Biểu tượng “Cột mốc Km số 0” – Điểm nhấn “Di sản cộng đồng” trong không gian văn hóa Hồ Hoàn Kiếm

Hồ Gươm (ảnh internet)

Vị thế của Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Hồ Hoàn Kiếm – đền Ngọc Sơn trong không gian đô thị Hà Nội nghìn năm văn hiến

Nhà văn nổi tiếng Nguyễn Đình Thi đã khái quát 3 không gian quan trọng vào bậc nhất của thủ đô Hà Nội là “Đây Hồ Gươm – Hồng Hà – Hồ Tây / Đây lắng hồn núi sông ngàn năm”. Và trong tâm thức dân gian, Hồ Gươm từ lâu đã được thừa nhận là một “Não thủy” linh thiêng nhất góp phần tạo nên “hồn núi sông” của cả nước. Còn dưới góc nhìn quy hoạch phát triển đô thị, khu vực Hồ Gươm có thể coi là một ví dụ điển hình hiếm thấy về nghệ thuật tổ chức không gian, cảnh quan đô thị trong đó các yếu tố: Thiên nhiên, kiến trúc nghệ thuật và con người có sự gắn bó mật thiết trong suốt chiều dài lịch sử tồn tại và phát triển. Vì thế, không gian văn hóa ở khu vực Hồ Gươm từ lâu đã trở thành biểu tượng tinh thần vô giá của cư dân Hà Nội và cả nước.

Khu vực Hồ Gươm đóng vai trò là không gian kết nối và chuyển tiếp “mềm” và “uyển chuyển” giữa khu phố cổ, một trong 3 bộ phận cấu thành quan trọng của Thăng Long – Đông Đô xưa: Hàng Ngang, Hàng Đào, Cầu Gỗ, Lương Văn Can, Lò Sũ và khu phố Tây; Bảo Khánh, Nhà Thờ, Tràng Thi, Hàng Bài, Đinh Tiên Hoàng, Tràng Tiền, Hàng Khay, Bà Triệu.

Trước hết, khu vực Hồ Gươm có sức hấp dẫn bởi ở đó đang lưu giữ và liên tục bổ sung các yếu tố tạo nên một cảnh quan sinh thái nhân văn hiếm thấy với những gốc cây cổ thụ bốn mùa huyền ảo soi bóng Hồ Gươm và tỏa mát cả 1 vùng vi khí hậu cho cộng đồng cư dân xung quanh và du khách.

Hồ Gươm mang chức năng của một không gian văn hóa công cộng đặc thù, bởi ở đây chứa chất biết bao câu chuyện huyền tích lịch sử thiêng liêng với khát vọng ngàn đời của người Việt Nam là hòa bình và độc lập. Cũng ở nơi này hàng năm, người dân Thủ đô được tham gia và chứng kiến rất nhiều sự kiện lịch sử, văn hóa quan trọng của Hà Nội và cả nước đặc biệt là vào các dịp lễ tết.

Điều đặc biệt nữa , khu vực Hồ Gươm còn bao chứa trong lòng nó “một hệ thống” các không gian văn hóa đa dạng và cuốn hút khác như Đảo Rùa – Tháp Rùa, Đảo Ngọc – đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu linh thiêng, trầm mặc, cổ kính, cầu Thê Húc cong cong đón ánh nắng ban mai, Tháp Bút viết thơ lên trời xanh, tháp Hòa Phong, hai khu vực tượng đài lưu niệm Vua Lý Thái Tổ và Lê Thái Tổ. Đây chính là yếu tố tạo nên sức hấp dẫn và sức sống cho “phố đi bộ” vào những ngày cuối tuần của quận Hoàn Kiếm, một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa và chính trị của Thủ Đô. Có thể khẳng định mỗi “tiểu không gian – Văn hóa” trong khu vực Hồ Gươm góp phần tạo ra “một hệ thống đa sắc màu” các biểu tượng văn hóa mà Hà Nội và quận Hoàn Kiếm may mắn được kế thừa. Đó là giá trị “quý và hiếm” có một không hai mà các tỉnh, thành phố khác khó mà có được.

Tóm lại không gian Văn hóa – tâm linh khu vực hồ Hoàn Kiếm không chỉ là điểm hẹn, điểm đến, điểm định vị trong mặt bằng tổng thể của một đô thị di sản có bề dày lịch sử vừa hiện đại, vừa sôi động , đông đúc mà còn là nơi gắn kết con người, là tình yêu ,là niềm tự hào của người Hà Nội và cả nước. Khu vực Hồ Gươm nơi gặp gỡ của quá khứ với hiện đại , là gạch nối giữa hôm nay và mai sau. Đây là nơi ngưng tụ dường như tất cả những tính túy của thành phố anh hùng ngàn năm văn hiến, thành phố của khát vọng hòa bình và thành phố sáng tạo trên toàn thế giới.

Cột mốc Km 0 – Biểu tượng văn hóa mới góp phần bảo tồn, tôn tạo và gia tăng giá trị của không gian kiến trúc – văn hóa – lịch sử hồ Hoàn Kiếm

Biểu tượng văn hóa được hiểu là một hình tượng nghệ thuật có khả năng truyền cảm xúc, đồng thời còn khái quát hóa được bản chất của một sự vật, hiện tượng trong tự nhiên và xã hội. Biểu tượng văn hóa bao giờ cũng hàm chứa 3 bộ phận cấu thành quan trọng là: Vật mang/chuyển tải biểu tượng là yếu tố hiện hữu, nhìn thấy được, có khả năng gợi mở cảm xúc, kích hoạt tư duy liên tưởng và sáng tạo, tiếp theo là yếu tố văn hóa phi vật thể, cải được biểu hiện qua hình tượng nghệ thuật; và cuối cùng là không gian cảnh quan kiến trúc đô thị, nơi được lựa chọn để đặt biểu tượng.

Tôi cho rằng, việc xây dựng biểu tượng văn hóa cột mốc Km 0 trong một không gian văn hóa điển hình vừa linh thiêng, hấp dẫn với cả một hệ thống biểu tượng văn hóa đa sắc màu đang hiện hữu xung quanh Hồ Gươm là một nhiệm vụ không hề đơn giản, mà ngược lại, còn vô cùng phức tạp. Chắc chắn nó sẽ phải chịu áp lực về mặt xã hội vô cùng lớn từ nhiều tầng lớp cư dân – những người có thừa sự hiểu biết và tình yêu dành cho Khu di tích Quốc gia đặc biệt này nhưng lại không hề ít những quan điểm tiếp cận đa chiều và đa ngành rất khác nhau . Nếu căn cứ vào yêu cầu thiết kế do ban tổ chức đặt ra: Là một công trình đặc biệt thể hiện chỉ dấu địa lý có tính biểu tượng cao, vừa hiện đại, vừa thể hiện bản sắc văn hóa, lịch sử Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến.

  • Công trình là một tác phẩm nghệ thuật công cộng hài hòa với không gian cảnh quan hồ Hoàn Kiếm và là một điểm đến không thể thiếu trong hành trình tham quan thủ đô Hà Nội;
  • Chất liệu bền vững và dễ thi công .

Ngoài ra , biểu tượng cột mốc Km 0 còn phải góp phần làm gia tăng giá trị khu di tích quốc gia đặc biệt đền Ngọc Sơn – Hồ Hoàn Kiếm với tư cách một “điểm nhấn mới” bổ sung vào không gian Hồ Gươm cũng như góp phần vào việc tổ chức không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận như mục tiêu cụ thể đặt ra trong “Dự án xây dựng, cải tạo trong khu vực xung quan hồ Hoàn Kiếm” đã được phê duyệt với nguyên tắc chung là:

  • Tạo không gian kiến trúc, cảnh quan, môi trường đẹp, văn minh, hiện đại;
  • Không làm ảnh hưởng tới kiến trúc, kết cấu các công trình xung quan khu vực thực hiện cải tạo nâng cấp;
  • Đảm bảo giữ nguyên bố cục mặt bằng không gian kiến trúc;
  • Không làm ảnh hưởng đến hệ thống kỹ thuật và hoạt động của công trình;
  • Sử dụng vật liệu, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến hiện đại, đảm bảo tính bền vững về tính năng sử dụng và bền vững với tác động môi trường;

Từ những mục tiêu, yêu cầu và nguyên tắc nêu ở trên, tôi nghĩ, khó có một ý tưởng nào đủ khả năng dung nạp hết. Ngay cả hệ thống biểu tượng văn hóa hiện có trong không gian hồ Hoàn Kiếm cũng không thể thỏa mãn hết được hết các yêu cầu trên.. Theo suy nghĩ của tôi , nếu nhóm tác giả tư vấn nào tham gia cuộc thi này chỉ cần đưa ra được một ý tưởng sáng tạo mới, khác lạ, bổ sung làm hoàn chỉnh thêm hệ thống biểu tượng đang có tại khu vực hồ Hoàn Kiếm cũng là rất đáng trân trọng.

