Quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị Thành phố Hà Nội

Trưởng phòng Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội
Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, an ninh quốc phòng của cả nước, là đầu mối giao thông quan trọng của vùng. Trong đó, giao thông đô thị có nhiệm vụ trực tiếp phục vụ nhu cầu đi lại của người dân sống trong và ngoài thành phố, có tầm quan trọng, quyết định sự phát triển kinh tế xã hội, văn minh đô thị của Thủ đô.
Kinh nghiệm ở các nước cho thấy, để giải quyết vấn đề giao thông ở các thành phố lớn, giải pháp tối ưu là phát triển mạng lưới giao thông công cộng, đặc biệt là sử dụng các phương tiện giao thông công cộng có sức chuyên chở lớn như: tàu điện ngầm, tàu điện trên cao, … Với sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế nghiên cứu chuyên ngành đường sắt đô thị, việc hoạch định quy hoạch mạng lưới giao thông công cộng khối lượng lớn cho Hà Nội đã được xem xét, nghiên cứu ngay từ những năm 90 thông qua các nghiên cứu chuyên ngành và được lồng ghép, thể hiện trong các đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại các Quyết định số 108/QĐ-TTg ngày 20/6/1998) và Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 90/2008/QĐ-TTg ngày 09/7/2008). Và gần đây nhất là đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011.
Có thể nói, sau khi trải qua nhiều lần nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô, các đồ án  quy hoạch đô thị đều khẳng định tính cấp thiết của việc xây dựng và quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị cũng như đường sắt quốc gia ở thành phố Hà Nội như một giải pháp sống còn trong việc giải quyết ách tắc giao thông của Thủ đô. (Bảng 1)
Trên cơ sở phân tích cấu trúc đô thị, định hướng phân bố dân cư, định hướng phát triển không gian đô thị, kế thừa các nghiên cứu và thực tiễn các Dự án đang triển khai trên địa bàn Thành phố Hà Nội, Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đã Quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị như sau :
– Xây dựng 8 tuyến đường sắt đô thị, kéo dài kết nối với các đô thị vệ tinh, tổng chiều dài khoảng 284,5km.
– Ngoài ra, đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội cũng định hướng sẽ xây dựng hệ thống 6 tuyến kết nối từ nội đô với các điểm đô thị vệ tinh (tuyến số 3, 5, 2A nối dài) loại hình lựa chọn là đường sắt tốc độ cao, vận chuyển khối lượng lớn (MRT) do đáp ứng được nhu cầu vận tải lớn, nhằm đảm bảo kết nối các khu đô thị vệ tinh với đô thị trung tâm với thời gian đi,về khoảng 30 phút.
– Ngoài các tuyến đã được lựa chọn loại hình cụ thể như tuyến 1, 2A, 2, 3, 5, đối với các tuyến đường sắt đô thị trong nội đô còn lại (4, 6, 7, 8) loại hình lựa chọn (MRT hoặc LRT hoặc BRT) sẽ tùy thuộc vào nhu cầu đi lại, khả năng kinh tế kỹ thuật của thành phố.
– Đối với các trục đường có lưu lượng đi lại tương đối lớn (từ 10.000 – 15.000 người/giờ/hướng), mặt cắt ngang hẹp, đường cong tuyến có bán kính nhỏ không thuận tiện cho việc bố trí đường sắt đô thị sẽ xem xét nghiên cứu loại hình monorail.
– Hiện nay, các tuyến đường sắt đô thị: tuyến số 1 Yên Viên – Ngọc Hồi;  tuyến 2A đoạn Cát Linh – Hà Đông; tuyến số 2 đoạn Nam Thăng Long – Thượng Đình và tuyến số 3 đoạn Nhổn – Ga Hà Nội đã và đang thực hiện theo dự án được cấp thẩm quyền phê duyệt. Tuyến số 5 đang được triển khai nghiên cứu lập Dự án.
Về cơ bản, mạng lưới đường sắt đô thị được quy hoạch cho Thủ đô Hà Nội được hình thành phù hợp với mạng lưới đường bộ. Mạng lưới có cấu trúc mô hình dạng hình rẻ quạt có vành đai với các ưu điểm như sau:
 – Các tuyến và ga dày đặc trong trung tâm thành phố nên khả năng đi lại giữa các điểm trong vùng phủ mạng lưới rất cao.
 – Các tuyến đường hướng tâm kéo dài ra khu vực ngoại ô, tạo điều kiện thuận lợi cho mối liên hệ giữa trung tâm và ngoại ô, duy trì sự phát triển và tạo sức sống mới cho trung tâm thành phố. Đồng thời, giúp người dân ngoại ô tiếp cận trung tâm thành phố dễ dàng, thúc đẩy nâng cao mật độ dân cư dọc tuyến, hình thành phân bố dân cư trải dài.
– Môi trường sống ở ngoại ô tốt, cùng với giao thông thuận tiện sẽ cuốn hút một bộ phận dân cư trong thành phố chuyển ra sinh sống ở ngoại ô. Mật độ dân cư trung tâm sẽ được chia sẻ với ngoại ô.
– Đường vành đai bao quanh đô thị lõi của thủ đô có thể cắt luồng hành khách đến đổi tầu ở trung tâm thành phố và dẫn luồng khách đó theo vành đai tới các trục khác. Như vậy có thể giảm được rất nhiều lượng khách vào trung tâm thành phố.
– Khi mật độ dân cư ngoại ô và dọc tuyến đủ cao sẽ hình thành các nhu cầu khác (vui chơi giải trí, nhà hàng, bệnh viện, trường học, trung tâm mua sắm…), điều đó thúc đẩy kinh tế xã hội của thành phố ngày càng phát triển.
Trên đây là một số nét chính về Quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị Thành phố Hà Nội xin cung cấp tới bạn đọc để nhận biết và cùng trao đổi.
KTS Nguyễn Đức Nghĩa