Cấp bách liên kết đô thị

Được xem là một sự lựa chọn tiềm năng, liên kết chuỗi đô thị (hay còn gọi là đô thị vệ tinh) là mô hình hợp tác giữa các đô thị để tận dụng tối đa những lợi thế của nhau. Các quốc gia châu Âu được xem là những nước áp dụng thành công xu thế này. 

Vào năm 1817, với tác phẩm "Nguyên lý của kinh tế chính trị và thuế khóa", David Ricardo đã đề cập đến thuật ngữ "Lợi thế so sánh".Theo đó, ông đề ra quy luật: Mỗi quốc gia nên chuyên môn hóa vào sản xuất và xuất khẩu sản phẩm mà quốc gia đó có lợi thế so sánh, và nhập khẩu mà quốc gia đó không có lợi thế so sánh. Bằng việc chuyên môn hóa này, mỗi nước đều tối đa hóa lợi ích từ trao đổi buôn bán.  

Vào giữa thế kỷ XX, ứng dụng tư tưởng của Ricardo vào đô thị, thuật ngữ "hợp tác liên đô thị” đã manh nha ra đời tại một số nước châu Âu (Pháp, Đức, Áo, Thụy Điển…). Đến những năm 1990, mô hình này được hợp thức hóa bằng các đạo luật và nhân rộng ở châu Âu và Mỹ. 

Tuy nhiên, để được phổ biến rộng rãi, trước đó, đô thị liên kết đã vấp phải nhiều tranh cãi mà mô hình này mang lại. Những người phản đối cho rằng, kiểm soát một thành phố đơn lẻ hiệu quả hơn là một nhóm thành phố. 

Ngược lại, phe ủng hộ nhấn mạnh, liên kết sẽ tận dụng được tối đa lợi thế so sánh của mỗi thành phố, từ đó san sẻ được gánh nặng cho nhau và thu về lợi ích tối đa, rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa các thành phố.

Xét về mặt địa lý, các thành phố láng giềng có quan hệ với thành phố trung tâm về sông ngòi, đường giao thông… Giả sử một thành phố gây ra ô nhiễm nước và không khí, thì cư dân các vùng lân cận đều bị ảnh hưởng. Từ đó, sự liên kết đô thị còn ảnh hưởng đến các khía cạnh kinh tế, xã hội một cách tự nhiên mà ranh giới hành chính không thể ngăn cản được.

Cản trở lớn nhất nằm ở cơ chế vận hành mà đặc biệt là yếu tố chính trị. Hợp tác đặt ra nhu cầu về vai trò của bộ phận lãnh đạo để dung hòa được sự chênh lệch giữa đô thị trung tâm và đô thị vệ tinh, đảm bảo tận dụng được lợi thế so sánh của tất cả thành viên trong chuỗi đô thị liên kết.

Phân tích khó khăn trên, các nước châu Âu đã xây dựng một cơ chế pháp lý, quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của đô thị thành viên, từ đó giải quyết được nguy cơ chồng chéo bộ máy quản lý, tiến đến thành lập một cơ quan hợp tác liên đô thị.

Pháp là một ví dụ điển hình. Vào 6/2/1992, đạo luật về đô thị liên kết đã ra đời và được bổ sung vào 12/7/1999 nhằm đơn giản hóa cách thức hợp tác trong nhóm đô thị liên kết. Trong đó xây dựng bộ máy đứng đầu là hội đồng quản trị được bầu từ lãnh đạo của các thành phố thành viên phân theo 14 lĩnh vực (năng lượng, môi trường, kinh tế, pháp luật, thuế…) với số lượng tối đa bằng 50% tổng vị trí đối với mỗi thành phố.

Bên cạnh đó, các công cụ nâng cao hiệu quả quản lý của chính quyền đô thị cũng được áp dụng như: chính phủ điện tử, hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, ủy ban quản lý địa giới hành chính đi đôi với nỗ lực phát triển của mỗi thành viên. Bằng cách này, các đô thị vẫn giữ được thẩm quyền riêng biệt cũng như tận dụng được sự hợp tác để giải quyết một vấn đề chung nào đó.

Kết quả là Paris và khu vực lân cận thuộc vùng Ile de France dù tập trung được 20% nguồn nhân lực nhưng vẫn đảm bảo được diện tích phân bố dân cư phù hợp, tránh được sự quá tải cho Paris, từ đó đem lại cơ hội phát triển kinh tế, rút ngắn sự chênh lệch giữa các khu vực.

Theo trang thông tin về đô thị liên kết thuộc Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDC), có 14 bước chia làm 4 giai đoạn để áp dụng mô hình này. Theo đó, sau khi đã xác định cụ thể cơ hội, thách thức và các thành viên thuộc đô thị liên kết, cần phải phân tích các quy định pháp luật hiện hành. 

Bởi lẽ, nghiên cứu này sẽ hướng đến bổ sung những điểm còn thiếu trong vấn đề pháp lý, làm cơ sở quyết định phương cách hợp tác và quản lý các đô thị thành viên. 

Khi đó, quá trình thảo luận để xây dựng ban quản lý chung sẽ bắt đầu, đặc biệt chú trọng lĩnh vực tài chính, song hành với sự cải thiện năng lực cá nhân của mỗi thành viên. Cuối cùng là quá trình theo dõi, đánh giá đề kịp thời sửa chữa những thiếu sót. 

Ở Việt Nam với sự chênh lệch nguồn lực giữa các địa phương ở Việt Nam, với sự "bội thực" về dân số ở các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội…, sức ép về cơ sở hạ tầng, môi trường, an sinh xã hội ngày càng nặng nề, càng đòi hỏi sự liên kết đô thị. 

Với 4 vùng kinh tế trọng điểm (phía Bắc, miền Trung, phía Nam và đồng bằng sông Cửu Long) đã đóng góp những cơ hội đầu tư, phát triển kinh tế, tuy nhiên, để thực hiện thành công mô hình chuỗi đô thị liên kết, vẫn còn nhiều yêu cầu đặt ra, mà trước tiên là hướng tới việc xây dựng cơ sở pháp lý cho mô hình "nhất tiễn song điêu" này. 

Thiên Thuận – Vân Anh