LTS: Cuối năm 2016, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 17/2016/TT-BXD nhằm thiết lập hệ thống các tiêu chuẩn để cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực kiến trúc – xây dựng. Tuy nhiên, khi Thông tư có hiệu lực, giới KTS đã có nhiều ý kiến phản ánh về những bất cập trong nội dung quy định của văn bản này.
Với vai trò là cơ quan ngôn luận của Hội KTS Việt Nam, Tạp chí Kiến trúc trích đăng dưới đây một số ý kiến của các KTS trên khắp cả nước xung quanh việc cấp đổi chứng chỉ hành nghề theo quy định mới của Bộ Xây dựng.
Diễn đàn vẫn đang tiếp tục nhận ý kiến của giới nghề trên website tapchikientruc.com.vn. Đồng thời, những câu hỏi, thắc mắc của các KTS sẽ được chuyển đến các nhà quản lý – Bộ Xây dựng và được giải đáp trong các số tiếp theo.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Xem thêm: Hội KTS Việt Nam thảo luận về Thông tư 17/2016/TT-BXD
Để gửi bài viết, ý kiến tham gia diễn đàn xoay quanh chủ đề Chứng chỉ hành nghề Kiến trúc – Xây dựng và những quy định mới, thân mời Quý độc giả gửi nội dung đến Tạp chí Kiến trúc theo một trong hai hình thức sau:
- Gửi Email đến địa chỉ: info@tckt.vn (Tiêu đề email ghi rõ: Tham gia Diễn đàn KTS – Chứng chỉ hành nghề)
- Hoặc gửi bài viết đến địa chỉ: BBT Tạp chí Kiến trúc,
Số 40 Tăng Bạt Hổ, P. Phạm Đình Hổ, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Ngoài ra, bạn đọc có thể trao đổi, thảo luận ngắn bằng hình thức comment bên dưới bài viết này hoặc tại fanpage Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam: www.facebook.com/tckt.ktsvn
- Phát biểu của Bộ Xây Dựng
- Các KTS trao đổi, đóng góp ý kiến
- Ban soạn thảo giải thích các thắc mắc
- Tổng hợp các vấn đề góp ý của KTS
DPLG KTS Nguyễn Việt Huy (Công ty ADA): “Việc cấp CCHN cần được quy định rõ ràng trong Luật Kiến trúc!”
Nếu như các quy định về việc cấp chứng chỉ hành nghề KTS ở Việt Nam trước đây đã phức tạp, thì nay càng phức tạp hơn. Theo điều 8 của Thông tư số 17/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016, để có được chứng chỉ hành nghề sẽ phải trải qua cuộc thi sát hạch với 15 câu hỏi về kiến thức chuyên môn và 10 câu hỏi về kiến thức pháp luật… Đây là cách không phù hợp, bởi khi đã hành nghề thì đương nhiên phải nắm rõ các kiến thức về chuyên môn và pháp luật, nếu không thì cũng phải biết cách tra cứu. Việc hành nghề không còn là lúc thử trí nhớ học thuộc lòng như học sinh phổ thông. Hơn nữa, trên thực tế, cách tổ chức thi cử như thế này chỉ tạo ra các hiện tượng tiêu cực và không hề làm tốt hơn đối với môi trường hành nghề.
Tất nhiên, đây là các vấn đề cốt yếu cho việc hành nghề kiến trúc, vì vậy cần có quy định một cách rõ ràng trong luật kiến trúc. Không những thế theo quan điểm cá nhân của tôi, cần phải cụ thể hơn nữa chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức quản lý hành nghề để tạo điều kiện tốt nhất cũng như nghiêm túc nhất cho hoạt động của KTS. Các tổ chức đó phải có đủ QUYỀN và HÀNH, chứ thực sự trong điều kiện hiện nay chúng ta có những tổ chức có quyền mà không có hành và ngược lại.
Việc cấp chứng chỉ hành nghề KTS ở Pháp khá đơn giản, nếu bạn có bằng KTS DPLG (bằng do chính phủ cấp) bạn chỉ việc đăng ký vào Hiệp hội KTS là bạn sẽ được hành nghề. Từ năm 2007 đến nay, khi tốt nghiệp KTS (bạn sẽ có bằng KTS của nhà nước ( diplome d’etat) – Tuy nhiên, bạn phải học và thực hành thêm trong vòng khoảng 2 năm để có thể bảo vệ HOMNP (Habilitation à exercer la maîtrise d’œuvre en nom proper – quyền được thực hiện các dự án dưới tên của riêng mình).
