Sáng 8/6/2017, tại trụ sở Hội KTS Việt Nam , 40 Tăng Bạt Hổ, Hà Nội, Hội KTS Việt Nam đã phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức cuộc Tọa đàm mở rộng về Thông tư 17/2016/TT/BXD hướng dẫn về năng lực của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng với sự quan tâm, tham gia của đông đảo giới KTS đang hành nghề. PGS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông (Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam), TS.KTS Hồ Chí Quang (Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch – Kiến trúc, Bộ Xây dựng), KS Bùi Văn Dưỡng (Phó Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng, Bộ Xây dựng) đã cùng điều hành và ghi nhận những ý kiến của giới KTS tại cuộc tọa đàm.

Xem video Buổi tọa đàm tại đây.

Cuối năm 2016, khi Thông tư 17 có hiệu lực, giới KTS đã có nhiều ý kiến phản ánh về những bất cập trong nội dung của văn bản này. Hội KTS Việt Nam đã tổ chức nhiều buổi họp, lấy ý kiến của các chuyên gia và tổng hợp trong công văn gửi Bộ Xây dựng, đề xuất những góp ý cụ thể và đề nghị đối thoại để cùng nghiên cứu, điều chỉnh nội dung Thông tư cho phù hợp với thực tế, tạo điều kiện cho anh  em KTS làm nghề. PGS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam đề nghị các đại biểu tham gia tọa đàm tập trung thảo luận những vấn đề cốt lõi của Thông tư 17 như: Nội dung đánh giá năng lực cá nhân và tổ chức tham gia hoạt động xây dựng; phương thức đánh giá, cụ thể là sát hạch liệu có khách quan;  vấn đề quản lý: Tổ chức, cá nhân nào được quản lý và quản lý như thế nào cho hiệu quả; đào tạo KTS…

Đại diện Bộ Xây dựng, KTS Hồ Chí Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch – Kiến trúc Bộ Xây dựng cho biết:
“Việc hành nghề kiến trúc có tác động rất lớn đến xã hội, vì thế việc quản lý hành nghề kiến trúc rất được quan tâm, thể hiện qua nhiều quy định xuyên suốt quá trình phát triển của đất nước. Những ý kiến của các đại biểu sẽ được ghi nhận, nghiên cứu trong quá trình hoàn thiện văn bản luật. Chắc chắn sẽ có những nội dung cần sửa đổi của TT 17. Mặt khác, hôm nay, 8/6, khi cuộc tọa đàm đang diễn ra thì tại phiên họp thường kỳ, Quốc hội sẽ bấm nút thông qua việc xây dựng Luật Kiến trúc. Hy vọng với việc xây dựng và ban hành Luật Kiến trúc sẽ tạo ra một bước tiến mới cho quá trình hành nghề của giới KTS.”

Các đại biểu tham gia tọa đàm đã nêu nhiều ý kiến xung quanh quy trình đánh giá năng lực theo hệ thống cũ, việc sát hạch cũng như so sánh, đánh giá cấp bậc KTS, đề xuất việc học hỏi kinh nghiệm của các nước trên thế giới để xây dựng quy trình phù hợp với thực tế ở Việt Nam, đồng thời, tạo điều kiện cho các KTS trẻ làm nghề… Theo ý kiến của KTS Lê Thành Vinh, việc hoàn thiện quy trình quản lý nhà nước về hoạt động xây dựng là cần thiết nhưng trên quan điểm tạo điều kiện cho hoạt động của doanh nghiệp và khởi nghiệp, tăng cường tính xã hội, tránh độc quyền. Tuy nhiên, nội dung và phương thức thực hiện cần được nghiên cứu kỹ, tổ chức thi dưới hình thức sát hạch không đánh giá được năng lực của KTS. Việc phân hạng để cấp CCHN tại Cục quản lý hoạt động xây dựng, sở xây dựng các địa phương và Hội nghề nghiệp là chưa hợp lý…

Ông Bùi Văn Dưỡng, Cục Phó Cục quản lý hoạt động xây dựng, Bộ Xây dựng đại diện cho đơn vị soạn thảo Thông tư cho biết:
“Quá trình xây dựng thể chế, ban hành TT 17 mất trọn 1 năm, do có nhiều nội dung mới, cần lấy ý kiến các chuyên gia và các hội nghề nghiệp. Các quy định cũ có nhiều, đa phần thiếu định lượng trong việc đánh giá năng lực cá nhân và tổ chức làm nghề. Trên tinh thần cầu thị, chúng tôi lắng nghe để hoàn thiện thể chế, minh bạch và khách quan hơn.”