Theo quan điểm hiện đại về bảo tồn di sản văn hóa là cần phải sử dụng và phát triển các giá trị văn hóa kết tinh trong không gian khu di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm – đền Ngọc Sơn để tạo ra những biểu tượng mới cho đô thị theo nghĩa đánh thức di sản từ quá khứ , sáng tạo giá trị mới vào quá trình phát triển của thành phố di sản Hà Nội. Tuy nhiên sự sáng tạo đó phải bảo đảm cho quá trình bảo tồn và phát triển có sự gắn kết và hài hòa mà không hề làm hao mòn bản sắc vốn có của một “thành phố sông hồ”, như Hà Nội.

Ta biết, Hà Nội được vinh danh là thành phố văn hiến, anh hùng, hòa bình và sáng tạo. Trong lòng thành phố di sản này đang tồn tại và dần hoàn chỉnh hệ thống các “không gian sáng tạo”, trong đó các di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt và khu vực hồ Hoàn Kiến là những “không gian sáng tạo” mang tính đặc thù vì chúng hàm chứa các thông điệp văn hóa, các bài học kinh nghiệm lịch sử quý báu từ nhiều thế hệ tiền bối.

Từ quan điểm tiếp cận nêu trên, tôi nghĩ biểu tượng cột mốc Km 0 phải trở thành một “điểm kết nối sáng tạo” ở khu vực Hồ Gươm – Câu hỏi đặt ra là cột mốc Km 0 sẽ được gợi mở, liên tưởng với các không gian nào, cột mốc nào để có thẻ thực hiện chức năng là 1 chỉ dẫn địa lý có tính biểu tượng cao?

Trên thế giới hiện nay đang tồn tại hai khái niệm, hai thuật ngữ chuyên ngành rất đặc thù là “di sản cộng đồng” và “bảo tàng ý niệm” với mục tiêu đưa các giá trị di sản đến với cộng đồng và thu hút nguồn lực của cộng đồng “ý tưởng sáng tạo, công sức và nguồn kinh phí” cho hoạt động bảo tồn di sản văn hóa. Đặc biệt là khái niệm “Bảo tàng ý niệm” | suy tưởng để gợi mở, trải nghiệm,khám phá, đối thoại, giao tiếp giữa cộng đồng với nhau nhằm tạo ra cảm xúc, kích hoạt tư duy sáng tạo mới . Do đó biểu tượng cột mốc Km 0 phải góp phần thức tỉnh giá trị văn hóa đặc trưng nhất của Việt Nam là tinh thần độc lập dân tộc và ý thức bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ quốc gia (đất liền – biển đảo – trên không phận đất nước). Cột mốc Km 0 là vật mang biểu tượng dưới hình thức một tác phẩm nghệ thuật cần được hỗ trợ bởi hệ thống các thành tựu kỹ thuạt hiện đại (âm thanh, ánh sáng, màu sắc cũng như kỹ thuật số), thậm chí là hệ thống các “không gian hiện thực ảo” bằng kỹ thuật số để có thể kết nối với các cột mốc biên giới Đông – Tây – Nam – Bắc ( Sa Vĩ, cột cờ Lũng Cú,mũi Điện, mũi Cà Mau, ngã 3 Đông Dương) hoặc là kết nối với các dấu mốc lịch sử chống giặc ngoại xâm dành lại độc lập dân tộc , các địa điểm diễn ra những trận quyết chiến – chiến lược (Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, Điện Biên Phủ, Chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng…) Rộng ra nữa là sự kết nối với thủ phủ các tỉnh thành phố trong cả nước và thủ đô các nước bè bạn 5 châu. Đây cũng là điểm kích thích những “ý niệm” mới mà các nhóm du khách có thể tự sáng tạo ra hoặc đề xuất với Ban quản lý Phố Cổ tạo cơ sở dữ liệu và kỹ thuật giúp họ tự thỏa mãn nhu cầu thưởng ngoạn hoặc tự khám phá của mình. Có lẽ đây sẽ là một gợi ý tạo ra sự mới mẻ và khác biệt cho nội dung biểu tượng cột mốc Km 0 tại không gian văn hóa linh thiêng Hồ Gươm để nó xứng danh là nơi “lắng hồn núi sông ngàn năm” mà cố nhà văn Nguyễn Đình Thi đã khẳng định.

Như thế, cùng với không gian văn hóa công cộng Hồ Gươm, biểu tượng cột mốc Km 0 sẽ tạo nên một “bảo tàng ý niệm” rất sáng tạo, hấp dẫn đầy chất gợi mở thỏa mãn nhu cầu sáng tạo của đông đảo du khách trong nước và nước ngoài.

PGS.TS.Đặng Văn Bài
Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam
© Tạp chí kiến trúc