Điều đặc biệt hơn nữa, khi là thành viên của Hiệp hội KTS bạn sẽ được bảo vệ tất cả các quyền lợi cho công việc hành nghề của bạn. Ví dụ, nếu một dự án đã được ký hợp đồng với KTS A, chủ đầu tư chỉ có thể ký hợp đồng với KTS B khi họ đã thanh lý hợp đồng với KTS A. Nếu KTS B không biết về hợp đồng của KTS A, Hiệp hội KTS sẽ gửi thông báo, nếu KTS B vẫn cố tình thực hiện hợp đồng với chủ đầu tư kể cả khi biết thông tin, ngay lập tức sẽ bị tước quyền thành viên của hiệp hội. Sau đó, chủ đầu tư đó sẽ không được làm việc cùng các thành viên của hiệp hội.
KTS Cổ Minh Tâm: Thủ tục chứng chỉ hành nghề theo 59/NĐ-CP/2015 và 17/2016/TT-BXD và cái gọi là “thí điểm trắc nghiệm sát hạch”
“…Trắc nghiệm có tính “thi học kỳ”: Các cơ sở đào tạo chuyên ngành trả lời về việc cần phải trắc nghiệm cũng như phải có thêm giấy phép con “chứng chỉ hành nghề / năng lực”? Trắc nghiệm dựa trên cơ sở nào? Có mâu thuẫn với thủ tục một cửa một dấu ra sao?
Người kinh nghiệm làm việc nhiều năm vẫn rớt sát hạch: Liệu trắc nghiệm có cần thiết?”
Xem toàn bài tại: Một vài suy nghĩ về thông tư 17/2016/TT BXD & việc cấp đổi chứng chỉ hành nghề
KTS Nguyễn Sỹ Lâm (TP HCM): “Chứng chỉ hành nghề: Cần tạo điều kiện cho KTS”
Theo tôi, việc thi sát hạch để được cấp chứng chỉ hành nghề là “đánh đố” và học vẹt một cách vô ích – trong khi chỉ cần tra cứu TCVN và các quy phạm liên quan… Có thể nói, không ai làm nghề thiết kế mà phải học thuộc lòng hết những điều này!
Mặt khác, chứng chỉ hành nghề là điều kiện cần khi thiết kế công trình có vốn ngân sách – phải qua hệ thống “thẩm định” vô cùng khắt khe của các cơ quan giám sát, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt… Nói như vậy có nghĩa là chúng ta cũng không nên để chứng chỉ hành nghề trở thành rào cản – tước bỏ cơ hội cho những người trẻ tài năng, hay ảnh hưởng đến việc xây dựng những công trình kiến trúc chất lượng cho xã hội.
Một góc nhìn khác, với thủ tục sát hạch và cấp chứng chỉ hành nghề theo Thông tư 17/2016/TT-BXD dễ tạo điều kiện cho tiêu cực phát sinh. Hiện nay, thực tế là không phải việc khó để nhờ “dịch vụ” chạy dùm một chứng chỉ hành nghề, chỉ là nhanh hay chậm, loại hình nào và giá cả ra sao! (Email chào mời được gửi trực tiếp cho người thiết kế, có địa chỉ, số điện thoại liên lạc!)
Hội KTS An Giang: “Bộ Xây dựng cần tạo điều kiện cho KTS hành nghề!”
Để tạo điều kiện cho đội ngũ KTS toàn quốc hành nghề, đề nghị giao cho Sở Xây dựng cấp tỉnh tổ chức thi và cấp chứng chỉ hành nghề cho các KTS trong địa bàn, như từ trước đến nay cho mọi cấp hạng, không cần thiết phải tập trung về Hà Nội thi để Bộ Xây dựng cấp chứng chỉ hạng I.
Hội KTS Thái Nguyên:
Ngày 30/6/2016, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 17/2016/TT-BXD (Sau đây gọi tắt là Thông tư 17) hướng dẫn về năng lực của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng và Thông tư số 24/2016/TT-BXD ngày 01/9/2016 của Bộ Xây dựng sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư liên quan đến quản lý dự án đầu tư xây dựng.
Sau khi nghiên cứu, đơn vị chúng tôi – Công ty TAC – Hội KTS Thái Nguyên xin góp một số ý kiến như sau:
I. Về nội dung tổng quan của Thông tư 17:
- Trước đây, khi chưa có quy định về năng lực của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng, các đơn vị tư vấn vẫn hoạt động và đã có rất nhiều công trình đi vào đời sống bằng tư cách pháp nhân (con dấu) của doanh nghiệp và người chịu trách nhiệm cao nhất là người đứng đầu doanh nghiệp.Vì vậy, các đơn vị đã ý thức về trách nhiệm nghề nghiệp của mình và chuỗi công việc tư vấn do nhà thầu tự chịu trách nhiệm. Do đó, Chứng chỉ hành nghề không đồng nghĩa với giá trị của doanh nghiệp, chất lượng của người thiết kế.
- Thi sát hạch CCHN là không cần thiết khi đã có trách nhiệm pháp nhân của Doanh nghiệp.
- Nhiều cán bộ thiết kế rất giỏi trong các lĩnh vực chuyên môn mặc dù còn rất trẻ (mới ra trường, mới làm việc). Vì vậy, CCHN sẽ là rào cản cho sự phát triển, tước bỏ đi cơ hội cho những người trẻ tài năng.
- Từ những yêu cầu của Thông tư này, sẽ tạo điều kiện cho tiêu cực phát sinh qua các dịch vụ làm CCHN như các dịch vụ Bồi dưỡng nghiệp vụ hiện nay.
- Có những yêu cầu rất bất cập, đơn cử như CCHN PCCC vì rất hiếm khi doanh nghiệp có được một chuyên gia tốt nghiệp chuyên ngành PCCC, điều này sẽ tạo sự độc quyền, kéo dài thời gian trong giai đoạn thẩm duyệt thiết kế.
II. Về nội dung bộ đề thi sát hạch CCHN:
- Về việc trắc nghiệm sát hạch:
Việc này đánh đồng người chuyên môn có kinh nghiệm lâu năm với với dân không chuyên môn hay mới vào nghề. Khi chứng chỉ hết hạn mỗi người đều làm lại thủ tục từ đầu như nhau. - Các câu hỏi sát hạch: Nhiều câu không phải ai cũng tham gia những hạng mục đặc thù (và luôn sẵn sách tra cứu khi cần) nên học thuộc là vô ích. Vài thí dụ (phần kiến trúc):
– Câu 1, 2 về việc định nét và khổ giấy: Thừa không cần thiết.
– Câu 16 (về tiêu chuẩn thiết kế nhà): Thừa, cần thì tra tài liệu, không cần thuộc. - Về bản khai kinh nghiệm:
Thời gian khoảng năm 2012, chỉ yêu cầu khai 5 công trình đã làm.
Điều 14.2 và 14.4 (17/2016/TT-BXD): Người nộp đơn trước khi thi sát hạch phải trình file mềm các bản scan hồ sơ thủ tục đã nộp (điều 14.2) kèm bản scan hợp đồng công trình (điều 14.4) – (thông tin riêng công ty thực hiện dự án) – và buộc đương đơn về nơi mình đang/đã làm để chụp lại. Hơn nữa, không phải lúc nào cũng có văn bản phân công công việc từng cá nhân. Do đó, điều 55 của 59/NĐ-CP/2015 bị 17/2016/TT-BXD phức tạp hóa. - Thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề:
Trong thông tư 17/2016/TT-BXD:
– Điều 18: KHÔNG NHẮC ĐẾN việc thi sát hạch cho người nước ngoài.
– Điều 18.3a: Người nước ngoài phải trình “bản sao giấy tờ hợp pháp về cư trú HOẶC giấy phép lao động do cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam cấp và hộ chiếu đã chứng thực theo quy định”: tức là có thể có chứng chỉ hành nghề mà không cần giấy phép lao động.
Đây là thiệt thòi cho công dân Việt Nam làm việc trên chính nước mình.
– Điều 8.3 “Trường hợp cá nhân được miễn sát hạch về kiến thức chuyên môn thì kết quả sát hạch về kiến thức pháp luật phải đạt số điểm từ 32 điểm trở lên”: như vậy “rành luật và không có chuyên môn” có khả năng đậu sát hạch cao hơn “có chuyên môn”.
KTS Nguyễn Phước Thiện: “Kiến Trúc Sư của Anh có cần chứng chỉ hành nghề không?”
Tôi có biết 1 tí về chuyện này. Ở Anh khác với Việt Nam: không phải tốt nghiệp đại học ngành kiến trúc thì được gọi là kiến trúc sư. Kiến Trúc Sư chỉ được công nhận về mặt pháp lý (ký tên lên bản vẽ) khi kiến thức ở bậc đại học được đào sâu và thực tiễn hóa hơn. Anh là một quốc gia nằm trong khối EU. Để được công nhận là kiến trúc sư không chỉ ở Anh mà toàn EU, RIBA (Royal Institute of British Architects) – giống như Hội Kiến Trúc Sư Việt Nam – bắt buộc phải trải 5 giai đoạn sau:
• RIBA (Part 1)
Tốt nghiệp đại học mức độ cử nhân trong 4 năm (so với một số ngành khác chỉ 3 năm) với các đặc điểm:
– Học Fulltime trong 3 năm. Thời gian làm đồ án môn học và tốt nghiệp làm ngoài giờ trong 3 năm này.
– Thực tập 1 năm. Đợt thực tập này thường là năm thứ 3 của khóa học. Sau khi hòan tất, thực tập sinh phải làm báo cáo (có chữ ký của Kiến Trúc Sư nơi đã thực tập) gửi về trường mới được tiếp tục năm cuối và làm tốt nhiệp. Kiến trúc Sư nhận thực tập sinh phải gửi báo cáo về RIBA để nhận xét nội dung giảng dạy của cơ sở đào tạo. Đây là cơ sở để RIBA khuyến cáo nội dung đào tạo.
• Stage 1 Technical Experience/Year Out
– Thu thập kinh nghiệm làm việc ít nhất là 1 năm.
– Những kinh nghiệm học được lưu lại trên 1 Website của PERD (The Professional Experience and Development Record) được giám sát của PSA (Professional Studies Advisor – Cố vấn chuyên môn) mà bất cứ một cơ sở đào tạo nào cũng phải thành lập.
– RIBA cũng góp phần vào PERD.
• RIBA (Part 2)
– Học trong hai năm để đạt trình độ M.Arch hay B.Arch hay Diploma tùy trường.
– Nội dung tập trung vào nâng cao kiến thức của Part 1.
• Stage 2 Practical Experience
– Học trong 24 tháng liên tục (có thể ngoài giờ) và phải dự thi cấp quốc gia.
– Phải có ít nhất 12 tháng thực tập dưới sự hướng dẫn và giám sát của một Kiến trúc sư.
• RIBA (Part 3)
Phải có đầy đủ
– Kết quả của Stage 2 đã được lưu trữ trên Website PERD.
– Lý lịch nghề nghiệp và đánh giá kết quả công việc.
– Một Case Study.
Và vượt qua 2 kỳ thi
– Kỳ thi viết (Written examination).
– Kỳ thi vấn đáp (Oral Examination).
Một người sau khi đã hoàn tất 5 phần trên sẽ đến Architects Registration Board (ARB) để đăng ký. Lúc này người đó mới trở thành Kiến trúc sư. Từ đây, cụm từ “Kiến Trúc Sư” được bảo vệ bởi luật pháp và xã hội khi thuê họ làm việc cho mình thì tự tin rằng mình đang làm việc với một người chuyên môn đầy đủ tiêu chuẩn. Cũng vào thời điểm đăng ký, người đó trở thành hội viên của RIBA.
KTS Trần Hải Hưng (VP thiết kế AH): “Người có chứng chỉ chưa chắc đã là người làm thực sự”
“Tại các công ty tư vấn kiến trúc lớn thì việc Cấp chứng chỉ là bắt buộc, công ty sẽ tự trang bị cho bộ hồ sơ năng lực của mình. Tại các công ty tư vấn kiến trúc nhỏ thì việc Cấp chứng chỉ từ trước đến nay là việc làm cho có. Thực tế là việc có chứng chỉ hay không không liên quan đến việc người có năng lực làm việc thực sự – Người có chứng chỉ chưa chắc đã là người làm thực sự. Với các cá nhân hoạt động tự do, họ khẳng định trình độ làm nghề lại là việc tạo dựng tên tuổi và tự kiếm việc làm. Nhưng người không làm được sẽ tự bị đào thải chứ không liên quan đến chứng chỉ. Chính vì vậy, khi nghiên cứu Cấp chứng chỉ hành nghề mới phải tìm hiểu một cách thấu đáo, tạo điều kiện thuận lợi, không gây sách nhiễu cho những người làm nghề chân chính và cống hiến thực sự.”
Ths. KTS Nguyễn Đức Lập – Phó Chủ tịch Hội KTS tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có một vài ý kiến về Thông tư 17/TT-BXD:
“1. Với cách cấp CCHN như hiện nay gây tốn kém khi 5 năm lại phải thi, xét cấp lại. Theo tôi, chỉ nên cấp lại khi muốn lên hạng, hoặc bổ sung chức năng hành nghề.
2. BXD nên giao cho địa phương hoặc hội nghề nghiệp, tránh phiền hà thủ tục hành chính theo mong muốn của chính phủ – Kiến tạo vì dân vì doanh nghiệp.
3. Theo TT 17, KTS phải làm chủ trì thì mới được cấp CCHN hạng đó (thay vì như trước đây chỉ tham gia làm 5 công trình tương tự sẽ được cấp CCHN đó, hoặc chủ trì 3 hoặc 5 công trình cấp thấp hơn sẽ được cấp CCHN cấp cao hơn) sẽ gây khó khăn, kìm hãm các KTS có tài năng thực sự trong việc làm nghề.
4. Việc có nhiều thủ tục quản lý khiến các KTS của ta bị đối xử không công bằng ngay trên sân nhà.”
KTS Nguyễn Thu (hành nghề tư vấn XD tại Cần Thơ):
“Với tư cách trước hết là một công dân đang bị ảnh hưởng trong hoạt động ngành nghề bởi nghị định 59/2015/NĐ_CP và thông tư số 17/2016/TT_BXD, diễn đàn của TẠP CHÍ KIẾN TRÚC, tôi tham gia một số ý kiến với mục đích góp ý các nhà làm Luật và các cơ quan có thẩm quyền xem xét đình chỉ ngưng thực hiện và tiến hành điều chỉnh TT17/2016/TT_BXD.”
I) Một thông tư ra đời mà khóa tay chân ngay lập tức các cá nhân và tổ chức hành nghề tư vấn là không nhân văn.
Đúng ra phải có sự chuyển tiếp và kết nối giữa cái cũ và cái mới tức là bất hồi tố, tạo điều kiện cho hoạt động hành nghề. Theo TT17, CCHN phải cấp lại như cấp mới, như vậy hành lang pháp lý để sử dụng các chứng cũ không còn nữa.
Nếu một người nào đó, hoặc một tổ chức nào đó hoạt động tư vấn XD đã và đang làm cho 1 dự án kéo dài mà CCHN không có xếp hạng theo 59 và 17 hoặc không đủ điều kiện để chuyển đổi CCHN theo hạng mà công việc đang làm thì hành nghề như thế nào hay từ bỏ công việc? Đối với doanh nghiệp tư vấn cũng thế, nếu họ đã và đang làm các dự án cho các Chủ đầu tư mà tới bây giờ 59 vá 17 yêu cầu phải có chứng chỉ năng lực tổ chức thì sao đây?
II) Theo tôi có 5 câu hỏi cần đặt ra về quá trình thực hiện Thông tư số 17/2016/TT_BXD.
1. CCHN cũ được cấp trước đây, Khi Nghị định 59 và Thông tư 17 chưa có hiệu lực mà Bộ cho tiếp tục sử dụng thì sử dụng ở hạng nào?. Nếu tự xác định hạng nhưng công việc đã và đang thực hiện hạng của CCHN không đáp ứng thì có tiếp tục thực hiện hay dừng lại?
2. Các CCHN cũ được cấp trước đây, khi nghị định 59 và thông tư 17 chưa có hiệu lực, lúc đổi lại mà xem như thủ tục cấp mới thì có vi phạm luật bất hồi tố của Luật dân sự không?
3. Một cá nhân đang thực hiện một hợp đồng với Chủ đầu tư, trước NĐ59 và TT17 nhưng không đủ điều kiện để cấp CCHN theo TT17 để phù hợp với CV đang thực hiện, liệu có bị cho là vi phạm pháp luật không?
4. Một Doanh nghiệp Tư vấn đang thực hiện HĐ tư vấn cho Chủ đầu tư, từ trước khi có NĐ59 và TT17 và HĐ, nhưng hiện nay TT17 đòi hỏi phải có Chứng chỉ hoạt động, nhưng Doanh nghiệp đó không thể nào làm được giấy phép hoạt động theo TT17 vì không đủ điều kiện theo quy định thì có vi phạm pháp luật không?
5. TT17 có phải đẩy 1 số cá nhân và doanh nghiệp đang hoạt động bình thường nay đi vào con đường tự nhiên phải vi phạm pháp luật không khi không đủ điều kiện đáp ứng theo quy định của NĐ59 và TT17?”
Ths. Kiến trúc sư Nguyễn Văn Duy- PCT Hội KTS thành phố Đà Nẵng: Một số vấn đề cần cải cách đổi mới trong: Hành nghề, Phản biện và Đào tạo phát triển.
a) Hành nghề: Nhằm tạo môi trường thuận lợi trong hành nghề kiến trúc, góp phần xây dựng phát triển thành phố. Quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác thiết kế, quy hoạch xây dựng cần thay đổi, cụ thể: cần bổ sung Hội Kiến trúc sư (và các hội nghề nghiệp khác có liên quan) là đơn vị buộc phải lấy ý kiến trong khâu tham gia góp ý xây dựng nội dung văn bản.
Hiện nay, việc thi chứng chỉ hành nghề Kiến trúc sư đang vấp phải sự phản ứng từ rất nhiều kiến trúc sư trên cả nước. Tương tự như vậy, có rất nhiều Văn bản quy phạm pháp luật không có ý kiến tham gia của đối tượng trực tiếp hành nghề kiến trúc đóng góp ý kiến thông qua Hội nghề nghiệp) đã dẫn đến không sát thực tiễn, tạo môi trường không lành mạnh trong hoạt động nghề nghiệp hoặc hạn chế rất nhiều việc hành nghề của các Kiến trúc sư.
b) Phản biện: Hội Kiến trúc sư và Bộ Xây dựng cần xây dựng tiêu chí phân loại các công trình. Việc này cần phải lấy ý kiến phản biện của Hội nghề nghiệp cụ thể như phân loại theo độ tồn tại của công trình, cấp công trình; phân loại theo mức độ ảnh hưởng đến cộng đồng, môi trường, mỹ quan đô thị….
Cơ quan phản biện, phải đảm bảo tính khách quan và nội dung góp ý phải được đảm bảo bằng cơ chế, chính sách có tính ràng buộc cao để việc phản biện và tiếp thu đạt hiệu quả cao nhất.
Hội Kiến trúc sư, chính quyền các cấp cần có cơ chế khuyến khích các Kiến trúc sư phát huy việc phản biện đối với các vấn đề liên quan đến nghề nghiệp, nhằm góp phần hạn chế những sai sót, lãng phí trong đầu tư xây dựng các công trình.
c) Đào tạo phát triển: Xu hướng hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đòi hỏi các Kiến trúc sư phải được liên tục cập nhật các quy định mới để đủ điều kiện hành nghề. Hội Kiến trúc sư cần có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo và đào tạo lại để đảm bảo cho các Kiến trúc sư cơ hội tiếp cận, cập nhật các quy định mới được ban hành trong nước và quốc tế nhằm tăng sức cạnh tranh của giới Kiến trúc sư Việt Nam trong xu hướng hội nhập toàn cầu.
Xem thêm: Chứng chỉ hành nghề thiết kế kiến trúc, quy hoạch: Thuận lợi và bất cập
Diễn đàn vẫn đang tiếp tục nhận ý kiến của giới nghề . Để gửi bài viết, ý kiến tham gia diễn đàn xoay quanh chủ đề Chứng chỉ hành nghề Kiến trúc – Xây dựng và những quy định mới, thân mời Quý độc giả gửi nội dung đến Tạp chí Kiến trúc theo một trong hai hình thức sau:
- Gửi Email đến địa chỉ: info@tckt.vn (Tiêu đề email ghi rõ: Tham gia Diễn đàn KTS – Chứng chỉ hành nghề)
- Hoặc gửi bài viết đến địa chỉ: BBT Tạp chí Kiến trúc,
Số 40 Tăng Bạt Hổ, P. Phạm Đình Hổ, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Ngoài ra, bạn đọc có thể trao đổi, thảo luận ngắn bằng hình thức comment bên dưới bài viết này hoặc tại fanpage Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam: www.facebook.com/tckt.ktsvn
Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 02-2017
Tham khảo toàn nội dung Thông tư 17/2016/TT-BXD:
Tham khảo nội dung Nghị định 59/NĐ-CP/2015: