Nhà ở & môi trường ở cho dân nghèo Đô thị trên kênh rạch TP. Hồ Chí Minh

BỐI CẢNH THÀNH PHỐ

Đại hội Đảng bộ TP.HCM nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã chỉ ra mục tiêu tổng quát cho 5 năm tới và cũng là nền tảng cho các nhiệm kỳ sau: “Xây dựng TP.HCM có chất lượng sống tốt – văn minh – hiện đại – nghĩa tình”. Cụ thể hóa mục tiêu tổng quát trên, Đảng bộ TP đã đưa ra 7 chương trình hành động mang tính đột phá, trong đó có chương trình đột phá thứ 7: “Chỉnh trang và phát triển đô thị”. Với tinh thần của Nghị quyết, TP phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành di dời toàn bộ 19.254 căn nhà và tổ chức lại cuộc sống của người dân ven kênh rạch. Trước mắt giai đoạn 2016 – 2020 di dời giải tỏa 9.805 căn nhà và tháo dỡ 120.000m2 căn nhà chung cư hư hỏng, xuống cấp để xây dựng mới 240.000m2 các chung cư mới.

Như vậy, có thể thấy mục tiêu chính và chủ đạo của “chỉnh trang và phát triển đô thị” liên quan chủ yếu đến nhà ở, môi trường ở của người dân. Một thực tế ở các đô thị Việt Nam cũng như các đô thị trên thế giới cho thấy: Quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, trong đó sự chỉnh trang và phát triển đô thị, mang lại nhiều cơ hội phát triển và cũng không ít thách thức, trong chừng mực nào đó có thể xem là tai họa cho một bộ phận dân cư đô thị, chủ yếu là người nghèo, người có thu nhập thấp trong đô thị.

Với chương trình hành động đột phá thứ 7 “chỉnh trang và phát triển đô thị” của giai đoạn 2016 – 2020, TP.HCM tập trung giải quyết di dời giải tỏa nhà ở trên kênh rạch, câu hỏi đặt ra là: “Chương trình di dời và giải tỏa nhà ở trên kênh rạch có gia tăng thêm hạnh phúc cho người dân nghèo đang sống trên kênh rạch hay không?”

BỨC TRANH KHÁI QUÁT VỀ NHÀ Ở – MÔI TRƯỜNG Ở CỦA NGƯỜI DÂN SỐNG TRÊN KÊNH RẠCH TP.HCM

1. Đặc điểm cư trú

TP. HCM có diện tích mặt nước chiếm gần 20% diện tích tự nhiên. Trong đó chủ yếu là sông (dài 317.4km), kênh (dài 119.9km) và rạch lớn nhỏ các loại (dài 546.2km). Với chế độ thủy triều bán nhật, mặt nước ở TP.HCM rất điều hòa và “bình an”. Chính vì vậy, những khoảng trống của mặt nước tự nhiên và khoảng trống của những dải đất hẹp chạy theo ven kênh rạch là địa chỉ hấp dẫn cho người nghèo cư trú tạm hoặc “bám trụ” lâu dài. Mười năm về trước (2005) người nghèo cư trú trên 69 tuyến rộng và kênh rạch có 24.650 căn, đến nay còn lại 19.254 căn. Như vậy, mỗi năm đã giải tỏa di dời theo nghĩa “cơ học” được khoảng 500 căn, tuy rất khiêm tốn nhưng cũng là một tín hiệu rất đáng mừng.

2. Điều kiện sở hữu đất và nhà ở

Hầu hết người nghèo cư trú trên kênh rạch không có quyền sử dụng đất hợp pháp mà chủ yếu là chiếm và sang nhượng là chính. Kết quả khảo sát năm 2005 (10 năm rồi kết quả này vẫn không thay đổi) đối với 895 căn hộ ở trên kênh rạch có đến 82.6% đất ở không có giấy tờ hợp pháp. Tuy nhiên nhà ở của người nghèo lại do chính họ xây dựng, chiếm 86.63%, được xem như một tài sản hợp pháp có sự thừa nhận của chính quyền cấp cơ sở.

3. Điều kiện về cơ sở kỹ thuật hạ tầng khu ở

Nhìn chung cơ sở kỹ thuật hạ tầng tại các cụm quần cư của người nghèo trên kênh rạch rất kém so với mặt bằng tiêu chuẩn của nhà ở đô thị.
Theo báo cáo của Sở Phòng cháy chữa cháy Công an TP, hiện tại TP. HCM còn tồn tại trên 10.000 con hẻm rộng từ 1m đến 3.5m. Trong đó, 2/3 tổng số hẻm nằm ở những khu ven kênh, trên kênh lại có chiều rộng trung bình khiêm tốn hơn, chỉ từ 1,0m đến 1,2m.
Tình trạng cấp điện, cấp nước sạch, xử lý nước thải và vấn đề môi trường đều trong tình trạng “báo động”, không đáp ứng nhu cầu sử dụng tối thiểu của người dân.

4. Kiến trúc ngôi nhà

Kiến trúc ngôi nhà của người nghèo trên kênh rạch được biểu trưng bởi các thuật ngữ: Nhà tạm, nhà lụp xụp, còn được gọi chung là nhà “ổ chuột”. Diện mạo cũng như cấu trúc ngôi nhà hầu hết đã không theo chuẩn mực thông thường về nhà ở đô thị. Một khảo sát được thực hiện năm 2010 đối với 1268 căn nhà trên kênh rạch ở Quận 8, Quận 6, Quận 7 và Huyện Nhà Bè cho kết quả: Nhà kiên cố 8%, nhà bán kiên cố 22%, nhà tạm 37,1% và nhà dưới tạm 32,9%.

NHỮNG GIẢI PHÁP ĐÃ THỰC HIỆN VÀ KẾT QUẢ ĐỐI VỚI NGƯỜI NGHÈO

Sau hơn hai mươi năm triển khai thực hiện chương trình nhà ở cho người nghèo, người có thu nhập thấp, TP. HCM đã thực hiện các giải pháp: Nhà tình thương, nhà tình nghĩa, giải tỏa di dời nhà ở lụp xụp trên kênh rạch, xây dựng chung cư nhiều tầng, cao tầng và một số ít dự án cải tạo nâng cấp tại chỗ đối với nhà ở trong diện quy hoạch. Theo báo cáo, tình trạng vừa di dời vừa tổ chức lại cuộc sống khoảng 30.000 hộ gia đình sống trên kênh và ven kênh rạch tập trung vào 5 tuyến kênh rạch chính là: Tàu Hũ – Bến Nghé, Kênh Đôi – Tẻ, Tân Hóa – Lò Gốm, Nhiêu Lộc – Thị Nghè và Tham Lương – Bến Cát – Rạch nước Lên… Một kết quả ai cũng thấy đó là bộ mặt đô thị đẹp hơn, khang trang hơn và môi trường đô thị tốt hơn. Tuy nhiên, hàng ngàn hộ gia đình “phải” di dời, giải tỏa nay sống ở đâu, đời sống họ thế nào, nhà ở và môi trường của họ có được cải thiện hơn không? – Đó lại là vấn đề ít được xã hội quan tâm và hầu như không có thông tin phản hồi chính thức của chính quyền thành phố.

Một thực tế đáng để chúng ta suy ngẫm: Có 9 dự án nhà ở kiểu chung cư nhiều tầng xây dựng đầu tiên ở Quận Tân Bình, Bình Thạnh, Quận 8 và Gò Vấp cho người nghèo và người có thu nhập thấp trong diện giải tỏa di dời trên kênh rạch – Cả 9 nơi trên đều không trở thành nơi ở của họ. Người nghèo buồn, các chủ đầu tư vui!

Chung cư 18 tầng Rạch Miễu trong chương trình tái định cư tại chỗ cho người dân trong dự án cải tạo nâng cấp cảnh quan hai bờ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè có kết quả cư trú của người nghèo và người thu nhập thấp trong diện giải tỏa như sau: 58% hộ nghèo đăng ký, tỉ lệ này còn lại 22% vào thời điểm nhận nhà và sau 2 năm chỉ còn 15% cư dân thuộc diện nghèo, thu nhập thấp sống ở chung cư cao tầng Rạch Miễu.

Hiện tượng người nghèo, người có thu nhập thấp “chê” chung cư nhiều tầng và cao tầng là một vấn đề xã hội trong lĩnh vực nhà ở, cần được nghiên cứu làm rõ. Một lần nữa xin được nhắc lại: Người nghèo trong diện di dời giải tỏa trên hệ thống kênh rạch ở TP.HCM là rất lớn, họ xứng đáng được hưởng phân chia công bằng từ lợi ích cải tạo chỉnh trang đô thị đem lại. Cần xem lại “cách chia” của nhà chuyên môn và chính quyền đô thị.

Sông, kênh rạch ở TP.HCM đã được làm giảm ô nhiễm

NHỮNG CƠ SỞ PHÂN CHIA CÔNG BẰNG LỢI ÍCH CHO NGƯỜI NGHÈO Ở TRÊN KÊNH RẠCH TỪ CHƯƠNG TRÌNH CHỈNH TRANG PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ

1. Công bằng về quyền lợi hưởng thụ không gian giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên luôn là vấn đề nhạy cảm trong các đồ án quy hoạch đô thị, và càng khó khăn hơn đối với người thực thi quy hoạch, khi bị chi phối bởi nền kinh tế thị trường và trước sức ép về hiệu quả của các nhà đầu tư. Ở TP.HCM, người nghèo đô thị vốn sống chen chúc ở các dải đất hẹp ven kênh rạch và trên các kênh rạch, nhìn chung môi trường sống xuống cấp nghiêm trọng, thiếu cơ sở hạ tầng và thiếu cả khoảng trống cần thiết để hít thở không khí mỗi ngày. Sau khi di dời giải tỏa, chính không gian kênh rạch quen thuộc với họ lại mang lại giá trị rất cao về cảnh quan, môi trường và lợi nhuận phần lớn thuộc về đô thị (hoặc một bộ phận cư dân của đô thị) mà không thuộc về họ. Một cụm từ rất đẹp của dự án thường lập đi lập lại, đó là: “Tạo không gian công cộng, tạo cảnh quan đô thị dành cho cộng đồng”! Bao nhiêu người nghèo đã từng ở đó, được hưởng thụ không gian sau khi dự án hoàn thành? Chưa có số liệu cụ thể, song có thể cảm nhận rất rõ, sau mỗi dự án giải tỏa di dời, nhiều người nghèo (có thể là đa số) đã phải tách khỏi môi trường sống quen thuộc của nhiều thế hệ trong một gia đình.

Hiện tượng khá phổ biến là người nghèo từ các dự án chỉnh trang đô thị “trôi dạt” về định cư tạm bợ ở một số kênh rạch khác, xa trung tâm hơn, ít bị kiểm soát hơn. Song người nghèo không có sự lựa chọn nào khác. Dự án kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè được đánh giá thành công là chương trình di dời giải tỏa đã tạo ra bộ mặt đô thị khang trang, hiện đại. Song tỷ lệ người nghèo tái định cư ở lại trong dự án này là quá thấp cũng là điều đáng phải suy ngẫm.

Quy hoạch đô thị để nhớ về quá khứ, để kết nối giữa thực tại và quá khứ, tôn trọng môi trường sống quen thuộc, tôn trọng mỗi con người tồn tại bình đẳng về hưởng thụ không gian đô thị là một sự công bằng trong đạo lý về tổ chức không gian đô thị, nhất là không gian đối với người nghèo TP.HCM hiện nay. Quy hoạch đô thị TP.HCM hướng đến những giá trị nhân văn, công lý về không gian cho người nghèo không chỉ dừng ở trong tâm thức mỗi người mà phải trở thành hành động trong quy hoạch và thực thi quy hoạch đô thị.

2. Tái định cư tại chỗ cho người nghèo đô thị: Thực hiện chương trình di dời, giải tỏa tái định cư tại chỗ, với mô hình ở thích hợp, cả về giá cả căn hộ, hình thức thanh toán hoặc cải tạo nâng cấp tại chỗ đều là mơ ước của người nghèo đô thị đang sống trên kênh rạch TP.HCM. Hai giải pháp đó giải quyết thỏa đáng của 3 vấn đề cơ bản, cho đô thị và cho người nghèo: Việc làm ổn định, môi trường ở quen thuộc và cảnh quan đô thị được cải tạo nâng cấp (xin đừng đề cập đến các lợi nhuận khác trong các dự án di dời và giải tỏa nhà ở trên kênh rạch).

Quỹ đất của TP.HCM không còn nhiều, trong đó quỹ đất của các chương trình di dời, giải tỏa trên kênh rạch ngày càng ít ỏi hơn, cần được sử dụng một cách tinh tế đối với người nghèo và hiệu quả cảnh quan đối với đô thị. Áp dụng sự công bằng về quyền lợi hưởng thụ không gian, công bằng về hưởng thụ lợi ích của sự cải tạo, chỉnh trang một cách hữu hiệu, rõ ràng, minh bạch là một việc rất khó khăn, đòi hỏi đội ngũ chuyên môn vừa có tâm, vừa có tầm, có bản lĩnh để thay đổi lý thuyết quy hoạch phát triển đô thị, và quan trọng hơn là thay đổi tư duy của chính bản thân mình (những lý thuyết về quy hoạch đô thị hiện đại, khô cứng, trống rỗng vẫn được áp dụng một cách vô cảm)

Một hình ảnh đẹp của Sài Gòn xưa: Khu ở trên bến dưới thuyền đó có thể trở thành ý tưởng mới về bảo tồn ký ức sống của người nghèo đô thị được thực thi ở một số điểm dân cư trên kênh rạch theo hướng hiện đại và văn minh.

3. Ý chí của nhà lãnh đạo trong việc thực thi quy hoạch: Nhà ở và môi trường ở cho người nghèo đô thị đang tồn tại trên hệ thống kênh rạch TP.HCM, vừa lớn về quy mô cư trú, vừa ảnh hưởng nhiều đến chủ trương chính sách liên quan đến phát triển đô thị của thành phố. Với tinh thần mới, phấn đấu vì TP.HCM có chất lượng sống tốt hơn theo xu hướng văn minh, hiện đại, nghĩa tình, chương trình di dời, giải tỏa nhà ở trên kênh rạch thực chất là giải quyết nhà ở, môi trường ở cho một bộ phận dân cư nghèo, hy vọng sẽ được thực thi công bằng giữa quyền lợi của người nghèo và quyền lợi của đô thị. Giải quyết nhà ở cho người nghèo, người có thu nhập thấp trong đô thị nói chung là một trong những thách thức lớn của thành phố trong quá trình phát triển hiện tại cũng như trong tương lai. Chính vì vậy, rất cần ý chí và quyết tâm của tập thể và cá nhân lãnh đạo thực hiện quy hoạch chỉnh trang và phát triển đô thị trong chương trình giải tỏa, di dời nhà ở trên kênh rạch hướng đến những giá trị nhân văn về nhà ở và môi trường ở cho người nghèo đô thị.

 

KTS. PHẠM TÚ

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 7/2017)