sở Tỉnh ủy Thái Nguyên, Trung tâm hoạt động Thanh thiếu niên tỉnh…

Đối với công tác hoạt động Hội, nhiệm kỳ V (2010 – 2015) là mốc thời gian Hội KTS tỉnh Thái Nguyên có một “bức tranh” sôi nổi. Kết nạp thêm 27 hội viên mới; tổ chức triển lãm “Quy hoạch – kiến trúc Thái Nguyên”, sáng tác logo cho Liên hoan Trà Quốc tế Thái Nguyên – Việt Nam lần thứ Nhất (2011); hội thảo kiến trúc “Đô thị biển” tại Kiên Giang (2012); tham gia trại sáng tác do Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức tại Vũng Tàu, Nha Trang (2012 – 2013); phối hợp với Hội VHNT tỉnh tổ chức hội thảo “Quy hoạch – kiến trúc Thái Nguyên – góc nhìn KTS trẻ” (2013); tham gia nhiều chương trình tọa đàm, liên hoan của Hội KTS Việt Nam… Riêng đối với Chi hội Kiến trúc thuộc Hội VHNT tỉnh, hiện nay có 26 hội viên, hàng năm đều có các triển lãm kiến trúc, tham gia giải thưởng hàng năm, có nhiều đồ án chất lượng giành giải thưởng của Hội VHNT. Song hành cùng sự tích cực của Hội KTS là sự dịch chuyển khá mạnh của Công ty Tư vấn kiến trúc Thái Nguyên (thuộc Hội Kiến trúc sư Thái Nguyên, hoạt động trên lĩnh vực tư vấn xây dựng, được thành lập tháng 3/2001 dưới sự bảo trợ của Hội Kiến trúc sư Việt Nam và UBND tỉnh Thái Nguyên). Với đội ngũ trên 60 kiến trúc sư, kỹ sư chuyên ngành xây dựng có năng lực và kinh nghiệm, Công ty đã tạo dựng địa chỉ tin cậy và hài lòng của các nhà quản lý, các chủ đầu tư, khách hàng trong lĩnh vực tư vấn xây dựng.

Câu chuyện của kiến trúc rất sâu và rộng mà nếu không phải là người trong ngành sẽ rất khó để hiểu về nó. Theo lời KTS Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Công ty Tư vấn Kiến trúc Thái Nguyên – Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Thái Nguyên thì, có được những thành quả là một chuyện, song đi kèm với đó còn nhiều điều đáng suy ngẫm. Thực tế là, kiến trúc đã xuất hiện từ rất xa xưa, khi đến một vùng đất, dấu ấn dù là gì thì khởi nguồn cũng là cảnh quan, không gian, những thứ nhìn và cảm thấy được. Thái Nguyên có một nền kiến trúc truyền thống, song dường như các thế hệ lãnh đạo địa phương chưa dành sự quan tâm, nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của kiến trúc (với kiến trúc sư thì lại càng hời hợt hơn). Đáng buồn biết bao khi địa phương có những đề án, dự án quy hoạch nhưng kiến trúc Thái Nguyên lại đứng ngoài cuộc, nhường sân cho những… “khách mời” ở Hà Nội, hay một nơi nào đó khác.

Hội KTS cũng là một Hội đặc thù, nhưng so với các Hội đặc thù khác thì kiến trúc đang có phần thiệt thòi hơn khi không có không gian làm việc, không có kinh phí hoạt động, không biên chế… Từ những điều đó, vô hình chung phần nào ảnh hưởng đến sự kết nối của giới KTS. Trách nhiệm hội viên là tiêu chí cấu thành sự vững mạnh tổ chức, nhưng hiện tại rất nhiều cá nhân có ý tưởng, có kiến thức lại chưa mạnh dạn đóng góp và thể hiện. Cũng không quá nghiêm khắc đối với họ, bởi ngôn ngữ của KTS là vẽ, là kiến tạo không gian chứ không phải là viết lách hay trò chuyện, tuy nhiên cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng trách nhiệm đang bị… coi nhẹ; thêm nữa, một bộ phận KTS chưa thực sự quan tâm đến chất lượng thiết kế mà quan tâm đến thu nhập. Đa phần vẫn chỉ “chiều lòng” theo ý tưởng, thị hiếu khách hàng, chủ đầu tư mà chưa ghi dấu “bản sắc” của mình cho các công trình đó…

Trăn trở với những khuyết thiếu đó, khi chuẩn bị công tác đại hội nhiệm kỳ mới (2015 – 2020), Ban Chấp hành Hội cũng đã đề ra những mục tiêu, phương hướng hoạt động cụ thể, sát thực. Cũng theo như KTS Nguyễn Văn Cường, là người vừa làm công tác quản lý, vừa làm nghề, thì điều ông quan tâm nhất chính là phát triển vai trò của KTS. Rõ ràng từ những dự án lớn như Samsung, Núi pháo Mining, Festival Trà, cho đến vỉa hè trên đường phố…, trong từng mét đất của đô thị Thái Nguyên hôm nay là sự cống hiến của những người làm kiến trúc. Không giống như thơ, nhạc hay họa được giới thiệu, tôn vinh một cách thường xuyên, sinh động, kiến trúc nằm ẩn sau sự phát triển chung của kinh tế, văn hóa, giáo dục… Vì lẽ đó, KTS phải thực sự biết tỏa sáng và khẳng định giá trị của mình. Đó cũng là mục tiêu trọng điểm mà Hội sẽ quán triệt, đẩy mạnh trong thời gian tới.

Một nhiệm kỳ mới sẽ nhiều thách thức mới cho những người làm công tác kiến tạo, xây dựng đô thị Thái Nguyên. Trên tinh thần “Đoàn kết – trách nhiệm – sáng tạo”, niềm mong mỏi được quan tâm, tạo sự kết nối bền chặt giữa chính quyền với cơ sở Hội và giới kiến trúc sư cũng cần được xem xét kỹ lưỡng hơn. Bởi lẽ kiến trúc không chỉ là chuyện của những người làm ra đô thị mà đó là câu chuyện ẩn đằng sau của cả một nền kinh tế, văn hóa xã hội địa phương, thế nên rất cần cộng sinh nhiều yếu tố khác nữa.

Lê Đình / Hội VHNT Tỉnh Thái Nguyên