“Tuyến du lịch rồng thiêng” – Hướng đi mới cho du lịch Hạ Long

Ngày 18/5/2012, tại Thành phố Hạ Long, Liên hiệp Khoa học Phát triển du lịch Bền vững (STDe) đã phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Ninh tổ chức hội thảo công bố ý tưởng dự án “Sản phẩm du lịch Kỳ quan Hạ Long”, còn gọi là “Tuyến du lịch Rồng thiêng”. 
 
 
“Tuyến Du lịch Rồng thiêng” là tuyến hành trình tìm hiểu và khám phá các giá trị tâm linh, huyền thoại ở Vịnh Hạ Long. Tuyến sẽ liên kết 7 hòn đảo nổi tiếng trên Vịnh Hạ Long để tạo nên một con Rồng huyền thoại với các chủ đề: đảo Ngọc Rồng (đảo Tuần Châu), đảo Rồng – Tiên (đảo Đầu Gỗ), đảo Rồng biến hóa (đảo Bồ hòn), đảo Con Rồng – Cháu Tiên (đảo Hang Trai), đảo Thủy cung Rồng (đảo Đầu Bê), đảo Cá hóa Rồng (Hòn Vông Viêng) và đảo Rồng bay về trời (đảo Cống Đỏ). 
Không chỉ dừng lại ở việc tạo ra một hành trình gắn kết các đảo nói trên trong một truyền thuyết mang màu sắc tâm linh, Tuyến du lịch này còn  giúp du khách khám phá Hạ Long ở cả 3 tầng không gian như: đi trên biển bằng thuyền Rồng, bay trên trời bằng kinh khí cầu hình Rồng, đi trong các hành lang kính dưới đáy biển, bơi dưới nước bằng áo lặn hình Rồng… Dịch vụ khách sạn nghỉ dưỡng sẽ cung cấp cho du khách nhiều lựa chọn như: nhà nổi, nhà di động, nhà trên cây, nhà trên vách, nhà nghỉ trong hang động, nhà nghỉ dưới nước…. 
 
Tuyến du lịch Rồng Thiêng – (ảnh tác giả)
 
Truyền thuyết của người Việt cổ kể lại rằng:
“Thuở xa xưa, khi đất nước đang lâm nguy, giặc ngoại bang tràn tới giết người, cướp của…, bỗng trên trời, có một con rồng xanh bất ngờ xuất hiện và bay xuống vùng biển Đông Bắc. Rồng xanh hóa thành hàng ngàn hòn đảo lớn, nhỏ, hình thù kỳ lạ, muôn hình vạn trạng, giống như một mê cung bằng đá  mọc lên giữa biển, ngăn bước tiến của thủy tặc. Chỗ rồng đáp xuống che chở cho đất nước được gọi là Vịnh Hạ Long ( tức Vịnh Rồng hạ). Nơi đàn Rồng con quay về chầu mẹ là Vịnh Bái Tử Long… ” 
 
Truyền thuyết ấy đã gắn với quan niệm của người Việt xưa về nguồn gốc Rồng – Tiên. Ngày nay, những cư dân làng chài trên Vịnh Hạ Long vẫn truyền lại cho con cháu truyền thuyết rằng: “Nơi đây, Tổ tiên của người Việt là Lạc Long (Vua Rồng) và  Âu cơ (Tiên nữ) đã giao duyên và sinh hạ trăm trứng là 100 người con đầu tiên của dân tộc lạc Việt…”
Mặt khác, địa thế Hạ Long lại gồm những đảo và núi phân bố nhấp nhô uốn khúc như dáng Rồng đang uốn lượn trên sóng nước. Trong số những hòn đảo trên Vịnh Hạ Long lại có những Hòn Rồng, Hòn Long Châu,… cũng mang dáng đầu Rồng, đuôi Rồng…
 
Một truyền thuyết đặc sắc nữa của người Việt cổ lại kể rằng: ở vùng biển Đông bắc có con cá chép tu luyện nhân đức 100 năm thì hoá được thành Rồng…
 
