Vài suy nghĩ về việc trùng tu, tôn tạo di tích trong giai đoạn hiện nay

Có nhiều cách phân loại di tích khác nhau, nhưng nếu để thực hiện công tác trùng tu, tôn tạo nhằm giữ gìn cho hậu thế những di sản của tiền nhân thì tôi sẽ phân loại chúng thành 2 nhóm sau (tất nhiên, cách phân loại này cũng chỉ mang tính tương đối).

Cổng phía Nam thành nhà Mạc sau tu bổ. Ảnh: Nguyễn Sĩ Hùng

– Nhóm 1: Những công trình chỉ còn là chứng tích lịch sử.

Có thể kể ra đây như những di tích cự thạch của người Tiền sử, các phế tích thành cổ (như thành nhà Mạc ở Tuyên Quang, Lạng Sơn), các phế tích chùa – tháp của người Thái, người Lào hiện còn rải rác ở Sơn La, Điện Biên hay hầu hết các phế tích đền tháp Champa (trừ một vài nhóm đền tháp như Po Nagar, Po Klaung Garai vẫn được sử dụng cho nhu cầu tín ngưỡng hiện nay của người dân, dù đã có cải biến nhiều về hình thức sinh hoạt…)v.v…

Nhóm tháp G – Mỹ Sơn – Quảng Nam đã trùng tu xong. Ảnh: Tác giả

Đây là những công trình không còn đáp ứng nhu cầu phục vụ đời sống hiện nay, bởi hầu như chủ nhân ban đầu của nó không còn sử dụng chúng đúng mực đích. Những công trình này chỉ có thể coi như những chứng tích lịch sử của một thời đã qua; nên sẽ thật vô lý nếu đi xây mới một ngôi đền tháp Champa hoặc 1 ngôi chùa của người Thái, Lào, bởi có xây lên thì chủ nhân mới cũng khó mà nhớ/giữ được những kiến thức tôn giáo, tín ngưỡng thủa trước để mà thực hành/sử dụng. Với những công trình này, việc ưu tiên giữ gìn yếu tố gốc, những yếu tố có thể coi như bằng chứng lịch sử phải được đặt lên hàng đầu; chỉ cần thu nhặt những thành phần, cấu kiện cũ của công trình nhưng đã bị rơi vãi để gia cố, tái định vị, giúp ta phần nào hình dung diện mạo vốn có của công trình. Chúng ta có thể dùng các biện pháp khoa học kỹ thuật chuyên môn để loại bỏ tác nhân gây hại (rêu mốc, thực vật) tới bề mặt và kết cấu công trình, nhưng không cần thiết phải xây thêm cho cao, rộng hơn vừa tốn kém kinh phí, giữa chẳng giải quyết được việc gì… (Lại nhớ chuyện tu bổ cổng thành Tuyên Quang trước kia, việc loại bỏ cây xanh bám mọc trên tường thành là đúng, nhưng bỏ tiền để xây dài thêm, cao thêm vài mét tường thành 2 bên cổng là không cần thiết…). Với những di tích thuộc loại này, thậm chí, nếu có ý định xây thêm các công trình phụ trợ để phục vụ cho du khách tới tham quan học tập (như trạm đón tiếp, nhà vệ sinh….) cũng cần phải cân nhắc, tính toán thật kỹ…

Cổng Nam thành nhà Mạc trước và sau khi tu bổ. Ảnh: Nguyễn Sĩ Hùng

– Nhóm 2: Những công trình vẫn đang phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân.

Chùa Thầy – Hà Nội. Ảnh: Tác giả

Đây vừa là di tích, vừa là công trình văn hóa công cộng, chứ không phải dạng bảo tàng, sinh ra chỉ để chiêm ngưỡng và hàng ngày vẫn đáp ứng một lượng khách nhất định tới hành hương, lễ bái (Hầu hết các đình, chùa, đền miếu trong mỗi làng xã đều thuộc nhóm này); nhiều công trình còn là điểm thăm quan, hành hương của du khách khắp nơi, đặc biệt mỗi dịp lễ hội; nhiều công trình (đặc biệt là các ngôi chùa) thậm chí còn là chốn sinh hoạt chung của các tín đồ. Số người sử dụng càng tăng thì nhu cầu có thêm không gian sinh hoạt cũng tăng theo. Đối với những di tích thuộc nhóm này công tác trùng tu, tôn tạo cần phải có ứng xử khác vừa đảm bảo vẫn giữ gìn hồn cốt của công trình, vừa đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người dân trong xã hội hiện nay. Ở những công trình loại này, vấn đề cải tạo, thay thế những cấu kiện, thành phần hư hỏng theo thời gian hay việc xây bổ sung hạng mục phụ trợ là cần thiết và là một nhu cầu tất yếu, thậm chí nó đã, sẽ còn diễn ra. Duy tu, bảo dưỡng kéo dài thường xuyên một công trình cũng sẽ giúp công trình kéo dài tuổi thọ và cũng tránh được sự lãng phí. Một công trình khi hỏng một cây cột, khi mái bị dột một hai chỗ, khi tường bao che bị mốc, bong tróc lớp vôi vữa, nếu được phát hiện, thay thế, sửa chữa ngay sẽ tránh cho công trình khỏi sự xuống cấp nặng dẫn đến sụp đổ hoặc phải đại tu một cách tốn kém…

Tiền tế đình Thổ Hà – Bắc Giang. Ảnh: Tác giả
Hoa văn trang trí mang phong cách nghệ thuật thế kỷ 16 ở Đại bái. Ảnh: Tác giả

Vì liên tục được tu bổ, tôn tạo để phục vụ nhu cầu văn hóa của người dân nên bản thân mỗi hạng mục kiến trúc trong tổng thể công trình (thậm chí là mỗi một thành phần, bộ phận kết cấu trong một công trình) cũng mang những dấu ấn niên đại khác nhau (ví dụ đình Tây Đằng – Ba Vì – Hà Nội, tòa Đại bái được khởi dựng từ giữa thế kỷ 16 nhưng hai dãy Tả – Hữu vu lại là sản phẩm của thời Nguyễn, giữa thế kỷ 19; hay như đình Thổ Hà – Việt Yên, Bắc Giang, cơ bản các thành phần kiến trúc hiện còn của tòa Đại bái là sản phẩm cuối thế kỷ 17 nhưng cũng ở tòa đó còn giữ được những cấu kiện gỗ mang phong cách nghệ thuật thế kỷ 16, hay như chùa Thầy – Quốc Oai – Hà Nội, truyền thuyết ghi khởi dựng từ thế kỷ 11 – 12, di vật hiện còn thì cũng đủ các thời Lý, Trần, Mạc, Hậu Lê nhưng dấu vết kiến trúc trên gỗ cũng chỉ thấy từ thế kỷ 17, nhiều hạng mục như hành lang, nhà tổ, gác chuông, gác trống đề là sản phẩm của thế kỷ 20…v.v…). Lựa chọn trùng tu những hạng mục cũ theo niên đại, phong cách nào cần căn cứ vào kết quả nghiên cứu cụ thể của di tích đó, không có mẫu số chung và cũng không thể đồng quy tất cả về một mốc niên đại được.

Ở những công trình thuộc nhóm này, ngoài nhu cầu tu bổ các hạng mục cũ, trong quá trình tồn tại sẽ nảy sinh thêm nhu cầu xây mới các hạng mục phụ trợ. Có thể kể ra đây 03 hình thức xây mới hạng mục phụ trợ như sau:

+ Xây thêm các hạng mục để bảo vệ các yếu tố gốc, như xây nhà che bia, nhà để đồ tế khí (chuông, khánh, kiệu rước…).

+ Bổ sung những hạng mục còn thiếu nhưng cần thiết để cải thiện, đáp ứng nhu cầu sử dụng, phục vụ các hoạt động phụ trợ, như bổ sung những công trình phục vụ hoạt động tín ngưỡng (xây lầu Quan Âm, lầu Địa Tạng, xây ban thờ Mẫu, ban thờ hậu, tháp Phật…) hoặc phục vụ đời sống sinh hoạt của con người (như nhà khách, trai đường, khu nghỉ ngơi, sinh hoạt…)

+ Khôi phục các thành phần đã bị hủy hoại, mất mát: Trong lịch sử tồn tại, nhiều khi một vài hạng mục công trình bị hư hỏng, phá hủy (do thiên tai hoặc chiến tranh); khi có điều kiện, người ta sẽ tiến hành khôi phục nhằm hoàn chỉnh một tổng thể/ Trong trường hợp này sẽ nảy sinh hai vấn đề: một, phục hồi theo nguyên mẫu cũ khi có đủ tư liệu và hai, không đủ tư liệu để phục nguyên nhưng vẫn tồn tại nhu cầu cần phải có công trình đó. Những hạng mục được khôi phục có thể là Tam quan, Nghi môn, tường bao, bình phong, giếng nước; thậm chí là cả tòa Đại bái, Thượng điện…,v.v.

Chi tiết trang trí ở chân tháp sau khi được tu bổ, khô chế tác thêm những phần đã bị mất. Ảnh: Tác giả

Về vấn đề xây mới các công trình phụ trợ, cả văn bản trong nước và quốc tế liên quan đều đã có những dòng hướng dẫn. Ví dụ như điểm b điều 32 Luật Di sản Văn hóa (bản sửa đổi bổ sung năm 2009): “Khu vực bảo vệ II là vùng bao quanh khu vực bảo vệ I của di tích, có thể xây dựng những công trình phục vụ cho việc phát huy giá trị di tích nhưng không làm ảnh hưởng tới kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên và môi trường – sinh thái của di tích.”, hay như Điều 13 Hiến chương Venice (1964) có ghi: “Các phần xây đắp thêm chỉ được chấp nhận ở mức độ chúng vẫn tôn trọng các bộ phận độc đáo của tòa kiến trúc, khung cảnh truyền thống của kiến trúc, tính cân đối của bố cục kiến trúc và mối quan hệ của kiến trúc với môi trường xung quanh”.

Vấn đề cuối cùng liên quan đến giải pháp công nghệ và vật liệu phục vụ trùng tu, cả Luật Di sản văn hóa, Thông tư hướng dẫn và cả những hiến chương quốc tế đều khuyến khích dùng vật liệu, kỹ thuật truyền thống. Vật liệu và kỹ thuật hiện đại có thể được sử dụng nhưng ở mức hạn chế và phải trên cơ sở nghiên cứu, tính toán kỹ. Xin trích dẫn ra đây 02 văn bản: Điều 4 Hiến chương Burra (1999) ghi: “Các kỹ thuật và chất liệu truyền thống được ưu tiên sử dụng khi bảo tồn. Trong một số trường hợp, kỹ thuật và chất liệu hiện đại có thể thích hợp nếu nó mang lại những lợi ích đáng kể cho việc bảo tồn…

Quyết định số 05/2003/QĐ – BVHTT Về việc ban hành qui chế bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử, văn hoá ra ngày 06/02/2003 cũng ghi: “Việc thay thế bằng kỹ thuật hay chất liệu mới phải được thí nghiệm trước để đảm bảo kết quả chính xác khi áp dụng vào di tích”.

Luật, thông tư hướng dẫn, văn bản trong nước, quốc tế và kể cả những bài học kinh nghiệm cho công tác bảo tồn, trùng tu di tích tuy không thể nói là đã đầy đủ nhưng cũng không quá thiếu để tham khảo và thực thi. Vấn đề là những công trình trùng tu đó cần phải được thực hiện trên cơ sở tuân thủ luật pháp cũng như phải đề ra những giải pháp khoa học, giải pháp kiến trúc công trình phù hợp, mang lại hiệu quả về văn hóa….

Xem thêm: Ứng xử như thế nào với di tích?

Đây chỉ là vài ý kiến cá nhân của tôi, mong được trao đổi thêm.

 

 

TS Tạ Quốc Khánh
Viện Bảo tồn di tích – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch