Bảo tồn Đình Kim Ngân trong khu phố cổ Hà Nội

   
    Với sự giúp đỡ của các KTS chuyên ngành bảo tồn trong chương trình hợp tác với TP Toulouse (Cộng hòa Pháp), UBND TP Hà Nội đã giao Ban quản lý Phố cổ Hà Nội tiến hành nghiên cứu và triển khai các giải pháp trùng tu  một số di tích trong khu phố cổ. Trong số đó, trùng tu Đình Kim Ngân được coi là dự án tiêu biểu, áp dụng kỹ thuật bảo tồn – tôn tạo chứ không phá bỏ, xây dựng mới. Đình Kim Ngân với giá trị kiến trúc độc đáo, giá trị văn hóa đặc sắc của một làng nghề cổ đã góp phần làm nên vẻ đẹp cổ kính và nét văn hóa đặc trưng của phố Hàng Bạc…
       
Đình Kim Ngân xưa
    Hà Nội khi xưa là địa danh của “61 phường Thăng Long thời Trần, 36 phường của Đông Kinh thời Lê”, là nơi hội tụ tài khéo trăm vùng với những tay nghề thủ công giỏi có tiếng… Những người dân quê lên Hà Nội làm nghề thủ công hoặc buôn bán vẫn rất gắn bó với làng quê gốc – họ mang theo đến kinh thành đức tin, tập tục thờ ông tổ nghề, và từ đó, họ xây lên những ngôi đình làm nơi hội họp, tế lễ – vừa gợi nhớ làng quê, vừa mang đặc trưng của phố nghề truyền thống.
    Di tích Đình Kim Ngân – tên chữ là Kim Ngân Đình Thị (còn gọi là đình dưới) hiện nay thuôc số nhà 42 Hàng Bạc, được người làng Châu Khê (Hải Hưng) xây dựng cùng với Kim Ngân Trương Thị (đình trên – ở số 50 Hàng Bạc, nay đã không còn). Do người dân Châu Khê tụ cư tại Kinh thành ngày càng đông, hai ngôi đình không đủ chỗ để hội họp, họ mua lại đền Nội Miếu ở phố Hàng Giày để làm ngôi đền thờ vọng. Tuy nhiên, ban đầu cả ba nơi này chỉ thờ ông Hiên Viên – ông Tổ Bách Nghệ. Sau này, để biết ơn những người đã giúp dân Châu Khê lập nghiệp tại Kinh thành, đình Kim Ngân thờ thêm Ông Lưu Xuân Tín (Quan Thượng thư thời Lê được giao việc lập xưởng đúc bạc nén, người đã về Châu Khê tuyển thợ làm nghề này) – dân phố còn gọi là Đình Hai ông.
Người ta không biết chính xác thời điểm xây dựng đình Kim Ngân – theo tài liệu viết năm 1825, dân làng đã mua thêm đất để mở rộng đình, số tiền mua là 1900 quan tiền đồng (còn văn tự mua bán lúc bấy giờ). Theo văn bia còn  lại trong đình, ngôi đình đã trải qua nhiều lần trùng tu. Ngày 1/3/1893, Sở công chính Thành phố Hà Nội tiến hành đo đạc, đình Kim Ngân lúc đó có diện tích 560m2 gồm 319m2 nhà một tầng, 9m2 nhà tranh, còn lại là sân 232m2.
Ban đầu, đình là nơi trao đổi, buôn bán bạc nén, hội họp, truyền nghề và tổ chức tế lễ. Thế kỷ XIX, khi Vua Gia Long dời đô vào Huế, việc đúc bạc cũng chuyển theo, đình Kim Ngân chỉ còn là nơi đổi tiền cho đến khi người Pháp sang. Từ năm 1890 – 1952, đình Kim Ngân chỉ còn làm nơi hội họp lớn và giỗ lễ chính vào dịp Xuân Tế (1-12/2 âm lịch), Thu Tế (1-12/8 âm lịch). Trong thời kỳ chiến tranh, đình là nơi dạy chữ quốc ngữ, chống đói, mở hội Tuần lễ vàng đầu tiên của TP; ngoài ra, đây cũng là nơi dạy nghiệp vụ y tá và luyện tập quân sự. Sau năm 1954, nhiều hộ dân đã đến sống ở đình, nhiều phần của di tích bị lấn chiếm, người dân tự ý xây dựng thêm bên trong các khu vực sân trời và ngay trong khuôn viên ngôi đình.

    Xét về giá trị kiến trúc nghệ thuật, di tích đình Kim Ngân là công trình có quy mô tương đối bề thế so với hệ thống các công trình kiến trúc dạng đình trong khu vực phố cổ Hà Nội. Nằm giữa trung tâm của kinh thành Thăng Long xưa – Hà Nội nay, nơi phố phường đông đúc, buôn bán sầm uất, nên cấu trúc ngôi đình và nghệ thuật trang trí chịu nhiều ảnh hưởng của cuộc sống đô thị:  đó là kiểu nhà hẹp bề ngang và phát triển theo chiều sâu (nhà ống). Đình Kim Ngân, về cơ bản vẫn kế thừa và bảo lưu được kiến trúc đình làng, mang phong cách nghệ thuật truyền thống của thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX: có nghi môn, sân, khu đình chính hình chữ Công. Do đất hẹp nên phải làm dãy nhà ngang ở phía sau khu đình chính để thay thế chức năng của nhà dải vũ. Ở tòa đại đình, gian chính giữa sắp đặt hệ thống các bức cửa võng theo tầng lớp, điệp trùng từ ngoài vào trong, tạo ra không gian chốn thâm cung uy nghiêm, lộng lẫy. Những đầu dư chạm lộng kiểu đầu rồng, bộ vì kèo, chồng rường được trang trí ken dầy các chủ đề: Rồng chầu mặt trời, vân mây, văn triện… Các bức cuốn thể hiện tứ linh Long – Ly – Quy – Phượng trên nền vân mây, cỏ cây hoa lá với nét chạm nổi chắc, khỏe, phóng khoáng, song vẫn phảng phất sự mềm mại, thanh thoát của dấu ấn nghệ thuật trang trí thời cuối Lê, đầu Nguyễn. Đình Kim Ngân cũng bảo lưu được một số hiện vật có giá trị như hệ thống cửa võng, ngai thờ, hương án … được thể hiện công phu, tinh xảo….

    Ngay trước thềm Đại Lễ Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, TP đã có kế hoạch trùng tu tôn tạo ngôi đình cổ này. UBND TP Hà Nội đã giao cho Quận Hoàn Kiếm và Ban Quản lý phố cổ Hà Nội là đơn vị thực hiện với sự hỗ trợ kỹ thuật của TP Toulouse (CH Pháp). Khi bắt tay vào nghiên cứu phương án trùng tu, tôn tạo đình Kim Ngân (lúc này ngôi đình đã xuống cấp nghiêm trọng), đầu năm 2009, Ban Quản lý Phố cổ HN đã phải lên kế hoạch giải phóng mặt bằng, di dời 25 hộ dân – 83 nhân khẩu đang sinh sống tại đình sang tạm cư tại Khu Chung cư ngõ 67 Đức Giang, quận Long Biên, Hà Nội.
    Cho đến nay, công cuộc bảo tồn đình Kim Ngân đã sắp hoàn thành, phương án trùng tu áp dụng các nguyên tắc bảo tồn, tu bổ di tích lịch sử với mục tiêu gìn giữ tối đa các chi tiết gốc, áp dụng kỹ thuật truyền thống trong quá trình thi công, các kết cấu gỗ, gạch được giữ nguyên, chỉ làm lại những phần thiếu và hư hỏng. Các chi tiết mới được phân biệt bằng màu sắc, sử dụng những vật liệu truyền thống với kỹ thuật thô sơ…

    Việc nghiên cứu, trùng tu đình Kim Ngân, phố cổ Hàng Bạc cùng một số di tích làng nghề (Đình Trương thị, Đền Châu Khê Vọng Sở, Đình làng các thôn Dũng Hán, Dũng Thọ….) đã cung cấp một phần nào diện mạo xưa kia của phố cổ. Được giới chuyên môn đánh giá cao, Dự án trùng tu đình Kim Ngân không đơn giản chỉ là việc bảo tồn một ngôi đình, mà còn góp phần phục dựng một nguồn tư liệu quý, làm cơ sở để khảo cứu sự hình thành phố cổ Hàng Bạc – một phố nghề, làng nghề (đúc bạc, đổi tiền, nghề kim hoàn của người dân Châu Khê) tại Kinh thành Thăng Long.
Bích Vượng