Tất cả các truyền thuyết liên quan đến Vịnh Hạ Long đều thể hiện rất rõ ý nghĩa của hình tượng Rồng trong tâm linh người Việt:
– Rồng là tổ tiên người Việt, là biểu tượng của sự che chở 
– Rồng tượng trưng cho sự biến hoá khôn cùng
– Rồng tượng trưng cho sức mạnh siêu nhiên
– Rồng tượng trưng cho lý tưởng cần đạt được
Với những ý nghĩa tượng trưng, hình tượng Rồng đã trở thành tinh thần của khung cảnh địa thế, khiến cho Vịnh Hạ Long trở thành một biểu tượng rất thiêng liêng của dân tộc Việt Nam.
Vịnh Hạ Long chụp từ trên cao – (ảnh internet)
 
Vịnh Hạ Long không chỉ là vùng địa linh của dân tộc VN – nơi qui tụ hào khí cha ông với nhiều chiến công lừng lẫy trong việc bảo vệ bờ cõi của non sông, nơi hiên ngang chống đỡ mọi thách thức của thiên nhiên, nơi ghi lại dấu ấn của người Việt cổ qua bao trận biển tiến, biển lùi… Hơn thế nữa, Vịnh Hạ Long đã trở thành di sản của nhân loại với các giá trị địa chất và cảnh quan độc nhất vô nhị mang ý nghĩa toàn cầu. 
 
Cảnh quan địa chất của Hạ Long thể hiện sự biến hóa không ngừng của Đá và Nước, của Âm và Dương, của Tĩnh và Động,….
 
Trong tác phẩm “Đá và Nước” nổi tiếng, Nhà văn nguyên Ngọc đã viết :
“Con người mãi mãi từ xưa và mãi mãi về sau sẽ không bao giờ có thể tìm ra, sáng tạo ra cái ngôn ngữ khả dĩ diễn đạt được tác phẩm tuyệt vời kia của tạo hóa. Tất cả các ngôn ngữ đều bất lực. Bởi lẽ Hạ Long trước hết là một ngôn ngữ tự nó. Một ngôn ngữ duy nhất… có hai mẫu tự, hai chữ cái: Đá và Nước. Chỉ có hai yếu tố trong bao nhiêu yếu tố giàu có của đất trời. Chỉ có hai chất liệu trong vô vàn chất liệu có thể có, để viết, để vẽ, để điêu khắc, để sáng tạo nên tất cả; 
Hạ Long là một thực thể cân chỉnh đối lập đến triệt để:
Âm và Dương
Tĩnh và Động
Trầm mặc và Lưu loát
Tôn nghiêm và Ríu rít…”
 
Khoảng không dưới hòn Trống Mái – (ảnh tác giả)
 
1. HIỆN TRẠNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH TẠI KỲ QUAN HẠ LONG 
Nếu có dịp ngắm tổng thể Vịnh Hạ Long từ trên cao, như từ trên đỉnh núi Bài Thơ chẳng hạn, chúng ta sẽ vô cùng đau xót khi nhìn thấy bức tranh Vịnh Hạ Long đang bị xé tan ra từng mảnh. Nhiều quả đồi đã biến thành đồi trọc, nhiều thảm thực vật và nhiều loài động vật có nguy cơ biến mất, đất liền đang tiến dần ra biển để đô thị hóa dần các hòn đảo nguyên sơ của Vịnh Hạ Long.
 
Rõ ràng, chúng ta đang vô tình hoặc cố tình làm mất đi những giá trị của tài nguyên, những tiền đề để phát triển du lịch. Hạ Long mơ màng và tĩnh lặng, Hạ Long với vẻ đẹp siêu nhiên gắn với huyền thoại rồng thiêng, đang dần bị hiện thực hóa bởi bàn tay thô bạo của con người.
 
Di sản Hạ Long đã trở thành một bài học điển hình cho việc khai thác tài nguyên manh mún và thiếu tầm nhìn. UNESCO đã hai lần cảnh báo về việc Vịnh Hạ Long sẽ mất đi danh hiệu di sản, vì những dấu hiệu báo động về chất lượng môi trường. 
Chúng ta cũng đã có những bài học đối với sự phát triển chồng chéo của nhiều ngành kinh tế xung quanh khu vực vịnh Cửa Lục. Riêng sự phát triển du lịch và đô thị đã thu hẹp diện tích rừng ngập mặn, một trong những hệ sinh thái cơ bản, đóng vai trò quan trọng trong chu trình sinh thái tự nhiên của môi trường Vịnh Hạ Long.
 