Một trong những nội dung gây bức xúc của TT 17 chính là hình thức sát hạch năng lực, các đại biểu đều cho rằng việc này không phản ánh được chính xác năng lực thực tế của KTS, nhất là với hình thức kiểm tra tương tự như… “thi lấy bằng lái xe”. Mặt khác, việc phân hạng KTS và các tổ chức được quyền cấp CCHN cũng cần nghiên cứu thêm – “Nếu làm không khéo, không nghiên cứu kỹ và đề xuất phù hợp với thực tiễn thì hoạt động của Cục quản lý hoạt động xây dựng sẽ vướng vào nhiều bất cập tương tự như Cục cấp phép biểu diễn của Bộ Văn hóa” – theo ý kiến của KTS Ngô Trung Hải.

Một KTS trẻ đến từ Công ty Kiến trúc Đất Việt cũng cho biết những hiện tượng tiêu cực đã xuất hiện xung quanh việc thực hiện TT 17. Anh băn khoăn: “Liệu buổi tọa đàm này và những động thái của giới nghề có thể tác động được đến Bộ Xây dựng để thay đổi TT 17?” – “Bởi lẽ, là doanh nghiệp trẻ, chúng tôi rất mong được tạo điều kiện, lược bỏ bớt những thủ tục hành chính nhiễu nhương để tập trung vào việc sáng tác và làm nghề.”

KTS Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam cho rằng:
“Chưa có Văn bản luật nào lại gây nhiều bức xúc cho giới nghề như TT 17. Cần phải nghiêm túc xem xét chứ không chỉ đơn thuần là việc giải thích về nội dung Thông tư. Phải hiểu về bản chất hành nghề KTS để ra văn bản luật phù hợp với thực tế làm nghề của anh em.”

Theo PGS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông thì TT đi vào cuộc sống và “có vấn đề”. Cần điều chỉnh TT theo hướng tạo điều kiện cho hành nghề KTS. Bộ Xây Dựng cần lắng nghe và có những nghiên cứu, điều chỉnh phù hợp. Tuy nhiên, điều chỉnh như thế nào thì cần sự kết hợp, đối thoại trực tiếp với những đối tượng trực tiếp ảnh hưởng bởi phạm vi quy định của TT.

Xem video Buổi tọa đàm tại đây.

Một số góp ý của Hội KTS Việt Nam sơ bộ như sau:

  • Tổ chức cấp CCHN: Đề nghị cơ quan quản lý không nên trực tiếp cấp CCHN, cần nghiên cứu kỹ để phù hợp với tình hình thực tế, nên tách bạch việc cấp CCHN của cá nhân và doanh nghiệp. Việc đánh giá năng lực, đạo đức nghề nghiệp KTS cần hết sức cẩn trọng, nên tham khảo ý kiến, kinh nghiệm của quốc tế trong lĩnh vực này.
  • Phương thức đánh giá: Có nhiều phương thức, không chỉ là sát hạch (gây ra nhiều khó hiểu cho người thực hiện, gây bức xúc cho giới nghề.
  • Cách phân hạng: Nên chú trọng KTS chủ nhiệm đồ án và rộng mở hơn đối với các KTS trẻ, tránh gây áp lực đối với giới nghề. Thời hạn các loại CCHN nên kéo dài hơn.
  • Đào tạo KTS không chỉ ở trường ĐH, tổ chức nghề nghiệp và doanh nghiệp đào tạo thường xuyên.

Vi Khánh – TCKT.VN

© Tạp chí kiến trúc

Tin liên quan: