Tọa đàm “Di dời cơ sở sản xuất công nghiệp ở Hà Nội – Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về di sản công nghiệp”

Là một hoạt động trong khuôn khổ Dự án “Tái thiết di sản công nghiệp”, ngày 21/10/2021 vừa qua, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đã tổ chức tọa đàm với chủ đề”Di dời cơ sở sản xuất công nghiệp ở Hà Nội – Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về di sản công nghiệp”, theo hình thức trực tuyến, nhằm giới thiệu các hoạt động, báo cáo kết quả nghiên cứu sơ bộ của nhóm Dự án, cũng như trao đổi để tìm ra cách tiếp cận thực tế cho Việt nam và xây dựng mối quan hệ hợp tác với các bên liên quan. 

Sự kiện đã nhận được sự quan tâm, tham dự của đông đảo các chuyên gia, kiến trúc sư, nhà quản lý, chủ của những không gian sáng tạo được chuyển đổi từ nhà máy cũ, các kỹ sư nổi tiếng của Việt nam và các quốc gia châu Âu như Pháp, Italia, Tây Ban Nha. Thông qua chia sẻ cùng thảo luận, các diễn giả đã mang đến những thông tin thú vị cùng góc nhìn đa chiều về thực trạng di dời cơ sở sản xuất công nghiệp ở Hà Nội; kinh nghiệm quốc tế về tái thiết không gian công nghiệp và đặc biệt là những gợi mở quan trọng cho câu hỏi “Tương lai nào cho các không gian cơ sở sản xuất công nghiệp tại Hà Nội sau di dời?”

Hội thảo có sự tham gia của các diễn giả Tây Ban Nha và Pháp

Dự án “Tái thiết di sản công nghiệp” được hỗ trợ bởi Viện Văn hóa Quốc gia Châu Âu (EUNIC) nhằm thúc đẩy hợp tác văn hóa giữa các thành viên EUNIC  và các đối tác Việt Nam trong việc chuyển đổi các di sản công nghiệp thành các không gian văn hóa và sáng tạo tại Hà Nội. Dự án nhấn mạnh vào việc chia sẻ kiến thức, trao đổi kinh nghiệm về các mô hình đã được thực hiện thành công ở các nước thành viên EUNIC. Các mô hình này sẽ là cơ sở để các đối tác Việt Nam tham khảo, vận dụng xây dựng mô hình chuyển đổi phù hợp nhất với bối cảnh Việt Nam. Những bên tham gia hy vọng dự án sẽ đóng góp vào tiến trình bảo tồn các nhà máy cũ như là di sản công nghiệp của thành phố, chuyển đổi chúng thành các không gian văn hóa, sáng tạo nhằm góp phần tạo ra cơ sở hạ tầng cho nền công nghiệp văn hóa của Thủ đô.

Nói cụ thể hơn về dự án cũng như nội dung tọa đàm, PGS.TS.KTS. Lê Quân – Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội – Một đối tác địa phương của dự án khẳng định: “Tái thiết đô thị không đơn giản là việc xây mới trên nền các công trình cũ. Đó là cả một quá trình tác động vào đô thị và nó được gắn kết, có những mối quan hệ phức tạp với các lĩnh vực xã hội khác nhau. Với truyền thống đào tạo và kinh nghiệm lâu năm trong hợp tác quốc tế nghiên cứu về di sản và tái thiết đô thị, trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đặc biệt quan tâm tới chủ đề Tọa đàm. Trong bối cảnh Luật Kiến trúc đã có hiệu lực và bắt đầu đi vào cuộc sống, việc thực hiện một cách tiếp cận mới để nhận diện giá trị di sản, kiến trúc và văn hóa của các cơ sở sản xuất công nghiệp trong thành phố sẽ cung cấp được các cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc tái thiết đô thị từ không gian sau di dời của các cơ sở công nghiệp”.

Ông Nguyễn Đức Hùng, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội ( HUPI ), một trong số các diễn giả tham dự tọa đàm nhận định: “Công nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng cấu thành đô thị. Tuy nhiên trong quá trình đô thị hóa, các cơ sở công nghiệp hiện hữu đã, đang, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường – ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân và cản trở phát triển đô thị. Do vậy, việc di dời các cơ sở công nghiệp không phù hợp các quy chuẩn , tiêu chuẩn hiện hành, gây mất cân đối về hạ tầng xã hội và kỹ thuật , giao thông, ô nhiễm môi trường và không phù hợp với quy hoạch chung là cần thiết và cấp bách. Quỹ đất sau khi di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp được ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị; không làm tăng chất thải cho khu vực nội thành, đảm bảo cân bằng nhu cầu về hạ tầng xã hội, kỹ thuật và môi trường đô thị. Những công trình xây dựng có giá trị về lịch sử, văn hóa và kiến trúc cần được thực hiện bảo tồn, phục chế tôn tạo theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Ưu tiên sử dụng các công trình này cho các mục đích công cộng”.

Sau thành công của Cuộc thi “Thiết kế Không gian sáng tạo Hà Nội” được tổ chức mới đây, tọa đàm là hoạt động có ý nghĩa thực tiễn cao, góp phần bổ sung thêm nhiều bài học quý để giúp Hà Nội vững vàng hơn trên hành trình trở thành trung tâm hội tụ, thiết kế mới ở khu vực – kinh đô sáng tạo của Đông Nam Á.

Thu Vân – TCKT.VN
© Tạp chí Kiến trúc

Xem thêm: Cuộc thi Thiết kế Không gian sáng tạo Hà Nội