Nhiều chuyên gia du lịch cho rằng: Vịnh Hạ Long là một kiệt tác thiên nhiên có một không hai nhưng sản phẩm du lịch tại đây thực sự vẫn chưa phát huy được thế mạnh của mình. Nguyên nhân chính là do những người làm du lịch ở Việt Nam mới chỉ quen khai thác những giá trị lộ diện của tài nguyên (hay còn gọi là giá trị thô) còn nhiều giá trị tiềm ẩn khác, đòi hỏi phải có góc nhìn toàn diện, sâu sắc và tinh tế hơn, mang nhiều tư duy khoa học hơn…
 
Ở Vịnh Hạ Long, không gian khai thác du lịch mới chỉ tập trung ở trên mặt biển và dải ven bờ, không gian trên bầu trời và dưới đáy biển còn chưa được khai thác. Mặt khác, các tài nguyên văn hoá và sinh thái còn bỏ ngỏ, chưa được quan tâm. Cảnh quan đảo chỉ mới khai thác các giá trị hình thái bên ngoài, các giá trị tiềm ẩn gắn liền với lịch sử – văn hoá, với huyền thoại – truyền thuyết chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng để đưa vào khai thác và nâng tầm nhằm tạo dựng thương hiệu cho Hạ Long.
 
2. CẦN THIẾT TẠO DỰNG HÌNH ẢNH THƯƠNG HIỆU CHO KỲ QUAN HẠ LONG.
Thương hiệu là giá trị của sản phẩm du lịch được thể hiện dưới dạng tinh hoa và cô đọng nhất, được nâng tầm để tạo ra các giá trị cảm xúc tinh thần cao đẹp mà con người luôn hướng tới. [1]
 
Để hình ảnh thương hiệu của kỳ quan Hạ Long, tạo ra được sức cạnh tranh lớn, cần phải gắn liền thương hiệu với các nội dung, chương trình và kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch một cách tổng thể, đồng bộ, giúp cho thương hiệu có sức lan tỏa lớn, thể hiện rõ cá tính đặc trưng của mình.
 
Có nhiều cách tiếp cận để tìm ra sự khác biệt trong việc tạo dựng hình ảnh thương hiệu cho một kỳ quan Hạ Long. Đó có thể là cách tiếp cận với bề dày văn hoá lịch sử của khu vực, từ huyền thọai, truyền thuyết; từ đặc điểm hình thái nổi trội của cảnh quan thiên nhiên, quĩ di sản kiến trúc…Tùy theo thế mạnh đặc thù của kỳ quan Hạ Long mà lựa chọn cách tiếp cận phù hợp nhất để sáng tạo hình ảnh thương hiệu.
 
 Với những cách tiếp cận trên, hình ảnh thương hiệu du lịch kỳ quan Hạ Long cần đảm bảo lan tỏa được các thông điệp, giá trị sau:
– Vịnh Hạ Long là kỳ quan “sinh ra” từ truyền thuyết, nơi vẻ đẹp siêu nhiên của hàng ngàn đảo đá gắn liền với huyền thoại Rồng thiêng.
– Vịnh Hạ Long, thể hiện sự biến hóa không ngừng của đá và nước, âm và dương, nơi thể hiện sâu sắc nhất các giá trị cốt lõi của triết học phương Đông. 
– Vịnh Hạ Long, là di sản của nhân loại, nơi ghi lại lịch sử kiến tạo của vỏ trái đất trong hàng trăm triệu năm, nơi qui tụ hào khí cha ông với nhiều chiến công lừng lẫy trong việc bảo vệ bờ cõi của non sông.
 
Ý TƯỞNG TUYẾN DU LỊCH RỒNG THIÊNG
“Tuyến Du lịch Rồng thiêng” là hành trình đi theo các dấu ấn của Rồng để tìm hiểu và khám phá các giá trị tâm linh huyền thoại của Hạ Long. Tuyến sẽ liên kết 7 hòn đảo nổi tiếng trên Vịnh Hạ Long với các chủ đề: đảo Ngọc Rồng (đảo Tuần Châu); đảo Rồng-Tiên (đảo Đầu Gỗ); đảo Rồng biến hoá (đảo Bồ Hòn); đảo Con Rồng – cháu Lạc (đảo Hang Trai); đảo Thủy cung Rồng (đảo Đầu Bê); đảo Cá Hoá Rồng (Hòn Vông Viêng); đảo Rồng bay về trời (đảo Cống Đỏ). 
 
Đảo Ngọc Rồng (Đảo Tuần Châu): Ngọc Rồng (Rồng ngậm ngọc)
Hoạt động du lịch chính ở đây là những hoạt động vui chơi, giải trí, thách thức sự hiểu biết và khả năng suy luận của du khách. 
Hoạt động chính có tên là “Đi tìm báu vật Rồng thiêng”. Du khách sẽ được dẫn vào một mê cung Rồng với 9 ngã rẽ khác nhau dẫn đến 9 hang rồng khác nhau có tên là: Rồng nước, Rồng lửa, Rồng đất, Rồng thơ ca, Rồng âm nhạc, Rồng hội hoạ, Rồng tâm linh, Rồng hòa bình,… Du khách sẽ tham gia các trò chơi mang tính trí tuệ để tìm hiểu về kho tàng tri thức lịch sử văn hóa Việt Nam. Người thắng cuộc sẽ được tặng một viên ngọc Rồng, thắng ở cả 9 hang sẽ được tặng 9 viên Ngọc Rồng và được phong là Vua Rồng (người có trí tuệ và sức mạnh siêu phàm). 
Ngoài ra, đảo ngọc Rồng còn là nơi thường xuyên tổ chức các Lễ hội tế Rồng vào các ngày lễ trong năm như: Tết nguyên đán, Tết Trung thu …
 
Đảo Rồng – Tiên (đảo Đầu Gỗ – nơi Âu Cơ gặp Lạc Long Quân)
Theo truyền thuyết: động Thiên cung (đảo Đầu gỗ) là nơi Vua Rồng (tức Lạc Long Quân) tổ chức đám cưới với Âu Cơ, một nàng tiên rất xinh đẹp. 
Du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp lộng lẫy của Động và tham dự vào đám cưới Rồng – Tiên. Các bản nhạc của thiên nhiên như: đàn đá, đàn nước, đàn gió… sẽ giúp cho du khách cảm nhận được khung cảnh thần tiên nơi đây. 
Các bộ phim về truyền thuyết Rồng – Tiên và truyền thuyết trăm trứng nói về sự ra đời của dân tộc Lạc Việt sẽ được trình chiếu trong hang bằng nghệ thuật của ánh sáng và hơi nước. 
Các du khách muốn đính hôn trong khung cảnh thần tiên này sẽ được mặc thử áo Âu Cơ và Lạc Long thời tiền sử, tặng cho nhau những kỷ vật tình yêu độc đáo và chụp ảnh kỷ niệm tại hòn Trống – Mái. 
 
Đảo Rồng biến hóa (Cụm đảo Bồ Hòn)
Truyền thuyết cho rằng Rồng mẹ đã tạo ra nơi đây rất nhiều hòn đảo, hang động, nhũ đá,… có hình thái kỳ lạ khác nhau thể hiện sự biến hóa kỳ ảo giữa đá và nước (hay còn gọi là giữa Thổ và Thủy, giữa Âm và Dương). 
 Đá và nước kết hợp đã tạo ra muôn hình vạn trạng các hòn đảo khác nhau: như Hòn Con cóc, hòn Đầu người, hòn Con Chó, hòn Gà chọi,.. Du khách sẽ được tham quan các hòn đảo và khám phá vẻ đẹp đa dạng và bất ngờ của chúng dưới nhiều góc nhìn khác nhau, vào nhiều thời điểm khác nhau và thấm hiểu sự kỳ diệu của triết học Âm – Dương, ngũ hành của người Phương Đông.
 
Đảo Con Rồng – cháu Lạc (Đảo Hang Trai – làng chài Cửa Vạn) 
Nơi đây có cư dân Cửa Vạn (con cháu của Rồng- tiên ) sinh sống từ bao đời và để lại nhiều phong tục tập quán đặc biệt, điển hình cho nền văn hóa Hạ Long 
Du khách sẽ được trải nghiệm một ngày làm ngư dân với nhiều nét sinh hoạt văn hoá đặc sắc của làng chài.
 
Đường đến Đảo Thủy Cung – (ảnh tác giả)
 
Đảo Thủy cung Rồng (Cụm đảo Đầu Bê)  
Nơi đây có hệ sinh thái biển điển hình mà chỉ Hạ Long mới có, đó là hệ sinh thái Tùng áng với nhiều loại động thực vật biển phong phú và hấp dẫn. Cả một thế giới thủy cung của vua Rồng sẽ được du khách khám phá bằng nhiều hình thức thú vị: Ngủ trong khách sạn dưới nước, càfe nhà kính, hay lặn ngầm. Ngoài cảnh quan thiên nhiên con người cũng sẽ được nhìn ngắm các nhân vật của Thủy cung, như: Vua Rồng, công chúa Rồng,…Cung điện của Vua,…dưới đáy biển Hạ Long. 
 
Đảo Cá chép hóa Rồng (làng chài Vông Viêng)
Nơi đây có một cái cổng đá rất đẹp được gọi là Vũ Môn, nơi du khách có thể tưởng tượng ra cảnh các đàn cá chép thi nhau nhảy qua để được hóa Rồng. Cá hóa Rồng tượng trưng cho lý tưởng sống của người Việt cổ. Du khách đến đây sẽ được trải nghiệm về sự kiên trì của cá chép qua các loại hình du lịch mạo hiểm hoặc các lớp thiền học. 
 
Đảo Rồng bay về trời (đảo Cống Đỏ)
Là nơi Rồng mẹ từ giã Rồng con để bay về trời. Du khách sẽ được đi các loại kinh khí cầu đặc biệt (có hình dáng như con Rồng) để có cảm giác Rồng bay như thế nào. Từ trên cao, du khách sẽ được chiêm ngưỡng toàn bộ cảnh quan hùng vĩ của Vịnh Hạ Long từ trên cao và thấu hiểu: Vì sao Hạ Long lại được coi là kỳ quan thiên nhiên thế giới ! 
 
CÁC DỊCH VỤ DU LỊCH TRONG TUYẾN RỒNG THIÊNG
Dịch vụ tham quan, khám phá Hạ Long ở 3 tầng không gian: Đi trên biển bằng thuyền Rồng, bay trên trời bằng kinh khí cầu hình Rồng, đi trong các hành lang kính dưới đáy biển, bơi dưới nước bằng áo lặn hình Rồng. Ngoài ra, rất nhiều đỉnh núi cao sẽ được xây dựng chòi ngắm cảnh để phục vụ du khách.
 
Dịch vụ đồ lưu niệm: Đồ lưu niệm tạo dáng Rồng bằng các vật liệu địa phương đa dạng (đá vôi, than đá, …), đồ lưu niệm in khắc hình tượng Rồng…
 
Dịch vụ nhà nghỉ: rất đa dạng (nhà nổi, nhà di động, nhà trên cây, nhà trên vách đá, nhà nghỉ trong hang động, nhà nghỉ dưới nước)
 
Dịch vụ ẩm thực: các món ăn đa dạng trang trí hình Rồng.
 
Thay cho lời kết
Để ý tưởng “Tuyến du lịch Rồng thiêng” trở thành hiện thực, cần có sự thay đổi đột phá trong tư duy xã hội về khái niệm tài nguyên du lịch và sản phẩm du lịch. Phải có sự ủng hộ mạnh mẽ về cơ chế, chính sách và nguồn vốn của các cơ quan quản lý Nhà nước từ trung ương đến địa phương, của tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới UNESCO, và đặc biệt là sự phối hợp, liên kết chặt chẽ giữa các nhà khoa học, nhà tư vấn quy hoạch và kiến trúc với các doanh nghiệp đang kinh doanh du lịch trên địa bàn Vịnh Hạ Long để sản phẩm có khả năng xã hội hóa cao.
 
Tuyến du lịch Rồng thiêng được đưa vào khai thác sẽ trở thành một sản phẩm du lịch thương hiệu xứng tầm với Vịnh Hạ Long – kỳ quan thiên nhiên thế giới. 
 
TS.KTS. Nguyễn Thu Hạnh
Chủ tịch Liên hiệp Khoa học Phát triển Du lịch Bền vững (STDe)
Tài liệu tham khảo:
1. Đề tài khoa học cấp Bộ 2005: ”Nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch biển- đảo vùng du lịch Bắc Bộ”.TS. KTS. Nguyễn Thu Hạnh chủ trì.
2. Tóm tắt dự án sản phẩm du lịch “Kỳ quan Hạ Long” của STDe công bố trong hội thảo về “Đề án nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch cho kỳ quan Hạ Long đến năm 2020, tầm nhìn 2030”.