Bên Hồ Gươm với mười hai điều ước

Nếu như Quận Hoàn Kiếm – Hà Nội được coi là trung tâm của Thủ đô thì  Hồ Gươm được xem như “trái tim” của khu vực này – nơi  tập trung nhiều di tích văn hóa, lịch sử, các công trình kiến trúc cổ, các phố nghề truyền thống và không gian mặt nước, cây xanh quý giá của Thủ đô. Chính vì vậy, xây dựng và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa và không gian công cộng tại Khu vực Hồ Gươm – Quận Hoàn Kiếm đã trở thành nhiệm vụ quan trọng, đáp ứng nhu cầu phát triển chung của toàn xã hội và phù hợp với định hướng phát triển chung của Thành phố với mục tiêu phát triển bền vững, trở thành một Thành phố đáng sống, Thành phố của nơi gặp gỡ cộng đồng.

Đóng góp ý kiến giúp định hướng và phát triển tốt hơn cho không gian công cộng này, KTS Lê Văn Lân đã chia sẻ 12 mong muốn của mình trước khi tiến hành xây dựng và phát huy các công trình lịch sử như Hồ Gươm.

A0927-tckt-01

  1. Với không gian Hồ Gươm, ai cũng nặng lòng, nên nhiều ý kiến. Có khác nhau cũng là dễ hiểu. Mong rằng chúng ta tìm được những tiếng nói chung. Càng kéo dài, càng bất lợi.
  2.  Tưởng tượng, chúng ta đang cùng trong một phòng họp, không quá rộng, có vị trí như vào khoảng giữa Hồ Gươm. Chung quanh tường treo đầy ảnh hiện trạng, kết lại toàn cảnh (panorama) vây kín mặt hồ.
  3.  Còn gì bằng, nếu được người quản lý việc xây dựng quanh Hồ Gươm nhắc lại về những đổi thay trong khoảng 20 năm lại đây, thời gian mà chúng ta có nhiều tranh cãi nhất, cùng với tổng thể mặt bằng Hồ Gươm và phụ cận, có cập nhật đầy đủ hiện trạng và có những dự án giao thông ngầm và nổi khác.
    Hồ Gươm cách đây 20 năm
    Hồ Gươm cách đây 20 năm
  4. Hồ Gươm như đang bé lại dần so với cảm nhận 10 năm về trước. Mạn phía Tây, từ Công an Hàng Trống trở lên, vốn có cái đẹp đặc trưng. Dãy phố từng có một tỷ lệ ấn tượng, với kiến trúc dễ chịu, như đang thầm thì với Hồ, bây giờ đang phai tàn. Về việc này hẳn chúng ta đã có lỗi về giải quyết chiều cao?
  5.  Quanh Hồ Gươm, chẳng phải các công trình đều đẹp. Nhưng hấp dẫn nhất ở đây là cảnh quan, là sự tương xứng giữa không gian và công trình. Trên tất cả là không gian truyền thuyết, không gian đậm sắc văn hóa tâm linh, như luôn gợi trong chúng ta bao hoài niệm. Mỗi công trình như những chứng tích, chúng nằm cạnh nhau, chẳng theo quy tắc gì, như chỉ để góp phần vừa đủ soi bóng mặt hồ, ôm gọn Ngọc Sơn, Thê Húc, Đền Bà Kiệu… và Tháp Rùa, cùng với hàng ngàn cây cổ thụ thay nhau bốn mùa khoe sắc. Người Hà Nội như không quan tâm nhiều đến kiến trúc của từng ngôi nhà, mà trước hết là cảnh quan chung. Chắc cũng vì vậy mà họ chịu đựng được với một vật thể kiến trúc ngô nghê, tưởng như khó thể xấu hơn, là chiếc Bảng đếm giờ bên Đền Bà Kiệu. Cứ đứng đó từ năm 2010, mà mỗi lần đi qua, ai may mắn không trông thấy có người ngoại quốc, kể như cũng được nhẹ nhõm đôi phần. Điều ít quy luật của kiến trúc Hồ Gươm như đã làm khá tốt sứ mệnh cầu nối giữa khu phố Cổ ở phía Bắc và khu phố Tây ở phía Nam.A0927-tckt-03
  6.  Có thể làm gì để mở rộng không gian công cộng quanh Hồ, có thêm những gắn kết và liên hệ, hợp lý với tổ chức đi bộ và giao thông công cộng?
  7.  Có thể tổ chức ở đây những hoạt động gì, lễ hội gì cho phù hợp với quy mô khiêm tốn của Hồ Gươm? Chắc là ít thích hợp cho trưng bày hoa và cây cảnh. Cách hội họp vui chơi trước Tòa Thị Chính vốn là mốt của nhiều đô thị nhỏ Châu Âu cỡ vài chục vạn dân. Hà Nội bây giờ đã khác nhiều!
  8.  Phải cố gắng ở mức có thể, tổ chức dòng người lên xuống ở ga tàu điện ngầm càng xa hồ càng tốt, kiến trúc lối xuống càng nhỏ gọn càng tốt, nếu không lồng ghép được vào một ngôi nhà công cộng nào đó.
  9.  Việc trang trí hoa quanh hồ nên hạn chế các giải pháp bố cục che chắn tầm nhìn. Hoa cần phô cái đẹp tinh tế, có lúc phải e ấp. Chủ yếu hoa nên ở sát mặt đất, mặt cỏ. Không nên trồng trên các bồn đắp cao, dễ nhìn cho nơi này có nghĩa là khó nhìn cho nơi kia. Tránh dùng các tường bằng chậu hoa xếp chữ kéo dài….A0927-tckt-05Tương tự, chiếu sáng và trang trí quanh Hồ nên coi trọng tiêu chí tao nhã, duyên dáng, không quá thiên về rộn ràng sôi động. Cái gì không cần đến chữ viết người ta vẫn hiểu thì thôi không dùng, chữ nhỏ mà đủ đọc, đủ đẹp thì cũng không cần thật to. Dòng chữ Bưu điện Hà Nội to vậy, nào có làm cho thêm oai, thêm sang được đâu. Trong lúc ngôi nhà đã không phù hợp cho lắm về kích thước.A0927-tckt-06
  10.  Đừng xây công trình gì lớn quanh Hồ, nhất là ở phía Bắc. Quy mô nhà Ủy ban nhân dân Thành phố thế đã là tối đa, không để nó phình ra thêm. Phải làm cho Cung thiếu nhi thành nơi vui chơi của các cháu lâu dài, có sự chỉnh trang, chăm sóc hẳn hoi và tôn trọng với xây dựng ban đầu. Dù có xây một Cung thiếu nhi to hơn ở nơi khác thì đây vẫn là cơ sở 2 của Cung ấy, hoặc sẽ là Nhà Văn hóa thiếu nhi cho Quận Hoàn Kiếm.
  11.  Nên tính đến khả năng công cộng hóa không gian phía Tây của hồ, hướng về phía Nhà thờ Lớn khi có điều kiện, cần tính toán thận trọng và trách nhiệm.
  12.  Không gian kiến trúc Hồ Gươm, không phải là một đầu bài để mỗi chúng ta thỏa mãn với những đề xuất cải tạo đột phá. Đơn giản đây là một không gian cần được bảo vệ, giữ gìn cho ngày càng đẹp hơn – Giữ và tôn tạo bằng cách nào mà thôi.

KTS Lê Văn Lân 

© Tạp chí Kiến trúc

——————————————————————————————————————————————————-

HỘI THẢO CHUYÊN ĐỀ :Đặc trưng không gian kiến trúc, văn hóa, lịch sử Hồ Gươm Tạo dựng “Thương hiệu đô thị” của Hà Nội

Hội thảo Đặc trưng không gian kiến trúc, văn hóa, lịch sử Hồ Gươm – Tạo dựng “Thương hiệu đô thị” của Hà Nội nhân dịp Kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2014) nhằm thu thập những ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước đóng góp tại Hội thảo, giúp UBND Thành phố Hà Nội, UBND Quận Hoàn Kiếm hoàn thiện hơn trong việc định hướng, chỉ đạo để sử dụng hiệu quả những khoảng trống trong đô thị, phục vụ cho việc xây dựng và phát triển các không gian xanh, không gian công cộng trong thời gian tới, đảm bảo sự phát triển bền vững của Thủ đô.
Bài biết ” Bên Hồ Gươm với 12 điều ước” của KTS Lê Văn Lân là một trong những bài đóng góp trong Hội thảo này.